Thông tư 121/TT-BTC 2020 hoạt động của công ty chứng khoán

Bộ Tài chính ban hành Thông tư 121/TT-BTC ngày 31/12/2020 quy định về hoạt động của công ty chứng khoán.

Theo đó, công ty chứng khoán khi xây dựng Điều lệ công ty ngoài việc tuân thủ các quy định của Thông tư 121 phải thực hiện theo nguyên tắc sau:

(1) Điều lệ công ty chứng khoán không được trái với quy định của Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp.

(2) Công ty chứng khoán là công ty đại chúng căn cứ quy định của Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Thông tư 121 để xây dựng Điều lệ công ty.

Công ty chứng khoán phải tham chiếu Điều lệ mẫu áp dụng đối với công ty đại chúng theo quy định của pháp luật về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng khi xây dựng Điều lệ công ty.

(3) Công ty chứng khoán là công ty cổ phần chưa đại chúng, công ty chứng khoán là công ty trách nhiệm hữu hạn khi xây dựng Điều lệ phải phù hợp với các quy định của Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp.

(4) Công ty chứng khoán khi xây dựng Điều lệ công ty phải tham chiếu (2), (3).

Nội dung Thông tư 121 2020 BTC

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 121/TT-BTC

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2020

THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TY CHỨNG KHOÁN

Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 26 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về hoạt động của công ty chứng khoán.

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về hoạt động của công ty chứng khoán tại Việt Nam gồm:

a) Hoạt động quản trị, điều hành công ty chứng khoán;

b) Hoạt động nghiệp vụ của công ty chứng khoán;

c) Quy định về tài chính áp dụng đối với công ty chứng khoán;

d) Chế độ báo cáo.

2. Đối tượng á­p dụng

a) Công ty chứng khoán;

b) Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động của công ty chứng khoán.

Điều 2. Giải thích thuật ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công ty chứng khoán là doanh nghiệp được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép thực hiện một, một số nghiệp vụ theo quy định tại Khoản 1 Điều 72, các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 86 Luật Chứng khoán.

2. Hồ sơ hợp lệ là hồ sơ có đủ giấy tờ theo quy định của Thông tư này, có nội dung được kê khai đầy đủ theo quy định của pháp luật.

3. Vốn lưu động là hiệu số giữa tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn tại cùng thời điểm tính toán.

4. Cho vay là hình thức theo đó công ty chứng khoán giao hoặc cam kết giao cho bên nhận hoặc bên sử dụng một khoản tiền, tài sản, chứng khoán trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và có thể có lãi hoặc không.

5. Tổ chức lại công ty chứng khoán là việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp và chỉ được thực hiện giữa các công ty chứng khoán.

Chương II. HOẠT ĐỘNG QUẢN TRỊ, ĐIỀU HÀNH CÔNG TY CHỨNG KHOÁN

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động quản trị, điều hành công ty chứng khoán

1. Công ty chứng khoán phải tuân thủ các quy định của Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Điều lệ công ty và các quy định khác của pháp luật có liên quan về quản trị công ty.

2. Công ty chứng khoán phải phân định rõ trách nhiệm giữa Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban Giám đốc phù hợp với Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Công ty chứng khoán phải thiết lập hệ thống thông tin liên lạc với các cổ đông, thành viên để đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ và đối xử công bằng giữa các cổ đông, giữa các thành viên, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông, của thành viên.

4. Công ty chứng khoán phải thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro và giám sát, ngăn ngừa những xung đột lợi ích trong nội bộ công ty và trong giao dịch với người có liên quan.

5. Công ty chứng khoán phải bảo đảm nhân viên làm việc tại bộ phận nghiệp vụ phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp với nghiệp vụ thực hiện theo quy định của pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động nghiệp vụ của công ty chứng khoán

Công ty chứng khoán khi thực hiện hoạt động nghiệp vụ phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

1. Phải ban hành các quy trình hoạt động cho các nghiệp vụ.

2. Phải ban hành quy tắc đạo đức hành nghề.

3. Công ty chứng khoán, nhân viên công ty chứng khoán không được thực hiện đầu tư thay cho khách hàng trừ trường hợp ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân theo quy định tại Điều 19 Thông tư này.

4. Có trách nhiệm trung thực với khách hàng, không được xâm phạm tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của khách hàng. Thực hiện quản lý tách biệt tài sản của từng khách hàng, tách biệt tài sản của khách hàng với tài sản của công ty chứng khoán.

5. Có trách nhiệm ký hợp đồng với khách hàng khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng; cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin cho khách hàng.

6. Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, công ty chứng khoán khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng không được trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện các hành vi sau:

a) Quyết định đầu tư chứng khoán thay cho khách hàng;

b) Thỏa thuận với khách hàng để chia sẻ lợi nhuận hoặc lỗ;

c) Quảng cáo, tuyên bố rằng nội dung, hiệu quả, hoặc các phương pháp phân tích chứng khoán của mình có giá trị cao hơn của công ty chứng khoán khác;

d) Có hành vi cung cấp thông tin sai sự thật để dụ dỗ hay mời gọi khách hàng mua bán một loại chứng khoán nào đó;

đ) Cung cấp thông tin sai lệch, gian lận, hoặc gây hiểu nhầm cho khách hàng;

e) Các hành vi khác trái với quy định của pháp luật.

7. Thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thống kê, nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

8. Thực hiện công bố thông tin và báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác theo quy định của pháp luật.

9. Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu dự phòng để bảo đảm hoạt động an toàn và liên tục.

10. Thực hiện giám sát giao dịch chứng khoán theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

11. Công ty chứng khoán phải thiết lập một bộ phận chuyên trách chịu trách nhiệm thông tin liên lạc với khách hàng và giải quyết các thắc mắc, khiếu nại của khách hàng.

12. Thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật chứng khoán và pháp luật có liên quan.

Điều 5. Điều lệ công ty chứng khoán

Công ty chứng khoán khi xây dựng Điều lệ công ty ngoài việc tuân thủ các quy định của Thông tư này phải thực hiện theo nguyên tắc sau:

1. Điều lệ công ty chứng khoán không được trái với quy định của Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp.

2. Công ty chứng khoán là công ty đại chúng căn cứ quy định của Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Thông tư này để xây dựng Điều lệ công ty. Công ty chứng khoán phải tham chiếu Điều lệ mẫu áp dụng đối với công ty đại chúng theo quy định của pháp luật về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng khi xây dựng Điều lệ công ty.

3. Công ty chứng khoán là công ty cổ phần chưa đại chúng, công ty chứng khoán là công ty trách nhiệm hữu hạn khi xây dựng Điều lệ phải phù hợp với các quy định của Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp.

4. Công ty chứng khoán khi xây dựng Điều lệ công ty phải tham chiếu Khoản 2, 3 Điều này. Ngoài ra phải quy định cụ thể các nội dung dưới đây trong Điều lệ công ty:

a) Mạng lưới hoạt động;

b) Phạm vi hoạt động kinh doanh;

c) Nguyên tắc hoạt động;

d) Thông tin về Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán;

đ) Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, tiêu chuẩn thành viên Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên;

e) Ban Tổng Giám đốc (Ban Giám đốc), tiêu chuẩn thành viên Ban Tổng Giám đốc (Ban Giám đốc); Ban kiểm soát nội bộ, tiêu chuẩn thành viên Ban kiểm soát nội bộ;

g) Ủy ban kiểm toán, tiêu chuẩn thành viên Ủy ban kiểm toán;

h) Ngăn ngừa xung đột lợi ích;

i) Tổ chức lại công ty chứng khoán: chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi loại hình công ty chứng khoán.

5. Công ty chứng khoán phải đăng tải toàn bộ Điều lệ công ty trên trang thông tin điện tử chính thức của công ty chứng khoán.

Điều 6. Cổ đông, thành viên

1. Cổ đông, thành viên góp vốn của công ty chứng khoán phải đảm bảo tuân thủ quy định tại Điểm c, d Khoản 2 Điều 74 Luật Chứng khoán.

2. Cổ đông, thành viên góp vốn sở hữu từ 10% trở lên vốn điều lệ của công ty chứng khoán không được lợi dụng ưu thế của mình gây tổn hại đến quyền và lợi ích của công ty và các cổ đông khác, thành viên khác.

3. Cổ đông, thành viên góp vốn sở hữu từ 10% trở lên vốn điều lệ của công ty chứng khoán phải thông báo đầy đủ cho công ty chứng khoán trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được thông tin, đối với các trường hợp sau:

a) Số cổ phần hoặc phần vốn góp bị phong tỏa, cầm cố hoặc bị xử lý theo quyết định của tòa án;

b) Cổ đông, thành viên là tổ chức quyết định thay đổi tên hoặc chia, tách, giải thể, phá sản.

4. Công ty chứng khoán phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cổ đông, thành viên.

Điều 7. Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu công ty

1. Công ty chứng khoán phải xây dựng quy trình nội bộ về thủ tục, trình tự triệu tập và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên và phải được Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên thông qua.

2. Công ty chứng khoán là công ty cổ phần phải tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên trong thời hạn 04 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trường hợp không tổ chức được theo thời hạn nêu trên, công ty chứng khoán phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do và phải tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên trong thời hạn 02 tháng tiếp theo.

3. Công ty chứng khoán là công ty đại chúng thực hiện công bố thông tin về quyết định của Đại hội đồng cổ đông theo quy định của pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán về công bố thông tin.

4. Công ty chứng khoán phải báo cáo kết quả họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu kèm theo nghị quyết và các tài liệu liên quan cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu.

5. Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu công ty chứng khoán thông qua tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính, báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính. Trong cùng năm tài chính, công ty chứng khoán không được thay đổi tổ chức kiểm toán được chấp thuận, trừ trường hợp công ty mẹ thay đổi tổ chức kiểm toán được chấp thuận hoặc tổ chức kiểm toán được chấp thuận bị đình chỉ hoặc bị hủy bỏ tư cách được chấp thuận kiểm toán.

Điều 8. Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên

1. Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên của công ty chứng khoán không được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của công ty chứng khoán khác.

2. Chức năng, nhiệm vụ và các nội dung ủy quyền cho Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, từng thành viên Hội đồng quản trị, từng thành viên Hội đồng thành viên phải được quy định tại Điều lệ công ty.

3. Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên phải xây dựng quy trình nội bộ về thủ tục, trình tự triệu tập và biểu quyết tại cuộc họp Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên.

4. Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên phải thiết lập các bộ phận hoặc cử người thực hiện nhiệm vụ quản trị rủi ro theo quy định tại Điều 11 Thông tư này và nhiệm vụ kiểm soát nội bộ theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.

Điều 9. Ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ

1. Công ty chứng khoán hoạt động theo mô hình quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp phải đảm bảo thực hiện các quy định dưới đây:

a) Trưởng Ban kiểm soát của công ty chứng khoán không được đồng thời là thành viên Ban kiểm soát hoặc người quản lý của công ty chứng khoán khác;

b) Ban kiểm soát phải xây dựng quy trình kiểm soát và phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng thành viên thông qua;

c) Đối với Ban kiểm soát có từ 02 thành viên trở lên, Ban kiểm soát phải họp tối thiểu 02 lần trong một năm. Biên bản họp phải được ghi chép trung thực, đầy đủ nội dung họp và phải được lưu giữ theo quy định;

d) Khi phát hiện có thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban Tổng Giám đốc (Ban Giám đốc) vi phạm pháp luật, Điều lệ công ty, dẫn đến xâm phạm quyền và lợi ích của công ty, cổ đông, Chủ sở hữu hoặc khách hàng, Ban kiểm soát có trách nhiệm yêu cầu giải trình trong thời gian nhất định hoặc đề nghị triệu tập Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu để giải quyết. Đối với các vi phạm pháp luật, Ban kiểm soát phải báo cáo bằng văn bản cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện vi phạm.

2. Công ty chứng khoán hoạt động theo mô hình quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp phải đảm bảo thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ các quy định dưới đây:

a) Đánh giá độc lập về sự phù hợp và tuân thủ các chính sách pháp luật, Điều lệ, các quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Chủ sở hữu, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên;

b) Kiểm tra, xem xét và đánh giá sự đầy đủ, hiệu quả và hiệu lực của hệ thống kiểm soát nội bộ trực thuộc Ban Tổng Giám đốc (Ban Giám đốc) nhằm hoàn thiện hệ thống này;

c) Đánh giá việc tuân thủ của hoạt động kinh doanh đối với các chính sách và quy trình nội bộ;

d) Tham mưu thiết lập các chính sách và quy trình nội bộ;

đ) Đánh giá việc tuân thủ các quy định pháp luật, kiểm soát các biện pháp đảm bảo an toàn tài sản;

e) Đánh giá kiểm toán nội bộ thông qua thông tin tài chính và thông qua quá trình kinh doanh;

g) Đánh giá quy trình xác định, đánh giá và quản lý rủi ro kinh doanh;

h) Đánh giá hiệu quả của các hoạt động;

i) Đánh giá việc tuân thủ các cam kết trong hợp đồng;

k) Thực hiện kiểm soát hệ thống công nghệ thông tin;

l) Điều tra các vi phạm trong nội bộ công ty chứng khoán;

m) Thực hiện kiểm toán nội bộ công ty chứng khoán và các công ty con của công ty chứng khoán.

3. Hoạt động kiểm toán nội bộ phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

a) Tính độc lập: bộ phận kiểm toán nội bộ độc lập với các bộ phận khác của công ty chứng khoán, kể cả ban điều hành; hoạt động kiểm toán nội bộ độc lập với các hoạt động điều hành, nghiệp vụ của công ty chứng khoán; cán bộ làm công tác kiểm toán nội bộ không được đảm nhận các công việc thuộc đối tượng của kiểm toán nội bộ, không được kiêm nhiệm công việc tại các bộ phận nghiệp vụ như môi giới, tự doanh, phân tích, tư vấn đầu tư, bảo lãnh phát hành, quản trị rủi ro;

b) Tính khách quan: bộ phận kiểm toán nội bộ, nhân viên bộ phận kiểm toán nội bộ phải đảm bảo tính khách quan, công bằng, không định kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Công ty chứng khoán phải bảo đảm kiểm toán nội bộ không chịu bất cứ sự can thiệp nào khi thực hiện đúng nhiệm vụ của mình;

Nhân viên kiểm toán nội bộ phải thể hiện tính khách quan trong quá trình thu thập, đánh giá và truyền đạt thông tin về hoạt động hoặc các quy trình, hệ thống đã hoặc đang được kiểm toán. Kiểm toán viên nội bộ cần đưa ra đánh giá một cách công bằng về tất cả các vấn đề liên quan và không bị chi phối bởi mục tiêu quyền lợi riêng hoặc bởi bất kỳ ai khác khi đưa ra nhận xét, đánh giá của mình;

c) Tính trung thực: kiểm toán viên nội bộ phải thực hiện công việc của mình một cách trung thực, cẩn trọng và có trách nhiệm; tuân thủ luật pháp và thực hiện các nội dung công việc công khai theo quy định của pháp luật và nghề nghiệp;

d) Bảo mật: nhân viên bộ phận kiểm toán nội bộ cần tôn trọng giá trị và quyền sở hữu của thông tin nhận được, không được tiết lộ thông tin mà không có ủy quyền hợp lệ trừ khi có nghĩa vụ phải tiết lộ thông tin theo quy định của pháp luật và quy định nội bộ của công ty.

4. Nhân sự của bộ phận kiểm toán nội bộ phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

a) Người làm việc bộ phận này không phải là người đã từng bị xử phạt từ mức phạt tiền trở lên đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm trong vòng 05 năm gần nhất tính tới năm được bổ nhiệm;

b) Trưởng bộ phận kiểm toán nội bộ phải là người có trình độ chuyên môn về luật, kế toán, kiểm toán; Có đủ kinh nghiệm, uy tín, thẩm quyền để thực thi có hiệu quả nhiệm vụ được giao;

c) Không phải là người có liên quan đến các trưởng bộ phận chuyên môn, người thực hiện nghiệp vụ, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc), Giám đốc chi nhánh trong công ty chứng khoán;

d) Có chứng chỉ chuyên môn Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc Chứng chỉ hành nghề chứng khoán, và chứng chỉ chuyên môn Pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán;

đ) Không kiêm nhiệm các công việc khác trong công ty chứng khoán.

.........................................

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Chứng khoán được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Bộ Tài chínhNgười ký:Huỳnh Quang Hải
Số hiệu:121/TT-BTCLĩnh vực:Chứng khoán
Ngày ban hành:31/12/2020Ngày hiệu lực:15/02/2021
Loại văn bản:Thông tưNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:Còn hiệu lực
Đánh giá bài viết
1 191
0 Bình luận
Sắp xếp theo