Thông tư 06/2015/TT-BXD hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành xây dựng

Thông tư 06/2015/TT-BXD - Hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành xây dựng

Thông tư 06/2015/TT-BXD hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành, có hiệu lực ngày 15/12/2015, áp dụng với cá nhân, tập thể người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài và cá nhân, tập thể người nước ngoài có thành tích đóng góp xây dựng và phát triển ngành Xây dựng Việt Nam.

Nghị định 117/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng hệ thống thông tin nhà ở, thị trường bất động sản

Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình

Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng

BỘ XÂY DỰNG
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 06/2015/TT-BXDHà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2015

THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG NGÀNH XÂY DỰNG

Căn cứ Luật thi đua, khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng;

Căn cứ Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng;

Căn cứ Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 62/2013/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Xây dựng như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Xây dựng.

2. Thông tư này áp dụng với cá nhân, tập thể người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài và cá nhân, tập thể người nước ngoài có thành tích đóng góp xây dựng và phát triển ngành Xây dựng Việt Nam.

Điều 2. Mục tiêu công tác thi đua, khen thưởng

1. Tạo động lực động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân thi đua lao động sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

2. Ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với các tập thể, cá nhân có thành tích trong các phong trào thi đua, đóng góp vào sự phát triển của ngành Xây dựng.

Điều 3. Nguyên tắc thi đua, khen thưởng

1. Nguyên tắc thi đua:

a) Tự nguyện, tự giác, công khai;

b) Đoàn kết, hợp tác, cùng phát triển;

c) Việc xét tặng các danh hiệu thi đua phải căn cứ vào phong trào thi đua; các tập thể, cá nhân tham gia phong trào thi đua đều phải có đăng ký thi đua, xác định mục tiêu, chỉ tiêu thi đua; không đăng ký thi đua sẽ không được xem xét, công nhận các danh hiệu thi đua.

2. Nguyên tắc khen thưởng:

a) Chính xác, công khai, công bằng, kịp thời;

b) Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được;

c) Bảo đảm thống nhất giữa tính chất, hình thức và đối tượng khen thưởng;

d) Kết hợp chặt chẽ động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất;

đ) Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng;

e) Thành tích đạt được trong điều kiện khó khăn và có phạm vi ảnh hưởng lớn được khen thưởng mức cao hơn. Chú trọng khen thưởng cá nhân là người lao động trực tiếp và cá nhân có nhiều sáng tạo trong lao động, công tác;

g) Khi xét khen thưởng người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải căn cứ vào thành tích của tập thể do cá nhân đó lãnh đạo;

h) Đối với nữ là cán bộ lãnh đạo, quản lý, thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng có quá trình cống hiến được giảm 03 năm so với quy định chung;

Đối với khen thưởng thành tích thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, khi có nhiều tập thể, cá nhân cũng đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì lựa chọn cá nhân nữ và tập thể có tỷ lệ nữ từ 70% trở lên để xét khen thưởng;

i) Đối với cá nhân trong một năm chỉ đề nghị một hình thức khen thưởng cấp Nhà nước, danh hiệu "Chiến sĩ thi đua toàn quốc", hình thức khen thưởng cấp Bộ, danh hiệu "Chiến sĩ thi đua ngành Xây dựng" (trừ trường hợp khen thưởng đột xuất).

Điều 4. Các loại hình khen thưởng

1. Khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được là hình thức khen thưởng cho tập thể, cá nhân đạt được thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Khen thưởng theo chuyên đề (hoặc theo đợt) là khen thưởng cho tập thể, cá nhân đạt được thành tích xuất sắc sau khi kết thúc đợt thi đua do Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phát động.

3. Khen thưởng đột xuất là khen thưởng cho tập thể, cá nhân đạt được thành tích đột xuất trong lao động, sản xuất; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhân dân hoặc của Nhà nước (thành tích đột xuất là thành tích lập được trong hoàn cảnh không được dự báo trước, diễn ra ngoài dự kiến kế hoạch công việc bình thường mà tập thể, cá nhân phải đảm nhận).

4. Khen thưởng quá trình cống hiến là khen thưởng cho cá nhân có quá trình tham gia trong các giai đoạn cách mạng (giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội) có công lao, thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

5. Khen thưởng đối ngoại là khen thưởng cho tập thể, cá nhân người nước ngoài đã có thành tích, đóng góp cho sự phát triển ngành Xây dựng.

Điều 5. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị

1. Bộ trưởng Bộ Xây dựng phát động, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua trong ngành Xây dựng.

2. Thường trực Hội đồng thi đua, khen thưởng Bộ có trách nhiệm tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Bộ về chủ trương, nội dung, chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện, sơ kết, tổng kết và kiểm tra công tác thi đua, khen thưởng; đề xuất khen thưởng và kiến nghị đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.

3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các tổ chức đoàn thể cùng cấp tổ chức phát động, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua trong phạm vi mình quản lý; chủ động phát hiện, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích xứng đáng để khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng; tổ chức tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt và nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Xây dựng chịu trách nhiệm trước Hội đồng thi đua, khen thưởng Bộ về công tác thi đua, khen thưởng trong đơn vị mình quản lý.

4. Thủ trưởng các cơ quan thông tin, báo chí, xuất bản thuộc ngành Xây dựng có trách nhiệm chủ động, phối hợp với Thường trực Hội đồng thi đua, khen thưởng Bộ và các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về công tác thi đua, khen thưởng; phổ biến, nêu gương các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong các phong trào thi đua.

Điều 6. Quyền lợi và nghĩa vụ của tập thể, cá nhân được khen thưởng

1. Quyền lợi của tập thể, cá nhân được khen thưởng:

a) Tập thể được tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng có quyền lưu giữ trưng bày, được sử dụng biểu tượng của các hình thức khen thưởng đó trên các văn bản, tài liệu chính thức của đơn vị; được nhận bằng khen, giấy chứng nhận và tiền thưởng hoặc hiện vật theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

b) Cá nhân được tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng có quyền lưu giữ, trưng bày và sử dụng hiện vật khen thưởng; được nhận bằng khen, giấy chứng nhận và tiền thưởng hoặc hiện vật theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; được xem xét nâng lương trước thời hạn, ưu tiên cử đi nghiên cứu, học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong và ngoài nước; các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng là một trong các căn cứ để đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ hàng năm.

2. Nghĩa vụ của tập thể, cá nhân được khen thưởng:

Cá nhân, tập thể được các cấp công nhận các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng có nghĩa vụ bảo quản các hiện vật khen thưởng theo quy định.

Đánh giá bài viết
1 421
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi