Thẩm quyền bổ nhiệm phụ trách kế toán

Tiêu chuẩn, điều kiện bộ nhiệm phụ trách kế toán

Điều kiện để được bổ nhiệm phụ trách kế toán? Tiêu chuẩn làm kế toán trưởng? Cơ quan nào có thẩm quyền bổ nhiệm phụ trách kế toán? Đây là câu hỏi nhiều người thắc mắc. HoaTieu.vn mời bạn tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Bà Võ Phương Dung (vophuongdung.st@...) có bằng đại học chuyên ngành tài chính, đang là công chức cơ quan thanh tra thuộc UBND huyện, phụ trách mảng thanh tra kinh tế - xã hội. Do đơn vị không có kế toán nên thủ trưởng phân công bà làm kế toán kiêm nhiệm.

Bà Dung hỏi, trường hợp của bà có đủ tiêu chuẩn và điều kiện để bổ nhiệm phụ trách kế toán không? Người có trình độ trung học, cao đẳng, đại học về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán được hiểu như thế nào? Thẩm quyền bổ nhiệm là thủ trưởng cơ quan thanh tra hay Chủ tịch UBND huyện?

Câu hỏi của bà Dung được Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Tại Nghị định số 128/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Kế toán áp dụng trong lĩnh vực kế toán nhà nước, quy định tại Điều 44 như sau: Các đơn vị kế toán có khối lượng công việc kế toán không lớn có thể bố trí một người làm kế toán hoặc bố trí người làm kế toán kiêm nhiệm các công việc khác mà pháp luật về kế toán không nghiêm cấm. Ở đơn vị kế toán phải bố trí kế toán trưởng thì người được bố trí làm kế toán hoặc kiêm nhiệm làm kế toán phải đủ tiêu chuẩn, điều kiện và được bố trí làm kế toán trưởng hoặc là người phụ trách kế toán.

Thẩm quyền bổ nhiệm phụ trách kế toán

Tiêu chuẩn và điều kiện bổ nhiệm

Tại Thông tư số 50/2005/TTLT-BTC-BNV ngày 15/6/2005 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Nội vụ hướng dẫn tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục bổ nhiệm, bãi miễn, thay thế và xếp phụ cấp kế toán trưởng, phụ trách kế toán trong các đơn vị kế toán thuộc lĩnh vực kế toán nhà nước, ở Mục 2, Phần III quy định như sau:

Người được bổ nhiệm làm phụ trách kế toán phải có đủ các tiêu chuẩn quy định về đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn nghiệp vụ quy định cho kế toán trưởng nhưng chưa có đủ tiêu chuẩn về thời gian công tác thực tế về kế toán (ít nhất 2 năm đối với trình độ đại học, ít nhất 3 năm đối với trình độ trung cấp, cao đằng) hoặc chưa có Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng. Cụ thể:

- Về đạo đức phẩm chất: Đạt tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức qui định đối với cán bộ công chức hoặc viên chức; Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành và đấu tranh bảo vệ chính sách, chế độ kinh tế, tài chính và pháp luật của Nhà nước.

- Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Đối với đơn vị kế toán ở đơn vị cấp ngân sách cấp trung ương và đơn vị ngân sách cấp tỉnh, phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên; ở đơn vị cấp ngân sách khác kế toán trưởng phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ bậc trung cấp trở lên; Đối với các đơn vị kế toán còn lại ở đơn vị cấp Trung ương và đơn vị cấp tỉnh, phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên; đơn vị kế toán ở cấp khác phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ bậc trung cấp trở lên.

Thẩm quyền bổ nhiệm

Theo quy định tại điểm 1.1, Mục 1, Phần IV Thông tư số 50/2005/TTLT-BTC-BNV, các đơn vị kế toán thuộc hoạt động thu, chi ngân sách địa phương do cấp nào bổ nhiệm Phó Thủ trưởng đơn vị thì cấp đó bổ nhiệm kế toán trưởng, hoặc phụ trách kế toán.

Trả lời các vấn đề bà Võ Phương Dung hỏi:

- Về tiêu chuẩn điều kiện bổ nhiệm phụ trách kế toán (bao gồm tiêu chuẩn về đạo đức phẩm chất, điều kiện về trình độ chuyên môn nghiệp vụ), đề nghị bà Dung đối chiếu quy định tại Mục 2, phần III Thông tư số 50/2005/TTLT-BTC-BNV nêu trên để rõ.

- Căn cứ chương trình đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp các ngành tài chính, kế toán, kiểm toán đều cơ cấu môn học kế toán. Do đó người có bằng đại học, cao đẳng, trung cấp các ngành tài chính, kế toán, kiểm toán là người đã được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ kế toán.

Căn cứ Điều 2, Quyết định số 98/2007/QĐ-BTC ngày 3/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quy chế về tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ kế toán trưởng thì đối tượng tham dự khoá học bồi dưỡng là người đã có bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán. Qua Quyết định này của Bộ Tài chính nhận thấy người có bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán là người có chuyên môn, nghiệp vụ kế toán; nếu tham gia, hoàn thành, tốt nghiệp khóa học bồi dưỡng sẽ được cấp Chứng chỉ kế toán trưởng.

Trường hợp bà Dung có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính được xác định là người có nghiệp vụ về kế toán, phù hợp với điều kiện bổ nhiệm phụ trách kế toán. Căn cứ quy định tại điểm 1.1, Mục 1, Phần IV Thông tư số 50/2005/TTLT-BTC-BNV, thẩm quyền bổ nhiệm phụ trách kế toán tại cơ quan thanh tra huyện là Chủ tịch UBND huyện.

Đánh giá bài viết
1 191
0 Bình luận
Sắp xếp theo