Quy định về trình độ chuyên môn của phụ trách kế toán

Tiêu chuẩn bổ nhiệm phụ trách kế toán

Kế toán trưởng luôn là vị trí các kế toán muốn hướng tới. Tuy nhiên không phải ai cũng đủ điều kiện và năng lực. Quy định về trình độ chuyên môn của phụ trách kế toán trong đơn vị hành chính sự nghiệp như thế nào, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây.

Bà Lý Thị Tuyết Mai (Quảng Ninh) tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế nông nghiệp, hiện là công chức tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Thời gian học đại học, bà tham gia lớp bồi dưỡng kế toán trưởng và được cấp giấy chứng nhận. Vừa qua, bà được thủ trưởng giao thêm nhiệm vụ phụ trách kế toán về tiền lương, kế toán sự nghiệp nông nghiệp, sự nghiệp thủy lợi, sự nghiệp thủy sản do Phòng quản lý.

Bà Mai hỏi, với các điều kiện đã nêu như trên, việc bà được giao nhiệm vụ phụ trách kế toán có bảo đảm tính pháp lý theo quy định không? Giấy chứng nhận kế toán trưởng của bà có được phép làm căn cứ để Phòng giao nhiệm vụ phụ trách kế toán và được thực hiện giao dịch với Kho bạc Nhà nước huyện không?

Bà cũng muốn biết, Kho bạc Nhà nước huyện căn cứ vào Quyết định giao nhiệm vụ phụ trách kế toán của Phòng đồng ý cho phép kế toán giao dịch như vậy đã đủ thủ tục theo quy định chưa?

Hiện tại một số phòng ban của huyện, cán bộ phụ trách kế toán không có trình độ chuyên môn kế toán (trung cấp, cao đẳng, đại học) mà chỉ có chứng chỉ kế toán học 3 tháng, vậy những trường hợp này có bảo đảm về quy định giao nhiệm vụ phụ trách kế toán không?

Quy định về bổ nhiệm phụ trách kế toán

Về vấn đề này, Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Ninh trả lời như sau:

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 21 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán thì kế toán trưởng, phụ trách kế toán của các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp huyện có tổ chức bộ máy kế toán (trừ các đơn vị dự toán cấp 1 thuộc ngân sách cấp huyện) phải có chuyên môn nghiệp vụ về kế toán từ trình độ trung cấp chuyên nghiệp trở lên. Việc giao nhiệm vụ phụ trách kế toán cho công chức có trình độ chuyên môn về Kinh tế nông nghiệp hoặc chỉ có chứng chỉ kế toán học 3 tháng là không bảo đảm theo quy định.

Theo Điều 9 Thông tư số 199/2011/TT-BTC ngày 30/12/2011 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện việc tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng thì chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng có giá trị sử dụng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp để bổ nhiệm kế toán trưởng lần đầu theo quy định.

Thông tư số 61/2014/TT-BTC ngày 12/5/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước trong điều kiện áp dụng hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc quy định cụ thể như sau:

Tại Điều 5 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tài khoản: Lập và gửi Hồ sơ đăng ký và sử dụng tài khoản đến Kho bạc Nhà nước; chịu trách nhiệm về tính pháp lý của các giấy tờ liên quan đến Hồ sơ đăng ký và sử dụng tài khoản của đơn vị; tại Điều 6 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Kho bạc Nhà nước: Hướng dẫn các đơn vị, tổ chức thực hiện đúng chế độ đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước; tại Điều 8 quy định hồ sơ đăng ký sử dụng tài khoản gồm có: Quyết định bổ nhiệm chức vụ của Chủ tài khoản, Kế toán trưởng (hoặc người Phụ trách kế toán).

Do vậy, Kho bạc chỉ căn cứ vào Quyết định bổ nhiệm chức vụ của Chủ tài khoản, Kế toán trưởng (hoặc người Phụ trách kế toán) và các hồ sơ có liên quan để thực hiện mở tài khoản cho các đơn vị giao dịch mà không chịu trách nhiệm về tính pháp lý của Quyết định bổ nhiệm chức vụ của Chủ tài khoản, Kế toán trưởng (hoặc người Phụ trách kế toán).

Đánh giá bài viết
1 503
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi