Quyết định 224/QĐ-BTC

Quyết định 224/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ngày 30 tháng 01 năm 2013 về việc phê duyệt chương trình hành động của ngành Tài chính triển khai thực hiện chiến lược tài chính đến năm 2020.

BỘ TÀI CHÍNH

----------
Số: 224/QĐ-BTC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

----------------

Hà Nội, ngày 30 tháng 01 năm 2013

QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA NGÀNH TÀI CHÍNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC TÀI CHÍNH ĐẾN NĂM 2020

---------------
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược tài chính đến năm 2020;

Xét đề nghị của Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này chương trình hành động của ngành tài chính triển khai thực hiện chiến lược tài chính đến năm 2020 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2012).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

a) Căn cứ chương trình hành động này, các đơn vị thuộc Bộ chủ động xây dựng và chi tiết hóa các bước triển khai đối với các nội dung công việc thuộc trách nhiệm của đơn vị mình, có sự phối hợp, lồng ghép các yêu cầu của chiến lược tài chính đến năm 2020 với các chương trình cải cách, đề án về hoàn thiện thể chế thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

b) Các đơn vị chủ trì các đề án được giao có trách nhiệm chủ động triển khai theo đúng kế hoạch, định kỳ hàng năm (trước ngày 15 tháng 12) có báo cáo về Viện Chiến lược và Chính sách tài chính kết quả và tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao theo chương trình hành động này.

Trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Bộ trưởng tiến độ triển khai thực hiện chương trình hành động chung trong toàn ngành (trước ngày 25 tháng 12 hàng năm) cũng như các kiến nghị, đề xuất của các đơn vị.

c) Giao Vụ Hợp tác quốc tế phối hợp với các đơn vị liên quan vận động và khai thác các nguồn lực ngoài nước để hỗ trợ triển khai các nội dung của chương trình hành động, đồng thời chủ động cung cấp cho các nhà tài trợ thông tin về tiến độ cải cách tài chính công của Việt Nam.

d) Giao Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách tài chính và các đơn vị liên quan nghiên cứu báo cáo Bộ thành lập Nhóm điều phối cải cách của Bộ Tài chính với bộ phận thường trực đặt tại Viện Chiến lược và Chính sách tài chính để điều phối, giám sát việc thực hiện các định hướng cải cách xác định trong chiến lược tài chính đến năm 2020 cũng như chương trình hành động ban hành kèm theo Quyết định này.

e) Giao Vụ Kế hoạch tài chính chủ trì trình Bộ phê duyệt, bố trí nguồn kinh phí theo từng giai đoạn cho từng đơn vị thuộc Bộ để tổ chức thực hiện chương trình hành động. Các đơn vị thuộc Bộ sắp xếp, bố trí nguồn lực đảm bảo thực hiện các nội dung được giao trong chương trình hành động.

g) Giao Vụ Thi đua khen thưởng kịp thời đề xuất các tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong việc triển khai thực hiện chương trình hành động và báo cáo Bộ trưởng để có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu xét thấy cần thiết phải bổ sung, sửa đổi, cập nhật những nội dung cụ thể của chương trình hành động, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính chủ trì trao đổi với các đơn vị thuộc Bộ và báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định.

Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Lãnh đạo Bộ (để báo cáo);
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Lưu: VT, CLTC

BỘ TRƯỞNG

(đã ký)

Vương Đình Huệ


CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA NGÀNH TÀI CHÍNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC TÀI CHÍNH ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 224/QĐ-BTC ngày 30 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

Ngày 18 tháng 4 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược tài chính đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là chiến lược tài chính). Việc thực hiện có hiệu quả mục tiêu tổng quát cũng như các nhiệm vụ cụ thể xác định trong chiến lược tài chính sẽ góp phần quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội xác định trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015.

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra, Bộ Tài chính ban hành chương trình hành động của ngành tài chính triển khai thực hiện chiến lược tài chính (sau đây gọi tắt là chương trình hành động) với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU VÀ PHƯƠNG CHÂM CỦA CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

1. Mục tiêu

a) Chương trình hành động xác định các nhiệm vụ chủ yếu có tính tổng hợp của Bộ Tài chính để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc ngành tài chính tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xác định trong chiến lược tài chính, hướng tới việc xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính – tiền tệ, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; huy động, quản lý, phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính trong xã hội hiệu quả, công bằng, cải cách hành chính đồng bộ, toàn diện; đảm bảo tính hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý, giám sát tài chính.

b) Chương trình hành động này là căn cứ cho các đơn vị xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động theo chức năng để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể mà chiến lược tài chính đã xác định cùng với việc tổ chức thực hiện các chiến lược phát triển từng ngành, lĩnh vực (chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020; Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020; Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020; Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020; Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020; Chiến lược kế toán – kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030).

c) Chương trình hành động này là căn cứ để tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết và đánh giá, rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện chiến lược tài chính; đồng thời là căn cứ để phối hợp với cơ quan liên quan đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh mục tiêu, nội dung chiến lược tài chính trong trường hợp cần thiết.

2. Các yêu cầu cơ bản

Việc xây dựng và tổ chức thực hiện các nội dung công việc, các nhiệm vụ xác định trong chương trình hành động này được dựa trên những yêu cầu cơ bản sau đây:

a) Quán triệt đầy đủ và sâu sắc quan điểm, mục tiêu mà chiến lược tài chính đã đề ra cũng như các định hướng liên quan đến yêu cầu đổi mới, cải cách trong lĩnh vực tài chính xác định trong chiến quan đến việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng (cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước).

b) Cụ thể hóa các yêu cầu trong việc tổ chức thực hiện chiến lược tài chính đến năm 2020, tập trung giải quyết các vấn đề trọng tâm, trọng điểm cũng như các vấn đề cần ưu tiên thực hiện trước để tạo điều kiện, tiền đề cho các bước đi tiếp theo; đồng thời bao quát được nhiệm vụ lâu dài, thể hiện rõ tính chủ động, sáng tạo của từng đơn vị và sự hợp tác giữa các đơn vị trong và ngoài ngành tài chính.

c) Đảm bảo sự nhất quán với việc tổ chức thực hiện các chương trình hành động của Chính phủ trong việc thực hiện các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước 5 năm và 10 năm tới, đặc biệt là chương trình hành động triển khai thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011 - 2015 ban hành kèm theo Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ.

3. Phương châm hành động

Xuất phát từ mục tiêu, nhiệm vụ và các yêu cầu cơ bản xác định trong chiến lược tài chính, phương châm hành động của toàn ngành tài chính là:

a) Phát triển nền tài chính quốc gia theo hướng hiệu quả, toàn diện, hợp lý và công bằng, trong đó ưu tiên nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng nguồn lực tài chính là nội dung xuyên suốt trong tổ chức thực hiện chiến lược tài chính đến năm 2020.

b) Thực hiện quản lý tài chính bằng pháp luật, đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, kỷ cương, kỷ luật tài chính và hiện đại hóa nền tài chính quốc gia.

c) Chủ động, sáng tạo, đổi mới để không ngừng phát huy vai trò của tài chính là huyết mạch của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, mở đường nhằm thực hiện phát triển nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.

d) Phát huy dân chủ, kỷ cương trong quản lý tài chính và thực thi công vụ. Mở rộng quan hệ hợp tác và phối hợp hành động giữa các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong toàn ngành cũng như với các cơ quan, đơn vị bên ngoài.

Đánh giá bài viết
1 175
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi