Quyết định 199/QĐ-TTg Chương trình thực hiện Kết luận 05-KL/TW về công tác phòng, chống tội phạm

Tải về

Quyết định 199/QĐ-TTg - Chương trình thực hiện Kết luận 05-KL/TW về công tác phòng, chống tội phạm

Quyết định 199/QĐ-TTg Chương trình thực hiện Kết luận 05-KL/TW tiếp tục thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia đấu tranh chống tội phạm.

Bộ Luật hình sự 100/2015/QH13

Quyết định 623/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm 2016 - 2025

Quyết định 1379/QĐ-TTg về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 199/QĐ-TTg Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2017

QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 05-KL/TW NGÀY 15 THÁNG 7 NĂM 2016 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 48-CT/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ KHÓA X VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM TRONG TÌNH HÌNH MỚI VÀ CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Kết luận số 05-KL/TW ngày 15 tháng 7 năm 2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới;

Căn cứ Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình thực hiện Kết luận số 05-KL/TW ngày 15 tháng 7 năm 2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Chương trình phòng, chống tội phạm).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
  • Ban Bí thư Trung ương Đảng;
  • Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
  • Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
  • HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
  • Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
  • Văn phòng Tổng Bí thư;
  • Văn phòng Chủ tịch nước;
  • Văn phòng Quốc hội;
  • Tòa án nhân dân tối cao;
  • Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
  • Kiểm toán nhà nước;
  • Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
  • Ngân hàng Chính sách xã hội;
  • Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
  • Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
  • Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
  • VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, NN, CN, PL, V.I, QHĐP, Công báo;
  • Lưu: VT, NC (3).
Trương Hòa Bình

CHƯƠNG TRÌNH
PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 199/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ)

I. MỤC TIÊU

1. Nâng cao ý thức trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật, cảm hóa, giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư.

2. Kiềm chế, phấn đấu đến năm 2020 giảm từ 3 - 5% tổng số vụ phạm tội hình sự so với năm 2016, nhất là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm ở các địa bàn trọng điểm; giảm từ 15% đến 20% số vụ án do người chưa thành niên thực hiện và giảm từ 5 - 7% tội phạm xâm hại trẻ em.

3. Hằng năm, tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt từ 75% trở lên, các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 95% trở lên; hạn chế phát sinh đối tượng truy nã mới; bắt giữ, vận động đầu thú 30% số đối tượng truy nã hiện có và 50% đối tượng truy nã mới phát sinh; 100% tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố được tiếp nhận, xử lý; tăng 5 - 10% tỷ lệ khởi tố điều tra các vụ án về kinh tế, tham nhũng trên tổng số vụ việc được phát hiện; tăng 5 - 10% số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ.

4. Ít nhất 50% số khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chí "An toàn về an ninh, trật tự"; chuyển hóa thành công 60% địa bàn được xác định là trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội.

5. Giảm tỷ lệ người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phạm nhân trốn, chết, phạm tội mới ở nơi giam giữ. Giảm tỷ lệ tái phạm tội trong số người chấp hành xong án phạt tù xuống dưới 15%; tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm cho 100% người chấp hành xong án phạt tù.

6. Giải quyết, xét xử các vụ án hình sự từ 95% trở lên, phấn đấu đảm bảo ra quyết định thi hành án phạt tù đúng thời hạn đối với 100% số người bị kết án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

7. Nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và cán bộ làm công tác thi hành án hình sự.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tổ chức quán triệt sâu rộng trong các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương nội dung Kết luận 05, Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm, cụ thể hóa bằng các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện tình hình cơ quan, đơn vị, địa phương. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kết luận 05, Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

2. Phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ đạo, quản lý, điều hành của thủ trưởng các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm. Phát huy trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp về tình hình an ninh, trật tự tại địa phương, cơ quan, đơn vị được giao phụ trách. Xác định cụ thể trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là đối với trường hợp để xảy ra tội phạm tăng hoặc phức tạp kéo dài. Tăng cường mối quan hệ phối hợp liên ngành trong phòng, chống tội phạm. Nắm chắc diễn biến hoạt động của tội phạm, thống kê, dự báo chính xác về tình hình tội phạm phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo phòng, chống tội phạm.

3. Nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và phòng, chống tội phạm. Chú trọng phòng ngừa tội phạm, nhất là công tác phòng ngừa xã hội, tổ chức tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng về công tác phòng, chống tội phạm tại cộng đồng dân cư. Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tăng cường quản lý, giáo dục cải tạo các đối tượng bị kết án đang ở ngoài xã hội, các đối tượng được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Chủ động thực hiện các biện pháp giúp người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa nghiệp vụ của các cơ quan chức năng.

Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, đặc biệt các chính sách trong phòng, chống tội phạm có tổ chức, "lợi ích nhóm", truy nã tội phạm; đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính. Rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chính sách và pháp luật về dân sự, tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường, khoa học công nghệ, không để tội phạm lợi dụng hoạt động.

4. Tấn công trấn áp các loại tội phạm, tập trung đấu tranh những loại tội phạm nổi lên hiện nay, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm hình sự, ma túy, tội phạm kinh tế, tham nhũng, môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm mua bán người và các vi phạm về an toàn thực phẩm.

Nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; tập trung chuyển hóa các địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội.

5. Mở rộng hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm, nhất là các nước có chung đường biên giới, các nước trong Cộng đồng ASEAN, các nước có đông người Việt Nam sinh sống hoặc có đông người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam; thực hiện tốt các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tranh thủ các nguồn tài trợ quốc tế cho công tác phòng, chống tội phạm.

Đánh giá bài viết
1 148
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm