Quyết định 1309/QĐ-TTg về Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục

Tải về

Quyết định 1309/QĐ-TTg - Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục

Quyết định 1309/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 05/09/2017. Nội dung chi tiết mời các bạn cùng tham khảo và tải về.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1309/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 9 năm 2017

QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐƯA NỘI DUNG QUYỀN CON NGƯỜI VÀO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Xét đề nghị của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM

1. Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, phê chuẩn về quyền con người.

2. Bám sát mục tiêu, yêu cầu, định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, Chiến lược Phát triển giáo dục và Chiến lược phát triển Dạy nghề giai đoạn 2011 - 2020.

3. Bảo đảm tính tư tưởng, khoa học, liên thông và thực tiễn của việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục, phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo.

4. Bảo đảm thực hiện việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục một cách đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, cập nhật và phù hợp với xu hướng tiến bộ của khu vực và thế giới.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền con người nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học, của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về tầm quan trọng, ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân, tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác; ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với nhà nước và xã hội, góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững của đất nước.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2017 - 2020:

Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, cụ thể:

- Hoàn thành việc bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho đội ngũ chuyên gia, giảng viên, giáo viên và cán bộ cốt cán tham gia biên soạn chương trình giáo dục, sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu của từng cấp học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Phấn đấu trong năm 2018 bồi dưỡng 100% số người viết chương trình, 100% số người biên soạn tài liệu học tập và biên soạn bộ sách giáo khoa phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, cùng với một số tác giả bộ sách giáo khoa khác;

- Hoàn thành xây dựng chương trình thí điểm phù hợp với tiến độ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới;

- Tập huấn cho giảng viên, giáo viên thí điểm đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đến năm 2020, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán cấp tỉnh có giảng dạy lồng ghép kiến thức quyền con người ở các cấp học;

- Tổ chức dạy thí điểm nội dung giáo dục quyền con người cho các cấp học, chương trình đào tạo như sau:

+ Đối với giáo dục mầm non và phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông), tổ chức thí điểm ở 03 tỉnh, thành phố đại diện cho ba miền (dự kiến 02 trường mỗi cấp học);

+ Đối với giáo dục đại học, tổ chức dạy thí điểm cho các khối trường theo nhóm ngành đào tạo (dự kiến 03 trường mỗi khối trường);

+ Đối với giáo dục nghề nghiệp, tổ chức dạy thí điểm cho các khối trường theo nhóm ngành, nghề đào tạo (dự kiến 03 trường mỗi khối trường).

b) Giai đoạn 2021 - 2025:

- Triển khai đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên, giáo viên các cấp trong hệ thống giáo dục quốc dân. Phấn đấu đến năm 2025, 100% cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy về quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân được tập huấn, bồi dưỡng;

- Hoàn thành việc biên soạn và đưa vào sử dụng sách giáo khoa, giáo trình, các tài liệu tham khảo về quyền con người phục vụ giảng dạy, đào tạo phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân;

- Đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục quyền con người cho người học.

III. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC

Chương trình giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân được xác định cụ thể cho từng cấp học và chương trình đào tạo, trong đó nêu rõ:

1. Mục tiêu giáo dục

2. Nội dung giáo dục

3. Chương trình giáo dục

4. Tài liệu giáo dục

(Chi tiết tại phụ lục kèm theo)

IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về công tác tuyên truyền, giáo dục quyền con người:

a) Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về quyền con người và giáo dục quyền con người;

b) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về bảo vệ và đấu tranh về quyền con người làm cơ sở phục vụ công tác giảng dạy, học tập nội dung quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân.

2. Tổ chức nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác giảng dạy quyền con người trong chương trình giáo dục, đào tạo:

a) Triển khai nghiên cứu, đánh giá thực trạng về nội dung giảng dạy quyền con người trong chương trình giáo dục, đào tạo của các cấp học, ngành học trong hệ thống giáo dục quốc dân để đề xuất bổ sung, chỉnh lý chương trình cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới;

b) Khảo sát, đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý, nội dung giảng dạy quyền con người; trên cơ sở đó, xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, nâng cao trình độ, năng lực giảng dạy về quyền con người của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở các cấp học, ngành học trong hệ thống giáo dục quốc dân.

3. Hoàn thiện chương trình, giáo trình, sách giáo khoa có nội dung về quyền con người:

a) Hoàn thiện nội dung quyền con người trong chương trình các môn học (như Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật) đã được định hướng về nội dung trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông (chương trình tổng thể);

b) Xây dựng chương trình giảng dạy môn học về quyền con người trong chương trình đào tạo các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học thuộc khối ngành luật, hành chính, nội chính;

c) Tổ chức biên soạn giáo trình về quyền con người dùng chung cho các trường đào tạo thuộc khối ngành luật, hành chính, nội chính (trừ một số trường đặc thù thuộc lực lượng quân độinhân dân và công an nhân dân);

d) Rà soát nội dung giảng dạy quyền con người ở các trình độ đào tạo và các ngành, nghề cụ thể thuộc các chương trình giáo dục nghề nghiệp để bổ sung, hoàn thiện và thống nhất thực hiện;

đ) Tiếp tục thực hiện lồng ghép, tích hợp nội dung quyền con người trong chương trình đào tạo của khối ngành luật, hành chính, nội chính và chương trình đào tạo giáo viên giáo dục công dân trình độ cao đẳng và trình độ đại học ở các trường sư phạm, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

4. Đào tạo và bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, giảng viên:

a) Cử cán bộ giảng dạy đi học tập, nghiên cứu ở các cơ sở đào tạo có uy tín trong nước và cơ sở đào tạo ở những nước có truyền thống, kinh nghiệm tốt về giảng dạy quyền con người;

b) Bổ sung số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy trực tiếp các môn học về quyền con người hoặc các môn học có lồng ghép nội dung về quyền con người;

c) Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cập nhật kiến thức về quyền con người cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đồng thời bồi dưỡng phương pháp giảng dạy định kỳ cho giáo viên, giảng viên ở các cấp học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Thuộc tính văn bản: Quyết định 1309/QĐ-TTg

Số hiệu1309/QĐ-TTg
Loại văn bảnQuyết định
Lĩnh vực, ngànhGiáo dục, Quyền dân sự
Nơi ban hànhThủ tướng Chính phủ
Người kýVũ Đức Đam
Ngày ban hành05/09/2017
Ngày hiệu lực05/09/2017
Đánh giá bài viết
1 223
Quyết định 1309/QĐ-TTg về Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm