Những điểm mới trong Luật ngân sách nhà nước năm 2015

Tải về

Một số điểm mới trong Luật ngân sách nhà nước năm 2015

Để bảo đảm toàn diện, đồng bộ và chặt chẽ trong quản lý ngân sách nhà nước (NSNN), Luật Ngân sách nhà nước 2015 đã được ban hành nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại của Luật NSNN 2002 và đáp ứng các yêu cầu mới đặt ra trong quá trình tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, cải cách hành chính, hội nhập kinh tế quốc tế. HoaTieu.vn xin cập nhật những điểm mới trong Luật ngân sách nhà nước năm 2015 để giúp các bạn độc giả có cái nhìn rõ nét hơn về Bộ Luật này.

Thông tư 40/2016/TT-BTC Quản lý và kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước

Thông tư 56/2016/TT-BTC Sửa đổi hệ thống mục lục ngân sách nhà nước

Những điểm mới trong Luật ngân sách nhà nước năm 2015

Ngày 25/6/2015, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII đã thông qua Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Đây là đạo luật quan trọng tạo bước ngoặt mới trong quản lý ngân sách nhà nước theo hành lang pháp lý mới đầy đủ và đồng bộ hơn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, xu hướng hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách tài chính công theo hướng hiện đại.

Những điểm mới trong Luật ngân sách nhà nước năm 2015

Đảo đảm toàn diện, đồng bộ và chặt chẽ trong quản lý ngân sách nhà nước

Trên cơ sở tổng kết 13 năm thực hiện, để khắc phục các tồn tại, bất cập của Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2002, Luật NSNN mới đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng, như: phạm vi NSNN (Điều 5), bội chi NSNN (khoản 4 Điều 4), mức dư nợ vay của ngân sách cấp tỉnh (khoản 6 Điều 7), dự phòng NSNN (Điều 10), quỹ dự trữ tài chính (Điều 11)... Nội dung về phân cấp quản lý NSNN phù hợp với phân cấp kinh tế - xã hội giữa các cấp chính quyền cũng được rà soát để phù hợp với quy định hiện hành, đồng bộ với Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Đặc biệt, Luật NSNN mới đã bám sát quy định tại Điều 55 của Hiến pháp năm 2013, đó là: "NSNN, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính nhà nước và các nguồn tài chính công khác do Nhà nước thống nhất quản lý và phải được sử dụng hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật. NSNN gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, trong đó ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm nhiệm vụ chi của quốc gia. Các khoản thu, chi NSNN phải được dự toán và do luật định". Nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội tại điều 70, đó là: Quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; quyết định dự toán NSNN và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán NSNN.

Thực hiện quy định của Hiến pháp về việc bảo đảm tính thống nhất của hệ thống NSNN và của nền tài chính quốc gia, Luật NSNN mới đã thể hiện sự thống nhất xuyên suốt trong các quy định về chính sách thu, chi ngân sách, định mức phân bổ ngân sách, bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp... Các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn về chi NSNN đều do trung ương ban hành và thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước. Mọi khoản thu ngân sách được tập trung vào KBNN và do cơ quan có nhiệm vụ thu NSNN thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Mọi khoản chi NSNN chỉ được thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm quyền giao và đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Luật NSNN mới cũng đã bảo đảm tính đồng bộ với các Luật có liên quan trong hệ thống các luật về tổ chức bộ máy nhà nước như Luật tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công...

Các nguyên tắc về cân đối, quản lý ngân sách nhà nước

Khác với Luật NSNN năm 2002, các nguyên tắc quản lý NSNN nằm rải rác ở nhiều điều luật khác nhau. Lần này, Luật NSNN mới đã nhóm thành các nguyên tắc trong 4 điều luật cụ thể, đó là: Nguyên tắc cân đối NSNN (Điều 7); Nguyên tắc quản lý NSNN (Điều 8): Nguyên tắc phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách (Điều 9); Nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp ở địa phương (Điều 39). Đây là những nguyên tắc xuyên suốt, bất di bất dịch trong quản lý NSNN đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay ở nước ta và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo thông lệ quốc tế, các khoản vay để bù đắp bội chi NSNN phải được bố trí trả nợ lãi theo phân loại chi thường xuyên của NSNN (GFS 2001); còn các khoản trả nợ gốc được hạch toán riêng, nhưng vẫn theo dõi và phản ánh đầy đủ trong cân đối NSNN hàng năm để thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ với các tổ chức quốc tế và nhà đầu tư. Thực tế hiện nay, chi NSNN ở Việt Nam vẫn bao gồm chi trả nợ gốc và lãi các khoản tiền do Chính phủ vay, trong khi bội chi NSNN lại bao gồm toàn bộ các khoản vay để bù đắp chênh lệch thu, chi NSNN; Như vậy, trong phương pháp và cách thức xác định bội chi NSNN, phần vay sẽ phản ánh 2 lần trong chi ngân sách dẫn đến trùng lắp: lần thứ nhất sử dụng nguồn vay để chi, lần thứ 2 là chi trả nợ gốc khi đến hạn. Do đó, mức bội chi NSNN của Việt Nam thường cao hơn so với phương pháp tính bội chi ngân sách theo thông lệ quốc tế.

Để phản ánh đúng bản chất các khoản vay, phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng cường tính minh bạch, Luật NSNN mới đã quy định tại một số điều, khoản như: khoản 12, Điều 4 quy định rõ: "Chi trả nợ là nhiệm vụ chi của NSNN để trả các khoản nợ đến hạn phải trả, bao gồm khoản gốc, lãi, phí và chi phí khác phát sinh từ việc vay"; Điều 5 về phạm vi NSNN đã quy định về thu, chi, bội chi NSNN và tổng mức vay của NSNN (bao gồm vay để bù đắp bội chi NSNN và vay để trả nợ gốc của NSNN); Điều 19 quy định thẩm quyền của Quốc hội quyết định tổng mức vay của NSNN và trả nợ gốc các khoản vay của NSNN. Trong quá trình điều hành NSNN nếu có số tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách so với dự toán thì được sử dụng ưu tiên cho việc tăng chi trả nợ (bao gồm trả nợ gốc và lãi (khoản 2 Điều 59). Cuối năm ngân sách nếu có kết dư của ngân sách trung ương và ngân sách cấp tỉnh cũng phải bố trí chi trả nợ gốc và lãi các khoản vay của NSNN (Điều 72).

Như vậy, với quy định tại các điều, khoản nêu trên đã thể hiện các trường hợp chi trả nợ gốc và lãi của NSNN. Đối với chi trả nợ gốc khi đến hạn được bố trí từ các khoản vay mới theo quy định của pháp luật để thực hiện. Số bội chi được xác định bằng phần chênh lệch giữa số vay mới trừ đi chi trả nợ gốc. Trường hợp số vay mới lớn hơn số chi trả nợ gốc tại thời điểm vay, thì phát sinh bội chi NSNN. Việc vay nợ sẽ được quản lý và giám sát chặt chẽ, bội chi NSNN những năm tới (bao gồm cả trái phiếu chính phủ) sẽ không bị tính trùng khoản chi trả nợ gốc, phản ánh đúng mức dư nợ vay của Chính phủ, góp phần kiểm soát và giảm dần mức dư nợ công trong tương lai.

Quy định về bội chi ngân sách địa phương

Lần đầu tiên Luật NSNN mới quy định bội chi ngân sách địa phương (NSĐP) là một cấu phần trong bội chi NSNN. Nói cách khác, bội chi NSNN bao gồm bội chi ngân sách trung ương (NSTW) và bội chi NSĐP. Đây là điểm mới quan trọng để tăng cường kiểm soát bội chi NSNN. Nguồn bù đắp bội chi NSNN từ việc vay trong nước và vay nước ngoài, bao gồm cả việc vay từ phát hành trái phiếu chính phủ, công trái xây dựng Tổ quốc và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật (Điều 7).

Luật NSNN mới quy định chỉ NSĐP cấp tỉnh mới được phép bội chi. Bội chi NSĐP chỉ được sử dụng để đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công 5 năm đã được Hội đồng Nhân dân (HĐND) cấp tỉnh quyết định... Chính phủ quy định cụ thể điều kiện được phép bội chi NSĐP để bảo đảm phù hợp với khả năng trả nợ của địa phương và tổng mức bội chi chung của NSNN. Bên cạnh đó, Luật NSNN mới cũng đã nêu rõ những quy định về mức dư nợ vay của NSĐP.

Nguyên tắc thu, chi

Tại Điều 55 Hiến pháp quy định: "Các khoản thu, chi phải được dự toán và do luật định". Đây là một nguyên tắc trong quản lý NSNN, phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì vậy, Luật NSNN mới đã quy định: "Các khoản thu ngân sách thực hiện theo quy định của các luật thuế và chế độ thu theo quy định của pháp luật" (khoản 3 Điều 8); "Các khoản chi ngân sách chỉ được thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm quyền giao và phải bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan có thẩm quyền quy định" (khoản 4 Điều 8)... Đồng thời, quy định hành vi bị cấm: xuất quỹ NSNN tại Kho bạc Nhà nước mà không có trong dự toán đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định (khoản 11 điều 18).

Đánh giá bài viết
1 707
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm