Nghị quyết 02/NQ-CP 2019
Nghị quyết số 02/NQ-CP
Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/NQ-CP | Hà Nội, ngày 01 tháng 01 năm 2019 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA NĂM 2019 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2021
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 69/2018/QH14 ngày 12 tháng 4 năm 2016 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; Nghị quyết số 48/2017/QH14 ngày 08 tháng 11 năm 2018 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT NGHỊ:
I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH
Thực hiện Nghị quyết số 19 hàng năm của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các bộ, ngành, địa phương đã nhận thức ngày càng rõ trách nhiệm và tham gia ngày càng chủ động, tích cực để cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số, tiêu chí cụ thể thuộc trách nhiệm quản lý của mình. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã chỉ định đầu mối, thiết lập cơ chế theo dõi thực hiện Nghị quyết số 19 cũng như theo dõi việc cung cấp thông tin và kết quả đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế như Bộ Công Thương (Tiếp cận điện năng); Bộ Tài chính (Nộp thuế); Bộ Khoa học và Công nghệ (Đổi mới sáng tạo)..., Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Nộp bảo hiểm xã hội), tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Đồng Tháp, thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hàng ngàn điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã được bãi bỏ. Công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu đã được đổi mới cơ bản theo nguyên tắc đánh giá rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với nhiều loại hàng hóa. Số lượng dịch vụ công trực tuyến tăng nhanh...
Theo đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế, môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam được cải thiện 13 bậc 1 so với năm 2016 (trong đó, chỉ số thành phần Tiếp cận điện năng tăng 69 bậc 2, Nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 36 bậc 3, Khởi sự kinh doanh tăng 17 bậc 4). Chỉ số Hiệu quả logistics tăng 25 bậc 5, Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 14 bậc 6...
Hơn 50% doanh nghiệp đã đánh giá môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn đáng kể. Những bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện Nghị quyết số 19 cũng là những bộ, ngành, địa phương tiếp tục duy trì được thứ hạng cao hoặc có bước cải thiện mạnh về thứ hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI (do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố); Chỉ số Cải cách hành chính PAR Index (do Bộ Nội vụ công bố);...
Kết quả cải thiện nhanh, rõ nét của môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nước ta được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, được doanh nghiệp và người dân ghi nhận.
Mặc dù vậy, xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam mới ở mức trung bình khá trên bình diện quốc tế (xếp thứ 69/190 về môi trường kinh doanh, thứ 77/140 về năng lực cạnh tranh). Trong khu vực ASEAN vẫn chưa vào nhóm 4 nước dẫn đầu (đứng thứ 5 về môi trường kinh doanh, thứ 7 về năng lực cạnh tranh). Bên cạnh một số chỉ số có mức cải thiện nhanh, vẫn còn nhiều chỉ số cải thiện chậm. Đặc biệt một số chỉ số bị tụt hạng mạnh so với khu vực và thế giới như: Giải quyết phá sản doanh nghiệp năm 2018 giảm 8 bậc7 so với 2016, ở vị trí cuối bảng xếp hạng; Giao dịch thương mại qua biên giới giảm 7 bậc 8...
Các chỉ số liên quan tới công nghệ, sáng tạo nhằm thích nghi với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chậm được cập nhật, theo dõi, tập trung cải thiện dẫn tới năm 2018 giảm 01 bậc trong xếp hạng Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), giảm 03 bậc trong xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).
Từ năm 2016, Nghị quyết số 19 đã phân công trách nhiệm của bộ, ngành làm đầu mối theo dõi từng bảng xếp hạng quốc tế và chịu trách nhiệm từng chỉ số cụ thể nhưng không ít bộ, ngành vẫn chưa chỉ định đầu mối, chưa thiết lập cơ chế chỉ đạo trong cơ quan và theo ngành dọc. Vai trò cơ quan đầu mối của các Bộ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với Báo cáo Môi trường kinh doanh của WB và Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của WEF; Bộ Khoa học và Công nghệ đối với Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO); Bộ Thông tin và Truyền thông đối với Báo cáo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc (UN)) trong việc hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện và cung cấp số liệu còn chưa tích cực, chưa rõ nét. Một số chỉ tiêu dù được cải thiện nhưng do chưa có cơ chế tổng hợp, cung cấp thông tin chính xác đến các tổ chức quốc tế nên thứ hạng của nước ta được đánh giá thấp hơn thực tế (như số năm học trung bình của một người khi đến tuổi trưởng thành theo Báo cáo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử ...).
Đổi mới phương thức thực hiện quản lý nhà nước, nhất là từ tiền kiểm sang hậu kiểm và quản lý rủi ro ở một số ngành, cơ quan còn chậm, thiếu chủ động, chưa quyết liệt; mới tập trung vào các chỉ số nhằm tháo gỡ vướng mắc khi có sức ép mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp hoặc chỉ đạo trực tiếp của cấp trên. Những chỉ số ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa được quan tâm đúng mức. Một số hành động cải cách chưa thực chất, còn hình thức. Chi phí cơ hội, chi phí không chính thức của doanh nghiệp trong khởi sự kinh doanh, trong hoạt động cũng như chi phí về thời gian, tiền bạc của người dân trong tiếp cận các dịch vụ công đã giảm nhưng vẫn còn nhiều. Không ít nơi, ít lúc doanh nghiệp, người dân vẫn bị gây khó khăn, nhũng nhiễu bởi những quy định còn nặng tính cục bộ của một số cơ quan công quyền và một bộ phận công chức, viên chức.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và cạnh tranh quốc tế ngày càng gia tăng, các quốc gia, nền kinh tế đều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và chú trọng đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, sáng tạo nhằm thích ứng với nền sản xuất mới. Mục tiêu tăng thứ hạng trên thế giới, vào nhóm 4 quốc gia dẫn đầu trong khu vực ASEAN đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn trước rất nhiều. Trong nước, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội phấn khởi trước những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội song cũng đòi hỏi các cơ quan công quyền phải đổi mới mạnh mẽ hơn theo hướng công khai, minh bạch nhằm tạo điều kiện thông thoáng nhất để mọi người dân đều đóng góp công sức, của cải phát triển sản xuất kinh doanh làm giàu cho mình, cho đất nước.
Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 theo Nghị quyết của Quốc hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, Chính phủ ban hành Nghị quyết này tiếp nối các Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
II. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA NĂM 2019, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2021
1. Mục tiêu tổng quát
Nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế của WB, WEF, WIPO, UN về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh... nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội. Phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm ASEAN 4.
a) Nâng xếp hạng Môi trường kinh doanh - EoDB (của WB)9 lên 15 - 20 bậc; trong năm 2019 tăng 5 - 7 bậc.
b) Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh - GCI 4.0 (của WEF)10 tăng 5 - 10 bậc; trong năm 2019 tăng 3-5 bậc.
c) Nâng xếp hạng Đổi mới sáng tạo - GII (của WIPO)11 lên 5 - 7 bậc; trong năm 2019 tăng từ 2 - 3 bậc.
d) Nâng xếp hạng Hiệu quả logistics (của WB)12 lên 5 -10 bậc.
đ) Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh du lịch (của WEF)13 lên 10 - 15 bậc; trong năm 2019 tăng 7 - 10 bậc.
e) Nâng xếp hạng Chính phủ điện tử (của UN)14 lên 10 - 15 bậc năm 2020.
2. Một số mục tiêu cụ thể
a) Về cải thiện Môi trường kinh doanh theo EoDB:
- Nâng xếp hạng chỉ số Khởi sự kinh doanh (gọi tắt là A1) lên 20 - 25 bậc; năm 2019 ít nhất 5 bậc.
- Nâng xếp hạng chỉ số Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội (A2) lên 30 - 40 bậc; năm 2019 từ 7 - 10 bậc.
- Nâng xếp hạng chỉ số Cấp phép xây dựng (A3) lên 2 - 3 bậc; năm 2019 ít nhất 1 bậc.
- Nâng xếp hạng chỉ số Tiếp cận tín dụng (A4) lên 3 - 5 bậc; năm 2019 ít nhất 1 bậc.
- Nâng xếp hạng chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư (A5) lên 14 - 19 bậc; năm 2019 ít nhất 5 bậc.
- Nâng xếp hạng chỉ số Tiếp cận điện năng (A6) lên 5 - 7 bậc; năm 2019 từ 3 - 5 bậc.
- Nâng xếp hạng chỉ số Đăng ký tài sản (A7) lên từ 20 - 30 bậc; năm 2019 từ 5 - 8 bậc.
- Nâng xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới (A8) lên 10 - 15 bậc; năm 2019 từ 3 - 5 bậc.
- Nâng xếp hạng chỉ số Giải quyết tranh chấp hợp đồng (A9) lên 8 - 12 bậc; năm 2019 ít nhất 3 bậc.
- Nâng xếp hạng chỉ số Phá sản doanh nghiệp (A10) lên 10 -15 bậc; năm 2019 tăng ít nhất 3 bậc.
b) Về cải thiện năng lực cạnh tranh theo GCI 4.0:
- Nâng xếp hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật15 (gọi tắt là B1) lên từ 5 - 10 bậc; năm 2019 ít nhất 2 bậc.
- Nâng xếp hạng chỉ số Kiểm soát tham nhũng16 (B2) lên từ 5 đến 10 bậc; năm 2019 từ 2 - 5 bậc.
- Nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai17 (B3) lên từ 5 đến 8 bậc; năm 2019 từ 2 - 3 bậc.
- Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Hạ tầng18 (B4) lên từ 3 - 5 bậc; năm 2019 ít nhất 1 bậc.
- Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Ứng dụng công nghệ thông tin19 (B5) lên từ 20 đến 25 bậc; năm 2019 ít nhất 5 bậc.
- Nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng đào tạo nghề20 (B6) lên từ 20-25 bậc; năm 2019 ít nhất 5 bậc.
- Nâng xếp hạng chỉ số Vốn hóa thị trường chứng khoán21 (B7) lên từ 10 - 15 bậc; năm 2019 ít nhất 5 bậc.
- Nâng xếp hạng chỉ số Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển22 (B8) lên 6 - 10 bậc; năm 2019 ít nhất 2 bậc.
- Nâng xếp hạng chỉ số Tăng trưởng về doanh nghiệp đổi mới sáng tạo23 (B9) lên từ 20 - 25 bậc; năm 2019 ít nhất 5 bậc.
- Nâng xếp hạng chỉ số Công ty có ý tưởng sáng tạo mới đột phá24 (B10) lên từ 5 - 10 bậc, năm 2019 ít nhất 2 bậc.
c) Về cải thiện các chỉ số Đổi mới sáng tạo:
Về các chỉ số Đổi mới sáng tạo theo GII:
- Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Hạ tầng công nghệ thông tin25 (gọi tắt là C1) lên 10 - 15 bậc; năm 2019 tăng 5 - 7 bậc.
- Nâng xếp hạng chỉ số Tuyển dụng lao động thâm dụng tri thức26 (C2) lên từ 15 - 20 bậc; năm 2019 tăng 5 - 7 bậc.
- Nâng xếp hạng chỉ số Hợp tác nghiên cứu nhà trường - doanh nghiệp27 (C3) lên 10 - 15 bậc; năm 2019 tăng 3 - 5 bậc.
- Nâng xếp hạng chỉ số Công nghệ thông tin và sáng tạo trong mô hình kinh doanh28 (C4) lên 15 - 20 bậc; năm 2019 tăng 5 - 7 bậc.
- Nâng xếp hạng chỉ số Công nghệ thông tin và sáng tạo trong mô hình của tổ chức29 (C5) lên 10 - 15 bậc; năm 2019 tăng 3 - 5 bậc.
- Nâng xếp hạng các chỉ số thuộc nhóm Sáng tạo trực tuyến30 (C6) lên 10 - 14 bậc; năm 2019 tăng 3 - 5 bậc.
Về nhóm chỉ số trụ cột Công nghệ và Đổi mới sáng tạo31 theo đánh giá Mức độ sẵn sàng cho sản xuất tương lai32 của WEF:
- Nâng xếp hạng các chỉ số thuộc nhóm Giải pháp công nghệ33 (gọi tắt là C7) lên 15 - 20 bậc; năm 2019 tăng 5 - 7 bậc.
- Nâng xếp hạng các chỉ số thuộc nhóm Năng lực Đổi mới sáng tạo34 (C8) lên 10 - 15 bậc; năm 2019 tăng 3 - 5 bậc.
- Nâng xếp hạng các chỉ số thuộc nhóm Nguồn nhân lực35 (C9) lên 10 - 15 bậc; năm 2019 tăng 3 - 5 bậc.
d) Về cải thiện xếp hạng Hiệu quả logistics: Nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng và năng lực các dịch vụ logistics (gọi tắt là D1) lên 3 - 5 bậc; năm 2019 từ 1 - 2 bậc.
đ) Về các chỉ số theo xếp hạng Năng lực cạnh tranh du lịch: Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch (gọi tắt là Đ1) lên 15 - 20 bậc; năm 2019 từ 5 - 7 bậc.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Tăng cường trách nhiệm của các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các bộ được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần.
a) Phân công các bộ đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số như sau:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Môi trường kinh doanh của WB và Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của WEF.
- Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo của WIPO và nhóm chỉ số Công nghệ và Đổi mới sáng tạo theo đánh giá Mức độ sẵn sàng cho sản xuất tương lai của WEF.
- Bộ Công Thương làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Hiệu quả logistics của WB.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch của WEF.
- Bộ Thông tin và Truyền thông làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử của UN.
b) Phân công các bộ, cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần cụ thể như sau:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chỉ số A1 và A5.
- Bộ Tài chính: Chỉ số A8, B7 và cấu phần Nộp thuế trong chỉ số A2.
- Bộ Thông tin và Truyền thông: Chỉ số B5, C1, C4, C5 và C6.
- Bộ Giao thông vận tải: Chỉ số B4.
- Bộ Xây dựng: Chỉ số A3.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường: Chỉ số A7 và B3.
- Ngân hàng nhà nước Việt Nam: Chỉ số A4.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Chỉ số B6 và C2.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo: Chỉ số C3 và C9.
- Thanh tra Chính phủ: Chỉ số B2.
- Bộ Khoa học và Công nghệ: Chỉ số B8, B9, B10, C7 và C8.
- Bộ Công Thương: Chỉ số A6 và D1.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chỉ số Đ1.
- Bộ Tư pháp: Chỉ số B1; tham mưu cho Chính phủ và trực tiếp thực hiện (khi được ủy quyền) giải pháp cải thiện chỉ số A9 và A10.
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam: cấu phần “Nộp bảo hiểm” trong chỉ số A2.
c) Các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi các bộ chỉ số (nêu tại điểm a, khoản 1, mục III) và các bộ, cơ quan được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần (nêu tại điểm b, khoản 1 mục III) có trách nhiệm:
- Căn cứ Nghị quyết này xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện, trong đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện và thời hạn hoàn thành theo các mục tiêu, nhiệm vụ được giao; ban hành trong Quý I năm 2019.
- Xây dựng tài liệu hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương để có cách hiểu đúng, thống nhất về các bộ chỉ số, nhóm chỉ số, chỉ số thành phần, các mục tiêu, mẫu biểu báo cáo; ban hành trong Quý I năm 2019. Tài liệu hướng dẫn phải được công khai trên Trang thông tin điện tử của bộ, cơ quan.
- Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện tại các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan; kịp thời đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, giải pháp, nhiệm vụ phát sinh để cải thiện các chỉ số được phân công.
- Chủ động kết nối với các tổ chức quốc tế; tạo lập kênh thông tin để cung cấp, cập nhật đầy đủ, kịp thời nhằm đánh giá, xếp hạng khách quan, chính xác.
- Tổng hợp kết quả thực hiện cải thiện các chỉ số được phân công, định kỳ hàng quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ để tổng hợp vào báo cáo chung về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết.
d) Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan: (i) Thúc đẩy hợp tác với các đối tác, tổ chức quốc tế về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh; (ii) đôn đốc WEF hoàn thành báo cáo về Việt Nam sẵn sàng tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 vào đầu năm 2020 và triển khai xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo.
2. Tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong năm 2018.
a) Các bộ, cơ quan ngang bộ:
- Tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi36 trước quý III năm 2019.
- Đẩy nhanh tiến độ soạn thảo Luật sửa đổi các luật có liên quan trình Chính phủ để trình Quốc hội bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt.
- Công bố đầy đủ các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, các điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa trong năm 2018.
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện đảm bảo thực thi đầy đủ điều kiện kinh doanh đã bị bãi bỏ, những nội dung được đơn giản hóa của các quy định về điều kiện kinh doanh; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định của pháp luật; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định mới về điều kiện kinh doanh.
c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì:
- Đánh giá mức độ thay đổi và tác động thực chất đối với doanh nghiệp của những cải cách, bãi bỏ đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh do các bộ, ngành thực hiện năm 2018; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2019.
- Theo dõi, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh ở các bộ, ngành, địa phương; định kỳ hàng quý báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết ngay các chậm trễ, sai lệch, biến tướng và các vấn đề mới phát sinh.
- Chủ trì xây dựng, trình Chính phủ Đề án cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư trong quý IV năm 2019.
3. Tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia
a) Các bộ, cơ quan ngang bộ:
- Đến hết năm 2019, thực hiện đầy đủ các nguyên tắc cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, gồm: (i) áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên đánh giá, phân tích về mức độ tuân thủ của doanh nghiệp và mức độ, quy mô rủi ro của hàng hóa; (ii) chuyển mạnh sang hậu kiểm, chủ yếu thực hiện tại giai đoạn lưu thông hàng hóa tại thị trường nội địa; (iii) minh bạch về danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành kèm mã số HS ở cấp độ chi tiết; minh bạch về chế độ quản lý và chi phí; (iv) áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
- Rà soát, bãi bỏ, chấm dứt việc quy định thủ tục hành chính trong công văn hướng dẫn. Hoàn thành trong quý I năm 2019.
- Công bố công khai đầy đủ trên trang thông tin điện tử của bộ quản lý chuyên ngành về danh mục các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành đã cắt giảm (kèm theo mã HS) trong quý I năm 2019. Trước tháng 6 năm 2019, hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành37 và thực hiện việc công khai đầy đủ danh mục này.
- Trong năm 2019, hoàn thành tập trung một đầu mối duy nhất thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với một sản phẩm, hàng hóa.
- Nghiên cứu, xây dựng giải pháp kỹ thuật kết nối đồng bộ hệ thống VNACC/VCIS và tất cả các thủ tục hành chính về quản lý, kiểm tra chuyên ngành vào Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020.
b) Bộ Tài chính chủ trì theo dõi tình hình và đánh giá kết quả thực hiện cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành; đánh giá mức độ thay đổi và tác động thực chất đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu; định kỳ hàng quý báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết ngay các chậm trễ, sai lệch, biến tướng và các vấn đề mới phát sinh.
c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo các sở ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện đảm bảo thực thi đầy đủ các quy định về cắt giảm danh mục mặt hàng và cải cách thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành.
4. Đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4
a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4; cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau; đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
b) Bộ Thông tin và Truyền thông:
- Trước quý II năm 2019, tháo gỡ triệt để những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp viễn thông trong cấp phép khai thác băng tần 2.6GHz triển khai mạng 4G; đảm bảo cho các doanh nghiệp viễn thông được thi tuyển, đấu giá, cấp phép băng tần theo đúng quy định của pháp luật.
- Trong quý I năm 2019, chủ trì, hoàn thành xây dựng Kiến trúc tổng thể Chính phủ điện tử Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025; hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử (đối với cấp bộ), Kiến trúc Chính quyền điện tử (đối với cấp tỉnh).
c) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Trước quý III năm 2019, báo cáo Chính phủ phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng; xác định hạn mức số tiền tối đa nạp ví điện tử và giá trị giao dịch hàng tháng. Yêu cầu các ngân hàng thương mại, các tổ chức trung gian thanh toán áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở QR code để đảm bảo khả năng tương thích giữa các giải pháp thanh toán trên nền QR code. Phối hợp với Bộ Tài chính liệt kê và công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi các quy định của pháp luật để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch về bất động sản.
- Trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 222/2013/NĐ-CP về thanh toán bằng tiền mặt trong quý IV năm 2019.
d) Bộ Tài chính, thực hiện trước quý III năm 2019 rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế tài chính cho phép các tổ chức hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp được chi trả phí dịch vụ cho các dịch vụ thanh toán điện tử.
đ) Bộ Công an:
- Đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiệm vụ được giao tại Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020.
- Chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông; áp dụng thống nhất việc định danh các khoản thu phạt vi phạm hành chính (mã ID); kết nối, chia sẻ thông tin thu phạt với Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp được giao quản lý mạng bưu chính công cộng, cung ứng dịch vụ bưu chính công ích và các đơn vị có liên quan; ứng dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thu phạt vi phạm hành chính.
e) Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh thực hiện các giải pháp vận động, khuyến khích phát triển người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt với mục tiêu đạt 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, mai táng phí, tử tuất,... sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị.
g) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các tổ chức, đơn vị liên quan tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người hưởng nhận các khoản trợ cấp qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo ít nhất trên địa bàn đô thị đạt 10% đến hết năm 2019 và 30% đến hết năm 2020.
h) Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan:
- Thiết lập và đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia trước tháng 12 năm 2019; kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
- Triển khai thực hiện và tổ chức kiểm tra việc cải cách thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính... Theo dõi, đôn đốc, tham mưu việc triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 ở các bộ, ngành, địa phương.
i) Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo tất cả các công ty điện lực phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu tiền điện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; khuyến khích người sử dụng điện thanh toán tiền điện bằng các giải pháp điện tử, di động; trong năm 2019 tăng gấp đôi số người sử dụng điện thanh toán tiền điện bằng phương thức thanh toán điện tử.
k) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ:
- Ban hành kế hoạch thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền ở cấp độ 4; hoàn thành trước tháng 12/2019. Đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
- Yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp, thoát nước, công ty vệ sinh môi trường, các công ty viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ. Hoàn thành trước tháng 12 năm 2019.
5. Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup).
a) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp phải quán triệt đầy đủ nguyên tắc:
- Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm; tăng cường vai trò nghiên cứu của các trường đại học; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ các chương trình khoa học trọng điểm, các nghiên cứu cấp bộ và hoạt động của các viện nghiên cứu nhà nước; khuyến khích thành lập các viện nghiên cứu tư nhân, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
- Hệ thống thể chế phải thực sự khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, tham gia nghiên cứu và phát triển (R&D) và trí tuệ nhân tạo.
- Tuyệt đối không sử dụng các công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học.
b) Các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi thẩm quyền khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo; tạo thuận lợi tối đa và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển thị trường; khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư thực hiện vai trò “bà đỡ” cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển.
c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia trong tháng 3 năm 2019; Chiến lược phát triển quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong tháng 9 năm 2019.
d) Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung triển khai các giải pháp để tiếp thu và làm chủ các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo. Đẩy mạnh cơ cấu lại chương trình khoa học và công nghệ quốc gia theo hướng coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Phát triển Trung tâm khởi nghiệp quốc gia thống nhất; xây dựng Mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh triển khai mạnh mẽ, toàn diện đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa”.
đ) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển không gian khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học.
e) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi và ban hành Thông tư hướng dẫn nội dung chi và quản lý quỹ phát triển của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần, hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ tại doanh nghiệp; cho phép doanh nghiệp tự chủ, tự quyết định sử dụng quỹ nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp cho đổi mới sáng tạo và đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.
g) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường tổ chức các hoạt động sáng tạo, trải nghiệm khoa học.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
a) Coi việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; phân công đơn vị làm đầu mối thực hiện tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của bộ, ngành, địa phương.
b) Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết và hướng dẫn của các bộ đầu mối về các bộ chỉ số, hướng dẫn của các bộ, cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm về các nhóm chỉ số; chỉ số thành phần xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện và ban hành trong quý I năm 2019; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng chính phủ để tổng hợp.
c) Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện Chương trình, Kế hoạch thực hiện các Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
d) Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo. Trước ngày 15 của tháng cuối quý và trước ngày 15 tháng 12, tổng hợp báo cáo, đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện trong quý và cả năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng cuối quý và cuối năm.
2. Từng bộ, ngành, địa phương tổ chức công tác truyền thông về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thuộc phạm vi trách nhiệm của mình. Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan báo chí chủ động hỗ trợ các bộ, cơ quan, địa phương tổ chức truyền thông, quán triệt, phổ biến Nghị quyết sâu rộng trong các ngành, các cấp; tăng cường theo dõi, giám sát của các cơ quan truyền thông, báo chí về kết quả thực hiện Nghị quyết.
3. Bộ Nội vụ nghiên cứu lồng ghép một số tiêu chí đánh giá, xếp hạng việc thực thi Nghị quyết vào nội dung khảo sát hàng năm của chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS).
4. Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh chủ trì, chịu trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đánh giá độc lập về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết, trong đó nêu rõ các bộ, ngành, địa phương làm tốt và nơi làm chưa tốt. Định kỳ hàng năm công khai kết quả khảo sát, đánh giá trong Chính phủ.
5. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng theo dõi, đánh giá độc lập thường xuyên về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiến hành điều tra và công bố chỉ số PCI, tiến hành đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp trên các lĩnh vực như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng...; tổng hợp những bất cập, vướng mắc của pháp luật mà doanh nghiệp kiến nghị; chủ trì thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, chương trình “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và chương trình nâng cao năng lực cho các hiệp hội doanh nghiệp.
6. Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện khảo sát, đánh giá và công bố thường niên Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI)./.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ |
1 Từ thứ 82 lên thứ 69 theo đánh giá, xếp hạng của Ngân hàng thế giới.
2 Từ thứ 96 lên thứ 27
3 Từ thứ 167 lên thứ 131
4 Từ thứ 121 lên thứ 104
5 Từ thứ 64 lên thứ 39
6 Từ thứ 59 lên thứ 45
7 Từ thứ 125 xuống thứ 133
8 Từ thứ 93 xuống thứ 100
9 Xếp hạng Doing Business (xem tại http://www.doingbusiness.org/)
10 Xếp hạng Global Competitiveness Index 4.0 (xem tại https://www.weforum.org/reports/the-global-competitveness-report-2018)
11 Xếp hạng Global Innovation Index (xem tại https://www.globalinnovationindex.org/gii-2018-report)
12 Xếp hạng Logistics Performance Index (xem tại https://lpi.worldbank.org/international/global)
13 Xếp hạng Travel and Tourism Competitiveness Index
(xem tại https://www.weforum.org/reports/the-travel-tourism-competitiveness-report-2017)
14 Xếp hạng E-Government Development Index (trong báo cáo United Nation E-Government Survey, xem tại https://publicadministration.un.org/egovkb/en-us/Reports/UN-E-Govemment-Survey-2018)
15 Thuộc Trụ cột 1, GCI 4.0
16 Thuộc Trụ cột 1, GCI 4.0
17 Thuộc Trụ cột 1, GCI 4.0
18 Trụ cột 2, GCI 4.0
19 Trụ cột 3, GCI 4.0
20 Thuộc Trụ cột 6, GCI 4.0
21 Thuộc Trụ cột 9, GCI 4.0
22 Thuộc Trụ cột 12, GCI 4.0
23 Thuộc Trụ cột 11, GCI 4.0
24 Thuộc Trụ cột 11, GCI 4.0
25 Trụ cột 3- Cơ sở hạ tầng, GII
26 Thuộc Trụ cột 5 - Trình độ phát triển kinh doanh, GII
27 Thuộc Trụ cột 5 - Trình độ phát triển kinh doanh, GII
28 Thuộc Trụ cột 7 - Sản phẩm sáng tạo, GII
29 Thuộc Trụ cột 7 - Sản phẩm sáng tạo, GII
30 Thuộc Trụ cột 7- Sản phẩm sáng tạo, GII
31 Động lực Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Technology & Innovation
32 Xếp hạng Readiness for Future of Production Assessment
33 Technology Platform
34 Ability to innovate
35 Human capital
36 Theo rà soát các Nghị định về cắt giảm điều kiện kinh doanh được ban hành trong năm 2018 và các điều kiện kinh doanh hiện nay cho thấy vẫn còn một số điều kiện kinh doanh không cần thiết, không cụ thể, không khả thi và có thể dẫn tới những rủi ro cho doanh nghiệp. Do đó, những điều kiện kinh doanh như vậy cần tiếp tục rà soát và kiến nghị bãi bỏ, đơn giản hóa.
37 Danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành tính tại thời điểm ban hành Nghị quyết 19-2018 (ngày 15 tháng 5 năm 2018).
Tham khảo thêm
Thông tư 42/2018/TT-NHNN
Thông tư 32/2018/TT-BNNPTNT Phương pháp định giá rừng khung giá rừng
Nghị quyết 01/NQ-CP 2019
Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH
Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT quy định quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản
Thông tư 36/2018/TT-NHNN
Quyết định 6556/QĐ-BYT 2018
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018
- Chia sẻ:Trần Thu Trang
- Ngày:
Tải file định dạng .doc
02/01/2019 4:11:05 CH
Gợi ý cho bạn
-
Thông tư số 78/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp
-
Nghị định 18/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP kinh doanh theo phương thức đa cấp
-
Luật doanh nghiệp 68/2014/QH13
-
Nghị định 89/2024/NĐ-CP về chuyển đổi công ty nhà nước sang công ty TNHH một thành viên
-
Nghị định 101/2022/NĐ-CP đầu tư kinh doanh quân dụng, vũ khí quân dụng phục vụ quốc phòng, an ninh
-
Nghị định 113/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã
-
Thông tư 45/2013/TT-BTC chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định
-
Tải Nghị định 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp file Doc, Pdf
-
Luật đầu tư số 67/2014/QH13
-
Luật doanh nghiệp số 60/2005/QH11
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Phân tích khổ 4 bài Tràng giangHướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Cách viết Phiếu đảng viênMẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Bài thu hoạch học tập nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của ĐảngBiên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Mẫu biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viênTop 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Cảm nhận về bài thơ Sóng - Xuân QuỳnhThực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Đáp án bài tập cuối khóa module 9 môn ToánBài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Module rèn luyện phong cách làm việc khoa học của người GVMNBộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Lịch thi vẽ tranh Thiếu nhi Việt Nam mừng đại hội Đoàn 2024Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Cách hủy tờ khai thuế giá trị gia tăngMẫu tờ trình xin kinh phí hoạt động 2024 mới nhất
Cách viết tờ trình xin kinh phí hoạt độngSuy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Suy nghĩ của em về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ NươngTờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công
Thuế - Lệ phí - Kinh phí
Giáo dục - Đào tạo
Y tế - Sức khỏe
Thể thao
Bảo hiểm
Chính sách
Hành chính
Cơ cấu tổ chức
Quyền Dân sự
Tố tụng - Kiện cáo
Dịch vụ Pháp lý
An ninh trật tự
Trách nhiệm hình sự
Văn bản Nông - Lâm - Ngư nghiệp
Tài nguyên - Môi trường
Công nghệ - Thông tin
Khoa học công nghệ
Văn bản Giao thông vận tải
Hàng hải
Văn hóa Xã hội
Du lịch
Doanh nghiệp
Xuất - Nhập khẩu
Tài chính - Ngân hàng
Lao động - Tiền lương
Đầu tư - Chứng khoán - Thương mại
Xây dựng - Đô thị - Đất đai - Nhà ở
Lĩnh vực khác