Nghị định số 39/2010/NĐ-CP

Nghị định số 39/2010/NĐ-CP của Chính phủ: Về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị.

CHÍNH PHỦ
----------

Số: 39/2010/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------------------------------

Hà Nội, ngày 07 tháng 04 năm 2010

NGHỊ ĐỊNH
Về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị
--------------------

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định về quản lý không gian xây dựng ngầm tại các đô thị ở Việt Nam.

2. Các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia các hoạt động có liên quan đến không gian xây dựng ngầm tại các đô thị ở Việt Nam phải tuân thủ các quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. "Không gian xây dựng ngầm đô thị" là không gian dưới mặt đất được sử dụng cho mục đích xây dựng công trình ngầm đô thị.

2. "Quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị" bao gồm việc quy hoạch không gian xây dựng ngầm và các hoạt động liên quan đến xây dựng công trình ngầm đô thị.

3. "Quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị" là việc tổ chức không gian xây dựng dưới mặt đất để xây dựng công trình ngầm.

4. "Công trình ngầm đô thị" là những công trình được xây dựng dưới mặt đất tại đô thị bao gồm: công trình công cộng ngầm, công trình giao thông ngầm, các công trình đầu mối kỹ thuật ngầm và phần ngầm của các công trình xây dựng trên mặt đất, công trình đường dây, cáp, đường ống kỹ thuật ngầm, hào và tuy nen kỹ thuật.

5. "Công trình công cộng ngầm" là công trình phục vụ hoạt động công cộng được xây dựng dưới mặt đất.

6. "Công trình giao thông ngầm" là các công trình đường tàu điện ngầm, nhà ga tàu điện ngầm, hầm đường bộ, hầm cho người đi bộ và các công trình phụ trợ kết nối (kể cả phần đường nối phần ngầm với mặt đất).

7. "Công trình đầu mối kỹ thuật ngầm" là các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, bao gồm: trạm cấp nước, trạm xử lý nước thải, trạm biến áp, trạm gas... được xây dựng dưới mặt đất.

8. "Công trình đường dây, cáp, đường ống kỹ thuật ngầm" là các công trình đường ống cấp nước, cấp năng lượng, thoát nước; công trình đường dây cấp điện, thông tin liên lạc được xây dựng dưới mặt đất.

9. "Phần ngầm của các công trình xây dựng trên mặt đất" là tầng hầm (nếu có) và các bộ phận của công trình nằm dưới mặt đất.

10. "Tuy nen kỹ thuật" là công trình ngầm theo tuyến có kích thước lớn đủ để đảm bảo cho con người có thể thực hiện các nhiệm vụ lắp đặt, sửa chữa và bảo trì các thiết bị, đường ống kỹ thuật.

11. "Hào kỹ thuật" là công trình ngầm theo tuyến có kích thước nhỏ để lắp đặt các đường dây, cáp và các đường ống kỹ thuật.

12. "Cống, bể kỹ thuật" là hệ thống ống, bể cáp để lắp đặt đường dây, cáp ngầm thông tin, viễn thông, cáp truyền dẫn tín hiệu, cáp truyền hình, cáp điện lực, chiếu sáng.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị

1. Chính phủ thống nhất quản lý trên cơ sở giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị trên địa bàn mình quản lý.

2. Không gian xây dựng ngầm đô thị phải được quy hoạch, xây dựng, quản lý và sử dụng. Quy hoạch, phát triển không gian đô thị trên mặt đất phải kết hợp chặt chẽ với việc sử dụng an toàn và hiệu quả không gian ngầm.

3. Việc sử dụng không gian ngầm để xây dựng công trình ngầm phải bảo đảm sử dụng tiết kiệm đất, bảo vệ môi trường và các yêu cầu về an ninh, quốc phòng.

4. Chủ đầu tư các khu đô thị mới, khu nhà ở mới và các tuyến đường phố mới xây dựng hoặc cải tạo, mở rộng có trách nhiệm đầu tư xây dựng các công trình cống, bể kỹ thuật hoặc hào, tuy nen kỹ thuật để bố trí, lắp đặt các đường dây và đường ống kỹ thuật theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với các đô thị cũ, đô thị cải tạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải có kế hoạch đầu tư xây dựng cống, bể kỹ thuật hoặc hào, tuy nen kỹ thuật để từng bước hạ ngầm đường dây, cáp nổi.

5. Việc xây dựng công trình ngầm đô thị phải tuân thủ các quy định sau:

a) Quy hoạch đô thị, quy chuẩn về xây dựng ngầm, giấy phép xây dựng;

b) Không được xây dựng vượt quá chỉ giới xây dựng hoặc phạm vi sử dụng đất được xác định theo quyết định giao đất, thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Khi có nhu cầu xây dựng vượt quá chỉ giới xây dựng hoặc phạm vi sử dụng đất đã được xác định (trừ phần đấu nối kỹ thuật của hệ thống đường dây, đường ống ngầm) thì phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép;

c) Bảo đảm an toàn cho cộng đồng, cho bản thân công trình và các công trình lân cận; không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng, khai thác, vận hành của các công trình lân cận cũng như các công trình đã có hoặc đã xác định trong quy hoạch đô thị.

Đánh giá bài viết
1 276
0 Bình luận
Sắp xếp theo