Nghị định số 34/2013/NĐ-CP về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước

Nghị định số 34/2013/NĐ-CP - Quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước

Nghị định số 34/2013/NĐ-CP về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung về quản lý, sử dụng, cho thuê, cho thuê mua và bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước.

Nghị định số 34/2013/NĐ-CP đã HẾT HIỆU LỰC NGÀY 10/12/2015 VÀ ĐƯỢC THAY THẾ BẰNG Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật nhà ở 2014.

CHÍNH PHỦ

--------------
Số: 34/2013/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

----------------

Hà Nội, ngày 22 tháng 04 năm 2013

NGHỊ ĐỊNH
Về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước

-------------------

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Nhà ở ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật Quản lý; sử dụng tài sản Nhà nước ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 6 năm 2005 và Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16 tháng 7 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước.

Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung về quản lý, sử dụng, cho thuê, cho thuê mua và bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước.

2. Nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước quy định trong Nghị định này bao gồm:

a) Nhà ở công vụ;

b) Nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng một phần hoặc toàn bộ nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước (sau đây gọi chung là nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước);

c) Ký túc xá sinh viên được đầu tư xây dựng bằng một phần hoặc toàn bộ nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ vốn ngân sách Nhà nước do các cơ sở giáo dục đang quản lý; nhà ở sinh viên do Nhà nước đầu tư xây dựng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi chung là nhà ở sinh viên);

d) Nhà ở được tạo lập bằng vốn từ ngân sách Nhà nước hoặc có nguồn gốc sở hữu khác được chuyển sang xác lập thuộc sở hữu Nhà nước và được bố trí sử dụng vào mục đích để ở theo quy định của pháp luật, bao gồm cả nhà ở thuộc diện tự quản (sau đây gọi chung là nhà ở cũ).

3. Các tài sản Nhà nước là công sở, trụ sở, nhà làm việc, nhà khách, nhà lưu trú công vụ và các loại nhà khác thuộc sở hữu Nhà nước không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người thuê, thuê mua, mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước.

2. Cơ quan, đơn vị quản lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước.

3. Cá nhân, tổ chức liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước

1. Việc quản lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước phải được thực hiện thống nhất, có sự phối hợp chặt chẽ, sự phân giao trách nhiệm quản lý rõ ràng giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan; bảo đảm duy trì và phát triển quỹ nhà ở này.

2. Việc sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước phải đúng mục đích, bảo đảm hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.

3. Nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước phải được quản lý, sử dụng bảo đảm chất lượng và an toàn cho người sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan.

4. Việc cho thuê, cho thuê mua và bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước phải bảo đảm đúng đối tượng, đúng điều kiện và theo đúng quy định của Nghị định này.

5. Mọi hành vi vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Chương II
TỔ CHỨC QUẢN LÝ NHÀ Ở THUỘC SỞ HỮU NHÀ NƯỚC

Điều 4. Cơ quan, đơn vị quản lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước

1. Cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách trung ương được quy định như sau:

a) Bộ Xây dựng là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở công vụ của Chính phủ, nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách trung ương (không bao gồm nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đầu tư xây dựng) và nhà ở sinh viên do các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ Xây dựng đang quản lý;

b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở công vụ, nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đầu tư xây dựng, nhà ở sinh viên do các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đang quản lý. Riêng đối với nhà ở cũ do Bộ Quốc phòng đang quản lý thì Bộ Quốc phòng là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở này;

c) Các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương khác là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở công vụ đang được giao quản lý, nhà ở sinh viên do các cơ sở giáo dục trực thuộc các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương đó đang quản lý.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) là đại diện chủ sở hữu đối với các loại nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước được giao quản lý trên địa bàn.

3. Cơ quan quản lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước là cơ quan được đại diện chủ sở hữu quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này giao thực hiện việc quản lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, cụ thể là:

a) Đối với Bộ, ngành, cơ quan Trung ương là cơ quan được giao chức năng quản lý nhà ở trực thuộc Bộ, ngành, cơ quan Trung ương đó;

b) Đối với địa phương là Sở Xây dựng;

c) Cơ sở giáo dục thực hiện việc quản lý đối với nhà ở sinh viên đang được giao quản lý.

4. Đơn vị quản lý vận hành nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước là tổ chức hoặc doanh nghiệp có chức năng và năng lực chuyên môn về quản lý, vận hành nhà ở, được cơ quan quản lý nhà ở quy định tại Khoản 3 Điều này giao nhiệm vụ quản lý vận hành nhà ở thông qua hình thức chỉ định hoặc đấu thầu để thực hiện quản lý vận hành nhà ở.

Đối với nhà ở công vụ dành cho các đối tượng là giáo viên, bác sỹ, nhân viên y tế nằm trong khuôn viên hoặc nằm kề khuôn viên trường học hoặc cơ sở y tế thì có thể giao cho trường học hoặc cơ sở y tế thực hiện việc quản lý vận hành nhà ở công vụ đó.

Điều 5. Quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước

1. Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 4 của Nghị định này có các quyền và trách nhiệm sau đây đối với nhà ở được giao quản lý:

a) Quyết định người được thuê nhà ở công vụ, người được thuê, mua nhà ở cũ; quyết định người được thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước;

b) Lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành nhà ở;

c) Phê duyệt việc bảo trì, cải tạo, phá dỡ, xây dựng lại nhà ở;

d) Ban hành hoặc quyết định giá thuê, thuê mua, giá bán nhà ở;

đ) Quyết định thu hồi nhà ở;

e) Các quyền và trách nhiệm khác mà Thủ tướng Chính phủ giao theo quy định.

2. Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 4 của Nghị định này có thể giao cho cơ quan quản lý nhà ở quy định tại Khoản 3 Điều 4 của Nghị định này thực hiện quyền quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này. Riêng đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thì có thể giao cho cơ quan quản lý nhà ở thực hiện các quyền quy định tại các Điểm a, b và Điểm đ Khoản 1 Điều này.

Điều 6. Quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước

Cơ quan quản lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước quy định tại Khoản 3 Điều 4 của Nghị định này có các quyền và trách nhiệm sau đây:

1. Rà soát, thống kê, phân loại nhà ở được giao quản lý; tiếp nhận nhà ở tự quản do các cơ quan trung ương chuyển giao (nếu có) để quản lý theo quy định của Nghị định này;

2. Lập kế hoạch bảo trì, cải tạo hoặc xây dựng lại nhà ở để trình cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở đó phê duyệt;

3. Tập hợp, lập, lưu trữ hồ sơ nhà ở và giao 01 bộ hồ sơ hoàn công (đối với trường hợp xây dựng mới) hoặc hồ sơ đo vẽ lại (đối với nhà ở cũ) cho đơn vị quản lý vận hành nhà ở;

4. Lập và trình cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở quyết định người được thuê nhà ở công vụ, quyết định người được thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước, quyết định người được thuê, mua nhà ở cũ. Riêng đối với nhà ở của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thì cơ quan quản lý nhà ở được quyền quyết định người được thuê, thuê mua, mua nhà ở nếu được giao thực hiện;

5. Trình cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở quyết định đơn vị quản lý vận hành nhà ở hoặc tự quyết định lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nếu được giao thực hiện;

6. Căn cứ vào quy định của pháp luật về khung giá, giá thuê, thuê mua, giá bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để xây dựng giá thuê, thuê mua, giá bán nhà ở thuộc diện cơ quan đang quản lý để trình cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở đó quyết định;

7. Báo cáo với cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở quyết định thu hồi nhà ở. Riêng đối với nhà ở do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý thì cơ quan quản lý nhà ở trực thuộc được quyền quyết định thu hồi nhà ở nếu được giao thực hiện;

8. Quản lý, kiểm tra, đôn đốc việc cho thuê, bảo hành, bảo trì, quản lý vận hành nhà ở và thực hiện việc bán, cho thuê mua nhà ở theo quy định của Nghị định này;

9. Kiểm tra báo cáo thu, chi tài chính của đơn vị quản lý vận hành nhà ở;

10. Kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến việc quản lý sử dụng nhà ở;

11. Tổng hợp, báo cáo tình hình quản lý, sử dụng nhà ở theo quy định.

Điều 7. Quyền và trách nhiệm của đơn vị quản lý vận hành nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước

1. Tiếp nhận quỹ nhà ở do các cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 3 Điều 4 của Nghị định này bàn giao để thực hiện quản lý vận hành theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

2. Thực hiện cho thuê và quản lý việc sử dụng nhà ở theo nhiệm vụ được giao hoặc theo hợp đồng ký kết với cơ quan quản lý nhà ở và theo các quy định tại Nghị định này.

3. Xây dựng, ban hành Bản nội quy quản lý sử dụng nhà ở theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và phổ biến nội dung Bản nội quy này cho người thuê, người thuê mua, người sử dụng nhà ở.

4. Quản lý chặt chẽ các diện tích nhà chưa bán trong khuôn viên nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước.

5. Khai thác phần diện tích dùng để kinh doanh, dịch vụ (nếu có) trong dự án nhà ở công vụ, nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật để tạo nguồn bù đắp chi phí quản lý vận hành, bảo trì nhà ở. Hoạt động quản lý vận hành nhà ở quy định tại Khoản này được hưởng các cơ chế như đối với dịch vụ công ích.

6. Tập hợp, lưu trữ hồ sơ có liên quan đến quá trình xây dựng, vận hành, bảo hành, bảo trì, cải tạo nhà ở; trường hợp không đủ hồ sơ thì bổ sung, khôi phục, đo vẽ lại; có trách nhiệm giao các hồ sơ phát sinh, bổ sung để cơ quan quản lý nhà ở lưu trữ theo quy định.

7. Tổ chức bảo trì, vận hành, cải tạo nhà ở theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

8. Kiểm tra, theo dõi phát hiện kịp thời và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi trong quản lý, sử dụng nhà ở.

9. Phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương trong việc bảo đảm an ninh, trật tự cho người thuê, thuê mua nhà ở.

10. Thực hiện thu hồi nhà ở theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

11. Tổng hợp, báo cáo định kỳ hoặc theo yêu cầu đột xuất về tình hình quản lý, sử dụng nhà ở.

12. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Đánh giá bài viết
3 6.268
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi