Nghị định 29/2018/NĐ-CP

Nghị định 29/2018/NĐ-CP - 6 loại tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân

Ban hành 6 loại tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân là nội dung này được nêu tại Nghị định 29/2018/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/2018/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 05 tháng 3 năm 2018

NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU TOÀN DÂN VỀ TÀI SẢN VÀ XỬ LÝ ĐỐI VỚI TÀI SẢN ĐƯỢC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU TOÀN DÂN

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật dân sự ngày 24 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về:

a) Thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 106 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

b) Xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

2. Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm không thuộc phạm vi vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia mà do tổ chức, cá nhân Việt Nam phát hiện hoặc tìm thấy thì áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế về xử lý tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm mà Việt Nam là thành viên; trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên không có quy định về xử lý tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, bị chìm đắm thì áp dụng theo quy định tại Nghị định này.

3. Nghị định này không điều chỉnh việc quản lý, xử lý đối với các tài sản sau:

a) Tài sản là nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội khóa 11 và Nghị quyết số 755/2005/QH11 ngày 02 tháng 4 năm 2005 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 11.

b) Tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 05/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ.

c) Tài sản là tàu bay bị bỏ tại Việt Nam thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 02/2012/NĐ-CPngày 11 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan, người có thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản.

2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

3. Các tổ chức, cá nhân khác liên quan.

Điều 3. Tài sản thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu toàn dân

1. Tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật gồm:

a) Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu.

b) Vật chứng vụ án, tài sản khác bị tịch thu theo quy định của pháp luật về hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự.

2. Tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, tài sản không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật dân sự; hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan, gồm:

a) Bất động sản vô chủ hoặc không xác định được chủ sở hữu được xác lập quyền sở hữu toàn dân (sau đây gọi là bất động sản vô chủ).

b) Tài sản bị đánh rơi, bỏ quên không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận được xác lập quyền sở hữu toàn dân (sau đây gọi là tài sản bị đánh rơi, bỏ quên).

c) Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán mà tại thời điểm phát hiện hoặc tìm thấy không có hoặc không xác định được chủ sở hữu theo quy định của pháp luật (sau đây gọi là tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm).

d) Tài sản là di sản không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có người thừa kế nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản hoặc hết thời hiệu yêu cầu chia di sản kể từ thời điểm mở thừa kế mà không có người chiếm hữu theo quy định của pháp luật về dân sự (sau đây gọi là di sản không người thừa kế).

đ) Tài sản là hàng hóa tồn đọng được lưu giữ tại khu vực cảng, kho, bãi thuộc địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan (sau đây gọi là hàng hóa tồn đọng).

3. Tài sản của quỹ xã hội, tài sản của quỹ từ thiện bị giải thể nhưng không có quỹ khác có cùng mục đích hoạt động nhận tài sản chuyển giao hoặc bị giải thể do hoạt động vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật dân sự (sau đây gọi là tài sản của quỹ bị giải thể).

4. Tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ nhưng chưa hạch toán ngân sách nhà nước và hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác cho Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là tài sản do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước).

5. Tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động.

6. Tài sản được đầu tư theo hình thức đối tác công tư được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án.

Điều 4. Nguyên tắc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân

1. Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản phải được lập thành văn bản; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân có liên quan.

2. Việc quản lý nhà nước đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện thống nhất, có phân công, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan.

3. Việc xác định giá trị và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện theo cơ chế thị trường.

4. Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện công khai, minh bạch; mọi hành vi vi phạm phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Đơn vị chủ trì quản lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân

Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao chủ trì quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân (sau đây gọi là đơn vị chủ trì quản lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân) được quy định như sau:

1. Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu:

a) Cơ quan trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu là đơn vị chủ trì quản lý tài sản trong trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh) hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là cấp huyện) ra quyết định tịch thu.

b) Cơ quan của người ra quyết định tịch thu là đơn vị chủ trì quản lý tài sản trong các trường hợp còn lại.

2. Đối với vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án bị tịch thu theo quy định của pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và đã có quyết định thi hành án của cơ quan có thẩm quyền, Sở Tài chính là đơn vị chủ trì quản lý đối với tài sản do cơ quan thi hành án cấp tỉnh và cơ quan thi hành án cấp quân khu chuyển giao, Phòng Tài chính Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (sau đây gọi là Phòng Tài chính Kế hoạch) là đơn vị chủ trì quản lý đối với tài sản do cơ quan thi hành án cấp huyện chuyển giao.

3. Đối với vật chứng vụ án do cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định tịch thu, cơ quan đã ra quyết định tịch thu là đơn vị chủ trì quản lý tài sản.

4. Đối với bất động sản vô chủ, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, di sản không có người thừa kế, Sở Tài chính là đơn vị chủ trì quản lý đối với bất động sản, di tích lịch sử - văn hóa, Phòng Tài chính Kế hoạch là đơn vị chủ trì quản lý đối với động sản; trường hợp một vụ việc bao gồm nhiều loại tài sản khác nhau (bất động sản hoặc di tích lịch sử - văn hóa và động sản) thì Sở Tài chính là đơn vị chủ trì quản lý tài sản.

5. Đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm, Sở Tài chính là đơn vị chủ trì quản lý tài sản.

6. Đối với tài sản của quỹ bị giải thể:

a) Sở Tài chính là đơn vị chủ trì quản lý tài sản đối với tài sản của quỹ xã hội, tài sản của quỹ từ thiện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được ủy quyền quyết định giải thể.

b) Cơ quan trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành quyết định giải thể là đơn vị chủ trì quản lý tài sản đối với tài sản của quỹ xã hội, tài sản của quỹ từ thiện do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định giải thể.

7. Đối với hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan, Cục Hải quan là đơn vị chủ trì quản lý tài sản.

8. Đối với tài sản do các tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam mà khi chuyển giao đã xác định cụ thể cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiếp nhận, quản lý, sử dụng tài sản thì cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận, quản lý, sử dụng tài sản là đơn vị chủ trì quản lý tài sản.

Thuộc tính văn bản: Nghị định 29/2018/NĐ-CP

Số hiệu29/2018/NĐ-CP
Loại văn bảnNghị định
Lĩnh vực, ngànhTài chính nhà nước
Nơi ban hànhChính phủ
Người kýNguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành05/03/2018
Ngày hiệu lực
05/03/2018
Đánh giá bài viết
1 830
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi