Luật tố tụng dân sự số 65/2011/QH12 sửa đổi năm 2011

Tải về

Luật tố tụng dân sự số 65/2011/QH12 sửa đổi năm 2011

Luật tố tụng dân sự số 65/2011/QH12 sửa đổi năm 2011 cụ thể là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2004 có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2012. Bộ luật Tố tụng dân sự - sửa đổi, bổ sung năm 2011 có những điểm mới về quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao quy định thủ tục nhận và xem xét lại đơn đề nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án. Nội dung chi tiết mời các bạn tham khảo.

Thông tư hướng dẫn thi hành luật quản lý thuế số 156/2013/TT-BTC

Luật thi hành án số 64/2014/QH13

Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định tại khoản 3 điều 7 Bộ Luật hình sự 100/2015/QH13

Nghị quyết 02/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành Bộ luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính

QUỐC HỘI
_________


Luật số: 65/2011/QH12

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
___________________

Hà Nội, ngày 29 tháng 03 năm 2011

LUẬT
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự số 24/2004/QH11,

Điều 1

Sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng dân sự:

1. Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 7. Trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cá nhân, cơ quan tổ chức có thẩm quyền

Cá nhân, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn cho đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát tài liệu, chứng cứ mà mình đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; trong trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát biết và nêu rõ lý do của việc không cung cấp được tài liệu, chứng cứ.”

2. Điều 16 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 16. Bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành hoặc tham gia tố tụng dân sự

Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, người phiên dịch, người giám định, thành viên Hội đồng định giá không được tiến hành hoặc tham gia tố tụng, nếu có lý do xác đáng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.”

3. Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 21. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự

1. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật.

2. Viện kiểm sát nhân dân tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần.

3. Viện kiểm sát nhân dân tham gia phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

4. Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điều này."

4. Bổ sung Điều 23a như sau:

"Điều 23a. Bảo đảm quyền tranh luận tố tụng dân sự

Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Tòa án bảo đảm để các bên đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự."

5. Điều 25 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 25. Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

1. Tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân về quốc tịch Việt Nam.

2. Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản.

3. Tranh chấp về hợp đồng dân sự.

4. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 29 của Bộ luật này.

5. Tranh chấp về thừa kế tài sản.

6. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

7. Tranh chấp về quyền sử dụng đất, về tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

8. Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật.

9. Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

10. Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

11. Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

12. Các tranh chấp khác về dân sự mà pháp luật có quy định."

6. Điều 26 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 26. Những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

1. Yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự.

2. Yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó.

3. Yêu cầu tuyên bố một người mất tích, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích.

4. Yêu cầu tuyên bố một người là đã chết, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết.

5. Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.

6. Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

7. Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; phân chia tài sản chung để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

8. Các yêu cầu khác về dân sự mà pháp luật có quy định."

7. Điều 31 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 31. Những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

1. Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động mà Hội đồng hòa giải lao động cơ sở, hòa giải viên lao động của cơ quan quản lý nhà nước về lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các tranh chấp sau đây không nhất thiết phải qua hòa giải tại cơ sở:

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

b) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động và người sử dụng lao động; về trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về lao động;

đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Tranh chấp lao động tập thể về quyền giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không giải quyết.

3. Các tranh chấp khác về lao động mà pháp luật có quy định."

Đánh giá bài viết
12 25.885
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm