Luật khí tượng thủy văn số 90/2015/QH13

Tải về

Luật khí tượng thủy văn 2015 số 90/2015/QH13

Luật khí tượng thủy văn 2015 số 90/2015/QH13 quy định về hoạt động khí tượng thủy văn gồm: quản lý, khai thác mạng lưới trạm; dự báo, cảnh báo; thông tin, dữ liệu; phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn... Luật khí tượng thủy văn 2015 được ban hành ngày 23 tháng 11 năm 2015 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2016.

QUỐC HỘI
--------

Luật số: 90/2015/QH13

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2015

LUẬT KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật khí tượng thủy văn.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về hoạt động khí tượng thủy văn gồm: quản lý, khai thác mạng lưới trạm; dự báo, cảnh báo; thông tin, dữ liệu; phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn; giám sát biến đổi khí hậu; tác động vào thời tiết và quản lý nhà nước; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khí tượng thủy văn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài; tổ chức quốc tế tham gia hoạt động khí tượng thủy văn trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Khí tượng thuỷ văn là cụm từ chỉ chung khí tượng, thuỷ văn và hải văn.

2. Khí tượng là trạng thái của khí quyển, quá trình diễn biến của các hiện tượng tự nhiên trong khí quyển.

3. Thủy văn là trạng thái, quá trình diễn biến và sự vận động của nước sông, suối, kênh, rạch, hồ.

4. Hải văn là trạng thái, quá trình diễn biến và sự vận động của nước biển.

5. Quan trắc khí tượng thủy văn là việc quan sát, đo đạc trực tiếp hoặc gián tiếp một cách có hệ thống các thông số biểu hiện trạng thái, hiện tượng, quá trình diễn biến của khí quyển, nước sông, suối, kênh, rạch, hồ và nước biển.

6. Thời tiết là trạng thái của khí quyển tại một thời điểm và khu vực cụ thể được xác định bằng các yếu tố và hiện tượng khí tượng.

7. Dự báo khí tượng thủy văn là đưa ra thông tin, dữ liệu về trạng thái, quá trình diễn biến và hiện tượng khí tượng thủy văn trong tương lai ở một khu vực, vị trí với khoảng thời gian xác định.

8. Cảnh báo khí tượng thuỷ văn là đưa ra thông tin, dữ liệu về nguy cơ xảy ra các hiện tượng khí tượng thuỷ văn nguy hiểm, bất thường có thể ảnh hưởng hoặc gây thiệt hại về người, tài sản và môi trường.

9. Bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn là sản phẩm của tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo, thể hiện thông tin, dữ liệu dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn dưới dạng văn bản, bảng số liệu, bản đồ, biểu đồ, biểu tượng, hình ảnh, âm thanh.

10. Thiên tai khí tượng thủy văn là hiện tượng khí tượng thủy văn bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội.

11. Khí hậu là tổng hợp các điều kiện thời tiết ở một khu vực nhất định, đặc trưng bởi các đại lượng thống kê dài hạn của các yếu tố khí tượng tại khu vực đó.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động khí tượng thủy văn

1. Hoạt động khí tượng thủy văn phục vụ chung cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia và phòng, chống thiên tai do ngân sách nhà nước bảo đảm.

2. Hoạt động khí tượng thủy văn được quản lý tập trung, thống nhất trong phạm vi cả nước.

3. Quan trắc khí tượng thủy văn phải bảo đảm chính xác, liên tục, thống nhất, kết quả quan trắc liên kết được trong phạm vi quốc gia và với quốc tế.

4. Dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải bảo đảm đủ độ tin cậy; thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải được truyền, phát kịp thời, chính xác, đầy đủ.

5. Hệ thống thu nhận, truyền phát thông tin khí tượng thủy văn phải được bảo đảm hoạt động thường xuyên, liên tục, có tốc độ cao, diện bao phủ rộng.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động khí tượng thủy văn

1. Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho việc xây dựng, quản lý, khai thác mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia; dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; giám sát biến đổi khí hậu phục vụ chung cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia và phòng, chống thiên tai.

2. Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho hoạt động khí tượng thủy văn; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động quan trắc, dự báo, cảnh báo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn.

3. Ưu tiên đầu tư xây dựng mạng viễn thông dùng riêng phù hợp với quy định của pháp luật về viễn thông và sử dụng các mạng viễn thông quốc gia cho hoạt động thu nhận, truyền phát thông tin, dữ liệu phục vụ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, phòng, chống thiên tai.

4. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu; khai thác hiệu quả thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trong sản xuất, đời sống và phòng, chống thiên tai cho cộng đồng; bảo đảm bình đẳng giới; chú ý đến đồng bào ở miền núi, ngư dân ven biển, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng đặc thù khác để có hình thức, phương tiện, tài liệu tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng.

5. Bảo đảm nhu cầu về đất đai để các công trình khí tượng thủy văn hoạt động đúng yêu cầu kỹ thuật chuyên ngành.

6. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực làm công tác khí tượng thủy văn; có cơ chế thu hút, đãi ngộ người làm công tác khí tượng thủy văn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.

7. Phát triển khoa học và công nghệ về khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu; ưu tiên nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, thiết bị tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động khí tượng thủy văn.

8. Tăng cường hợp tác quốc tế về khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu, thực hiện nghĩa vụ thành viên tại các tổ chức quốc tế về khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu.

Điều 6. Phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hoạt động khí tượng thủy văn

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thường xuyên tổ chức các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, chú trọng đối với đồng bào ở miền núi, ngư dân ven biển, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; xây dựng, tổ chức thực hiện đề án phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và chỉ đạo cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc phạm vi quản lý tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.

3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức xã hội khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tham gia bảo vệ công trình khí tượng thủy văn, tiếp nhận, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn và chấp hành các quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.

Điều 7. Truyền thông về hoạt động khí tượng thủy văn

1. Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan báo chí có trách nhiệm:

a) Tổ chức truyền, phát tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, thông tin về biến đổi khí hậu theo quy định của Luật này và pháp luật về báo chí;

b) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình phát thanh, truyền hình, bản tin để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về khí tượng thủy văn và khai thác hiệu quả tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, thông tin về biến đổi khí hậu.

2. Đài phát thanh, truyền hình địa phương có trách nhiệm:

a) Tổ chức truyền, phát tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn do hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia ban hành và thông tin về biến đổi khí hậu phục vụ phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

b) Phối hợp với cơ quan, tổ chức về khí tượng thủy văn ở địa phương, các đơn vị có liên quan xây dựng chương trình phát thanh, truyền hình để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về khí tượng thủy văn và khai thác hiệu quả tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, thông tin về biến đổi khí hậu.

Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Lợi dụng hoạt động khí tượng thủy văn gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

2. Lấn, chiếm khoảng không, diện tích mặt đất, dưới đất, mặt nước, dưới nước của công trình khí tượng thủy văn.

3. Vi phạm quy định hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn.

4. Làm ảnh hưởng đến công trình, phương tiện đo khí tượng thủy văn.

5. Xâm hại công trình, phương tiện đo khí tượng thủy văn, thiết bị thông tin, các thiết bị kỹ thuật khác của công trình khí tượng thủy văn; va đập vào công trình; đập phá, dịch chuyển các mốc độ cao.

6. Cản trở việc quản lý, khai thác công trình khí tượng thủy văn.

7. Hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn mà không có giấy phép hoặc trái với giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

8. Khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trái quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

9. Cố ý vi phạm quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn trong hoạt động khí tượng thủy văn.

10. Tác động vào thời tiết khi không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch tác động vào thời tiết hoặc trái với kế hoạch được phê duyệt.

11. Che giấu, không cung cấp hoặc cố ý cung cấp sai lệch, không đầy đủ, không kịp thời thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn.

12. Làm trái quy định về truyền, phát tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

13. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc vượt quá quyền hạn của người có thẩm quyền để làm trái quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn.

14. Lợi dụng hoạt động hợp tác quốc tế về khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Chương II

QUẢN LÝ, KHAI THÁC MẠNG LƯỚI TRẠM KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN

Điều 9. Nội dung quản lý, khai thác mạng lưới trạm khí tượng thủy văn

1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn.

2. Quan trắc khí tượng thủy văn.

3. Điều tra, khảo sát khí tượng thủy văn.

4. Quản lý, bảo vệ công trình khí tượng thủy văn.

5. Quản lý chất lượng phương tiện đo khí tượng thủy văn.

Điều 10. Mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn

1. Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn gồm mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia và mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng.

2. Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia gồm các trạm khí tượng thủy văn và trạm giám sát biến đổi khí hậu, thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu có hệ thống, liên tục, ổn định, lâu dài do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, quản lý và khai thác.

3. Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn theo mục đích riêng do bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân xây dựng, quản lý và khai thác theo quy định của pháp luật.

Đánh giá bài viết
1 1.874
Luật khí tượng thủy văn số 90/2015/QH13
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm