Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật truyện ngắn Mợ Du

Phân tích, đánh giá truyện ngắn Mợ Du

Mợ Du là một nhân vật trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyên Hồng. Thông qua nhân vật Mợ Du, Nguyên Hồng đã khắc họa thành công hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với tất cả những phẩm chất đáng quý: kiên cường, yêu thương, nhân ái. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ bài văn mẫu phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật truyện ngắn Mợ Du có kèm theo dàn ý chi tiết. Mời các bạn cùng tham khảo.

Phân tích, đánh giá truyện ngắn Mợ Du

Dàn ý phân tích Mợ Du

1. Mở bài:

Giới thiệu tác phẩm tự sự(tên tác phẩm, thể loại, tác giả,...); nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá.

- Nguyên Hồng (1918 – 1982), ông được mệnh danh là nhà văn của những người cùng khổ với biệt hiệu “Nhà văn của phụ nữ và trẻ em”.

- Truyện ngắn Mợ Du đã đăng một phần trên Tiểu thuyết thứ bảy, số 277, ra ngày 23/9/1939. Truyện Mợ Du hấp dẫn người đọc bởi chính tình thương yêu cháy bỏng đến đớn đau của một người mẹ tha thiết được gặp con.

2. Thân bài:

- Xác định chủ đề của tác phẩm

Truyện ngắn Mợ Du viết về thứ tình cảm nguyên thủy và thiêng liêng nhất: tình mẹ.

- Phân tích, đánh giá chủ đề của tác phẩm

+ Hs phân tích số phận đau đớn và vẻ đẹp của nhân vật mợ Du

+ Hs phân tích tình huống truyện, biến cố, kết thúc của câu chuyện để làm rõ chủ đề

- Phân tích một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm

Tất cả được tái hiện bởi những đặc sắc nghệ thuật của truyện như: người kể chuyện và điểm nhìn trần thuật; cách sử dụng ngôn ngữ gần gũi; cách xây dựng nhân vật với số phận bất hạnh, góp phần thể hiện tư tưởng, chủ đề của truyện.

- Đánh giá tác dụng của những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm.

+ Người kể chuyện ngôi thứ 1 – xưng “tôi” - tác giả, là người chứng kiến bi kịch ấy và kể lại khiến câu chuyện trở nên thật và sống động. Tác giả như hòa vào hạnh phúc và nỗi đau của nhân vật, đánh thức trong lòng những xúc cảm về tình mẫu tử.

+ Ngôn từ giản dị, giọng văn đa cảm, giàu trắc ẩn. Lối văn bình dị, giản đơn như chính cuộc đời đi vào tác phẩm, cái tình chi phối toàn bộ mạch truyện – đặc biệt là tình mẹ.

+ Nghệ thuật miêu tả, khắc họa nhân vật chân thật, tinh tế qua lời thoại, cử chỉ, hành động, điệu bộ…

- Thể hiện được những suy nghĩ, cảm nhận của người viết về tác phẩm

+ Nguyên Hồng với tấm lòng nhân đạo, trái tim đồng cảm và yêu thương đã mang đến cho người đọc những day dứt khôn nguôi về một số phận, một cuộc đời. Qua đó ngợi ca, trân trọng tình mẫu tử thiêng liêng, ngời sáng.

+ Bằng cách xây dựng cốt truyện đơn giản nhưng mang chiều sâu ý nghĩa; cách sử dụng ngôi kể thứ 1 đầy dụng ý…

3. Kết bài:

- Khẳng định lại một cách khái quát những đặc sắc về nghệ thuật và nét độc đáo về chủ đề của tác phẩm

- Nêu tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc cảm nghĩ sau khi đọc, thưởng thức tác phẩm tác phẩm:

+ Yêu thương, trân trọng mẹ.

+ Biết cảm thông, thấu hiểu, thương cảm trước những mảnh đời bất hạnh trong xã hội.

Phân tích truyện ngắn Mợ Du

Nguyên Hồng (1918 – 1982), tên khai sinh của ông là Nguyễn Nguyên Hồng, quê ở thành phố Nam Định. Ông viết nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kí, thơ. Đối tượng sáng tác: những con người nhỏ bé, những lớp người dưới đáy của xã hội thành thị. Trong những tác phẩm của Nguyên Hồng, hình ảnh người phụ nữ và trẻ em trong xã hội cũ được nhà văn dành nhiều niềm yêu thương, đồng cảm. Được mệnh danh là nhà văn của những người cùng khổ với biệt hiệu “Nhà văn của phụ nữ và trẻ em”. Một tình cảm nhân đạo thiết tha đối với quần chúng lao động nghèo thấm đượm trong toàn bộ sáng tác của ông. Là nhà văn của niềm tin và ánh sáng, luôn đi tìm vẻ đẹp của con người trong khổ đau, khám phá chất thơ của đời sống cần lao. Với những đóng góp của Nguyên Hồng dành cho nền văn học dân tộc, ông được nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996. Truyện ngắn Mợ Du đã đăng một phần trên Tiểu thuyết thứ bảy, số 277, ra ngày 23/9/1939. Truyện Mợ Du hấp dẫn người đọc bởi chính tình thương yêu cháy bỏng đến đớn đau của một người mẹ tha thiết được gặp con.

Truyện ngắn Mợ Du viết về thứ tình cảm nguyên thủy và thiêng liêng nhất: tình mẹ. Đi giữa hai bờ quá khứ và hiện tại, nhân vật “tôi” – tác giả, chú bé của những hoài niệm về tuổi thơ đã qua đã hồi tưởng và kể lại những lần gặp gỡ vội vã, giấu giếm đầy bi kịch của hai mẹ con mợ Du – nhân vật trung tâm của truyện.

Câu chuyện hằn lên như một nỗi đau, niềm ân hận và cả những giọt nước mắt nghẹn ngào. Giản dị mà không bình thường, sâu kín mà không tĩnh lặng… truyện Mợ Du hấp dẫn người đọc bởi chính tìm thương yêu cháy bỏng đớn đau. Không ai biết người đàn bà ấy đã “phạm tội” gì cụ thể, vì sao mà phải bỏ nhà đi, phải xa con. Nhưng chắc rằng lí do nằm ngay trong những giọt nước mắt vụng trộm của mợ Du. Người phụ nữ trong xã hội phong kiến đã “xuất giá” là phải “tòng phu”, là thuộc về gia đình chồng, bị trói buộc trong giáo điều hà khắc, luẩn quẩn. Thế nhưng mợ Du đã trót đa mang. Tâm hồn người phụ nữ ấy không chịu nằm yên gò bó giữa “tam tòng, tứ đức”. Mợ ra đi bởi điều gì? Có lẽ mợ theo tiếng gọi của tình yêu, hay là buộc phải đi vì thói thường đâu có chấp nhận một người đàn bà “lệch chuẩn”, đa đoan. Mợ Du ơi, giá mợ cứ đanh đá, lăng loàn đi, chắc mợ sẽ đỡ khổ. Hay là mợ phơi phới, vui tươi trong tình duyên mới, nỗi đau sẽ dịu đi nhiều. Đằng này, mợ tháo dây trói cuộc đời làm dâu, làm vợ, mà không tháo nổi sợi dây vô hình của tình mẹ con. Mợ cũng chỉ là một người đàn bà. Thượng đế ác thay, khi
tạo ra đàn bà đã đặt vào họ một dây thần kinh nhạy cảm đặc biệt – đó là tình yêu thương. Họ luôn khao khát được chăm sóc, chở che, được yêu thương chính vì lẽ đó mợ bị gia đình chồng và người đời khinh miệt, xỉ vả, phải bỏ đi khỏi nơi đang sống. Nhưng vì thương nhớ, khao khát gặp con nên mợ lén lút trở về gặp con như kẻ có tội. Mợ muốn ôm con, ghì chặt lấy con nhưng lại sợ hãi, khổ sở. Mợ chỉ được gặp con trong chốc lát, vội vã rồi lại phải rứt ruột ra đi, bỏ lại sau lưng tiếng gào khóc đòi mẹ của đứa con thơ…

Mợ Du không phải là loại truyện bộn bề hành động, nhưng có lẽ làm nên ấn tượng cho người đọc sâu sắc là ở những chi tiết nhỏ, tình huống truyện, biến cố, kết thúc của câu chuyện, tác giả không kết thúc truyện ở những lần gặp gỡ của hai mẹ con mà để cho câu chuyện đi tiếp về hiện tại thế giới hiện thực khổ đau khi cho nhân vật mợ Du chết – cái chết đầy bi kịch, đau thương, để lại những lá thư và tấm ảnh chan chứa tình yêu thương của người mẹ. Tiếng gọi cũng như câu hỏi đau buồn không có câu trả lời ở góc bức hình: “Dũng ơi! Con của mẹ ơi! Biết đến bao giờ mẹ mới gặp con?” như xoáy vào tâm can người đọc, đượm lại một nỗi buồn mênh man của một kiếp người đầy nghiệt ngã.

Tất cả được tái hiện bởi những đặc sắc nghệ thuật của truyện như: người kể chuyện và điểm nhìn trần thuật; cách sử dụng ngôn ngữ gần gũi; cách xây dựng nhân vật với số phận bất hạnh, góp phần thể hiện tư tưởng, chủ đề của truyện. Người kể chuyện ngôi thứ 1 – xưng “tôi” - tác giả, là người chứng kiến bi kịch ấy và kể lại khiến câu chuyện trở nên thật và sống động. Tác giả như hòa vào hạnh phúc và nỗi đau của nhân vật, đánh thức trong lòng những xúc cảm về tình mẫu tử. Ngôn từ giản dị, giọng văn đa cảm, giàu trắc ẩn. Lối văn bình dị, giản đơn như chính cuộc đời đi vào tác phẩm, cái tình chi phối toàn bộ mạch truyện – đặc biệt là tình mẹ. Nghệ thuật miêu tả, khắc họa nhân vật chân thật, tinh tế qua lời thoại, cử chỉ, hành động, điệu bộ…

Nguyên Hồng có lối viết văn rất bình dị, giản đơn như chính cuộc đời đi vào tác phẩm. Tác phẩm của ông không hấp dẫn người đọc bởi những câu chữ cầu kì mới lạ, những biện pháp nghệ thuật độc đáo. Người ta yêu văn Nguyên Hồng do cái tình rất mạnh chi phối toàn bộ mạch truyện. Có lẽ hiếm có nhà văn nào viết về mẹ nhiều như Nguyên Hồng. Trong Nhữngngày thơ ấu, hình ảnh mẹ luôn hiện hữu chiếm lĩnh tâm hồn cậu bé mồ côi. Mẹ có trong những niềm vui, nỗi buồn, trong giấc mơ. Mẹ là tượng trưng cho vẻ đẹp, tình yêu và sự sống. Ở Bỉ vỏ, Tám  Bính cũng hiện lên như một người phụ nữ bất hạnh nhưng đầy mẫu tính. Tuổi thơ thiếu vắng tình thương của mẹ đã nuôi dưỡng trong Nguyên Hồng một nỗi thèm khát, ước ao được hưởng tình mẫu tử, được sống bên mẹ, được chở che, yêu thương. Niềm khát khao ấy đã ngấm sâu vào trong tim, và được trải vào văn chương của ông.

Bất cứ trang viết nào của Nguyên Hồng cũng thấp thoáng bóng dáng mẹ. Có thể nói mẹ là hình tượng nghệ thuật lớn nhất chi phối con đường sáng tác văn chương Nguyên Hồng. Đọc Mợ Du, ta gặp được chính tình cảm thiêng liêng ấy. Nguyên Hồng đóng vai một người đứng ngoài để quan sát, lắng nghe, chiêm nghiệm, cảm nhận. Nhưng tình cảm của ông cứ theo ngòi bút tràn ra ngoài, để cuối cùng hồn nhiên với những trang phân tích tâm lí trẻ con thật đặc sắc.

Truyện ngắn Mợ Du khép lại trong âm hưởng thật buồn, nỗi buồn thấm qua trang sách, tràn vào lòng người đọc. Là một người phụ nữ và được làm mẹ, đó là thiên chức khao khát nhất hay cũng chính bởi đó mà số phận mợ Du trở nên bi kịch hơn ?! Ánh mắt tôi chợt nhìn mẹ, người phụ nữ ngoài nửa tuổi đời người rồi, có lần nào than thở về phận mình? Hay những nỗi đau và ước mơ cứ xếp dần vào quá khứ, thay vào đó là những lo toan của cuộc sống và con cái. Qua tác phẩm, tôi muốn gửi một lời cảm ơn mẹ đã hi sinh và vất vả suốt cả cuộc đời vì con. Và cũng nhắn nhủ với tất cả những người con trên thế gian này hãy yêu thương và trân trọng mẹ khi còn có thể.

“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc

Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 10 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 218
Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật truyện ngắn Mợ Du
Xác thực tài khoản!

Theo Nghị định 147/2024/ND-CP, bạn cần xác thực tài khoản trước khi sử dụng tính năng này. Chúng tôi sẽ gửi mã xác thực qua SMS hoặc Zalo tới số điện thoại mà bạn nhập dưới đây:

Số điện thoại chưa đúng định dạng!
Số điện thoại này đã được xác thực!
Bạn có thể dùng Sđt này đăng nhập tại đây!
Lỗi gửi SMS, liên hệ Admin
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Đóng
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm
    Chia sẻ
    Chia sẻ FacebookChia sẻ Twitter
    Đóng