Nghị định 18/2022/NĐ-CP về nghi lễ đối ngoại

Tải về

Ngày 18/02/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 18/2022/NĐ-CP thay thế nội dung Nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài (từ Chương 8 đến Chương 13) tại Nghị định số 145/2013/NĐ-CP về nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài.

Theo đó, việc tổ chức nghi lễ đối ngoại phải được thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống chính trị. Sau đây là nội dung chi tiết nghị định số 18 năm 2022 của Chính phủ, mời các bạn cùng tham khảo.

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Hành chính được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Nghị định 18/2022/NĐ-CP

CHÍNH PHỦ

______

Số: 18/2022/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_________________________

Hà Nội, ngày 18 tháng 02 năm 2022

NGHỊ ĐỊNH

Về nghi lễ đối ngoại

____________

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Cảnh vệ ngày 20 tháng 6 năm 2017;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao;

Chính phủ ban hành Nghị định về Nghi lễ đối ngoại.

Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định nghi lễ đối ngoại, bao gồm:

a) Đón, tiếp các đoàn khách cấp cao nước ngoài thăm cấp nhà nước, thăm chính thức, thăm làm việc, thăm nội bộ, thăm cá nhân, quá cảnh; đón, tiếp Bộ trưởng, Trưởng các cơ quan của Nghị viện hoặc cấp tương đương và một số đoàn khách quốc tế khác;

b) Tiễn, đón Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm, dự hội nghị quốc tế ở nước ngoài; thư, điện mừng, điện chia buồn, thăm hỏi của Lãnh đạo cấp cao;

c) Nghi lễ dành cho Trưởng cơ quan đại diện nước ngoài, bao gồm Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao, Trưởng cơ quan đại diện lãnh sự, và Trưởng cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

2. Trường hợp đặc biệt, cơ quan chủ trì kiến nghị cấp có thẩm quyền quyết định việc tổ chức đón, tiếp các đối tượng khách khác.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan Đảng và Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, các tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện nghi lễ đối ngoại quy định tại Điều 1 Nghị định này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong phạm vi Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước” gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội.

2. “Lãnh đạo Đảng, Nhà nước” gồm Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ và Phó Chủ tịch Quốc hội.

3. “Khách cấp cao nước ngoài” gồm Nguyên thủ quốc gia, Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền và Phó Nguyên thủ quốc gia, Phó Nguyên thủ quốc gia đồng thời là lãnh đạo Đảng cầm quyền; Người đứng đầu Chính phủ và cấp phó của Người đứng đầu Chính phủ; Người đứng đầu Nghị viện, cấp phó của Người đứng đầu Nghị viện và các cấp tương đương; một số khách nước ngoài khác được quy định tại Nghị định này.

4. “Người đứng đầu Nghị viện” là Người đứng đầu cơ quan lập pháp của các quốc gia bao gồm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Thượng nghị viện, Chủ tịch Hạ nghị viện, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc và cấp tương đương.

5. “Trưởng các cơ quan của Nghị viện” gồm Người đứng đầu các Hội đồng, Ủy ban chuyên môn thuộc Nghị viện và cấp tương đương.

6. “Thăm cấp nhà nước”, “thăm chính thức”, “thăm làm việc”, “thăm nội bộ”,“thăm cá nhân” là danh nghĩa chuyến thăm của khách cấp cao nước ngoài, chỉ tính chất, mức độ của chuyến thăm:

a) “Thăm cấp nhà nước” là chuyến thăm được áp dụng mức độ nghi lễ nhà nước cao nhất dành cho: Nguyên thủ quốc gia nước khách đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền là khách mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nguyên thủ quốc gia nước khách là khách mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) “Thăm chính thức” là chuyến thăm của khách cấp cao nước ngoài đến Việt Nam theo lời mời chính thức của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam với các nghi lễ và các biện pháp lễ tân thấp hơn so với chuyến thăm cấp nhà nước và được quy định cụ thể tại Nghị định này;

c) “Thăm làm việc” là chuyến thăm của khách cấp cao nước ngoài đến Việt Nam theo lời mời làm việc của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam với chương trình làm việc được hai bên trao đổi, thống nhất áp dụng các biện pháp lễ tân rút gọn, đơn giản;

d) “Thăm nội bộ” là chuyến thăm làm việc không đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng của khách cấp cao nước ngoài đến Việt Nam theo thỏa thuận của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam để trao đổi về các vấn đề riêng trong quan hệ giữa hai Bên;

đ) “Thăm cá nhân” là chuyến thăm thực hiện các mục đích cá nhân, đồng thời có thể kết hợp thực hiện mục đích tăng cường quan hệ song phương thông qua quan hệ cá nhân với cá nhân giữa Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam với khách cấp cao nước ngoài.

7. “Lễ đón cấp nhà nước”, “Lễ đón chính thức”, “Hội đàm cấp nhà nước”, “Hội đàm chính thức”,“Chiêu đãi cấp nhà nước”, “Chiêu đãi chính thức” là những hoạt động chính trong chương trình chuyến thăm của khách cấp cao nước ngoài do Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đồng cấp chủ trì.

8. “Tiếp xúc cấp cao” hoặc “hội kiến” là cuộc tiếp xúc của khách cấp cao nước ngoài với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam.

9. “Cơ quan chủ trì” là cơ quan chủ trì tổ chức các hoạt động đón, tiếp, đoàn khách nước ngoài và chủ trì tổ chức sự kiện quốc tế.

10. “Trường hợp đặc biệt” là trường hợp được cơ quan chủ trì đề xuất áp dụng một số biện pháp lễ tân quy định tại Nghị định này hoặc của khách cấp cao hơn được quy định trong Nghị định này nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

11. “Cơ quan đại diện nước ngoài” gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc và tổ chức quốc tế liên chính phủ ngoài hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam.

12. “Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài” là Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao bao gồm Đại sứ thường trú tại Việt Nam và Đại sứ không thường trú (sau đây gọi chung là Đại sứ).

13. “Trưởng cơ quan đại diện lãnh sự” là Người đứng đầu cơ quan đại diện lãnh sự tại các địa phương (sau đây gọi chung là Tổng lãnh sự).

14. “Trưởng cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam” là Người đứng đầu tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc và tổ chức quốc tế liên chính phủ ngoài hệ thống Liên hợp quốc (sau đây gọi chung là Trưởng Đại diện).

15. “Năm tròn”, “năm khác” là số năm kỷ niệm (lần thứ) của các sự kiện:

a) “Năm tròn” là năm có chữ số cuối cùng là “0”;

b) “Năm khác” là năm có các chữ số cuối cùng còn lại.

16. “Gác tiêu binh danh dự” là việc bố trí hai hay một số tiêu binh danh dự; “Đội hình tiêu binh danh dự” là việc sắp xếp tiêu binh danh dự thành hai hàng tiêu binh danh dự.

Điều 4. Nguyên tắc thực hiện nghi lễ đối ngoại

1. Cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện nghi lễ đối ngoại phải tuân thủ các quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật và thông lệ quốc tế.

2. Việc tổ chức nghi lễ đối ngoại phải được thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống chính trị bao gồm các cơ quan Đảng và Nhà nước, phục vụ yêu cầu chính trị, đối ngoại của Đảng và Nhà nước, khẳng định được vị thế và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hệ thống chính trị Việt Nam.

3. Cơ quan chủ trì kiến nghị các biện pháp nghi lễ đối ngoại trên cơ sở đối đẳng, có đi có lại; chú trọng xử lý các khác biệt giữa hệ thống chính trị, phong tục, văn hóa Việt Nam với hệ thống chính trị, phong tục, văn hóa nước khách.

4. Các trường hợp đặc biệt thực hiện theo đề án riêng và báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

Chương II. ĐÓN, TIẾP CÁC ĐOÀN KHÁCH CẤP CAO NƯỚC NGOÀI THĂM CẤP NHÀ NƯỚC, THĂM CHÍNH THỨC

Điều 5. Danh nghĩa các chuyến thăm cấp cao

1. Bộ Ngoại giao thỏa thuận với nước khách về danh nghĩa từng chuyến thăm của Nguyên thủ quốc gia, Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền, Người đứng đầu Chính phủ, Phó Nguyên thủ quốc gia, Phó Nguyên thủ quốc gia đồng thời là lãnh đạo Đảng cầm quyền, cấp phó của Người đứng đầu Chính phủ:

a) Nguyên thủ quốc gia thực hiện chuyến thăm theo một trong các danh nghĩa: thăm cấp nhà nước, thăm chính thức, thăm nội bộ và thăm cá nhân; Phó Nguyên thủ quốc gia thực hiện chuyến thăm theo một trong các danh nghĩa: thăm chính thức, thăm làm việc, thăm nội bộ và thăm cá nhân;

Danh nghĩa thăm cấp nhà nước chỉ áp dụng cho Nguyên thủ quốc gia, Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền nước khách thăm Việt Nam;

Một năm tổ chức đón không quá 03 đoàn thăm cấp nhà nước. Bộ Ngoại giao thống nhất với Bộ Ngoại giao nước khách về chương trình chuyến thăm từ 03 đến 06 tháng trước khi diễn ra chuyến thăm;

b) Người đứng đầu Chính phủ, cấp phó của Người đứng đầu Chính phủ nước khách thực hiện chuyến thăm theo một trong các danh nghĩa: thăm chính thức, thăm làm việc, thăm nội bộ và thăm cá nhân.

2. Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội thỏa thuận với nước khách về danh nghĩa từng chuyến thăm của Người đứng đầu Nghị viện nước khách, cấp phó của Người đứng đầu Nghị viện nước khách theo một trong các danh nghĩa: thăm chính thức, thăm làm việc, thăm nội bộ và thăm cá nhân.

Điều 6. Đón, tiếp Nguyên thủ quốc gia thăm cấp nhà nước

1. Đón đoàn tại sân bay:

a) Thành phần: Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước hoặc Bộ trưởng tháp tùng, Đại sứ Việt Nam tại nước khách, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Đối ngoại Văn phòng Chủ tịch nước và Vụ trưởng Vụ khu vực thuộc Bộ Ngoại giao;

b) Nghi thức:

Trải thảm đỏ từ chân cầu thang máy bay đến nơi đỗ xe của Nguyên thủ quốc gia nước khách;

Bố trí đội hình tiêu binh danh dự đứng hai bên thảm đỏ từ chân cầu thang máy bay đến nơi đỗ xe của Nguyên thủ quốc gia nước khách;

Tặng hoa Nguyên thủ quốc gia nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân;

Cho phép đại diện cộng đồng nước khách ra sân bay đón đoàn nếu Cơ quan đại diện nước ngoài có yêu cầu.

2. Lễ đón cấp nhà nước:

a) Chủ tịch nước chủ trì lễ đón;

b) Thành phần: Phu nhân hoặc Phu quân Chủ tịch nước (nếu Phu nhân hoặc Phu quân Nguyên thủ quốc gia nước khách đi cùng), Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước hoặc Bộ trưởng tháp tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Đại sứ Việt Nam tại nước khách; lãnh đạo các bộ, ngành tương ứng với thành phần đoàn khách và yêu cầu đón, tiếp;

c) Nghi thức đón:

Chủ tịch nước và Phu nhân hoặc Phu quân đón Nguyên thủ quốc gia nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân tại nơi đỗ xe của Nguyên thủ quốc gia nước khách;

Thiếu nhi tặng hoa Nguyên thủ quốc gia nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân;

Thiếu nhi vẫy cờ hai nước;

d) Nghi thức duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam:

Chủ tịch nước cùng Nguyên thủ quốc gia nước khách bước lên bục danh dự; Phu nhân hoặc Phu quân Chủ tịch nước và Phu nhân hoặc Phu quân Nguyên thủ quốc gia nước khách được mời đến vị trí đầu hàng các quan chức Việt Nam;

Quân nhạc cử Quốc thiều nước khách và Quốc thiều Việt Nam; bắn 21 loạt đại bác khi cử Quốc thiều hai nước theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo đề án được duyệt;

Đội trưởng Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam chào, báo cáo và mời Nguyên thủ quốc gia nước khách duyệt Đội danh dự;

Chủ tịch nước cùng Nguyên thủ quốc gia nước khách duyệt Đội danh dự;

Đội danh dự chúc sức khỏe Nguyên thủ quốc gia nước khách;

Chủ tịch nước giới thiệu các quan chức Việt Nam tham gia lễ đón với Nguyên thủ quốc gia nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân. Nguyên thủ quốc gia nước khách giới thiệu các thành viên đoàn chính thức với Chủ tịch nước và Phu nhân hoặc Phu quân;

Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước giới thiệu một số Đại sứ (nếu được mời) với hai Nguyên thủ quốc gia và Phu nhân hoặc Phu quân;

Chủ tịch nước cùng Nguyên thủ quốc gia nước khách trở lại bục danh dự. Phu nhân hoặc Phu quân Chủ tịch nước và Phu nhân hoặc Phu quân Nguyên thủ quốc gia nước khách được mời vào vị trí phía sau bục danh dự;

Đội danh dự diễu binh;

đ) Sau lễ đón, Chủ tịch nước và Phu nhân hoặc Phu quân cùng Nguyên thủ quốc gia nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân chụp ảnh lưu niệm;

Chủ tịch nước và Nguyên thủ quốc gia nước khách vào phòng Gặp hẹp hoặc phòng Hội đàm cấp nhà nước. Phu nhân hoặc Phu quân Chủ tịch nước tiếp riêng Phu nhân hoặc Phu quân Nguyên thủ quốc gia nước khách;

Bố trí đội hình tiêu binh danh dự tại sảnh chính;

e) Trong trường hợp thời tiết không thuận lợi, lễ đón chính thức được tổ chức tại Nhà Quốc hội. Không bắn đại bác khi cử Quốc thiều hai nước. Không diễu binh sau khi duyệt Đội danh dự.

3. Gặp hẹp và Hội đàm cấp nhà nước:

a) Chủ tịch nước và Nguyên thủ quốc gia nước khách gặp hẹp trước khi hội đàm theo thỏa thuận của hai bên;

b) Chủ tịch nước và Nguyên thủ quốc gia nước khách đồng chủ trì hội đàm;

c) Thành phần tham dự phía Việt Nam tương ứng với thành phần chính thức của đoàn khách và yêu cầu của nội dung hội đàm;

d) Trong thời gian gặp hẹp và hội đàm, bố trí gác tiêu binh danh dự.

4. Tiếp xúc cấp cao:

Thu xếp Nguyên thủ quốc gia nước khách tiếp xúc cấp cao với Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và một số lãnh đạo khác theo yêu cầu và điều kiện cụ thể của chuyến thăm.

5. Chiêu đãi cấp nhà nước:

a) Chủ tịch nước chủ trì tiệc chiêu đãi;

b) Trải thảm đỏ từ cửa phòng tiệc đến nơi đỗ xe của Nguyên thủ quốc gia nước khách. Bố trí đội hình tiêu binh danh dự tại sảnh; gác tiêu binh danh dự;

c) Thành phần dự:

Phía Việt Nam: Phu nhân hoặc Phu quân Chủ tịch nước (nếu Phu nhân hoặc Phu quân Nguyên thủ quốc gia nước khách đi cùng), Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các thành viên Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - nước khách, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - nước khách, các thành viên tham dự lễ đón, hội đàm cấp nhà nước, các nguyên Đại sứ Việt Nam tại nước khách, một số nhân sĩ, trí thức, đại diện doanh nghiệp có nhiều hợp tác với nước khách cùng dự;

Việc mời thành phần phía Việt Nam dự chiêu đãi cấp nhà nước trên cơ sở tương ứng thành phần đoàn khách và yêu cầu chính trị của chuyến thăm;

Phía khách: các thành viên chính thức, một số tùy tùng, đại diện doanh nghiệp (nếu có) và một số cán bộ ngoại giao của cơ quan đại diện ngoại giao nước khách;

d) Nghi thức:

Quân nhạc cử Quốc thiều nước khách và Quốc thiều Việt Nam mở đầu tiệc chiêu đãi;

Chủ tịch nước đọc diễn văn chào mừng;

Nguyên thủ quốc gia nước khách đáp từ;

đ) Tổ chức biểu diễn nghệ thuật chào mừng tại tiệc chiêu đãi.

6. Tiễn đoàn tại sân bay: thành phần và nghi lễ thực hiện như khi đón.

7. Một số biện pháp đặc biệt khác có thể được thực hiện theo đề án lễ tân đón đoàn như: huy động quần chúng tham gia lễ đón tại sân bay hoặc Phủ Chủ tịch; mời Chủ tịch nước và Phu nhân hoặc Phu quân tham dự một số hoạt động chính thức cùng với Nguyên thủ quốc gia nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân; mời một số Đại sứ tham dự lễ đón cấp nhà nước và chiêu đãi cấp nhà nước; tổ chức biểu diễn văn nghệ chào mừng tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Điều 7. Đón, tiếp Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền thăm cấp nhà nước theo hai chức danh

1. Việc đón, tiếp Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền thăm cấp nhà nước theo lời mời của Tổng Bí thư và Chủ tịch nước được tổ chức như sau:

a) Tổng Bí thư chủ trì lễ đón, hội đàm và chiêu đãi cấp nhà nước Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền (sau đây gọi là Trưởng đoàn khách);

b) Chủ tịch nước đồng chủ trì chiêu đãi cấp nhà nước cùng với Tổng Bí thư, có hội kiến riêng và mời cơm thân Trưởng đoàn khách.

2. Đón đoàn tại sân bay:

a) Thành phần: Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước hoặc Bộ trưởng tháp tùng, Đại sứ Việt Nam tại nước khách, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Lễ tân Ban Đối ngoại Trung ương, Vụ trưởng Vụ khu vực thuộc Ban Đối ngoại Trung ương, Vụ trưởng Vụ Đối ngoại Văn phòng Chủ tịch nước và Vụ trưởng Vụ khu vực thuộc Bộ Ngoại giao.

b) Nghi thức: thực hiện như đối với Nguyên thủ quốc gia thăm cấp nhà nước quy định tại mục b khoản 1 Điều 6 Nghị định này.

3. Lễ đón cấp nhà nước:

a) Tổng Bí thư chủ trì lễ đón.

b) Thành phần: Phu nhân hoặc Phu quân Tổng Bí thư (nếu Phu nhân hoặc Phu quân Trưởng đoàn nước khách đi cùng), Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước hoặc Bộ trưởng tháp tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Đại sứ Việt Nam tại nước khách; lãnh đạo các bộ, ngành tương ứng với thành phần đoàn khách và yêu cầu đón, tiếp;

c) Nghi thức đón:

Tổng Bí thư và Phu nhân hoặc Phu quân đón Trưởng đoàn nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân tại nơi đỗ xe của Trưởng đoàn nước khách;

Thiếu nhi tặng hoa Trưởng đoàn nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân;

Thiếu nhi vẫy cờ hai nước;

d) Nghi thức duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam:

Tổng Bí thư cùng Trưởng đoàn nước khách bước lên bục danh dự; Phu nhân hoặc Phu quân Tổng Bí thư và Phu nhân hoặc Phu quân Trưởng đoàn nước khách được mời đến vị trí đầu hàng các quan chức Việt Nam;

Quân nhạc cử Quốc thiều nước khách và Quốc thiều Việt Nam; bắn 21 loạt đại bác khi cử Quốc thiều hai nước theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo đề án được duyệt;

Đội trưởng Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam chào, báo cáo và mời Trưởng đoàn nước khách duyệt Đội danh dự;

Tổng Bí thư cùng Trưởng đoàn nước khách duyệt Đội danh dự;

Đội danh dự chúc sức khỏe Trưởng đoàn nước khách;

Tổng Bí thư giới thiệu các quan chức Việt Nam tham gia lễ đón với Trưởng đoàn nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân. Trưởng đoàn nước khách giới thiệu các thành viên đoàn chính thức với Tổng Bí thư và Phu nhân hoặc Phu quân;

Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước giới thiệu một số Đại sứ (nếu được mời) với Tổng Bí thư và Phu nhân hoặc Phu quân, Trưởng đoàn nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân;

Tổng Bí thư cùng Trưởng đoàn nước khách trở lại bục danh dự. Phu nhân hoặc Phu quân Tổng Bí thư và Phu nhân hoặc Phu quân Trưởng đoàn nước khách được mời vào vị trí phía sau bục danh dự;

Đội danh dự diễu binh;

đ) Sau lễ đón, Tổng Bí thư và Phu nhân hoặc Phu quân cùng Trưởng đoàn nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân chụp ảnh lưu niệm;

Tổng Bí thư và Trưởng đoàn nước khách vào phòng gặp hẹp hoặc phòng Hội đàm cấp nhà nước. Phu nhân hoặc Phu quân Tổng Bí thư tiếp riêng Phu nhân hoặc Phu quân Trưởng đoàn nước khách;

Bố trí đội hình tiêu binh danh dự tại sảnh chính.

e) Trong trường hợp thời tiết không thuận lợi, lễ đón chính thức được tổ chức tại Nhà Quốc hội. Không bắn đại bác khi cử Quốc thiều hai nước. Không diễu binh sau khi duyệt Đội danh dự.

4. Gặp hẹp và Hội đàm cấp nhà nước:

a) Tổng Bí thư và Trưởng đoàn nước khách gặp hẹp trước khi hội đàm theo thỏa thuận của hai bên;

b) Tổng Bí thư và Trưởng đoàn nước khách đồng chủ trì hội đàm;

c) Thành phần tham dự phía Việt Nam tương ứng với thành phần chính thức của đoàn khách và yêu cầu của nội dung hội đàm;

d) Trong thời gian gặp hẹp và hội đàm, bố trí gác tiêu binh danh dự.

5. Tiếp xúc cấp cao:

Thu xếp Trưởng đoàn nước khách tiếp xúc cấp cao với Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và một số lãnh đạo khác theo yêu cầu và điều kiện cụ thể của chuyến thăm.

6. Chiêu đãi cấp nhà nước:

a) Tổng Bí thư và Chủ tịch nước chủ trì tiệc chiêu đãi;

b) Trải thảm đỏ từ cửa phòng tiệc đến nơi đỗ xe của Trưởng đoàn nước khách. Bố trí đội hình tiêu binh danh dự tại sảnh; gác tiêu binh danh dự trước cửa phòng tiệc;

c) Thành phần dự:

Phía Việt Nam: Phu nhân hoặc Phu quân Tổng Bí thư và Phu nhân hoặc Phu quân Chủ tịch nước (nếu Phu nhân hoặc Phu quân Trưởng đoàn nước khách đi cùng), Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các thành viên Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - nước khách, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - nước khách, các thành viên tham dự lễ đón, hội đàm cấp nhà nước, các nguyên Đại sứ Việt Nam tại nước khách, một số nhân sĩ, trí thức, đại diện doanh nghiệp có nhiều hợp tác với nước khách cùng dự;

Việc mời thành phần phía Việt Nam dự chiêu đãi cấp nhà nước trên cơ sở tương ứng thành phần đoàn khách và yêu cầu chính trị của chuyến thăm;

Phía khách: các thành viên chính thức, một số tùy tùng, đại diện doanh nghiệp (nếu có) và một số cán bộ ngoại giao của cơ quan đại diện ngoại giao nước khách;

d) Nghi thức:

Quân nhạc cử Quốc thiều nước khách và Quốc thiều Việt Nam mở đầu tiệc chiêu đãi;

Tổng Bí thư đọc diễn văn chào mừng;

Trưởng đoàn nước khách đáp từ;

đ) Tổ chức biểu diễn nghệ thuật chào mừng tại tiệc chiêu đãi.

7. Tiễn đoàn tại sân bay: thành phần và nghi lễ thực hiện như khi đón.

8. Một số biện pháp đặc biệt khác có thể được thực hiện theo đề án lễ tân đón đoàn như đối với Nguyên thủ quốc gia thăm cấp nhà nước quy định tại khoản 7 Điều 6 Nghị định này hoặc theo đề án riêng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 8. Đón, tiếp Nguyên thủ quốc gia thăm chính thức

1. Đón đoàn tại sân bay:

a) Thành phần: Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước hoặc Bộ trưởng tháp tùng, Đại sứ Việt Nam tại nước khách, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Đối ngoại Văn phòng Chủ tịch nước và Vụ trưởng Vụ khu vực thuộc Bộ Ngoại giao;

b) Nghi thức:

Trải thảm đỏ từ chân cầu thang máy bay đến nơi đỗ xe của Nguyên thủ quốc gia nước khách;

Bố trí đội hình tiêu binh danh dự đứng hai bên thảm từ chân cầu thang máy bay đến nơi đỗ xe của Nguyên thủ quốc gia nước khách;

Tặng hoa Nguyên thủ quốc gia nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân.

2. Lễ đón chính thức:

a) Chủ tịch nước chủ trì lễ đón chính thức;

b) Thành phần: Phu nhân hoặc Phu quân Chủ tịch nước (nếu Phu nhân hoặc Phu quân Nguyên thủ quốc gia nước khách đi cùng), Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước hoặc Bộ trưởng tháp tùng, Đại sứ Việt Nam tại nước khách, lãnh đạo các bộ, ngành tương ứng với thành phần đoàn khách và yêu cầu đón, tiếp;

c) Nghi thức đón và duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam: thực hiện như đối với Nguyên thủ quốc gia thăm cấp nhà nước quy định tại mục c, d, đ khoản 2 Điều 6 Nghị định này nhưng không bắn đại bác khi cử Quốc thiều hai nước;

d) Trong trường hợp thời tiết không thuận lợi, lễ đón chính thức được tổ chức tại Nhà Quốc hội. Không diễu binh sau khi duyệt Đội danh dự.

3. Gặp hẹp và Hội đàm chính thức:

a) Chủ tịch nước và Nguyên thủ quốc gia nước khách gặp hẹp trước khi hội đàm theo thỏa thuận của hai bên;

b) Chủ tịch nước và Nguyên thủ quốc gia nước khách đồng chủ trì hội đàm;

c) Thành phần tham dự phía Việt Nam tương ứng với thành phần chính thức của đoàn khách và yêu cầu của nội dung hội đàm;

d) Trong thời gian gặp hẹp và hội đàm, bố trí gác tiêu binh danh dự.

4. Tiếp xúc cấp cao:

Thu xếp Nguyên thủ quốc gia nước khách tiếp xúc cấp cao với Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và một số lãnh đạo khác theo yêu cầu và điều kiện cụ thể của chuyến thăm.

5. Chiêu đãi chính thức:

a) Chủ tịch nước chủ trì tiệc chiêu đãi;

b) Trải thảm đỏ từ cửa phòng tiệc đến nơi đỗ xe của Nguyên thủ quốc gia nước khách. Bố trí đội hình tiêu binh danh dự tại sảnh; gác tiêu binh danh dự;

c) Thành phần dự:

Phía Việt Nam: Phu nhân hoặc Phu quân Chủ tịch nước (nếu Phu nhân hoặc Phu quân Nguyên thủ quốc gia nước khách đi cùng); các thành viên tham gia lễ đón, hội đàm chính thức, các nguyên Đại sứ Việt Nam tại nước khách. Trong trường hợp cần thiết, mời một số, nhân sĩ, trí thức, đại diện doanh nghiệp có nhiều hợp tác với nước khách cùng dự;

Phía khách: các thành viên chính thức, một số tùy tùng, đại diện doanh nghiệp (nếu có) và một số cán bộ ngoại giao của cơ quan đại diện ngoại giao nước khách;

d) Nghi thức:

Chủ tịch nước đọc diễn văn chào mừng;

Nguyên thủ quốc gia nước khách đáp từ;

đ) Tổ chức biểu diễn nghệ thuật chào mừng tại tiệc chiêu đãi.

6. Tiễn đoàn tại sân bay: thành phần và nghi lễ thực hiện như khi đón.

Điều 9. Đón, tiếp Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền thăm chính thức theo hai chức danh

1. Việc đón, tiếp Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền thăm chính thức theo lời mời của Tổng Bí thư và Chủ tịch nước được tổ chức như sau:

a) Tổng Bí thư chủ trì lễ đón, hội đàm và chiêu đãi chính thức Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền (sau đây gọi là Trưởng đoàn khách);

b) Chủ tịch nước đồng chủ trì chiêu đãi chính thức cùng với Tổng Bí thư, có hội kiến riêng và mời cơm thân Trưởng đoàn khách.

2. Đón đoàn tại sân bay:

a) Thành phần: Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước hoặc Bộ trưởng tháp tùng, Đại sứ Việt Nam tại nước khách, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Lễ tân Ban Đối ngoại Trung ương, Vụ trưởng Vụ khu vực thuộc Ban Đối ngoại Trung ương, Vụ trưởng Vụ Đối ngoại Văn phòng Chủ tịch nước và Vụ trưởng Vụ khu vực thuộc Bộ Ngoại giao;

b) Nghi thức: thực hiện như đối với Nguyên thủ quốc gia thăm chính thức quy định tại mục b khoản 1 Điều 8 Nghị định này.

3. Lễ đón chính thức:

a) Tổng Bí thư chủ trì lễ đón;

b) Thành phần: Phu nhân (Phu quân) Tổng Bí thư nếu Phu nhân (Phu quân) Trưởng đoàn khách đi cùng, Trưởng ban Ban Đối ngoại Trung ương, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước hoặc Bộ trưởng tháp tùng, Đại sứ Việt Nam tại nước khách, lãnh đạo các bộ, ngành tương ứng với thành phần đoàn khách và yêu cầu đón, tiếp;

c) Nghi thức đón và duyệt Đội danh dự quân đội nhân dân Việt Nam: thực hiện như đối với Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền thăm cấp nhà nước quy định tại mục c, d, đ khoản 3 Điều 7 Nghị định này nhưng không bắn đại bác khi cử Quốc thiều hai nước;

d) Trong trường hợp thời tiết không thuận lợi, lễ đón chính thức được tổ chức tại Nhà Quốc hội. Không diễu binh sau khi duyệt Đội danh dự.

4. Gặp hẹp và Hội đàm chính thức:

a) Tổng Bí thư và Trưởng đoàn nước khách gặp hẹp trước khi hội đàm theo thỏa thuận của hai bên;

b) Tổng Bí thư và Trưởng đoàn nước khách đồng chủ trì hội đàm;

c) Thành phần tham dự phía Việt Nam tương ứng với thành phần chính thức của đoàn khách và yêu cầu của nội dung hội đàm;

d) Trong thời gian gặp hẹp và hội đàm, bố trí gác tiêu binh danh dự.

5. Tiếp xúc cấp cao:

Thu xếp Trưởng đoàn nước khách tiếp xúc cấp cao với Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và một số lãnh đạo khác theo yêu cầu và điều kiện cụ thể của chuyến thăm.

6. Chiêu đãi chính thức:

a) Tổng Bí thư và Chủ tịch nước chủ trì tiệc chiêu đãi;

b) Trải thảm đỏ từ cửa phòng tiệc đến nơi đỗ xe của Trưởng đoàn nước khách. Bố trí đội hình tiêu binh danh dự tại sảnh; gác tiêu binh danh dự trước cửa phòng tiệc;

c) Thành phần dự:

Phía Việt Nam: Phu nhân hoặc Phu quân Tổng Bí thư và Phu nhân hoặc Phu quân Chủ tịch nước (nếu Phu nhân hoặc Phu quân Trưởng đoàn nước khách đi cùng); các thành viên tham gia lễ đón, hội đàm chính thức, các nguyên Đại sứ Việt Nam tại nước khách. Trong trường hợp cần thiết, mời một số, nhân sĩ, trí thức, đại diện doanh nghiệp có nhiều hợp tác với nước khách cùng dự;

Phía khách: Các thành viên chính thức, một số tùy tùng, đại diện doanh nghiệp (nếu có) và một số cán bộ ngoại giao của cơ quan đại diện ngoại giao nước khách;

d) Nghi thức:

Tổng Bí thư đọc diễn văn chào mừng;

Trưởng đoàn nước khách đáp từ;

đ) Tổ chức biểu diễn nghệ thuật chào mừng tại tiệc chiêu đãi.

7. Tiễn đoàn tại sân bay: thành phần và nghi lễ thực hiện như khi đón.

8. Một số biện pháp đặc biệt khác có thể được thực hiện theo đề án lễ tân đón đoàn theo đề án riêng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 10. Đón tiếp Người đứng đầu Đảng cầm quyền không giữ chức vụ Nhà nước là khách mời của Tổng Bí thư

Việc đón tiếp Người đứng đầu Đảng cầm quyền không giữ chức vụ Nhà nước là khách mời của Tổng Bí thư theo danh nghĩa chuyến thăm được thực hiện theo đề án riêng. Ban Đối ngoại Trung ương phối hợp với Bộ Ngoại giao căn cứ theo yêu cầu chính trị của chuyến thăm đề xuất các biện pháp nghi lễ (tương đương thăm cấp nhà nước, thăm chính thức, thăm làm việc, thăm nội bộ, thăm cá nhân), trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 11. Đón, tiếp Người đứng đầu Chính phủ thăm chính thức

1. Đón đoàn tại sân bay:

a) Thành phần: Bộ trưởng tháp tùng, Đại sứ Việt Nam tại nước khách, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước, Vụ trưởng Vụ khu vực thuộc Bộ Ngoại giao;

b) Nghi thức:

Trải thảm đỏ từ chân cầu thang máy bay đến nơi đỗ xe của Người đứng đầu Chính phủ nước khách;

Bố trí đội hình tiêu binh danh dự đứng hai bên thảm đỏ từ chân cầu thang máy bay đến nơi đỗ xe của Người đứng đầu Chính phủ nước khách;

Tặng hoa Người đứng đầu Chính phủ nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân.

2. Lễ đón chính thức:

a) Thủ tướng Chính phủ chủ trì lễ đón chính thức;

b) Thành phần: Phu nhân hoặc Phu quân Thủ tướng Chính phủ (nếu Phu nhân hoặc Phu quân Người đứng đầu Chính phủ nước khách đi cùng), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng tháp tùng, Đại sứ Việt Nam tại nước khách; lãnh đạo các bộ, ngành tương ứng với thành phần đoàn khách và yêu cầu đón, tiếp;

c) Nghi thức đón:

Thủ tướng Chính phủ và Phu nhân hoặc Phu quân đón Người đứng đầu Chính phủ nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân tại nơi đỗ xe của Người đứng đầu Chính phủ nước khách;

Thiếu nhi tặng hoa Người đứng đầu Chính phủ nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân;

Thiếu nhi vẫy cờ hai nước;

d) Nghi thức duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam:

Thủ tướng Chính phủ cùng Người đứng đầu Chính phủ nước khách bước lên bục danh dự; Phu nhân hoặc Phu quân Thủ tướng Chính phủ và Phu nhân hoặc Phu quân Người đứng đầu Chính phủ nước khách được mời đến vị trí đầu hàng các quan chức Việt Nam;

Quân nhạc cử Quốc thiều nước khách và Quốc thiều Việt Nam;

Đội trưởng Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam chào, báo cáo và mời Người đứng đầu Chính phủ nước khách duyệt Đội danh dự;

Thủ tướng Chính phủ cùng Người đứng đầu Chính phủ nước khách duyệt Đội danh dự;

Đội danh dự chúc sức khỏe Người đứng đầu Chính phủ nước khách;

Thủ tướng Chính phủ giới thiệu các quan chức Việt Nam tham gia lễ đón với Người đứng đầu Chính phủ nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân. Người đứng đầu Chính phủ nước khách giới thiệu các thành viên đoàn với Thủ tướng Chính phủ và Phu nhân hoặc Phu quân;

Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước giới thiệu một số Đại sứ (nếu được mời) với Thủ tướng Chính phủ, Người đứng đầu Chính phủ nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân;

Thủ tướng Chính phủ cùng Người đứng đầu Chính phủ nước khách trở lại bục danh dự. Hai Phu nhân hoặc Phu quân được mời đứng vào vị trí phía sau bục danh dự;

Đội danh dự diễu binh;

đ) Sau lễ đón, Thủ tướng Chính phủ và Phu nhân hoặc Phu quân cùng Người đứng đầu Chính phủ nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân chụp ảnh lưu niệm tại Trụ sở Chính phủ;

Thủ tướng Chính phủ và Người đứng đầu Chính phủ nước khách vào phòng Gặp hẹp hoặc phòng Hội đàm chính thức. Phu nhân hoặc Phu quân Thủ tướng Chính phủ tiếp riêng Phu nhân hoặc Phu quân Người đứng đầu Chính phủ nước khách;

Bố trí đội hình tiêu binh danh dự tại sảnh chính;

e) Trong trường hợp thời tiết không thuận lợi, lễ đón chính thức được tổ chức tại Trụ sở Chính phủ. Không diễu binh sau khi duyệt Đội danh dự.

3. Gặp hẹp và Hội đàm chính thức:

a) Thủ tướng Chính phủ và Người đứng đầu Chính phủ nước khách gặp hẹp trước khi hội đàm theo thỏa thuận của hai bên;

b) Thủ tướng Chính phủ và Người đứng đầu Chính phủ nước khách đồng chủ trì hội đàm;

c) Thành phần tham dự hội đàm phía Việt Nam tương ứng với thành phần chính thức của đoàn khách và yêu cầu của nội dung hội đàm;

d) Trong thời gian gặp hẹp và hội đàm, bố trí gác tiêu binh danh dự.

4. Tiếp xúc cấp cao:

Thu xếp Người đứng đầu Chính phủ nước khách tiếp xúc cấp cao với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và một số lãnh đạo khác theo yêu cầu và điều kiện cụ thể của chuyến thăm.

5. Chiêu đãi chính thức:

a) Thủ tướng Chính phủ chủ trì tiệc chiêu đãi.

b) Trải thảm đỏ từ cửa phòng tiệc đến nơi đỗ xe của Người đứng đầu Chính phủ nước khách. Bố trí đội hình tiêu binh danh dự tại sảnh; gác tiêu binh danh dự.

c) Thành phần dự:

Phía Việt Nam: Phu nhân hoặc Phu quân Thủ tướng Chính phủ (nếu Phu nhân hoặc Phu quân Người đứng đầu Chính phủ nước khách đi cùng), các thành viên tham gia lễ đón, hội đàm chính thức, các nguyên Đại sứ Việt Nam tại nước khách. Trong trường hợp cần thiết, mời một số nhân sĩ, trí thức, đại diện doanh nghiệp có nhiều hợp tác với nước khách cùng dự;

Phía khách: các thành viên chính thức, một số tùy tùng, đại diện doanh nghiệp (nếu có) và một số cán bộ ngoại giao của cơ quan đại diện ngoại giao nước khách.

d) Nghi thức:

Thủ tướng Chính phủ đọc diễn văn chào mừng;

Người đứng đầu Chính phủ nước khách đáp từ;

đ) Tổ chức biểu diễn nghệ thuật chào mừng tại tiệc chiêu đãi.

6. Tiễn đoàn tại sân bay: thành phần và nghi lễ thực hiện như khi đón.

Điều 12. Đón, tiếp Người đứng đầu Nghị viện thăm chính thức

1. Đón đoàn tại sân bay:

a) Thành phần: lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội hoặc lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, đại diện Nhóm Nghị sỹ hữu nghị, Vụ trưởng Vụ Lễ tân, Văn phòng Quốc hội;

b) Nghi thức:

Trải thảm đỏ từ chân cầu thang máy bay đến nơi đỗ xe của Người đứng đầu Nghị viện nước khách;

Tặng hoa Người đứng đầu Nghị viện nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân.

2. Lễ đón chính thức:

a) Chủ tịch Quốc hội chủ trì lễ đón;

b) Thành phần: Phu nhân hoặc Phu quân Chủ tịch Quốc hội (nếu Phu nhân hoặc Phu quân Người đứng đầu Nghị viện nước khách đi cùng), Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Tổng thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, một số lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, Nhóm Nghị sỹ hữu nghị, một số đại biểu Quốc hội tương ứng với thành phần chính thức đoàn khách, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao;

c) Nghi thức đón:

Trải thảm đỏ từ cửa Nhà Quốc hội đến nơi đỗ xe của Người đứng đầu Nghị viện nước khách. Bố trí đội hình tiêu binh danh dự đứng hai bên thảm đỏ;

Chủ tịch Quốc hội và Phu nhân hoặc Phu quân đón Người đứng đầu Nghị viện nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân tại nơi đỗ xe của Người đứng đầu Nghị viện nước khách;

Tặng hoa Người đứng đầu Nghị viện nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân;

d) Sau lễ đón, Chủ tịch Quốc hội và Phu nhân hoặc Phu quân cùng Người đứng đầu Nghị viện nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân chụp ảnh lưu niệm. Chủ tịch Quốc hội và Người đứng đầu Nghị viện nước khách vào phòng gặp hẹp hoặc phòng hội đàm; Phu nhân hoặc Phu quân Chủ tịch Quốc hội và Phu nhân hoặc Phu quân Người đứng đầu Nghị viện nước khách chia tay tại nơi đỗ xe của Phu nhân hoặc Phu quân Người đứng đầu Nghị viện nước khách.

3. Hội đàm chính thức:

a) Chủ tịch Quốc hội và Người đứng đầu Nghị viện nước khách đồng chủ trì hội đàm;

b) Thành phần tham dự hội đàm phía Việt Nam tương ứng với thành phần chính thức của đoàn khách và yêu cầu của nội dung hội đàm;

c) Trong thời gian gặp hẹp và hội đàm, bố trí gác tiêu binh danh dự.

4. Tiếp xúc cấp cao:

Thu xếp Người đứng đầu Nghị viện nước khách tiếp xúc cấp cao với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và một số lãnh đạo khác theo yêu cầu và điều kiện cụ thể của chuyến thăm.

5. Chiêu đãi chính thức:

a) Chủ tịch Quốc hội chủ trì tiệc chiêu đãi;

b) Trải thảm đỏ từ cửa phòng tiệc đến nơi đỗ xe của Người đứng đầu Nghị viện nước khách. Bố trí đội hình tiêu binh danh dự tại sảnh; gác tiêu binh danh dự;

c) Thành phần:

Phía Việt Nam: Phu nhân hoặc Phu quân Chủ tịch Quốc hội (nếu Phu nhân hoặc Phu quân Người đứng đầu Nghị viện nước khách đi cùng), các thành viên tham gia lễ đón, hội đàm chính thức. Trong trường hợp cần thiết, mời một số đại biểu Quốc hội, nhân sĩ, trí thức, đại diện doanh nghiệp có nhiều hợp tác với nước khách cùng dự;

Phía khách: các thành viên chính thức, một số tùy tùng, đại diện doanh nghiệp (nếu có) và một số cán bộ ngoại giao của cơ quan đại diện ngoại giao nước khách;

d) Nghi thức:

Chủ tịch Quốc hội đọc diễn văn chào mừng;

Người đứng đầu Nghị viện nước khách đáp từ;

đ) Tổ chức biểu diễn nghệ thuật chào mừng tại tiệc chiêu đãi.

6. Tiễn đoàn tại sân bay: thành phần và nghi lễ thực hiện như khi đón.

......................

Nghị định 18/2022/NĐ-CP về nghi lễ đối ngoại
Chọn file tải về :
Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Chính phủNgười ký:Phạm Bình Minh
Số hiệu:18/2022/NĐ-CPLĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành:18/02/2022Ngày hiệu lực:10/04/2022
Loại văn bản:Nghị địnhNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:Còn hiệu lực
Đánh giá bài viết
1 92
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm