Top 5 bài cảm nhận bài thơ Tức cảnh Pác Bó
Cảm nhận của em về bài thơ Tức cảnh Pác Bó
Cảm nhận bài thơ Tức cảnh Pác Bó - Nhằm giúp các em học sinh làm bài cảm nhận về bài thơ Tức cảnh Pác Bó sao cho hay và sâu sắc. Hoatieu xin chia sẻ tài liệu bao gồm sơ đồ tư duy cảm nhận về bài thơ Tức cảnh Pác Bó, dàn ý cảm nhận bài thơ Tức cảnh Pác Bó cùng các bài văn mẫu nêu cảm nhận về bài Tức cảnh Pác Bó siêu hay để các bạn có thêm ý tưởng khi làm bài viết.
1. Dàn ý cảm nhận về bài thơ Tức cảnh Pác Bó
A. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả tác phẩm: “Tức cảnh Pác Pó” là một trong những bài thơ nổi tiếng của Hồ Chí Minh.
- Khái quát nội dung và nghệ thuật: Bài thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên và tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của Bác dù trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn.
B. Thân bài:
Luận điểm 1: Cảm nhận về nội dung
*Cuộc sống cách mạng đầy gian khổ, khó khăn
- Nơi ở: Trong hang, ngoài suối, nơi rừng rậm nhiều nguy hiểm
- Thức ăn: “cháo bẹ”, “rau măng”: là những thức ăn trong rừng, chỉ là những cây cối mọc dại hái vào nấu tạm thành bữa ăn
- Điều kiện làm việc: dơn sơ, giản dị, bàn làm việc chỉ là những phiến đá to trong hang.
⇒ Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn vô cùng và đầy rẫy những nguy hiểm rình rập.
*Tình yêu thiên nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên và phong thái ung dụng, tự tại của Bác.
- Tình yêu thiên nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên:
+ Cuộc sống dù thiếu thốn về vật chất nhưng được sống giữa thiên nhiên núi rừng Pác Pó mới chính là điều Bác cần.
- Tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của Bác:
+ “Sáng ra bờ suối, tối vào hang”: cuộc sống nhẹ nhàng, đơn giản, đều đặn ngày nào cũng như ngày nào
+ “Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”: Cuộc sống thiếu thốn nhưng Bác luôn giữ tinh thần lạc quan, giọng điệu hóm hỉnh, coi những khó khăn ấy như “phù phiếm”
+ “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”: Tư thế, tác phong làm việc vô cùng thoải mái, không căng thẳng, gò bó, áp lực dù đó là công việc cách mạng quan trọng và khó khăn.
+ “Cuộc đời cách mạng thật là sang”: Câu thơ vừa là lời khẳng định hùng hồn, vừa là lời nói đầy giản dị, hóm hỉnh. “Sang” ở đây không phải là sống trong vàng bạc, nhung lụa, sống trên vạn người, mà cái “sang” này chính là sang trong tâm hồn, sang trong phong thái của người chiến sĩ cách mạng.
+ Chữ “sang” tưởng như trái ngược lại hoàn toàn với hoàn cảnh khắc nghiệt, thiếu thốn ở 3 câu thơ đầu nhưng với một con người như Bác, thì đó lại là lời kết luận cho tất cả, bởi sống giữa thiên nhiên núi rừng Pác Pó, sống dưới bầu trời của dân tộc chính là điều “sang” nhất trong cuộc đời cách mạng của Bác.
Luận điểm 2: Cảm nhận về nghệ thuật
- Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt ngắn gọn, súc tích, bình dị
- Giọng điệu hóm hỉnh, vui đùa
- Ngôn ngữ giản dị, gần gũi như lời tâm tình, lời ăn tiếng nói hàng ngày.
- Các biện pháp nghệ thuật: đối (Câu thơ 1), nhịp thơ 4/3…
C. Kết bài:
- Khái quát lại thành công nội dụng và nghệ thuật: Bài thơ với những đặc sắc nghệ thuật đã làm sống lại hình ảnh Bác Hồ với những phẩm chất cao quý.
- Liên hệ đến các bài thơ khác của Bác cũng thể hiện tinh thần lạc quan, phong thái ung dung tự tại: Bài thơ “Ngắm trăng”, “Đi đường” cũng thể hiện điều này.
2. Sơ đồ tư duy cảm nhận bài thơ Tức cảnh Pác Bó
3. Cảm nhận bài thơ Tức cảnh Pác Bó ngắn gọn
Hồ Chí Minh là vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam. Sau ba mươi năm bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Người đã trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Hoài bão cứu nước đã làm cho Người luôn nghĩ về đất nước: “Đêm mơ ước thấy hình của nước” (Chế Lan Viên). Đất nước Việt Nam luôn in đậm trong trái tim Người. Tình yêu đất nước nồng nàn đã làm Bác quên đi sự gian khổ tột cùng trong bước đường hoạt động cứu nước, cứu dân. Bài thơ Tức cảnh Pác Bó đã cho thấy cuộc sống đầy gian khổ của Bác trong thời kì ở hang Pác Bó nhưng cũng thể hiện tâm trạng thoải mái, lạc quan của Người khi được sống giữa thiên nhiên. Tuy thiếu thốn về vật chất nhưng Bác vẫn tràn đầy tình yêu thiên nhiên và lòng lạc quan tin tưởng. Bác tự hào về cuộc sống đầy ý nghĩa của người cách mạng.
Mở đầu bài thơ là phong cảnh núi rừng, là nơi hoạt động của người cộng sản:
Sáng ra bờ suối, tối vào hang.
Câu thơ có hai vế sóng đôi đã làm toát lên một cuộc sống nhịp nhàng, nề nếp của con người: sáng ra, tối vào. Nơi vào lại là hang trong núi, một nơi ở sao mà chật chội lạ lùng. Cuộc sống trong hang đá khó khăn, gian khổ biết nhường nào, thế nhưng ta luôn bắt gặp một tâm hồn khoáng đạt, đa cảm. Bác Hồ sống thật ung dung nơi núi rừng đầy gian khổ ấy. Sự ung dung của Bác đã thể hiện rõ trong cuộc sống vật chất đạm bạc, thiếu thốn:
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng
Bác đã thích nghi với cuộc sống thiếu thốn một cách tự nhiên, Bác không mảy may cảm thấy mình vất vả mà ngược lại Bác cảm thấy rất vui. Có lẽ vui nhất vì sau bao nhiêu năm xa đất nước nay được trở về sống với đất nước thân yêu. Bác tin rằng, thời cơ giành độc lập hoàn toàn đang tới.
Niềm vui ấy đã làm cho Bác say mê làm việc, say mê trong bước đường hoạt động và lãnh đạo kháng chiến.
Bàn đá chông chênh, dịch sử Đảng
Đây là hình tượng trung tâm của bài thơ. Cuộc sống giữa núi rừng thật gian khổ, vất vả, thiếu thốn. Nơi làm việc cũng không lấy gì thoải mái vì bàn đá chông chênh, nhưng dáng điệu của Bác vẫn lồng lộng đường hoàng. Bác say mê với công việc, tập trung cao độ vào công việc mà chẳng hề quan tâm đến vật chất quanh mình. Từ láy "chông chênh" chỉ sự tạm bợ, nghèo về vật chất. Sống giữa thiên nhiên, làm việc giữa đất trời khoáng đạt, Bác cảm thấy vui và hăng say với công việc của mình. Trên cái bàn đá “thiên tạo” ấy, Bác vẫn miệt mài dịch sử Đảng, tìm ra đường lối để thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Trong những ngày tháng ở núi rừng Việt Bắc, ở hang Pác Bó, cuộc sống thật kham khổ về vật chất nhưng qua giọng điệu, từ ngữ, hình ảnh thơ và cách nói của Người, ta thấy toát ra niềm vui lớn lao của Bác. Câu kết bài thơ là lời nhận định tổng quát của Bác:
Cuộc đời cách mạng thật là sang
Bác tự hào về cuộc đời cách mạng, nó sang trọng, cao quý. Chữ "sang" ở cuối bài thơ đã tỏa sáng tinh thần của toàn bài thơ. Sang ở đây không phải là vật chất sang trọng, giàu sang phú quý mà đây là cái thoải mái tinh thần, cuộc sống đầy ý nghĩa của người cách mạng. Với Bác, cứu dân, cứu nước là niềm vui, là lẽ sống, là lí tưởng của mình. Hơn nữa, dường như ở Bác luôn sẵn có, cái thú lâm tuyền: Bác thích sống ở núi rừng, được sống hòa hợp cùng thiên nhiên, cây cỏ. Tuy nhiên, cái vui thú của Bác không phải là được làm một ẩn sĩ mà là một chiến sĩ, suốt đời chiến đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp giải phóng dân tộc. Rõ ràng ở Bác có những nét đẹp của phong cách cổ điển đan xen với nét đẹp của phong cách hiện đại. Vẻ đẹp này đã thể hiện trong phong cách thơ của Bác.
Tức cảnh Pác Bó là một bài thơ tứ tuyệt rất giản dị nhưng rất hàm súc, ý nghĩa thật sâu xa. Lời thơ pha giọng vui đùa cho ta thấy tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của Bác Hồ trong cuộc sống đầy gian khổ ở núi rừng Việt Bắc. Tinh thần ấy đã giúp Bác vượt qua mọi khó khăn gian khổ để lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi vẻ vang.
4. Cảm nhận về bài thơ Tức cảnh Pác Bó
Sau bao nhiêu năm bôn ba tìm đường cứu nước, chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Là một nhân vật lịch sử lỗi lạc của dân tộc, là nhà thơ, nhà danh nhân văn hóa. Cuộc đời thơ ca của Bác luôn song hành với cuộc đời chính trị. Trong những năm gian khổ ở cuộc kháng chiến chống Pháp, làm việc trong hoàn cảnh hết sức thiếu thốn, ở hang Pác Bó, bàn làm việc chông chênh bên suối Lê-nin. Bác đã viết những bài thơ ngấm vào máu thịt của người dân Việt Nam. Bài thơ Tức cảnh Pác Pó đã diễn tả được phong thái ung dung, tinh thần lạc quan yêu đời, “thú lâm tuyền” khoáng đạt, tươi sáng của Bác.
Bài thơ đã đồng hành cùng thời gian, vượt qua hành trình hơn 70 mùa xuân. Giờ đây bài thơ như một chứng tích lịch sử của cách mạng Việt Nam. Qua đó, còn cho chúng ta thấy phong thái ung dung tự tại, tinh thần lạc quan cách mạng của người chiến sỹ cộng sản vĩ đại Hồ Chí Minh về những năm tháng hoạt động bí mật, đầy gian khổ vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trong cuộc sống đầy gian khổ ấy, tinh thần là một thứ vô cùng quan trọng. Thú lâm tuyền là cách chơi vui thú, tao nhã của Bác trong rừng xanh núi đỏ, lâm tuyền là rừng núi và khe suối nước chảy, thú vui của Bác là yêu thiên nhiên, yêu rừng Pắc Bó, cỏ cây hoa lá chim muông và cả cái tiếng nước róc rách dưới khe cũng nên thơ hữu tình trong thơ tức cảnh của Người.
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng”
Ngay ở những câu thơ đầu Bác đã mở ra trước mắt người đọc một nếp sống sinh hoạt rất đều đặn, nhịp nhàng nhưng một đặc điểm là tất cả đều gắn liền với thiên nhiên. Chúng ta đã thấy được một bức tranh thiên nhiên sinh động cuộc sống thường ngày của Bác ở nơi núi rừng thiếu thốn trăm bề, Bác chỉ ăn những thứ sẵn có của núi rừng: cháo bẹ, rau măng. Dù khó khăn là vậy nhưng Bác vẫn luôn hài lòng, chấp nhận, sẵn sàng vượt lên khó khăn trắc trở. Khó khăn gian khổ tới đâu cũng không bao giờ có thể làm nhụt đi tinh thần ý chí của Bác cũng như của cả dân tộc ta.
“Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cánh mạng thật là sang”
Nhưng vần thơ mộc mạc, nhẹ nhàng ấy, luôn nằm trong những vần thơ của Bác. Bác cho chúng ta thấy vẻ đẹp của người chiến sĩ cách mạng. Bên bờ suối Lê - nin nước chảy róc rách, cạnh đó là chiếc bàn đá và quyển sách, hình ảnh Bác Hồ hiện lên như một yếu tố quan trọng đưa bức tranh thiên nhiên tươi đẹp ấy từ tĩnh sang động. “Thú lâm tuyền” của Bác được thể hiện rõ nhất ở câu này. Dù hoàn cảnh ở thực tại có khó khăn trắc trở nhưng dường như không thể cản được việc lớn của Bác, từ đó ta càng thấy rõ hơn tinh thần lạc quan, phong thái ung dung, tình yêu thiên nhiên luôn tiềm tàng trong con người của Bác. Câu thơ cuối như một lời tự nhận xét của Bác về cuộc đời cách mạng của mình. Câu thơ gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ. Làm cách mạng có gian truân, khổ cực nhưng đối với Bác nó lại thật là sang. "Sang" của Bác ở đây không nói về vật chất chỗ ăn chỗ ở, làm việc mà cái Bác muốn nói đến là sang về mặt tinh thần. Được hoạt động cách mạng để cứu nước là niềm vui lớn với Bác, niềm vui không thể mua được. Những tinh thần ấy có được, là nhờ lòng yêu nước thương dân nồng nàn của Bác, mong mỏi cuộc sống yên bình, ấm no hạnh phúc cho con dân cả nước.
Bài thơ với cách viết hóm hỉnh, nghệ thuật đối từ bài thơ Tức cảnh Pác Bó đã cho chúng ta thấy được thú lâm tuyền của Bác thật khoáng đạt, đó là tinh thần lạc quan, tình yêu nước sâu nặng và sự căm thù giặc, tất cả đều chứa đựng trong người Bác. Bác vĩ đại, về tất cả mọi mặt.
5. Cảm nhận Tức cảnh Pác Bó chi tiết
Sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn bể hoạt động cứu nước, tháng 2 - 1941, Nguyễn Ái Quốc đã bí mật về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người sống trong hang Pác Bó, điều kiện sinh hoạt vật chật rất gian khổ, nhưng tất cả thiếu thốn đó đối với Bác không phải là gian khổ mà đều trở thành sang trọng, mà còn thật là sang. Bởi niềm vui vô hạn của người chiến sĩ yêu nước vĩ đại Hồ Chí Minh là được sống cuộc đời cách mạng cứu dân, cứu nước. Bài thơ Tức cảnh Pác Bó đã ra đời trong hoàn cảnh đó.
Bài thơ bốn câu, theo thể thất ngôn tứ tuyệt thật tự nhiên, bình dị, giọng điệu thoải mái pha chút vui đùa hóm hỉnh. Tất cả cho ta thấy một cảm giác vui thích sảng khoái. Ý nghĩa tư tưởng của bài thơ cũng toát lên từ đó. Đi tìm hiểu bài thơ chính là đi tìm hiểu niềm vui của nhân vật trữ tình.
Mở đầu bài thơ là câu thơ có giọng điệu rất tự nhiên, rất ung dung và thoải mái, hòa điệu với cuộc sống của núi rừng:
Sáng ra bờ suối tối vào hang
Câu thơ là sự khái quát của một nhịp sống đã trở thành nếp rất chủ động. Cách ngắt nhịp 4/3 đã tạo thành thế đôi sóng đôi rất nhịp nhàng: sáng ra - tối vào. Nếp sống ở đây chủ động mà đàng hoàng. Đàng hoàng vì ban ngày Bác làm việc đời thường. Tối mới trở về hang để ngủ. Với Bác, còn gì thú vị hơn khi ngày ngày được làm việc bên bờ suối, làm bạn với thiên nhiên, tối trở về nhà (nhà vẫn là hang núi) để nghỉ ngơi và lắng nghe tiếng suối chảy. Thật thú vị, thoải mái khi con người được sống giao hòa với thiên nhiên. Phải chăng quy luật vận động ấy là Bác đã vượt lên được hoàn cảnh. Đó chẳng phải là tinh thần lạc quan hay sao?
Chính sự cân đối ở câu thơ thứ nhất đã làm nền cho các câu thơ sau xuất hiện.
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Nhịp 4/3 là nhịp thông thường ở thơ tứ tuyệt, nhưng ở câu này, nhịp 4 được chuyển thành nhịp 2/2 tạo thành một sự đều đặn cùng với hai thanh trắc liền nhau ở nhịp 3 (vẫn, sẵn) càng khẳng định thêm điều đó. Câu thơ toát nên một sự yên tâm về cuộc sống vật chật của Bác. Thơ xưa thường biểu lộ thú vui vì cảnh nghèo như Nguyễn Trãi đã từng viết: Nước là cơm rau hay tri tức. Điều khác biệt của Bác, với các nhà thơ xưa như Nguyễn Trãi là ở chỗ: Nguyễn Trãi sống ở chốn núi rừng vui với thiên nhiên (ở Côn Sơn) để quên đi nỗi đau không được giúp nước, giúp đời. Còn Bác Hồ sống ở chốn núi rừng, bằng lòng với cuộc sống đạm bạc nơi đầu nguồn để đem ánh sáng cứu dân cứu nước. Vì thế câu thơ thứ ba của bài thơ là một sự chuyển biến đột ngột:
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Hai câu nói về chuyện ăn, chuyện ở thong dong bao nhiêu, thoải mái bao nhiêu thì câu nói về chuyện làm việc vất vả bấy nhiêu. Không có bàn, người chiến sĩ cách mạng phải dùng dạ làm bàn, lại là bàn đá chông chếnh. Rõ ràng là với từ chông chếnh, Bác đã lột tả được điều kiện làm việc rất khó khăn. Công việc lại càng khó khăn hơn, đòi hỏi người chiến sĩ cách mạng phải cố gắng hết sức, không ngừng không nghỉ. Ba tiếng cuối cùng sử dụng toàn thanh trắc để thể hiện sự vất vả, nhưng khỏe khoắn, kiên quyết. Như vậy đối với Bác lúc này, việc cách mạng là cần thiết nhất, phải vượt lên tất cả mọi khó khăn. Kết thúc bài thơ là một nhận xét, một kết thúc rất tự nhiên, bất ngờ và vô cùng thú vị:
Cuộc đời cách mạng thật là sang
Ba câu đầu của bài thơ nói về việc ở, việc ăn và việc làm. Câu thứ tư là một lời đánh giá làm người đọc bất ngờ. Và bằng phép loại suy, ta có thể khẳng định việc ăn, việc ở khộng phải là sang, chỉ có việc làm dịch sử Đảng là sáng nhất vì nó đem ánh sáng của chu nghĩa Mác – Lê Nin để phát động đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại cơm no, áo ấm và hạnh phúc cho toàn dân. Ở đây ta bắt gặp câu thơ có khẩu khí, nói cho vui, phần nào khoa trương (thường gặp trong hàng loạt những bài thơ xưa nói cho vui cảnh nghèo đã trở thành truyền thống) trong văn học phương Đông:
Ao sâu nước cả khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà…
(Bác đến chơi nhà - Nguyễn Khuyến)
Đúng là nói cho vui! Thật đấy mà lại đùa đấy! Nghèo nhưng mà lại chẳng nghèo! Giọng điệu thơ rất tự nhiên, dí dỏm thể hiện niềm vui của Nguyễn Khuyến khi có bạn đến nhà chơi.
Ta thấy ở đây niềm vui thích của Bác Hồ là rất thật, không chút gượng gạo, lên gân vì thế nên giọng thơ sảng khoái, ngân vang: Thật là sang. Rõ ràng trong cái sang của Bác, của người cách mạng không phải là điều kiện ăn ở, sinh hoạt mà chính là tri thức cách mạng để giải phóng đất nước, đem lại sự giàu sang, hạnh phúc cho cả dân tộc. Ý nghĩa của bài thơ thật lớn lao.
Tức cảnh Pác Bó là một bài thơ Đường rất đúng niêm luật có lẽ bởi ý thứ hai của nó là nói chơi, còn ý đầu tiên vẫn là nói thật. Tính nghiêm túc của bài thơ phải chăng là sự phản ánh nghiêm túc những đòi hỏi có thật của cuộc đời đối với con người cách mạng. Nhưng một khi đã đáp ứng được nó, trụ vững trước nó thì ai có thể cấm được cái quyền nói trêu của người đã biết tự rèn luyện mình mà vượt lên tất cả. Bài thơ đã vượt qua hành trình hơn 60 năm nhưng đến nay vẫn giữ nguyên được giá trị.
6. Cảm nhận bài thơ Tức cảnh Pác Bó siêu hay
Cuộc đời chủ tịch Hồ Chí Minh trải qua biết bao bôn ba sóng gió. Nhiều năm hoạt động ở nước ngoài, trải qua nhiều khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến cả tính mạng, cho đến tận năm 1941 Bác mới trở về Việt Nam tiếp tục hoạt động cách mạng. Cuộc sống ở Pác Bó, Cao Bằng lúc bấy giờ còn hết sức thiếu thốn, nhưng đã được con mắt luôn lạc quan, ung dung của Bác ghi lại hết sức hóm hỉnh trong bài thơ Tức cảnh Pác Bó.
Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sang
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang
Bài thơ không chỉ cho thấy quá trình hoạt động cách mạng của Bác mà còn phản ánh cuộc sống trong những thời gian đầu trở về nước hết sức khó khăn, gian khổ. Mở đầu bài thơ là bối cảnh nơi Bác ở:
Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cấu trúc câu sáng ra, tối vào cho thấy nhịp điệu sinh hoạt hết sức đều đặn của Bác. Nhưng sau đó còn hé lộ cuộc sống thiếu thốn, phải sống nơi rừng sâu, nơi hang, nơi suối. Mặc dù hoàn cảnh sống khó khăn là vậy, nhưng người chiến sĩ cách mạng vẫn rất ung dung, làm chủ cuộc sống của mình, ngày cơm vẫn ba bữa: “Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”. Ba chữ vẫn sẵn sàng đem đến những cách hiểu khác nhau. Có thể hiểu là cháo bẹ rau măng, những thức ăn rừng núi luôn sẵn sàng, phục vụ cho cuộc sống con người. Nhưng đằng sau đó là nụ cười, là tinh thần lạc quan của người chiến sĩ cách mạng trong hoàn cảnh sống gian khổ. Điều này không chỉ được thể hiện riêng trong tác phẩm này, mà ở một bài thơ khác, Ngươi cũng nhắc lại ý thơ tương tự:
Khách đến thì mời ngô nếp nướng
Săn về thường chén thịt rừng quay
Non xanh nước biếc tha hồ dạo
Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say
(Cảnh rừng Việt Bắc)
Đó chính là tâm hồn của người chiến sĩ hóm hỉnh, yêu đời. Vượt lên trên hoàn cảnh đến sống cuộc đời an nhiên, phục vụ cống hiến cho đất nước. Đồng thời ba chữ vẫn sẵn sàng cũng có thể hiểu tuy hoàn cảnh sống, chiến đấu có nhiều khó khăn, gian khổ nhưng tinh thần cách mạng không hề thuyên giảm, vẫn luôn sẵn sàng chiến đấu dù trong bất kì hoàn cảnh nào.
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang
Không lánh đời, nhận lấy cái an nhàn vào mình, Bác sẵn sàng xông pha vào những nơi nguy hiểm, sẵn sàng lao mình vào cuộc sống khó khăn để tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc. Bởi vậy, hoàn cảnh sống thiếu thốn, khó khăn kia đâu có nghĩa lí gì, Bác vẫn hàng ngày dịch sử Đảng phục vụ cho cuộc chiến đấu chung của dân tộc. Bàn đá chông chênh vừa gợi lên cái thế chênh vênh, khó khăn chồng chất nhưng đồng thời cũng bộc lộ khí phách kiên cường của Người. Câu thơ cuối cùng có thể coi là điểm sáng của toàn bài: sang ở đây là sang trọng, cao sang. Cho thấy Bác vượt lên trên hoàn cảnh sống khó khăn, khắc nghiệt để sống một cuộc đời thật sang. Qua đó cho thấy tinh thần ung dung, lạc quan, tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của cuộc cách mạng dân tộc.
Tức cảnh Pác Bó sử dụng lớp ngôn ngữ hết sức dung dị, gần gũi, thân thuộc như lời ăn tiếng nói hàng ngày, nhưng qua những vần thơ đó cũng đã đủ để bộc lộ vẻ đẹp nhân cách của Người. Bác - một con người giản dị, mộc mạc nhưng lại có một ý chí sắt đá, kiên cường, lí tưởng sống cao đẹp cả đời cống hiến cho nhân dân, đất nước.
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Văn học - Tài liệu của HoaTieu.vn.
Tham khảo thêm
- Chia sẻ:Pé Kun
- Ngày:
Top 5 bài cảm nhận bài thơ Tức cảnh Pác Bó
289,7 KB 09/02/2022 11:43:00 SATải Cảm nhận về bài Tức cảnh Pác Bó .doc
82,1 KB 09/02/2022 12:05:12 CH
Gợi ý cho bạn
-
Top 4 bài nghị luận văn học Chiều tối siêu hay
-
Top 5 mẫu nghị luận về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ hay nhất
-
Top 9 bài phân tích Vội vàng khổ 2 siêu hay
-
(18 mẫu) Cảm nhận diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều trong Trao duyên
-
Phân tích tình yêu quê hương trong bài thơ Quê hương của Tế Hanh (2 mẫu)
-
Top 17 mẫu phân tích 13 câu đầu bài Vội vàng siêu hay
-
Top 7 mẫu phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Tiếng gà trưa hay chọn lọc
-
Top 6 mẫu phân tích khổ thơ cuối bài Viếng lăng Bác
-
Top 6 mẫu phân tích vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài thơ Chiều tối hay chọn lọc
-
Top 3 mẫu cảm nhận khổ 2 bài Nói với con siêu hay
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Hướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 22, Thông tư 27