Bài dự thi Tìm hiểu lịch sử "Công đoàn Việt Nam - 90 năm một chặng đường"

Tải về

Cuộc thi Tìm hiểu lịch sử "Công đoàn Việt Nam - 90 năm một chặng đường" được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Dưới đây là mẫu bài dự thi được hoatieu.vn sưu tầm và đăng tải. Mời các bạn cùng tham khảo.

Họ và tên: ................................................

Đơn vị công tác: .....................................

Số điện thoại liên hệ: ..............................

Phần thứ I. Tìm hiểu (10 điểm)

Câu 1. Anh (Chị) hãy trình bày sự ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam và ý nghĩa của sự kiện này? (4 điểm)

Trả lời:

Dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp lần thứ I (1897-1914), giai cấp công nhân Việt Nam ra đời và phát triển nhanh chóng trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ II (1918-1930). Do bị cả thực dân và phong kiến bóc lột hà khắc, giai cấp công nhân Việt Nam đã vùng lên đấu tranh mạnh mẽ. Từ trong đấu tranh đã hình thành tính giai cấp và những người công nhân tập hợp lại thành tổ chức như các hội: Ái hữu, Tương tế, Phường hội, Nghiệp đoàn, Công hội… Đây chính là những tổ chức công đoàn sơ khai đầu tiên và có ở nhiều nơi. Sau đó, tổ chức Công hội Ba Son do đồng chí Tôn Đức Thắng thành lập năm 1920 tại xưởng Ba Son đã có ảnh hưởng lớn trong khu vực Sài Gòn, Chợ Lớn. Song, Công hội này tồn tại trong thời gian ngắn và chưa có chính cương, điều lệ.

Từ năm 1925 đến 1928, nhiều Công hội bí mật đã hình thành do sự hoạt động mạnh mẽ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đặc biệt, từ năm 1928, khi kỳ bộ Bắc kỳ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chủ trương thực hiện "Vô sản hoá" thì phong trào đấu tranh của công nhân Việt Nam ngày càng sôi nổi, thúc đẩy sự phát triển của tổ chức công hội lên một bước mới cả về hình thức và nội dung hoạt động. Năm 1929, là thời điểm phong trào công nhân và hoạt động công hội ở nước ta phát triển sôi nổi nhất, đặc biệt là ở miền Bắc. Các cuộc đấu tranh của công nhân nổ ra liên tục ở nhiều xí nghiệp, có sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất hành động giữa các cuộc đấu tranh ở xí nghiệp này với xí nghiệp khác trong cùng một địa phương và giữa địa phương này với địa phương khác trong toàn xứ. Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân và tổ chức công hội đòi hỏi phải có một tổ chức Mác xít, một Đảng thực sự Cách mạng của giai cấp công nhân có khả năng tập hợp, lãnh đạo công nhân đấu tranh giành độc lập tự do. Tháng 3/1929, chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập ở Hà Nội. Tiếp đến, ngày 17/6/1929, Đông Dương cộng sản Đảng ra đời.

Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của công tác vận động công nhân và tăng cường sức mạnh cho tổ chức Công hội đỏ, Ban chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng quyết định triệu tập đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ vào ngày 28/7/1929, tại số nhà 15 phố Hàng Nón – Hà Nội. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người đứng đầu Ban Chấp hành lâm thời Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ.

Sự kiện thành lập Tổng Công hội đỏ miền Bắc Việt Nam là một mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam. Lần đầu tiên giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể Cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động. Chính vì ý nghĩa đó, theo đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ chính trị TW Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định lấy ngày 28/7/1929 là ngày truyền thống của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Câu 2. Anh (Chị) hãy nêu những chức năng cơ bản của tổ chức công đoàn. Anh (Chị) quan tâm chức năng nào nhất? Vì sao? (2 điểm)

Trả lời:

Công đoàn Việt Nam có ba chức năng cơ bản sau:

Một là, Công đoàn đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; có trách nhiệm tham gia với Nhà nước phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.

Hai là, Công đoàn đại diện và tổ chức người lao động tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, tổ chức, quản lý kinh tế - xã hội; quản lý Nhà nước trong phạm vi chức năng của mình, thực hiện quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật. Chức năng này của công đoàn được biểu hiện ở việc công đoàn tham gia với nhà nước xây dựng và thực hiện chương trình phát triển kinh tế xã hội, cơ chế quản lý, chủ trương, chính sách liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Ba là, Công đoàn có trách nhiệm tổ chức, giáo dục, động viên người lao động phát huy vai trò làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng và phát triển bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Giáo dục công đoàn là làm cho NLĐ nhận thức được đầy đủ trách nhiệm của công dân, nâng cao ý thức phấn đấu, bồi dưỡng kiến thức, năng lực nghề nghiệp, kiến thức pháp luật để từ đó củng cố kỉ luật lao động, xây dựng ý thức tự nguyện, tự giác trong lao động. Đồng thời, công đoàn giáo dục NLĐ vững tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã lựa chọn, luôn tỉnh táo, cảnh giác đấu tranh với những khuynh hướng sai lầm, cơ hội.

Chức năng của Công đoàn là một chính thể, một hệ thống đồng bộ, đan xen tương tác lẫn nhau. Trong đó, chức năng bảo vệ quyền, lợi ích người lao động mang ý nghĩa trung tâm - mục tiêu hoạt động công đoàn. Bởi vì, từ các chức năng này sẽ định ra các nhiệm vụ cụ thể của Công đoàn. Đây là chức năng cơ bản và trọng tâm hàng đầu của tổ chức công đoàn trong cơ chế thị trường hiện nay. Sở dĩ xác định như vậy bởi vì lợi ích, trước hết là lợi ích vật chất là mục tiêu và động lực trực tiếp cho mọi hành vi của con người. Chính vì vậy, người lao động gia nhập công đoàn trước hết và chủ yếu là để được chăm lo về đời sống, để được bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của họ sau mới đến vấn đề khác. Chức năng bảo vệ hiện nay còn được xác định là chức năng hàng đầu còn vì ở chỗ nhà nước ta đang thực hiện chính sách hội nhập kinh tế, tất yếu dẫn đến sự ra đời của nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau. Quan hệ lao động giữa NLĐ và NSDLĐ trong các đơn vị này là quan hệ trao đổi, mua bán sức lao động nên khó tránh khỏi sự lạm dụng, bắt buộc. Do vậy, sự tham gia của tổ chức đại diện lao động – tổ chức công đoàn nhằm tạo ra tương quan để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ là hết sức cần thiết.

Câu 3. Theo Anh (chị) tổ chức công đoàn cùng với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ gì để góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước? (4 điểm)

Trả lời:

Trong thời kỳ hội nhập và thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam, tổ chức công đoàn cùng với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ sau:

Một là, Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thường xuyên tổ chức đối thoại giữa chủ sử dụng lao động với người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Cụ thể, Công đoàn Nhà trường cần thực hiện tốt quy chế dân chủ trong đơn vị, phối hợp với chính quyền đồng cấp xây dựng định mức và điều chỉnh Quy chế chi tiêu nội bộ; xây dựng nội quy, quy chế đảm bảo dân chủ, công khai; phối hợp tổ chức tốt Hội nghị Cán bộ, Viên chức năm học.

Hai là, Tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết, chủ trương công tác công đoàn; giáo dục truyền thống cách mạng tốt đẹp của giai cấp công nhân Việt Nam, nêu cao tinh thần làm chủ đất nước trong quá trình CNH, HĐH. Cụ thể, Công đoàn Trường thông qua nhiều hình thức thiết thực, phù hợp, phối hợp với chuyên môn, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động NGNLĐ thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các chương trình công tác công đoàn của CĐ Ngành, thực hiện nghiêm túc chỉ thị nhiệm vụ năm học nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, tư tưởng, rèn luyện tu dưỡng đạo đức lối sống gắn với việc thực thi pháp luật, nâng cao văn hoá nhà giáo, giữ vững kỷ cương, đẩy lùi hiện tượng tiêu cực trong giáo dục, nhân rộng điển hình tiên tiến. Tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng môi trường công tác chuyên nghiệp, thân thiện của Nhà trường, góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh của Nhà trường đến xã hội. Tạo điều kiện, động viên cán bộ, NGNLĐ tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tích cực tham gia thực hiện chủ trương về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.

Ba là, Tham gia thanh tra giám sát chế độ, chính sách, thực hiện lương, thưởng, ăn ca, BHXH, BHYT… của người sử dụng lao động đối với NLĐ. UBKT Công đoàn Trường hoạt động, thực hiện nhiệm vụ theo quy chế làm việc và kế hoạch, chương trình công tác năm học đã tham mưu, giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ thực hiện công tác kiểm tra toàn diện và kiểm tra việc chấp hành Điều lệ công đoàn, thực hiện kiểm tra đồng cấp và 50% các công đoàn bộ phận, tổ công đoàn trực thuộc. Hoạt động kiểm tra công đoàn không chỉ làm tốt nhiệm vụ kiểm tra mà còn là một kênh tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ công đoàn hiệu quả,

Bốn là, Tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, xây dựng lối sống lành mạnh trong CNLĐ. Công đoàn Nhà trường cần chú trọng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần của cán bộ, NGNLĐ, luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, NGNLĐ, góp phần tạo môi trường thân thiện, lao động tích cực, sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ của Nhà trường: Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10; Hội nghị công tác nữ và chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8.3; phối hợp tổ chức và tham gia tích cực giải bóng đá, bóng chuyền,…. của ngành. Cùng với chính quyền, Công đoàn triển khai thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với chủ đề đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cán bộ, NGNLĐ Nhà trường;

Năm là, Tích cực quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho cán bộ công đoàn, CNLĐ; tổ chức ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi, thi nâng bậc thường xuyên cho CNLĐ. Cụ thể, Công đoàn Trường tích cực tham gia điều chỉnh quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo có trình độ cao đáp ứng yêu cầu về số lượng, cơ cấu, chất lượng theo hướng chuẩn hóa, đúng quy hoạch, kế hoạch; bố trí sắp xếp đội ngũ NGNLĐ hợp lý và phù hợp với thực tiễn. Công đoàn tham mưu, phối hợp với chuyên môn Nhà trường xây dựng chế độ hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho giáo viên học tập nâng cao trình độ theo các chuẩn quy định, tổ chức các Hội thi Giáo viên dạy giỏi, GVCN giỏi.

Sáu là, Quan tâm chăm lo đến đời sống, cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ, đặc biệt là những CNLĐ có nhiều khó khăn, CNLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… Việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NGNLĐ cần được xác định là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, được quan tâm và thực hiện tốt. Công đoàn Trường cần tổ chức kịp thời việc thăm hỏi động viên đoàn viên có khó khăn, tổ chức thực hiện tốt các đợt quyên góp ủng hộ NGNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo chỉ đạo, quan tâm phối hợp cùng chuyên môn thực hiện tốt công tác trợ cấp khó khăn cho NGNLĐ. Công đoàn Trường cũng cần tổ chức các buổi tọa đàm nhằm trao đổi, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong cuộc sống. Công đoàn Trường cần tổ chức khám, kiểm tra sức khỏe thường niên NGNLĐ, tổ chức tốt việc chăm lo cho con em cán bộ nhân ngày Quốc tế thiếu nhi và tết Trung thu, quan tâm hỗ trợ hoạt động các câu lạc bộ thể thao, tổ chức các chương trình văn nghệ, chương trình tham quan thực tế, tiếp tục thực hiện tốt, chu đáo việc hiếu nghĩa liên quan đến NGNLĐ,… các hoạt động này góp phần quan trọng tạo khối đoàn kết nội bộ, tạo sự đồng thuận của cán bộ, NGNLĐ trong Nhà trường.

Bảy là, Chủ động, tham gia tuyên truyền về chế độ, chính sách pháp luật cho người lao động; góp phần giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách trong công nhân, người lao động như: việc làm, tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; xây dựng nhà ở, bệnh xá tại các khu công nghiệp, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, khu vui chơi giải trí, nhà trẻ nơi có đông công nhân, người lao động làm việc; chăm lo công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên công đoàn, công nhân ưu tú trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài cho Đảng xem xét, kết nạp. Trong Nhà trường, Công đoàn tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, NGNLĐ trong tu dưỡng rèn luyện phẩm chất, đạo đức lối sống, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tiếp tục sửa đổi lề lối, thói quen, xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp, môi trường thân thiện. vận động cán bộ, NGNLĐ thực hiện nghiêm các quy định, quy chế chuyên môn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đồng thời làm tốt công tác thi đua, biểu dương khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác. Xây dựng và tổ chức thực hiện những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đội ngũ cán bộ, NGNLĐ; tham gia quản lý, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Phần thứ II. Tự luận (10 điểm)

Anh (Chị) hãy viết một bài tự luận: Đề xuất mô hình, đổi mới phương pháp hoạt động Công đoàn trong giai đoạn hiện nay hoặc những kỷ niệm sâu sắc hay những tấm gương tiêu biểu lao động giỏi, lao động sáng tạo, gương điển hình tiên tiến của tập thể và cá nhân trong phong trào công nhân, viên chức lao động và hoạt động Công đoàn; cảm nhận về tổ chức Công đoàn.

Thực hiện Chương trình toàn khóa của Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động huyện (khoá VII); Ban Thường vụ LĐLĐ huyện Ninh Sơn đã xác định chương trình công tác trọng tâm năm học 2018-2019, Công đoàn cơ sở trường Trần Quốc Toản đã phát động phong trào thi đua “Hai tốt”. Trong năm học 2018 – 2019, gương sáng của phong trào này là thầy Phạm Văn Hiền. Sinh năm 1979, so với độ tuổi bình quân của trường, thầy Hiền là giáo viên trẻ, đầy nhiệt huyết. Đồng nghiệp trong trường thường nói: thầy Hiền là người “đa tài, đa năng”. Thật vậy, trong bất kì lĩnh vực nào, từ công tác chuyên môn đến công tác đoàn thể, công tác công đoàn, thầy Hiền luôn là người tiên phong, có năng lực.

Năm 2017, với tài năng và đức độ, thầy được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành công đoàn, nhiệm kì 2017 – 2022, với cương vị là Phó chủ tịch Công đoàn.

Trong công tác công đoàn, thầy Hiền luôn trăn trở tìm ra nhiều cách thức tổ chức các hoạt động công đoàn, tạo sự gắn kết thân thiết giữa các thành viên trong công đoàn, để công đoàn thật sự là mái ấm chung cho mọi người. Thầy nói: Qua hoạt động tập thể, mới hiểu hết tâm tư nguyện vọng của công đoàn viên, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong cuộc sống đời thường cũng như trong công tác chuyên môn, một tập thể đoàn kết vững mạnh thì việc gì cũng thành công. Trong năm học, thầy Hiền cùng BCH Công đoàn đã tổ chức thành công các buổi tọa đàm 20/11, 8/3 đầy ý nghĩa, tham quan hè 2019 “Con đường di sản miền Trung” thật bổ ích và đầy tình thân; Cùng với Đoàn trường tổ chức thành công các cuộc thi: rung chuông vàng tháng 12, Hội trại 26/3. Qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa chúng tôi càng thấy rõ hơn sự nhiệt tình, sự hy sinh, sự lo lắng vô cùng đáng yêu của thầy, càng gắn kết nhau hơn, thương yêu nhau hơn, cùng chia sẻ niềm vui, nổi buồn trong cuộc sống, càng hiểu nhau hơn! Không buổi sinh hoạt nào mà không có gương mặt thầy, thầy vừa là hậu phương vững chắc, vừa là MC đa tài, linh hoạt ứng biến trong mọi tình huống.

Trong công tác chuyên môn, thầy Hiền là giáo viên rất có năng lực. Là Tổ trưởng chuyên môn, đồng thời là giáo viên dạy Tiếng Anh, thầy Hiền luôn quan tâm giúp đỡ đồng nghiệp, không chỉ ở chuyên môn Tiếng Anh mà còn hỗ trợ rất nhiệt tình cho giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, hỗ trợ việc soạn giảng PowerPoint, kịp thời khắc phục hư hỏng của máy móc,… Trong các hoạt động phong trào, thầy Hiền luôn là thành viên tích cực hỗ trợ, là người đứng sau hậu trường - sự hi sinh thầm lặng, không có thầy thì các cuộc thi khó mà thành công được, như cuộc thi GVCN giỏi, thi GVDG, Thi “kể chuyện theo sách”, kể chuyện Bác Hồ…., với kịch bản dàn dựng công phu, hỗ trợ trình chiếu, âm thanh, ánh sáng,…

Trong dạy học, thầy được sự tín nhiệm của học sinh và phụ huynh. Trong năm học 2018-2019, thầy đạt giải khuyến khích GVDG cấp tỉnh. Thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi cũng đáng tự hào, năm nào cũng có HSG cấp huyện.

Giỏi nhưng không khoe khoang, âm thầm hoàn thành sứ mệnh được giao là một phẩm chất vô cùng đáng quý ở thầy Hiền. Chính vì vậy, năm học 2018-2019, thầy Hiền thật xứng đáng với danh hiệu “Cán bộ công đoàn xuất sắc” cấp huyện.

Đạt được những thành tích trên là cả một sự nổ lực vô cùng lớn của bản thân cá nhân thầy Hiền nhưng không thể không nhắc đến đó là tổ chức Công đoàn trường luôn có sự động viên, khích lệ, tạo điều kiện tốt nhất để thầy Hiền phát huy năng lực, sở trường của bản thân. Đây là một tấm gương tiêu biểu cần được tuyên dương và nhân rộng trong ngành giáo dục nói chung và Công đoàn trường Trần Quốc Toản nói riêng. Tổ chức Công đoàn Nhà trường phải luôn giữ vững danh hiệu: "Đoàn kết, kỹ cương, tình thương, trách nhiệm”, luôn biết sẻ chia những buồn vui, những lo toan trong cuộc sống đầy khó khăn và phức tạp của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tổ chức Công đoàn phải thật sự là mái ấm của mọi công đoàn viên.

......., ngày ..... tháng ...... năm 2019

Người dự thi

Trên đây, hoatieu.vn đã đăng tải Bài dự thi Tìm hiểu lịch sử "Công đoàn Việt Nam - 90 năm một chặng đường", các bạn có thể tham khảo thêm bài dự thi khác trong mục Biểu mẫu, Bài thu hoạch.

Đánh giá bài viết
1 2.064
Bài dự thi Tìm hiểu lịch sử "Công đoàn Việt Nam - 90 năm một chặng đường"
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm