Ý nghĩa của câu Vũ trụ nội mạc phi phận sự trong Bài ca ngất ngưởng

Vũ trụ nội mạc phi phận sự nghĩa là gì? Câu thơ vũ trụ nội mạc phi phận sự nằm trong bài Bài ca ngất ngưởng của tác giả Nguyễn Công Trứ được sáng tác khi ông từ quan về quê. Qua bài thơ Bài ca ngất ngưởng, Nguyễn Công Trứ đã phần nào cho người đọc thấy được thái độ sống phóng khoáng, tự do cũng như bản lĩnh sống của tác giả. Trong bài viết này mời các bạn cùng Hoatieu tìm hiểu câu Vũ trụ nội mạc phi phận sự có ý nghĩa gì để hiểu thêm về phong cách sống cũng như nhân cách cao đẹp của Nguyễn Công Trứ.

Câu thơ “Vũ trụ nội mạc phi phận sự” được hiểu là

A. Tuyên bố xa lánh vòng danh lợi

B.Sự kiêu hãnh của một đấng nam nhi sống trong trời đất

C.Thể hiện quan niệm cao đẹp của một nhà Nho chân chính về bổn phận, nghĩa vụ của mình với cuộc đời, với dân, với nước.

D.Thái độ bàng quan về trách nhiệm với đất nước

Đáp án: C

6 câu đầu nói về sự nghiệp làm quan của ông Nguyễn Công Trứ. Câu "Vũ trụ nội mạc phi phận sự" được hiểu là mọi việc trong khoảng trời đất đều là phận sự của ta.

Ý nghĩa:

+ Thể hiện tác giả là người có trách nhiệm với bổn phận của kẻ làm trai trong xã hội phong kiến xưa.

+ Là người có tài chí, bản lĩnh phi thường mới dám tuyên bố hùng hồn như vậy. Ông rất tự tin vào tài năng của bản thân.

Phân tích đoạn thơ: Vũ trụ nội mạc phi phận sự

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học, ông là người giỏi giang song cuộc đời làm quan luôn thăng giáng thất thường. Nhưng không vì thế mà ông chán nản mà luôn vươn lên tự khẳng định mình, có ý thức rõ về tài năng của bản thân. Mở đầu “Bài ca ngất ngưởng” là những câu thơ viết về thái độ sống “ngất ngưởng” của ông khi làm quan trong triều:

“Vũ trụ nội mạc phi phận sự
Ông Hi văn tài bộ đã vào lồng
Khi thủ khoa, khi tham tán, khi Tổng đốc Đông
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng
Lúc bình tây cờ đại tướng
Có khi về phủ doãn Thừa Thiên…”

Nguyễn Công Trứ đã để lại đằng sau cả một sự nghiệp đồ sộ, một quá khứ vàng son.
Thơ xưa từng có câu:

“Đã làm trai ở trên trời đất
Phải có danh gì với núi sông”

Một lần nữa, ta bắt gặp ở nhà thơ luôn mang trong mình lí tưởng cao đẹp. Ông đề cao “chí nam nhi” và tự nhận trách nhiệm về mình.

Bài thơ mở đầu với một câu bằng chữ Hán đầy vẻ trang trọng. Ông khẳng định “Mọi việc trong trời đất không việc gì không thuộc phận sự của ta”. Qua đó ta cảm nhận được ông là một người sống có trách nhiệm với nước, với đời, luôn tự hào về sự có mặt của mình, muốn lưu danh muôn thủa. Và đến với câu thơ thứ hai “Ông Hi văn tài bộ đã vào lồng” , đã từng có nhà thơ tự xưng tên của mình trong nhiều trang viết:

Này của Xuân Hương mới quện rồi”
(Mời trầu- Hồ Xuân Hương)

Hay :

“Bách tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”
(Độc tiểu thanh kí – Nguyễn Du)

Và một lần nữa ta bắt gặp sự phá cách tính phi ngã trong thơ trung đại. Nguyễn Công Trứ tự xưng “ông Hi Văn tài bộ”. Điều đặc biệt là ông còn khẳng định tài năng của bản thân, càng đề cao con người bản lĩnh, tài hoa.

Nhưng với ông, ra làm quan không chỉ là vinh mà còn là nợ, là để thể hiện tài năng của mình và hơn thế nữa là cống hiến công lao với dân, giúp nước, giúp đời. Làm quan mà như chim “vào lồng”, mất tự do và ông vẫn tiếp tục ghi danh trên chặng đường gian nan ấy.

Nghệ thuật liệt kê bằng việc nhà thơ sử dụng từ Hán việt để nói về những chức vụ ông từng làm trong triều đình mang niềm tự hào, kiêu hãnh. Đó là “khi thủ khoa, khi tham tán, khi tổng đốc đông” làm nên cái “ngất ngưởng” trong con người ông. Hay “Lúc bình tây cờ đại tướng /Có khi về phủ doãn Thừa Thiên…”. Con đường mà ông đi lúc thăng, lúc giáng nhưng mãi là một Nguyễn Công Trứ với thái độ sống “ngất ngưởng”.

Trong con người ông vẫn luôn là một phong cách sống ngạo nghễ, khinh đời, nhạo thế, sống vươn lên tất cả trên cơ sở ý thức rõ về sự khác biệt giữa cá nhân với lễ giáo phong kiến đương thời. ông biết sống ngang tàn nhưng vẫn biết quí tiếng thơm, muốn lưu danh muôn thủa.

Qua đoạn thơ trên, dường như hình ảnh của một ông đồ xứ Nghệ đã đi vào lòng người đọc với những tình cảm yêu mến, trân trọng và bằng cả sự thán phục. Bằng nghê thuật liệt kê và lối hát nói đã góp phần thể hiện nhân cách cao đẹp, lối sống “ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ khi còn làm quan trong triều.

Vâng, “văn chương không dung nạp những người thợ khéo tay, làm theo kiểu khuôn mẫu…” và như thế Nguyễn Công Trứ đã tạo lối đi riêng cho chính bản thân và góp vào bầu trời thơ Việt Nam một bước tiến độc đáo.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 4.889
0 Bình luận
Sắp xếp theo