Vợ chồng A Phủ liên hệ với những tác phẩm nào?

Vợ chồng A Phủ liên hệ với những tác phẩm nào? Liên hệ mở rộng bài Vợ chồng A Phủ  là một phần không thể thiếu trong bài văn nghị luận văn học giúp bài viết của các thí sinh gây được ấn tượng với người đọc. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ một số dẫn chứng liên hệ mở rộng Vợ chồng A Phủ, liên hệ tác phẩm Vợ chồng A Phủ và Chí Phèo, những câu thơ liên hệ với Vợ chồng A Phủ hay giúp các thí sinh có thêm tài liệu tham khảo ôn thi Ngữ văn THPT.

Vợ chồng A Phủ liên hệ với những tác phẩm nào

1. Liên hệ mở rộng nhân vật Mị

Nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ có thể khiến người đọc liên tưởng đến nhân vật Đào trong Mùa lạc của Nguyễn Khải. Nhà văn Nguyễn Khải đã từng nói: "Ở đời này, không có không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy" . Tô Hoài và Nguyễn Khải gặp nhau ở triết lý này. Nếu như trong "Mùa lạc", Nguyễn Khải gửi gắm niềm lạc quan và hy vọng về cuộc sống tươi đẹp hồi sinh trong tâm hồn người lao động khi đến với công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, thì đến với "Vợ chồng A Phủ", nhà văn Tô Hoài lại mở ra một cánh cửa mới cho những con người dám bước ra khỏi ranh giới mà cuộc sống tù túng đã khiến họ cam chịu trong số phận đau khổ bao năm.

2. Dẫn chứng liên hệ - mở rộng tác phẩm Vợ chồng A Phủ

1. “Tô Hoài là một nhà văn lớn của Văn học Việt Nam hiện đại, người có 95 năm tuổi đời nhưng đã dành hơn 70 năm đóng góp cho văn học. Ông là nhà văn chuyên nghiệp, bền bỉ sáng tác và có khối lượng tác phẩm đồ sộ.” (Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội)

2. “Ông là cây đại thụ cuối cùng của lớp tác giả văn xuôi thời kì Cách Mạng.” (Hà Minh Đức)

3. “Bản chất của văn chương Tô Hoài là phong cách, bút pháp đậm đà bản sắc dân tộc. Phẩm chất ấy là sự tích tụ của cả một đời gắn bó với đất nước và nhiều miền quê hương, trân trọng và yêu thương những con người lao động mang tâm hồn và tính cách của người Việt Nam” (Hà Minh Đức)

4. “…Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt, đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng mãnh liệt”

5. Nói về Mị, nhà văn Tô Hoài tâm huyết rằng: “Số phận của cô là sự hồi sinh mãnh liệt của con người cô. Sự hồi sinh của một con người là vô cùng quý giá.”

6. “Thật khó để tìm được một nhà văn thứ hai vừa có thể miêu tả chân thật, tinh tế những cung bậc cảm xúc của cô Mị yêu sống nhưng bị giam cầm trong cảnh tù túng của “Vợ chồng A Phủ” (Phan Anh Dũng)

7. “Đất nước và người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều, không thể bao giờ quên… Hình ảnh Tây Bắc đau thương và dũng cảm lúc nào cũng thành nét, thành người, thành việc trong tâm trí tôi.” (Tô Hoài)

3. Liên hệ tác phẩm Vợ chồng A Phủ và Chí Phèo

Thưởng thức tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài và Chí Phèo của Nam Cao. Người đọc chẳng thể nào quên được hai nhân vật chính, linh hồn của câu chuyện, đó là Mị và Chí Phèo. Nhất là sự hồi sinh nhân tính trong tình huống truyện của họ.

Người ta thường nói, văn chương là điệu hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu. Và Tô Hoài, Nam Cao đã gặp gỡ, đồng cảm về tư tưởng, cốt cách. Đó cũng chính là tiếng lòng ấp ủ của nhà văn dành cho nhân vật của mình. Dẫu trước đó, họ sống dưới vực thẳm của xã hội, nhưng chỉ cần tình người được đặt đúng chỗ. Thì bao nhiêu vẻ đẹp của tâm hồn đã được hồi sinh.

Nếu như Mị hồi sinh nhân cách trong đêm tình mùa xuân tràn ngập yêu thương. Thì Chí lại thức tỉnh nhân cách sau đêm gặp Thị Nở tại vườn chuối, với bát cháo hành ấm áp. Nếu như Mị chịu sự tác động của cảnh vật, sự vật để hồi tỉnh. Thì Chí lại nhờ vào tình người để đánh thức phần “người” đã ngủ quên trong anh bấy lâu.

Gấp lại truyên ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài và Chí Phèo của Nam Cao. Ta thấy được giá trị nhân văn, nhân đạo mà tác giả muốn gửi gắm. Đọc vợ chồng A Phủ để liên hệ Chí Phèo và ngược lại. Dẫu cuộc sống, hoàn cảnh của hai nhân vật khác nhau. Nhưng sự hồi sinh về nhân cách lại mang vẻ đẹp tương đối giống nhau. Phải chăng, đó là tiếng lòng đầy thương cảm của tác giả dành cho những số phận hẩm hiu.

4. Liên hệ Vợ chồng A Phủ với tác phẩm Hai đứa trẻ

Tô Hoài là một trong số những nhà văn lớn, có nhiều đóng góp cho nền văn học Việt Nam hiện đại với một phong cách nghệ thuật rất riêng, độc đáo và hấp dẫn. Và có thể nói, Vợ chồng A Phủ là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của ông. Đọc Vợ chồng A Phủ, người đọc sẽ không thể nào quên hình ảnh của nhân vật Mị trong đêm giải cứu cho A Phủ. Đồng thời, thông qua nhân vật Mị trong đêm giải cứu cho A Phủ cùng tâm trạng của chị em Liên đợi tàu trong truyện ngắn Hai đứa trẻ, chúng ta có thêm cách cảm nhận sâu sắc hơn về tình cảm của nhà văn đối với người lao động trong xã hội cũ.

Như chúng ta đã biết, Mị là con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra và cũng kể từ ngày về làm dâu, Mị như mất hết đi sức sống, tê liệt hoàn toàn về mặt cảm xúc. Nhưng khi nhìn thấy A Phủ bị trói đứng trong đêm, dường như đã khiến Mị thay đổi và sức sống tiềm tàng trong Mị lại trỗi dậy.

Thoạt đầu, khi nhìn thấy A Phủ bị trói đứng, Mị vẫn "thản nhiên ngồi sưởi lửa". Mị vô tâm, thản nhiên như thế cũng dễ hiểu thôi, bởi trong nhà Pá Trá từ trước đến nay điều đó đâu có gì lạ lẫm. Những tưởng, Mị vẫn sẽ thản nhiên ngồi sưởi lửa như thế, nhưng không, khi nhìn thấy "dòng nước mắt bò xuống hai hõm má xám đen của A phủ" Mị đã hoàn toàn thay đổi. Giọt nước mắt ấy của A Phủ đã đánh thức trong Mị bao nỗi niềm xúc cảm. Mị thấy thương, thấy đồng cảm với A Phủ và thương cho chính cả số phận của mình nữa. Để rồi, Mị nghĩ và Mị thấy "chúng nó thật ác".

Có lẽ, trong cuộc đời mình, suốt trong những tháng ngày sống kiếp trâu ngựa, Mị chưa bao giờ biết yêu, biết ghét nhưng giờ đây, Mị cảm nhận thấy nhà Pá Tra thật ác, rồi Mị nảy ra ý định cứu A Phủ, nhưng lại sợ "Mị nhớ lại đời mình, Mị lại tưởng tượng như có thể đến một lúc nào, biết đâu A Sử chẳng đã trốn được rồi, lúc ấy, bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị đã cởi trói cho nó, Mị liến phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế trong tình cảnh này, làm sao Mị không thấy sợ..." . Mị sợ cũng là điều dễ hiểu, nhưng rồi đến cùng, tình thương đã lấn át mọi nỗi sợ hãi và Mị quyết định giải cứu A Phủ, cũng như quyết định bỏ trốn cùng A Phủ. Mị cắt đứt sợi dây để giải cứu cho A Phủ và cũng chính là giải cứu cho cuộc sống tù túng, bị giam hãm của mình. Hành động ấy của Mị không phải là bộc phát mà là một tất yếu, phù hợp với logic phát triển tâm lí của nhân vật. Đồng thời, qua việc miêu tả Mị trong đêm giải cứu cho A Phủ, chúng ta cảm nhận được tài năng miêu tả tâm lí, cách sử dụng từ ngữ độc đáo và tấm lòng yêu thương, trân trọng của nhà văn Tô Hoài đối với những người lao động nghèo khổ, bị áp bức trong xã hội xưa.

Thêm vào đó, từ việc phân tích nhân vật Mị trong đêm giải cứu cho A Phủ, chúng ta nhớ tới hình ảnh của chị em Liên trong cảnh đợi tàu ở truyện ngắn Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam. Có lẽ, với chị em Liên nói riêng, những người dân nơi phố huyện nghèo nói chung, đợi chuyến tàu đi qua mỗi đêm đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Đêm nào cũng vậy, chị em Liên cũng thức để đợi chuyến tàu đêm đi qua với một tâm trạng háo hức bởi lẽ, đấy là chuyến tàu từ Hà Nội về. Chuyến tàu ấy gợi lại trong chị em Liên biết bao kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ nhưng hơn hết còn bởi, chuyến tàu ấy đi qua và "mang theo một thứ ánh sáng khác". Đó là ánh sáng của những ngày mai tươi sáng, của những điều tốt đẹp mà những người dân phố huyện và cả chị em Liên hằng ao ước. Chính vì thế, tâm trạng háo hức đợi tàu mỗi đêm của chị em Liên xét đến cùng là niềm khao khát về một thế giới mới, một cuộc sống mới và về một ngày mai tươi sáng, tốt đẹp hơn. Đồng thời, qua cảnh đợi tàu, chúng ta nhận thấy tấm lòng yêu thương và sự trân trọng của nhà văn Thạch Lam với những khát khao bình dị, chính đáng của những người dân nơi phố huyện nghèo.

Như vậy, ta thấy rằng cả nhà văn Tô Hoài và nhà văn Thạch Lam đều viết rất hay, rất độc đáo và phản ánh một cách chân thực về cuộc sống của những người lao động khốn khổ trong xã hội. Đồng thời, viết về họ, cả hai nhà văn đều thể hiện cái nhìn đồng cảm sâu sắc và sự nâng niu, trân trọng những nét đẹp tâm hồn và những khát khao, những ước mơ tươi sáng của họ. Tuy nhiên, ta cũng nhận thấy, mỗi nhà văn cũng có những điểm khác nhau, tạo nên nét độc đáo riêng trong sáng tác của họ. Nếu như trong truyện ngắn Hai đứa trẻ, nhà văn Thạch Lam dành cái nhìn thương cảm, xót xa cho những người dân phố huyện nghèo, sống mòn mỏi, khổ cực và luôn chờ đợi cuộc sống khác từ những chuyến tàu đêm thì với nhà văn Tô Hoài, ông đã khám phá và khẳng định sức sống tiềm tàng, khả năng phản kháng và sự đấu tranh để tự giải phóng mình, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn của những người lao động nghèo khổ.

Sở dĩ, cả hai nhà văn đều có những điểm gặp gỡ nhau trong phản ánh hiện thực và thể hiện tình cảm với các nhân vật bởi cả hai đều là những nhà văn có tấm lòng nhân đạo và tình cảm yêu thương con người sâu sắc. Song, ở hai ông vẫn có những điểm khác biệt. Sự khác biệt ấy xuất phát từ đặc trưng của văn học - văn học là lĩnh vực của sự sáng tạo, nó không cho phép sự lặp lại. Thêm vào đó, mỗi nhà văn có một phong cách sáng tạo nghệ thuật khác nhau, tạo nên dấu ấn riêng của mỗi người.

Tóm lại, tuy cách viết khác nhau và ở hai giai đoạn văn học khác nhau, nhưng qua cách xây dựng tâm trạng Mị trong đêm cởi trói cho A Phủ của Tô Hoài và tâm trạng chị em Liên trong cảnh đợi tàu của Thạch Lam, người đọc hiểu hơn về tấm lòng trân trọng của nhà văn với ước mong giản dị, cao đẹp của con người trong xã hội xưa.

5. Liên hệ Vợ chồng A Phủ với tác phẩm nào?

1. “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài và “Vợ nhặt” của Kim Lân là hai truyện ngắn đều viết về số phận và vẻ đẹp tâm hồn của người lao động. Em hãy phân tích hai truyện ngắn trên trong mối quan hệ đối sánh để nêu bật đặc sắc riêng của từng tác phẩm.

2. “Nghệ thuật vị nhân sinh” là giá trị nhân văn cao cả trong nghệ thuật. Vợ chồng A Phủ và Chí Phèo là hai tác phẩm điển hình và thành công cho tư tưởng vĩ đại này. Qua việc so sánh sự hồi sinh của nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ và nhân vật Chí trong Chí Phèo, chúng ta sẽ thấy được sự thức tỉnh trong nhân tâm của hai nhân vật.

3. Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Mị trong đêm cứu A Phủ (Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài, Ngữ văn 12 – Tập 2, NXB GD Việt Nam 2016). Từ đó, liên hệ với tâm trạng của hai chị em Liên trong cảnh đợi tàu (Hai đứa trẻ – Thạch Lam, Ngữ văn 11 tập 1, NXB GD Việt Nam 2016) để nhận xét về cách nhìn và tình cảm của nhà văn đối với người lao động trong xã hội cũ.

Trên đây là một số liên hệ so sánh Vợ chồng A Phủ, dẫn chứng liên hệ mở rộng Vợ chồng A Phủ với các tác phẩm khác để các em có thể lồng ghép vào bài làm giúp làm rõ vấn đề cần phân tích, bàn luận.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Văn học - Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
23 55.268
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm