Sản phẩm tập huấn Ngữ văn 9 Cánh Diều

Tải về

Sản phẩm sau tập huấn sử dụng SGK mới lớp 9 Cánh Diều môn Văn

Tập huấn sử dụng sách giáo khoa mới lớp 9 Cánh Diều là hoạt động quan trọng nhằm kịp thời triển khai sử dụng sách giáo khoa lớp 9 theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến quý thầy cô mẫu sản phẩm tập huấn Ngữ văn 9 Cánh Diều bao gồm mẫu đề kiểm tra Ngữ văn 9 Cánh Diều cùng với tiết dạy minh họa Ngữ văn 9 Cánh Diều. Mời các thầy cô cùng tham khảo.

Mẫu đề kiểm tra Ngữ văn 9 sách mới Cánh Diều

I. PHẦN ĐỌC HIỂU:

Đọc ngữ liệu sau và thực hiện yêu cầu bên dưới:

LỄ MẸ, KHÓC

Thui thủi mình con giữa chợ đời
Chiều nay nhớ Mẹ quá đi thôi
Hải hà công sức như trời biển
Thiên địa thương yêu tựa đất trời
Suốt kiếp chỉ lo con trượt ngã
Một đời quên mất mẹ đơn côi
Bao người Lễ Mẹ mừng vui chúc
Thơ thẩn con ngồi khóc Mẹ thôi.
(Lê Du Miên- https://lienhoatinhvien.vn)

Chọn câu trả lời đúng nhất:

Câu 1. Văn bản trên được viết theo thể thơ nào?

A. Tứ tuyệt luật Đường

B. Thất ngôn bát cú luật Đường

C. Lục bát

D. Tự do

Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản?

A. Tự sự

B. Miêu tả

C. Biểu cảm

D. Nghị luận

Câu 3. Bài thơ trên viết về đề tài gì?

A. Tình phụ tử

B. Tình mẫu tử

C. Tình cảm lứa đôi

D. Tình cảm bạn bè

Câu 4. Ý kiến nào không đúng với đặc điểm thể thơ của văn bản trên?

A. Bài thơ có 8 câu, mỗi câu có 7 tiếng

B. Gieo vần bằng ở tiếng cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8

C. Các tiếng 2 – 4 – 6 của câu 1 và 8, câu 2 và 3, câu 4 và 5, câu 6 và 7 cùng phối thanh T – B – T hoặc B – T – B;

D. Bài thơ được viết theo luật bằng vần bằng.

Câu 5. Nội dung chính được thể hiện qua văn bản:

A. Sự hi sinh vất vả của người mẹ dành cho con

B. Tình yêu thương vô bờ bến mà mẹ đã dành cho con

C. Tấm lòng của người con trước tình cảm, sự hi sinh mà mẹ đã dành cho mình. D. Nỗi buồn của người con khi không còn mẹ.

Câu 6. Câu thơ nào sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ?

A. Chiều nay nhớ mẹ quá đi thôi

B. Bao người Lễ Mẹ mừng vui chúc
C. Suốt kiếp chỉ lo con trượt ngã
D. Thiên địa thương yêu tựa đất trời

Câu 7. Xác định biện pháp nghệ thuật và tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó trong hai câu thơ:

“Hải hà công sức như trời biển
Thiên địa thương yêu tựa đất trời”

A. Phép đối, so sánh làm nổi bật công lao to lớn, tình yêu thương con vô bờ bến của mẹ.

B. Phép so sánh, đảo ngữ làm nổi bật công lao to lớn, tình yêu thương con vô bờ bến của mẹ

C. Phép đối, so sánh làm nổi bật sự tần tảo, hi sinh của mẹ dành cho con.

D. Phép đối, đảo ngữ làm nổi bật sự tần tảo, hi sinh của mẹ dành cho con...

Câu 8. Vì sao người con thơ thẩn ngồi khóc mẹ?

A. Vì nhớ mẹ, không gặp được mẹ.

B. Vì con vô tâm, thờ ơ trước sự hi sinh, vất vả, côi cút của mẹ.

C. Vì nhìn thấy bao người “Lễ Mẹ” mừng vui chúc.

D. Cả ba phương án trên đều đúng.

Trả lời các câu hỏi:

Câu 9. Nêu cảm nhận của em về tấm lòng của người con trong bài thơ?

Câu 10. Bernard Shaw đã nói “Vũ trụ có rất nhiều kì quan, nhưng kì quan vĩ đại nhất là trái tim người Mẹ”. Em có đồng ý với quan điểm đó không? Vì sao?

II. PHẦN VIẾT:

Viết bài văn phân tích tác phẩm truyện “Bố tôi” của Cao Thị Tỵ

BỐ TÔI

Ngoại kể rằng Mẹ tôi mất sớm vì một căn bệnh hiểm nghèo khi hai anh em tôi vẫn còn rất nhỏ, lúc đó em tôi mới một tuổi, còn tôi mới lên ba, cú sốc quá lớn khiến Bố tôi sầu não ủ ê đến hàng mấy năm trời vẫn chưa nguôi ngoai.

Hàng ngày ngoại trông nom chăm bẵm anh em chúng tôi để bố đi làm, nhưng cứ về đến nhà là bố lại ôm chúng tôi vào lòng vỗ về, chăm sóc cho chúng tôi từng miếng ăn giấc ngủ. Bố không biết ru hay và ngân nga trầm bổng như ngoại, nhưng giọng của bố trầm ấm, bố ru chúng tôi bằng những bài thơ. Và bài ru mà tôi thường xuyên nghe nhất đó là bài “Bầm Ơi”. Cứ mỗi lần bế chúng tôi lên võng hay lên giường là bố mở đầu bằng bài Bầm ơi, cứ vậy bố đọc đi đọc lại bài bầm ơi một lát là anh em tôi ngủ say, nhiều khi tôi thấy bố nghẹn ngào xúc động, nhất là những khi bố nhắc đến Tên Mẹ. Những giọt nước mắt lăn dài trên khóe mắt bố. Thấy bố một mình cảnh gà trống nuôi con, vừa làm cha vừa làm mẹ quả là vất vả. Anh em họ hàng ngỏ ý khuyên bố tôi nên tục huyền (1), tìm người về làm mẹ kế mẫu để sớm hôm chăm nom, săn sóc cho bố con tôi, nhưng bố nhất định không đồng ý.

Bố bảo:

- Cảnh dì ghẻ con chồng xưa nay tôi đã biết cả rồi, con người khác máu tanh lòng. Nhất là khi lại sinh thêm em bé nữa, chuyện con riêng con tây khó tranh khỏi sứt mẻ tình cảm, thế nên mọi người đừng khuyên tôi nữa.

Và bố cứ vậy, lo lắng chăm sóc, thường hay mua quà bánh cho chúng tôi mỗi khi bố đi đâu xa về, hàng ngày bố luôn đến đón tôi trước giờ, chưa bao giờ bố để tôi phải đứng trước cửa trường chờ đợi! Khi tôi lên cấp hai bố mua cho tôi một cái xe đạp cũ, tôi vui vẻ cùng chúng bạn đi học, đi chơi… tôi đâu biết hàng ngày bố vất vả làm đủ các nghề nặng nhọc như phụ hồ, đào ao, đào giếng… cho đến một hôm bố ngã bệnh. Bố sốt ly bì mấy hôm không ăn uống được. Tôi vào bệnh viện thăm bố, thấy bố gầy sút xanh xao, tôi lo lắng và thương bố vô cùng, tôi nói với bố:

- Bố ạ. Con xin phép nghỉ học để chăm cho bố nhanh khỏe lại nhé!

Bố ân cần cầm tay tôi:

- Bố không sao đâu, con cứ lo học cho giỏi và bảo ban em cũng vậy là bố nhanh khỏe thôi.

Tôi ra về mà lòng bất an, chắc bố vất vả vì lo lắng cho chúng tôi nhiều quá nên mới đổ bệnh! Giá như Mẹ tôi còn sống thì…, tôi phải làm sao để giúp đỡ cho bố bớt vất vả đây? Từ hôm đó tôi không vô tư học hành vui chơi như trước nữa, tôi nghĩ sẽ cố gắng tranh thủ sau thời gian học tập tìm kiếm thêm công việc làm để giúp đỡ gia đình, giúp đỡ cho bố bớt vất vả, ý định của tôi chưa kịp thực hiện thì không ngờ mấy hôm sau bố tôi qua đời! Tôi ân hận vô cùng. Bố ơi! Gía như con biết thương và giúp đỡ bố nhiều hơn.

(Truyện ngắn dự thi của tác giả Cao Thị Tỵ )

* Chú thích:

(1)Tục huyền: Lấy vợ khác, sau khi vợ trước chết.

* Đôi nét về tác giả và truyện ngắn

- Cao Thị Tỵ, Bút danh: Bạch Vân

Địa chỉ: Thôn Xuân Sơn, Xã Thanh Sơn, Thị Xã Nghi Sơn, Thanh Hóa.

- Truyện ngắn “Bố tôi”dự thi trong cuộc thi “Hộp thư truyện ngắn” - mã số 121 với chủ đề “Tình Cha.

HƯỚNG DẪN CHẤM

CÂU

NỘI DUNG

1

B

2

C

3

B

4

D

5

C

6

B

7

A

8

D

9

Hs nêu một số ý sau:

-Cuộc sống mưu sinh cuốn con rời xa vòng tay của mẹ, lao vào dòng đời ngược xuôi.

-Trong khi mọi người vui mừng chúc Lễ Mẹ thì con thơ thẩn ngồi khóc thương vì nhớ mẹ, không được gặp mẹ, khóc cho cuộc đời hi sinh, vất vả truân chuyên , đơn côi của mẹ.

- Nỗi ân hận, xót xa vì sự vô tâm, thờ ơ đối với mẹ.

( Tùy theo cảm nhận của HS mà GV đánh giá mức điểm cho phù hợp)

10

HS nêu quan điểm đồng tình hay không đồng tinh.

- Nếu đồng tình, giải thích lí do:

+ Giải thích ý nghĩa của câu nói: Trong thế giới, có rất nhiều công trình kiến trúc hoặc cảnh vật đẹp đến mức kì lạ, hiếm thấy nhưng đối với con đẹp nhất vĩ đại nhất vẫn là trái tim của người mẹ.

+ Lí lẽ và bằng chứng:

. Mẹ là người sinh ra ta, nuôi dưỡng thể xác và tâm hồn của ta bằng chính tình yêu thương, sự hi sinh cao thượng. Công sức, tình yêu của người mẹ tựa như sông biển, đất trời,…

. Mẹ là người bao dung với ta nhất trong cuộc đời, dù ta có vấp ngã, có mắc sai lầm thì mẹ cũng là người luôn lo lắng, quan tâm đến ta một cách thiết thực nhất, trái tim yêu thương của mẹ có sức mạnh vô cùng to lớn, có thể giúp ta vượt lên trên tất cả.

-Nếu không đồng tình: HS cần giải thích, đưa ra lí lẽ và bằng chứng thuyết phục( Tùy theo cách trình bày của HS mà GV đánh giá mức điểm cho phù hợp)

PHẦN II. VIẾT

Xác định đúng yêu cầu đề bài: Viết bài văn phân tích đặc điểm truyện

Triển khai các ý cho bài văn:

1. Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm (nhan đề, tác giả); nêu ý kiến khái quát về tác phẩm.

- Truyện ngắn "Bố Tôi" của Cao Thị Tỵ.

- Đây là một câu chuyện đẫm nước mắt về tình cha con, về sự hy sinh và tình thương không điều kiện.

2. Thân bài: Phân tích đặc điểm của tác phẩm:

Lần lượt trình bày hệ thống luận điểm, luận cứ và dẫn chứng theo một trình tự nhất định để làm sáng tỏ vấn đề đã nêu ở mở bài, cụ thể:

* Khái quát nội dung chính của tác phẩm.

Câu chuyện kể về sự mất mát đau lòng của nhân vật chính khi mẹ anh ta qua đời khi cả hai anh em còn rất nhỏ. Sự ra đi đột ngột của người mẹ yêu quý đã để lại nỗi đau sâu lắng trong tâm hồn bố và con. Bố tôi đã phải gánh chịu nhiều khó khăn, nỗi buồn và sầu não ủ ê suốt hàng nhiều năm sau đó. Điều này thể hiện qua việc bố tôi không thể vượt qua được nỗi đau mất mát và tiếp tục sống trong hoài niệm về người vợ đã ra đi. ….

* Nêu chủ đề tác phẩm

Truyện ngắn "Bố tôi" của Cao Thị Tỵ là một câu chuyện đầy cảm xúc về tình yêu gia đình, sự hy sinh và nỗi đau mất mát không thể phai nhòa theo thời gian…..

* Chỉ ra và phân tích tác dụng của 1 số nét đặc sắc về hình thức nghệ trong tác phẩm (ngôi kể, cốt truyện, các chi tiết đặc sắc, nghệ thuật xây dựng nhân vật,...)

GV chấm linh hoạt theo một số gợi ý sau :

- Tình huống truyện éo le : 2 anh em nhân vật tôi mất mẹ từ khi còn rất nhỏ. Sự ra đi đột ngột của người mẹ yêu quý đã để lại nỗi đau sâu lắng trong tâm hồn bố và con…

- Cốt truyện : đơn tuyến, đơn giản, nhẹ nhàng, sâu lắng….

->thể hiện được diễn biến tâm trạng nhân vật tôi, tình cảm của nhân vật tôi với bố.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật

+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật người bố.

. Là người chồng yêu thương vợ, nặng tình nặng nghĩa.

. Là người cha rất mực yêu thương con, sống có trách nhiệm và chu đáo.

. Là người cha sẵn sàng hi sinh chịu vất vả khó khăn để con có cuộc sống tốt đẹp.

+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật tôi – người con :

. Là 1 chú bé ngây thơ trong sáng đúng như lứa tuổi.

. Là 1 người con rất yêu thương, quan tâm, lo lắng cho bố của mình.

. Đã có sự trưởng thành trong nhân thức và hành động.

- Ngôi kể thứ nhất ->cảm xúc chân thực…..

- Ngôn ngữ giản dị, gần gũi…..

3. Kết bài: Khẳng định ý nghĩa, giá trị của tác phẩm

- Truyện ngắn "Bố Tôi" của Cao Thị Tỵ là một câu chuyện đẫm nước mắt về tình cha con, về sự hy sinh và tình thương không điều kiện.

Mẫu tiết dạy Ngữ văn 9 Cánh Diều

BÀI 3: VĂN BẢN THÔNG TIN

THỰC HÀNH ĐỌC HIỂU

VƯỜN QUỐC GIA TRÀM CHIM – TAM NÔNG

I. MỤC TIÊU

1. Phẩm chất

- HS nêu được trải nghiệm giúp bản thân hiểu hơn văn bản thông tin.

- HS có niềm tự hào về những danh lam thắng cảnh của đất nước; bồi đắp ý thức trách nhiệm với việc tìm hiểu và góp phần bảo vệ các di sản thiên nhiên – văn hóa.

2. Năng lực

* Năng lực chung

- Năng lực tự chủ và tự học: Tìm kiếm thông tin, đọc sách giáo khoa, quan sát tranh ảnh để tìm hiểu về bài học.

- Năng lực giao tiếp và hợp tác:

+ Thảo luận nhóm để thực hiện phiếu học tập, hợp tác giải quyết vấn đề để tìm hiểu về bài học.

* Năng lực đặc thù

- Nhận biết và phân tích được ý nghĩa của nhan đề, thông tin cơ bản, đặc điểm văn bản và mối quan hệ giữa đặc điểm với mục đích của văn bản giới thiệu một danh lam thắng cảnh thể hiện trong văn bản.

- Nhận biết và phân tích được cách triển khai văn bản thông tin trong văn bản.

- Đánh giá được vai trò của các chi tiết quan trọng trong văn bản Vườn quốc gia Tràm Chim – Tam Nông; mối quan hệ giữa phương tiện ngôn ngữ và phương tiện phi ngôn ngữ.

- Đọc mở rộng: đọc tối thiểu 04 văn bản thông tin.

II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU

1. Gv: Tivi, máy tính,…

2. Hs: SGK, kế hoạch bài dạy, sách tham khảo, phiếu học tập, bảng kiểm đánh giá

III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC

1. HOẠT ĐỘNG 1: KHỞI ĐỘNG (5’)

a. Mục tiêu: Kết nối – tạo hứng thú cho học sinh, chuẩn bị tâm thế tiếp cận kiến thức về kiểu bài, kết nối kiến thức trong cuộc sống vào nội dung của bài học.

b. Nội dung: GV cho HS lựa chọn phương án đồng tình hoặc không đồng tình với các thông tin về đặc điểm VBTT thuyết minh về một danh lam thắng cảnh thông qua phiếu thu thập qua trên google form.

c. Sản phẩm: Câu trả lời của HS

d. Tổ chức thực hiện:

Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ học tập

- Từ kiến thức, kĩ năng đã học ở hai văn bản trước, lựa chọn phương án đồng tình hoặc không đồng tình với các thông tin về đặc trưng của văn bản thông tin thuyết minh về một danh lam thắng cảnh phiếu và trả lời câu hỏi qua google form.

.........................

Xem thêm trong file tải về.

Mời các bạn tham khảo các nội dung khác trong phần Dành cho giáo viên của mục Tài liệu.

Đánh giá bài viết
1 682
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm