Mẫu đánh giá sau tập huấn SGK lớp 2 mới

Tải về

Mẫu đánh giá sau tập huấn SGK lớp 2 mới được giáo viên lập ra sau khi tập huấn các môn học của các bộ sách giáo khoa mới sử dụng trong năm học 2021-2022. Mẫu nên lên ưu nhược điểm của từng sách từ đó đưa ra kiến nghị, đề xuất để cải thiện hơn.

Nguồn chia sẻ: Cô Toán Lê

Báo cáo sau tập huấn SGK lớp 2 mới

1. Môn: Tiếng Việt (Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống)

* Ưu điểm:

- Sách trình bày đẹp, kênh hình, kênh chữ hấp dẫn. Nội dung các bài, các hoạt động phong phú, đa dạng. Màu sắc đẹp, tranh ảnh minh họa rõ ràng. Trong một tiết sắp xếp các hoạt động hợp lí. Nội dung các bài, các hoạt động phong phú, đa dạng.

- Các mạch kiến thức đảm bảo nội dung yêu cầu theo Chương trình GDPT tổng thể 2018. Nội dung sách giúp học sinh hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực, chú trọng năng lực giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Sử dụng từ ngữ quen thuộc, phù hợp với địa phương.

- Lựa chọn các bài đọc hay, gần gũi, thể hiện được nhiều chủ đề, diễn đạt dễ hiểu. Cuối mỗi tuần có hoạt động đọc và mở rộng cho học sinh sáng tạo. Độ dài các bài đọc thích hợp. Kí hiệu sử dụng sách đơn giản, dễ nhớ, dễ sử dụng, hoạt động viết chính tả có nội dung riêng, học sinh dễ học.

- Các bài học tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học lấy học sinh làm trung tâm; khuyến khích học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo.

- Ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu. Các quy định về chính tả, các chữ viết, các kí hiệu đúng theo quy định của Bộ, thể hiện chính xác nội dung cần trình bày, phù hợp với lứa tuổi học sinh.

- Các bài học thể hiện đúng, đủ, rõ mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh và yêu cầu về đánh giá kết quả giáo dục được quy định trong chương trình môn học

* Hạn chế

- Lượng kiến thức cung cấp trong mỗi bài ở hoạt động "Đọc và mở rộng" quá cao so với học sinh.

- Hầu hết các văn bản truyện tên các nhân vật trong câu chuyện (con vật) chưa viết hoa.

- Sử dụng một số từ ngữ vùng miền không phù hợp với HS. Ví dụ: Loáng một cái- Bài 1: Tôi là học sinh lớp 2- SGK/10.

- Kiến thức Tập làm văn yêu cầu cao khi cho học sinh Lớp 2 tả về đồ vật. Việc dùng từ viết câu văn của các em rất hạn chế, dẫn đến viết đoạn văn tự thuật, tả gặp khó khăn.

- Một số hình ảnh chưa rõ nét, khó nhìn, khó nhận diện, trừu tượng với học sinh. Ví dụ: SGK tập 2- trang 10, câu hỏi 3: 4 bức tranh không thể hiện rõ mùa thu. - Số lượng văn bản thơ nhiều. Phần luyện nói khó đối với học sinh.

- Trong bài: Tớ nhớ cậu . SGK Tiếng Việt 2 - tập 1: bài tập đọc Ngày hôm

qua đâu rồi? Trang 14, Phần Luyện tập theo văn bản đọc. Dựa vào tranh minh họa bài đọc tìm từ ngữ chỉ người, chỉ vật. (Kiến thức khó vì bài LT&C. Kiến thức về từ chỉ sự vật) học ở bài sau.

- Tập làm văn: Viết 3- 5 câu tả đồ vật em thường dùng vào ngày mưa hoặc

ngày nắng, ngày nóng hoặc ngày lạnh khó đối với HS, trong thời gian 40 phút. Gv gặp khó khăn khi hướng dẫn học sinh: Cái ô, cái nón, cái mũ, áo mưa, cái quạt, cái khăn….

2. Môn Toán: (Bộ sách cánh diều)

* Thuận lợi:

- Nội dung chương trình môn học đảm bảo tính khoa học, thiết thực , gần gũi với đối tượng HS của địa phương.

- Các kí hiệu xuyên suốt cả hai tập với hình vẽ dễ thương kèm chú giải trong hình vẽ giúp học sinh biết việc cần làm một cách dễ làm dễ nhớ, chữ, số rõ ràng.

- Màu sắc đẹp, hình ảnh sinh động, gần gũi, tạo hứng thú học tập cho học sinh. Thành lập bảng cộng trừ rõ ràng, có kế thừa sơ đồ tách gộp ở lớp 1. Sau mỗi chủ đề có các bài luyện tập để ôn lại kiến thức.

- Có nhiều dạng bài tập phong phú như: (chọn kết quả đúng, chọn quả, chọn phép tính đúng.)

- Có lồng ghép các dạng bài thực tế giúp HS mở rộng kiến thức (VD: Câu 3 trang 134; Câu 5 trang 133...), bài tập vừa sức với học sinh giúp học sinh phát huy năng lực. Mỗi bài đều có chốt kiến thức giúp học sinh ghi nhớ. Bài tập xác với thực tế ( bài 4/tr.14, tr.69)

* Khó khăn:

- Tranh vẽ hơi khó nhìn và khó đếm cho HS, không phù hợp với nội dung của đề bài (Câu 5 trang 20; Câu 5 trang 21, Câu 3 trang 39; Câu 3 trang 53,…)

- Phần tách gộp để thành lập phép cộng phép trừ nhiều quá làm rối mắt HS ( trang 26, 27)

- Đề bài hơi dài và khó hiểu với HS lớp 2 (Câu 5 trang 81)

- Yêu cầu vẽ độ dài các đoạn thẳng quá nhiều ( Câu 3 tramg 109)

- Cách sắp xếp các bài học trong mạch kiến thức chưa phù hợp nên đưa toán giải dạy sau khi học bảng cộng trừ.

- Kênh chữ nhiều hơn kênh hình làm bài học nặng nề gây rối học sinh (bài Phép nhân/tr.5, tr.9 …). Một số trang xuất hiện chữ nhỏ (tr. 26, 52, 55,… ). Tranh ảnh nhỏ, chưa rõ (bài 4/tr.39, 83, 87, …) không mang tính minh họa cho bài (tr.88) Có quá nhiều bài tập trong một bài kiến thức mới sẽ không đảm bảo thời gian một tiết học (bài Số bị chia, Số chia, Thương, Bài Luyện tập chung /tr.27 đến tr.33), lượng kiến thức ở một số bài nhiều ví dụ như bài (Bài toán liên quan đến phép cộng, phép trừ ( tiếp theo) trang 46,47,48).

- Một số Nội dung bài tập gây khó khăn cho học sinh trong việc trình bày ví dụ bài Luyện tập chung trang 50,51.

- HS học bài Khối trụ, khối cầu ( trang 28- 29) khá trừu tượng và dễ gây nhầm lẫn cho HS. Để học tốt bài Khối trụ, khối cầu và bài Thực hành lắp ghép, xếp hình khối yêu cầu học sinh phải có đồ dùng học toán. Kênh số và kênh chữ chưa phù hợp.

- Nội dung một số bài chưa có tính khoa học. Với học sinh vùng cao phần toán “ kể chuyện theo tranh, kể 1 tình huống” có sử dụng phép nhân, hoặc chia còn gặp nhiều khó khăn

- Phần liên hệ thực tế vận dụng khó đối với HS. Các bài học có quá nhiều tranh ảnh dẫn đến đôi khi học sinh học tập không tập trung.

- Kênh chữ nhiều gây rối mắt VD: trang 42, 43

- Số lượng bài tập cho HS làm khá nhiều nặng với HS (có tiết 6 bài tập) VD: trang 8, 9, 50, 51, 72, 73,...Bài tập ước lượng số lượng hơi nhiều, các chồng sách khó đếm để ước lượng trang 7.

- Đa số những bài kênh chữ xuất hiện rất nhiều. Không có kí hiệu rõ ràng trong từng bài học làm học sinh khó hình dung. Hình đa số nhỏ, không rõ, không mang tính khoa học (trang 72, 78, 79, …. )

- Các địa danh gói gọn ở phía Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng (Hồ Hoàn Kiếm, chùa Một Cột, cầu Nhật Tân,... ), chưa có sự mở rộng, đa dạng.

- Còn đặt nặng thực hành với nhiều bài tập đòi hỏi học sinh làm (rèn kĩ năng

viết ) mà chưa cân đối bài tập thông qua trò chơi để lôi cuốn học sinh để học mà chơi, chơi mà học qua đó rèn kĩ năng nói.

3. Môn: Đạo đức: (Bộ sách kết nối tri thức)

* Thuận lợi

- Nội dung bài học và chủ đề trong sách có mối liên hệ chặt chẽ. Có những tình huống liên hệ thực tế để HS giải quyết. Phù hợp với đối tượng học sinh lớp 2; Kênh hình rõ ràng, màu sắc tươi sáng, hình ảnh gần gũi với chủ đề phù hợp với đặc điểm về văn hóa , truyền thống, phong tục tập quản, bản sắc dân tộc, ngôn ngữ địa phương Lào Cai, đảm bảo đầy đủ kiến thức theo khung Chương trình GDPT 2018.

- Sách giáo khoa có chỉ dẫn rõ ràng, Câu lệnh dễ hiểu giúp học sinh xác định được mục tiêu học tập, tương tác, hình thành các năng lực của học sinh. Các tiết học tách riêng biệt từng nội dung giáo dục cụ thể, các bài học đều được định hướng cho học sinh bằng khung mục tiêu của bài.

- Nội dung bài học Đạo đức được tích hợp với các phân môn khác như : Tiếng Việt, Toán (Trang 22, 28...)

- Phần ghi nhớ, tóm tắt, khắc sâu bài học, hành vi đạo đức bằng những bài thơ hay, dễ hiểu, gần gũi với cuộc sống (Sách đạo đức trang 13, 17, 22, 28,...)

- Nội dung bài học và chủ đề có mối liên hệ chặt chẽ. Sách thiết kế theo định hướng phát triển năng lực học sinh

- Mỗi bài học đều có các hoạt động cơ bản như: Khởi động, Khám phá, Luyện tập, Vận dụng.

- Hoạt động Khởi động trong sách Tạo tâm thế tích cực, khơi gợi suy nghĩ, hứng thú của HS để vào bài mới

- Thông điệp SGK Đạo Đức 2 nhằm mục đích ghi nhớ chuẩn mực hành vi đã học.

- Sách hướng tới kết quả quan trọng nhất là giáo dục được hành vi và thói quen đạo đức cho HS

* Khó khăn

- Đôi chỗ còn sai thể thức văn bản. (Trang 5 phần Khởi động, chưa có khoảng cách giữa các chữ.)

- Một số bài có nội dung câu hỏi chưa rõ ý: Bài 3 (SGK trang15) : Câu "Những việc làm của thầy cô giáo mang lại điều gì cho em." còn mang tính trừu tượng. Đề xuất : " Em cảm nhận được điều gì qua việc làm của thầy giáo, cô giáo ?". Bài 6 : Nhận lỗi và sửa lỗi, phần vận dụng (trang 32). Câu lệnh yêu cầu chưa rõ nghĩa: "Chia sẻ những lần em đã nhận lỗi, sửa lỗi". Đề xuất : " Chia sẻ về những lần em mắc lỗi, em đã nhận lỗi và sửa lỗi"

4. Môn Tự nhiên xã hội (Bộ sách Cánh diều)

* Thuận lợi

- Nội dung hấp dẫn người học; Người học được trải nghiệm và khám phá, hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh thông qua hệ thống kiến thức tự nhiên- xã hội thiết thực và hiện đại, chú trọng thực hành, vận dụng để giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống. Cấu trúc sách rõ ràng sinh động. Câu hỏi các sơ đồ,biểu bảng nhằm phát triển tư duy, logic cho HS. Sử lý tình huống đòi hỏi HS vận dụng các kiến thức kĩ năng giả quyết vấn đề.

- Mục tiêu từng bài cụ thể, bám sát khung chương trình. Nội dung đi từ dễ đến khó phù hợp tạo hứng thú cho học sinh thông qua các trò chơi. Ở mỗi bài ôn có phần vận dụng tổng hợp lại kiến thức của chủ đề. Sách có nhiều hoạt động thực hành, tạo điều kiện cho học sinh rèn luyện kĩ năng và vận dụng kiến thức. Cuối mỗi chủ đề có bài về “An toàn”, hoặc trong mỗi bài học có phần về “An toàn” giúp học sinh vận dụng các kiến thức vào cuộc sống, phòng tránh những rủi ro trong sinh hoạt và vui chơi.

- Chương trình môn Tự nhiên và Xã hội góp phần hình thành, phát triển ở học sinh tình yêu con người, thiên nhiên; đức tính chăm chỉ; ý thức bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình, cộng đồng; ý thức tiết kiệm, giữ gìn, bảo vệ tài sản; tinh thần trách nhiệm với môi trường sống; các năng lực chung và năng lực khoa học. Điểm đổi mới, nổi bật của SGK thể hiện được quan điểm dạy học tích hợp về: GD Kĩ năng sống và giá trị sống. GD an toàn. GD sức khoẻ. GD tài chính. GD bảo vệ môi trường và ứng phó thiên tai.

*Tồn tại

- Có bài nội dung dài khó khăn khi thực hiện VD: Bài 5: Trường học của em

- Một số bài thể hiện nội dung dài. Kênh chữ nhiều, có 1 số hình ảnh chưa phù hợp địa phương.
- Số lượng bài chưa phù hợp số tiết 21 bài/ 35 tuần

- Có nhiều câu hỏi hoặc yêu cầu cao trong 1 hoạt động. (hoạt động ở trang 15 - SGK). Các hoạt động sưu tầm, điều tra, hỏi người thân, phiếu thu tập thông tin thực hiện dự án đối với HS vùng DTTS khó thực hiện.

- Hình ảnh còn nhỏ, không quen thuộc với HS. Kênh hình nhiều, hình ảnh nhỏ, nhiều màu sắc gây rối mắt. M ột số hình ảnh chưa phù hợp trong hoạt động nhà trường (Bài 8: hình 1, hình 3). Nội dung bài trang 38 chưa phù hợp với tình hình thực tế của học sinh trong trường học. Một số tranh vẽ trang phục chưa phù hợp với địa phương học sinh sinh sống (Bài 7/ trang 33, hình 5, hình 6). Tranh biển báo giao thông chưa đa dạng (Bài An toàn tham gia giao thông)

5. Môn: Hoạt động trải nghiệm (Bộ sách Chân trời sáng tạo)

*Thuận lợi:

- Có mục tiêu đầu mỗi chủ đề. Có liên hệ thực tế đến đời sống và thực tế môi trường xung quanh.- Hình ảnh sinh động, màu sắc khá phong phú.

- Các hoạt động đi từ dễ đến khó. Có những trò chơi và bài hát giúp lôi cuốn họ Nội dung lôgic, cô đọng, dễ hiểu và cụ thể.

- SGK thiết kế có hình ảnh đẹp, gây hứng thú với học sinh; kích thích tư duy; kênh chữ và hình được chọn lọc, có tính thẩm mỹ cao, sinh động, thúc đẩy HS học tập tích cực phù hợp với đặc điểm về văn hóa, truyền thống, phong tục tập quản, bản sắc dân tộc ngôn ngữ địa phương Lào Cai.

- Nội dung sách giúp giáo viên có thể đánh giá được mức độ đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực của học sinh và giúp giáo viên tự chủ, sáng tạo trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục.

* Khó khăn:

- Chủ đề 1, tuần 1: yêu cầu cần nêu rõ hơn (VD: Tranh vẽ gì? Các bạn cảm thấy thế nào?...)

- Tuần 2, hoạt động 3, trang 8: Trao đổi về những việc làm để xây dựng hình ảnh bản thân hơi khó với học sinh lớp 2. Tranh 4: Khái niệm "Có trách nhiệm" rộng quá (học sinh hiểu biết giữ lời hứa là được)

- Trang 21: Múa, hát, sinh hoạt dưới cờ theo chủ điểm "Vì một cuộc sống an toàn" rộng quá.

- Tuần 14, 15: Truyền thống quê em, giao lưu tìm hiểu về truyền thống quê em ít gần gũi với học sinh thành phố.

- Một số nội dung, hoạt động còn trùng lặp nhiều.

6. Môn Mĩ thuật (Bộ sách Chân trời sáng tạo)

* Thuận lợi

- Cấu trúc được biên soạn theo 8 chủ đề: Thế giới Mỹ thuật, Ngôi nhà của em, Thiên nhiên và bầu trời, Khu vườn của em, Khéo tay hay làm, Những người bạn, Con vật em yêu, Phong cảnh Việt Nam.

- Các bài học được sắp xếp theo từng chủ đề. Mỗi chủ đề giúp học sinh phát triển năng lực và những kĩ năng của môn mỹ thuật. Cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản theo hướng mở, sinh động và hấp dẫn. Chú trọng phát triển kỹ năng quan sát, kỹ năng làm việc nhóm, trình bày. Các sản phẩm được học sinh thực hiện qua nhiều tiết từ cơ bản đến chi tiết và hoàn thiện sản phẩm.

* Khó khăn

- Đối với học sinh vùng cao học sinh người dân tộc, học sinh ít được gia đình quan tâm, nên các tiết phải chuẩn bị những đồ dùng, ngoài Màu, Bút chì … để làm mô hình và làm 1 số sản phẩm, thì học sinh không chuẩn bị được, hoặc rất khó chuẩn bị.

7. Môn Tiếng Anh (Bộ sách Chân trời sáng tạo)

- Cấu trúc sách mở, được trình bày theo cấu trúc 4 bài có một bài ôn tập. Trong bài ôn tập có các bài tập củng cố để học sinh nhớ lại kiến thức đã được học trong các bài học trước. - Nội dung sách đảm bảo triển khai khả thi, phù hợp địa phương. Nội dung mỗi bài học trong sách giáo khoa giúp giáo viên dễ dàng lựa chọn các hình thức tổ chức hoạt động cho học sinh. Bộ sách tập trung chủ yếu vào các kỹ năng nghe và nói. Phát triển tối ưu cho học sinh nghe qua các file audio đi kèm mỗi bài. Nội dung đơn giản phù hợp với tâm lí trẻ em.

- Về hình thức: Bộ sách được trình bày khoa học, hấp dẫn gây hứng thú cho học sinh.Bộ sách có hình ảnh sinh động với nhiều màu sắc hấp dẫn, bố cục khoa học phù hợp với học sinh. Kênh chữ và kênh hình thiết kế hiện đại, khoa học, mới mẻ; các câu lệnh ngắn gọn, dễ hiểu, phong phú, đa dạng. Sắp xếp phần chữ và phần hình hợp lý, có hệ thống, không gây rối mắt cho người học. Kết hợp hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình nên học sinh dễ thực hiện theo.

- Về nội dung:

Cấu trúc sách giáo khoa gồm:

- Phần hướng dẫn sử dụng sách rất cụ thể, rõ ràng, sáng tạo. Phần mục lục thể hiện rõ tên chủ đề, tên các bài học trong chủ đề và số trang cụ thể.

- Phần Nội dung chính của sách thể hiện rõ tên các chủ đề, tên bài học trong chủ đề, gồm 16 bài học tương ứng với 16 chủ đề khác nhau, trong mỗi bài học được chia ra làm 3 phần mỗi phần có 3 hoạt động nhỏ học sinh được luyện tập các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Cuối sách là phần Giải nghĩa từ mới, học sinh được làm quen, tiếp cận các từ mới trong bài học.

- Nội dung sách thể hiện đầy đủ, chính xác nội dung giáo dục cốt lõi và các yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh lớp 2 về năng lực và phẩm chất, bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Sách thiết kế theo định hướng phát triển năng lực. Nội dung trong Sách giáo khoa Tiếng Anh 2 đảm bảo mạch kiến thức từ dễ đến khó, từ đơn giản đến nâng cao dần theo năng lực và sự phát triển nhận thức của học sinh.

- Từ ngữ dễ học,hình ảnh nhất quán phù hợp với lứa tuổi học sinh . Các chủ đề bài học gần gũi với hoạt động thường ngày của học sinh.

- Một số dạng bài tập được thiết kế đa dạng về hình thức để phát triển năng lực của cá nhân học sinh.

- Đồng bộ với SGK là website hỗ trợ giáo viên, phụ huynh và cán bộ quản lí sử dụng các thiết bị, tài nguyên, tranh ảnh phù hợp với danh mục thiết bị dạy học tối thiểu kèm theo SGK: hỗ trợ tập huấn GV trực tuyến qua các video bài dạy minh hoạ; cung cấp các nguồn học liệu phong phú về hình ảnh, audio, video để giáo viên, phụ huynh, học sinh tham khảo.

- Với những phương tiện hỗ trợ trên, cán bộ quản lí, giáo viên, học sinh và phụ huynh sử dụng nguồn tư liệu hỗ trợ hiệu quả sẽ thuận tiện hơn rất nhiều.

* Khó khăn

- Chủ yếu là học sinh dân tộc thiểu số nên khó khăn trong việc phát triển khả năng tự học tiếng anh.

- Cơ sở vật chất chưa đầy đủ

8. Môn Giáo dục thể chất (Bộ sách Cánh Diều)

* Thuận lợi

- Mỗi bài đều có một trò chơi khởi động, nhằm tạo sự hứng thú cho học sinh, vừa mang tính giải trí vừa giúp HS rèn luyện thể chất.

- Được kế thừa những ưu điểm của sách hiện hành các hình ảnh đẹp mắt, kênh hình kênh chữ rõ ràng. Nội dung phù hợp với lứa tuổi HS. Đa dạng về hình thức tổ chức tập luyện, các động tác và khẩu lệnh rõ ràng.

- Nội dung chia theo chủ đề (Tích hợp, phân hóa). Có phần nội dung thể thao tự chọn, tạo hứng thú và phát triển thể chất cho HS, tạo cơ hội cho HS thể hiện năng khiếu của bản thân. Mỗi chủ đề đều có mục tiêu, yêu cầu và nội dung rõ ràng. Có hình ảnh minh họa cho các động tác thực hiện rõ ràng và dễ hiều.

* Khó khăn

- Đối với thể thao tự chọn riêng môn ( Bóng đá): Chưa phù hợp với địa hình sân bãi.

9. Môn Âm nhạc (Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống)

* Thuận lợi:

- Bộ sách được trình bày khoa học, hấp dẫn gây hứng thú cho học sinh. Bộ sách có hình ảnh sinh động với nhiều màu sắc hấp dẫn, bố cục khoa học phù hợp với học sinh. Kênh chữ và kênh hình thiết kế hiện đại, khoa học, mới mẻ; các câu lệnh ngắn gọn, dễ hiểu, phong phú, đa dạng. Sắp xếp phần chữ và phần hình hợp lý, có hệ thống, không gây rối mắt cho người học. Kết hợp hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình nên học sinh dễ thực hiện theo.

- Nội dung các bài hát phù hợp với lứa tuổi học sinh.

* Khó khăn

- Một số bài hát có những quãng khó lấy hơi đối với học sinh lớp 2, ví dụ như bài Hoa trong vườn xuân

- Một số bài Đọc nhạc có tiết tấu nhanh đối với học sinh lớp 2, nhất là đọc nhạc đọc nhạc kết hợp với kí hiệu bàn tay, học sinh sẽ không làm được.

2. Những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện báo cáo của các trường

- Báo cáo của hầu hết các trường chưa đúng trọng tâm cần đánh giá sau khi tập huấn ( phần lớn chỉ nêu chung chung về thuận lợi, khó khăn của nhà trường, của địa phương,…), chưa nêu được những dự báo thuận lợi, khó khăn khi vận dụng dụng bộ sách vào thực tế giảng dạy của đơn vị. ( Pha Long, Lùng Vai, Bản Xen, Bản Lầu, Nấm Lư, …), một số trường đánh giá chưa đầy đủ các môn của cả ba bộ sách mà trường chọn ( TH La Pan Tẩn mới đánh giá bộ Kết nối tri thức).

- Hầu hết các trường chỉ đánh giá các môn Toán, TV, TNXH, Đạo đức, HĐTN mà quên đánh giá các môn chuyên biệt như Tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc, GDTC ( duy nhất có TH Tả Thàng cơ bản đầy đủ).

- Một số trường còn có báo cáo giống nhau, chủ yếu nêu thuận lợi, khó khăn về cơ sở vật chất, đời sống KTXH địa phương, …cụ thể như: TH LKN, Na Lốc, Thanh Bình. (BC chưa đúng trọng tâm, dài dòng, giống nhau phần đánh giá đặc điểm tình hình nhà trường).

3. Đề xuất

- Hỗ trợ thêm trang thiết bị, các đồ dùng tối thiểu cho các lớp (Đặc biệt là đối với lớp 1 và lớp 2 chương trình giáo dục phổ thông mới).

- Cung cấp SGK, SGV, đồ dụng thiết bị kịp thời cho năm học mới để phục vụ việc dạy học được hiệu quả .

- Bổ sung mỗi phòng học lớp 2 một máy chiếu để thực hiện công tác giảng dạy.

- Tổ chức Hội thảo về PP để GV được trực tiếp dự giờ, chia sẻ các tiết dạy minh họa là đối tượng học sinh dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn có nét tương đồng như thực tế của nhà trường của huyện để có thể vận dụng vào thực hiện giảng dạy tại đơn vị trong năm học 2021- 2022 đạt hiệu quả.

Mời các bạn tham khảo các giáo án khác trong phần Dành cho giáo viên của mục Tài liệu.

Đánh giá bài viết
1 2.248
Mẫu đánh giá sau tập huấn SGK lớp 2 mới
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm