Khó khăn và biện pháp khắc phục trong thực tiễn dạy học theo chương trình giáo dục mới

Khó khăn và biện pháp khắc phục trong thực tiễn dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, công nghệ khoa học kĩ thuật đã có những bước tiến vượt bậc thì lượng thông tin, tri thức nhân loại cũng tăng theo cấp số nhân, đòi hỏi ngành giáo dục phải luôn có những thay đổi về phương thức giáo dục, tư duy, dạy học cho các em học sinh, sao cho các em được trang bị kiến thức đầy đủ nhất, nền giáo dục của nước nhà ngày càng phát triển, không có sự cách biệt quá lớn so với những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018, thay đổi phương pháp dạy và học đã tạo ra nhiều khó khăn, thách thức trong thực tiễn dạy học. Bài viết dưới đây của HoaTieu.vn sẽ làm rõ các thách thức, khó khăn trong thực tiễn dạy học và các biện pháp khắc phục. Mời các bạn theo dõi chi tiết.

 Những khó khăn, thách thức đối với giáo viên khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới
Những khó khăn, thách thức đối với giáo viên khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

1. Những khó khăn, thách thức đối với giáo viên khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã làm thay đổi phương pháp dạy và học truyền thống, đòi hỏi các giáo viên phải chủ động, tích cực, áp dụng các biện pháp tư duy, phương thức giảng dạy mới, những phương pháp này khác biệt khá lớn so với cách dạy học truyền thống kiểu thụ động và gây ra những khó khăn nhất định cho thầy cô. Dưới đây, HoaTieu xin liệt kê những khó khăn mà đa số các thầy cô sẽ gặp phải khi tham gia giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

- Phải thích ứng với nhiều điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông mới ,lấy học sinh làm trung tâm, đòi hỏi người giáo viên phải được trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp, lẫn kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động dạy học; kết quả giáo dục phản ánh sự đầu tư và năng lực của người thầy.

Ví dụ:

  • Đối với môn Giáo dục công dân, kế hoạch dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới gồm bốn hoạt động: Khởi động, kiến thức mới, luyện tập và vận dụng. Vì vậy, ngay từ khâu soạn bài, giáo viên phải xác định được mục tiêu, nội dung, cách thực hiện và sản phẩm đạt được để truyền đạt tới học sinh, lấy học sinh làm trung tâm. Đây không phải điều dễ dàng, nhất là đối với đội ngũ giáo viên vốn đã quen với cách dạy truyền thống.
  • Các môn học khối xã hội như Ngữ văn, lịch sử... trước kia, giáo viên sẽ đưa ra những lý thuyết, ý chính trong bài và hầu như học sinh chỉ cần học thuộc lòng là đi thi sẽ đạt điểm cao. Hiện nay, với phương pháp giáo dục mới, giáo viên cần dạy cho học sinh cách tư duy logic, truyền tải làm sao để cho các em học sinh hiểu được bài học, tư duy, sáng tạo, lấy học sinh là trung tâm, chứ không chỉ cần thuộc lòng giáo điều như trước kia.

- Những hạn chế, bất cập về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kinh phí đào tạo trong ngành giáo dục.

Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cần giải quyết căn cơ vấn đề tình trạng đội ngũ giáo viên sẽ thừa thiếu cục bộ, một số giáo viên đơn môn chắc chắn sẽ thừa, trong khi giáo viên môn nghệ thuật sẽ thiếu trầm trọng, đặc biệt là giáo viên dạy tích hợp một số môn chưa có; cơ sở vật chất, trang thiết bị, không gian riêng ở nhiều địa phương sẽ không đáp ứng được yêu cầu do có nhiều môn học mới, đòi hỏi rèn luyện kỹ năng, chú trọng giáo dục nhân cách cho học sinh; hơn nữa việc giáo dục trải nghiệm sáng tạo cũng cần kinh phí thực hiện và hơn hết là đảm bảo sự an toàn cho học sinh, tạo niềm tin cho phụ huynh cùng đồng hành với nhà trường trong việc giáo dục con em mình.

- Dạy học nội dung giáo dục lịch sử địa phương.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới đề cao nội dung giáo dục lịch sử địa phương; tuy nhiên, việc biên soạn tài liệu, giáo trình, tự liệu vật chất lại phụ thuộc vào năng lực của giáo viên, điều kiện thực tế của từng địa phương. Từ đó, dẫn đến tình trạng kiến thức còn nặng và sự lệch nhau giữa nội dung lịch sử dân tộc và lịch sử địa phương.

Bên cạnh đó, do đặc thù vùng miền nên việc tổ chức các hình thức dạy học sẽ kém phong phú, việc dạy học lịch sử địa phương tại thực địa hay việc ứng dụng công nghệ thông tin ít các trường tổ chức thực hiện.

Việc tổ chức cho học sinh tham quan, học tập ở các di tích lịch sử chỉ diễn ra đối với các trường nằm ở trung tâm hoặc là gần các di tích…Mặt khác, một số học sinh không ham thích học lịch sử địa phương còn diễn ra ở một số trường học, nên dẫn đến tình trạng một số tiết học chưa đảm bảo được nội dung và yêu cầu của chương trình.

- Dạy học trực tuyến khó đảm bảo chất lượng đào tạo.

Hơn 2 năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thực hiện quyết định của chính phủ về hạn chế tiếp xúc, nhiều trường học trên cả nước đã có những khoảng thời gian dạy học online khá dài. Việc dạy học online sẽ gây khó khăn trong việc truyền tải kiến thức của các thầy cô, đồng thời có thể khiến cho tình trạng học sinh chán học, lười học, trốn học diễn ra phổ biến và rất dễ dàng thực hiện... Một khoảng thời gian dài như vậy sẽ gây ra lỗ hổng về mặt kiến thức cức kì lớn đối với các em học sinh. Mà nếu đã hổng kiến thức, các em sẽ gặp nhiều khó khăn trong tiếp thu kiến thức mới, nâng cao hơn, dễ dẫn đến chán học,...

Thực tế, chắc chắn là với mỗi giáo viên hay mỗi bộ môn giảng dạy sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với những điều được kể trên. Tuy nhiên, các thầy cô giáo luôn cố gắng tiếp thu phương pháp dạy học mới để truyền tải kiến thức đến các em học sinh một cách tốt nhất.

2. Biện pháp khắc phục những khó khăn trong thực tiễn dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới

Biện pháp khắc phục những khó khăn trong thực tiễn dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới
Biện pháp khắc phục những khó khăn trong thực tiễn dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới

Công tác bồi dưỡng, tập huấn.

Tăng cường bồi dưỡng thường xuyên, tập huấn ngắn hạn của Bộ, Sở GD&ĐT về chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, mời chuyên gia để truyền đạt ý tưởng, tạo động lực để giáo viên thổi hồn vào bài giảng một cách thiết thực và hiệu quả hơn.

Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Phát huy vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh, các lực lượng xã hội

Cần tận dụng, phát huy tối đa vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh, các lực lượng xã hội bởi giáo dục không chỉ là trách nhiệm của thầy cô nhà trường mà còn là nghĩa vụ của tất cả các lực lượng trong xã hội.

Phối hợp chặt chẽ các môi trường giáo dục bao gồm: gia đình, nhà trường và xã hội.

Đẩy mạnh tổ chức hoạt động giáo dục thế giới quan khoa học, tư tưởng chính trị, đạo đức cho học sinh

Nhà trường chỉ chú trọng truyền thụ tri thức một chiều hay chỉ “dạy chữ” mà quên đi “dạy người” là một khiếm khuyến lớn của giáo dục. Giáo dục toàn diện phải chú trọng trang bị kiến thức cùng với giáo dục các phẩm chất. Những phẩm chất nhà trường phải hướng tới là phẩm chất của một con người mới, phẩm chất công dân mới biết “sống yêu thương, sống tự chủ, sống có trách nhiệm”.

Chú trọng tổ chức hoạt động giáo dục lao động và hướng nghiệp cho học sinh

Thông qua hoạt động này, người giáo viên sẽ giúp học sinh hình thành được những phẩm chất và năng lực của người lao động, chuẩn bị tâm thế để bước vào cuộc sống lao động sau này.

  • Tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp sẽ giúp học sinh có hiểu biết và chọn đúng đắn nghề nghiệp trong tương lai phù hợp với năng lực của bản thân và nhu cầu của xã hội.
  • Tổ chức hoạt động giáo dục lao động là giúp học sinh ý thức trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn vệ sinh lớp học, làm sạch môi trường học tập và có ý thức trách nhiệm trong phân công lao động tập thể.

Đa dạng các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí

Bên cạnh các hoạt động học tập, lao động của lớp, giáo viên bộ môn cùng với giáo viên chủ nhiệm cần quan tâm cố vấn cho đội ngũ cán sự lớp tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí… nhằm giúp học sinh sảng khoái tinh thần, minh mẫn học tập, mở mang trí tuệ, phát triển thể chất, giáo dục thẩm mĩ, phát triển nhân cách nói chung của học sinh.

Trên đây là những khó khăn và biện pháp khắc phục trong thực tiễn dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Mời các bạn tham khảo bài viết liên quan tại mục Tài liệu Dành cho giáo viên của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 4.651
0 Bình luận
Sắp xếp theo