Hỏi đáp về sách Toán lớp 6 bộ Chân trời sáng tạo

Sách giáo khoa Toán lớp 6 bộ sách Chân trời sáng tạo được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Cùng tìm hiểu về sách qua bài Hỏi đáp về sách Toán lớp 6 bộ Chân trời sáng tạo sau đây nhé.

Tìm hiểu sách Toán lớp 6 bộ Chân trời sáng tạo

Câu 1. Đặc điểm nổi bật của Sách Toán 6, thuộc bộ sách Chân trời sáng tạo của NXBGDVN là gì?

Trả lời: Sách Toán 6, bộ sách Chân trời sáng tạo của NXBGDVN có những đặc điểm nổi bật như sau:

– Hỗ trợ định hướng phát triển năng lực: thông qua việc tổ chức các hoạt động phù hợp với trình độ, giúp học sinh (HS) lớp 6 bước đầu làm quen với cách học các khái niệm toán kết hợp giữa quan sát trực quan và suy luận logic.

– Hỗ trợ phối hợp phát triển các năng lực Toán học như tư duy logic, mô hình hoá, giải quyết vấn đề, giao tiếp toán học và sử dụng công cụ, đồng thời phát triển các năng lực chung như: trí tuệ, cảm xúc và sáng tạo (IQ, EQ, CQ).

– Hỗ trợ gắn kết toán học với thực tiễn: thể hiện qua các giai đoạn của bài học như: Khởi động, khám phá, giải thích, thực hành và vận dụng.Vận dụng lí thuyết Giáo dục toán học gắn với thực tiễn (Realistic Mathematics Education–RME) đặc biệt có sự chú trọng đến thực tiễn của cuộc Cách Mạng Số.

– Hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học: thông qua xây đựng các hoạt động tìm tòi, khám phá dành cho HS nhưng vẫn tạo nhiều cơ hội mở cho giáo viên (GV) sáng tạo trong sử dụng các phương pháp dạy học tích cực.

– Hỗ trợ GV và HS thực hiện đánh giá và tự đánh gia năng lực: trong từng giai đoạn học tập cũng như cuối mỗi bài học hoặc cuối mỗi chương.

– Hỗ trợ tốt việc tự học của HS thông qua một hệ thống các bài tập phong phú, đa dạng và phân hóa, nhiều bài đọc thêm thiết thực và bổ ích.

Câu 2. Tại sao GV, HS, phụ huynh học sinh (PHHS) nên sử dụng bộ sách Toán 6, thuộc bộ sách Chân trời sáng tạo của NXBGDVN?

Trả lời: GV, HS, PHHS nên sử dụng bộ sách này vì các lí do sau:

  • Sách dễ dạy, dễ học, bài học vui tươi, phong phú, tích hợp liên môn và có nhiều vận dụng trong thực tiễn rất sinh động.
  • Đa số tác giả là những thầy cô có kinh nghiệm nhiều năm trực tiếp dạy học ở cấp THCS nói chung và lớp 6 nói riêng.
  • Sách kế thừa tất cả các ưu điểm và kinh nghiệm sư phạm của SGK hiện hành vốn đã quen thuộc với quý thầy cô.
  • Thể hiện tốt tinh thần tích hợp gắn bó môn Toán với các môn học khác như: Lí - Hóa - Sinh –Tin – Văn – Sử - Địa.
  • Thể hiện tốt tinh thần định hướng năng lực của Chương trình giáo dục phổ thông môn Toán năm 2018 của Bộ GD &ĐT thông qua việc ở mỗi bài đều giúp giáo viên đặt mục tiêu cho học sinh không chỉ học được những gì, mà còn cần phải làm được những gì.
  • Mỗi bài học đều được xây dựng theo tinh thần 5E bao gồm các hoạt động :
  • Hoạt động khởi động;
  • Hoạt động khám phá;
  • Hoạt động thực hành;
  • Hoạt động vận dụng;
  • Hoạt động đánh giá.

Câu 3. Năm học tới 2021–2022 quý thầy cô dạy môn Toán, dạy sách Toán 6 bộ sách Chân trời sáng tạo cần lưu ý điều gì?

Trả lời: Năm học tới 2021–2022 quý thầy cô dạy môn Toán theo bộ sách Chân trời sáng tạo cần lưu ý những điều sau:

  • Hỗ trợ HS lĩnh hội các năng lực toán học theo yêu cầu cần đạt .
  • Tập trung vào việc tổ chức các hoạt động của học sinh.
  • Tăng cường tính kết nối, trực quan, liên môn và ứng dụng .
  • Vận dụng các phương pháp dạy học tích cực lấy người học làm trung tâm.
  • Chú trọng vào việc học sinh tự đánh giá, làm được gì sau mỗi bài học.

Câu 4. Hình học trực quan lần đầu tiên được dạy và học ở lớp 6, giáo viên và học sinh cần lưu ý những điều gì?

Trả lời: Khi dạy Hình học trực quan lớp 6 quý thầy cô cần chú ý những điều sau:

  • Hình học trực quan được đưa vào chương trình lớp 6 giúp học sinh nhận dạng, mô tả các yếu tố của hình phẳng chưa cần thông qua lập luận chứng minh, từ đó giúp học sinh tiếp cận với hình học truyền thống thuận lợi hơn và cũng đưa hình học gần gũi với thực tế cuộc sống.
  • Trong SGK Toán 6 thuộc bộ sách Chân trời sáng tạo, hình học trực quan được giới thiệu ở chương 3 và chương 7, có thể hiểu là cách tiếp cận hình học dựa trên sự quan sát, nhận dạng, đo lường, mô tả. GV cần tập trung vào các tổ chức hoạt động hướng dẫn học sinh nhận biết, mô tả cách vẽ, cắt, dán, ghép hình để tạo lập các hình quen thuộc trong đời sống.
  • Cần nắm vững quan điểm: Hình học trực quan phải đi trước hình học phẳng truyền thống dựa trên suy luận logic chặt chẽ và chính xác (được trình bày trong chương 8) nhằm tạo hứng thú và kết nối cho học sinh lớp 6.

Câu 5. Giáo viên cần chú ý những điều gì khi dạy Một số yếu tố Thống kê và Xác suất ở lớp 6?

Trả lời: Khi dạy nội dung Một số yếu tố Thống kê và Xác suất, GV cần chú ý những điều sau:

  • Xác suất– thống kêcùng với Số học – Đại số và Hình học – Đo lường là ba mạch của nội dung toán học cấp THCS, chúng có quan hệ gắn bó hữu cơ chặt chẽ với nhau như chuỗi xoắn kép ADN, do đó nên dạy đủ cả ba mạch trong mỗi học kì, nên tránh để đến học kì 2 (cuối năm) mới dạy.

Ví dụ: Bài Biểu đồ cột liên quan đến cả ba mạch:

  • Xác suất – thống kê : Biểu diễn dữ liệu
  • Số học – Đại số : Số nguyên
  • Hình học – Đo lường : Hình chữ nhật
  • Theo chương trình mới 2018 học sinh Tiểu học đã được học Thống kê và Xác suất chẳng hạn

Lớp 2: Biểu đồ tranh, lớp 3: Biểu đồ cột, lớp 4: Bảng số liệu, lớp 5: Biểu đồ quạt. Trong khi đó học sinh lớp 6 năm học 2021-2022 (học tiểu học theo chương trình hiện hành) có thể gặp một số thách thức ban đầu, GV cần chú ý đặc điểm này để có phần chuẩn bị và bổ túc kiến thức tốt hơn cho học sinh (nên tham khảo thêm chương trình Toán Tiểu học để nắm rõ nội dung cần chuẩn bị)

– Phần xác suất thực nghiệm trong Toán 6 có liên kết chặt chẽ với nội dung kiểm đếm trong thống kê, vận dụng kết hợp tốt hai phần trên sẽ tạo ra các hoạt động phát triển năng lực tốt.

Câu 6.Giáo viên cần lưu ý những điểu gì khi dạy Tiết Thực hành trải nghiệm trong Sách giáo khoa Toán 6?

Trả lời: Khi dạy các bài Thực hành trải nghiệm, GV nên lưu ý một số điều sau:

Bước 1. Giải thích rõ mục tiêu của hoạt động trải nghiệm (HĐTN)

  • Cần tham khảo SGK và căn cứ vào tình hình cụ thể của lớp để xây dựng mục tiêu chi tiết cho từng HĐTN cụ thể.
  • Cần giải thích rõ cho HS các mục tiêu trước khi tiến hành HĐTN và chỉ ra mối liên hệ giữa các mục tiêu đó và các bài học cụ thể mà HS đã được học.

Bước 2. Nêu rõ cần chuẩn bị những gì

  • Yêu cầu HS chuẩn bị các dụng cụ cần thiết cho mỗi HĐTN.
  • Yêu cầu HS phải xem lại các bài đã học để chuẩn bị kiến thức cho HĐTN.

Bước 3. Hướng dẫn tổ chức phân công trong tổ nhóm

  • Đa số các HĐTN đều là HĐ nhóm, nên cần có hướng dẫn HS cách phân công cụ thể để các em hoàn thành nhiệm vụ.
  • Kĩ năng phân công và hợp tác cũng là một mục tiêu cần đạt của HĐTN.

Bước 4. Tổ chức cho HS báo cáo kết quả

  • Tùy theo đặc điểm tình hình lớp và nội dung HĐTN để tổ chức cho mỗi nhóm HS báo cáo kết quả cuối HĐ.
  • Hình thức báo cáo cần phong phú và đa dạng để gây hào hứng cho HS.

Bước 5.Đánh giá kết quả sau hoạt động

  • Căn cứ vào các mục tiêu của HĐTN để xây dực các tiêu chí đánh giá.
  • Tập trung vào đánh giá định hướng năng lực.
  • Hướng tới việc tập luyện cho HS kĩ năng tự đánh giá.

Mời các bạn tham khảo các giáo án khác trong phần Dành cho giáo viên của mục Tài liệu.

Đánh giá bài viết
1 2.749
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi