Thông tư số 168/2011/TT-BTC

Tải về

Thông tư số 168/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính: Hướng dẫn thống kê Nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

BỘ TÀI CHÍNH

---------------

Số: 168/2011/TT-BTC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

------------------------

Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2011

THÔNG TƯ
Hướng dẫn thống kê Nhà nước về hải quan đối với
hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Căn cứ Luật Thống kê số 04/2003/QH11 ngày 17 tháng 06 năm 2003;

Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29 tháng 06 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan số 42/2005/QH11 ngày 14 tháng 06 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 40/2004/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê 2003;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 111/2008/QĐ-TTg ngày 15 tháng 08 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với Bộ, ngành;

Căn cứ Quyết định số 312/2010/QĐ-TTg ngày 02 tháng 03 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Đổi mới, đồng bộ các Hệ thống chỉ tiêu thống kê;

Căn cứ Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 02 tháng 06 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Bộ Tài chính hướng dẫn thống kê Nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như sau:

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện thống kê Nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng thông tin thống kê về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thống kê Nhà nước về hải quan là hoạt động thống kê do ngành Hải quan tổ chức thực hiện, bao gồm: thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thống kê thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; số vụ việc vi phạm pháp luật về hải quan; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh và các thống kê nghiệp vụ khác.

2. Thống kê Nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi là thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu) là quá trình thu thập, xử lý, tổng hợp, phân tích, công bố, lưu trữ, hợp tác và trao đổi thông tin về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa (các thông tin về mặt hàng, mã hàng, đơn vị tính, lượng, trị giá, nước - vùng lãnh thổ đối tác…) của Việt Nam do Tổng cục Hải quan tổ chức thực hiện.

Các cụm từ “thống kê thương mại hàng hóa quốc tế” và “thống kê ngoại thương hàng hóa” đều được hiểu giống như cụm từ “thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu” được đề cập đến trong Thông tư này.

3. Thông tin thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là sản phẩm của hoạt động thống kê, bao gồm số liệu thống kê và bản phân tích các số liệu đó.

4. Hệ thống thương mại sử dụng trong thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để xác định các giao dịch được tính đến hoặc không tính đến trong thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Căn cứ theo phạm vi của các giao dịch có thể phân loại hệ thống thương mại thành ba loại hệ thống thương mại khác nhau:

- Hệ thống thương mại đặc biệt sử dụng trong thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bao gồm: hàng hóa đi vào hoặc đi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong thị trường nội địa và khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, địa điểm gia công, sản xuất xuất khẩu …

- Hệ thống thương mại đặc biệt mở rộng sử dụng trong thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bao gồm: hàng hóa đi vào hoặc đi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo hệ thống thương mại đặc biệt và bổ sung thêm khu kinh tế - thương mại đặc biệt, khu kinh tế cửa khẩu, đặc khu kinh tế…

- Hệ thống thương mại chung sử dụng trong thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bao gồm: hàng hóa đi vào hoặc đi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo hệ thống thương mại đặc biệt mở rộng và bổ sung thêm kho ngoại quan, khu vực tự do thuế quan (khu vực tự do thương mại, tự do công nghiệp (cảng tự do, kho tự do…).

Sơ đồ: Mô tả các hệ thống thương mại trong thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

5. Siêu dữ liệu (metadata) thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu: là hệ thống các dữ liệu mô tả dữ liệu thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm mục đích làm cho các tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin hiểu rõ hơn số liệu và bản phân tích thông tin thống kê; so sánh số liệu thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giữa Việt Nam với số liệu thống kê tương tự của các nước, vùng lãnh thổ.

6. Kế hoạch công bố thông tin: là lịch được xây dựng trước để xác định cụ thể thời gian công bố thông tin thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

7. Điều chỉnh thông tin thống kê: là việc sửa đổi và bổ sung thông tin thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã công bố khi có thông tin mới đầy đủ và chính xác hơn, hoặc khi có sự thay đổi cơ bản về khái niệm, định nghĩa, danh mục phân loại và nguồn số liệu để đảm bảo tính chân thực và tính so sánh của thông tin thống kê qua các thời kỳ.

Điều 4. Nguyên tắc thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải tuân theo những nguyên tắc cơ bản sau:

1. Đảm bảo tính đầy đủ, kịp thời và chính xác của thông tin thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Đảm bảo tính thống nhất về phương pháp thống kê, hệ thống chỉ tiêu, biểu mẫu và chế độ báo cáo thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên phạm vi toàn quốc.

3. Đảm bảo tính liêm chính, minh bạch, độc lập, không trùng lặp và chồng chéo trong quá trình thực hiện thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

4. Đảm bảo tính so sánh của số liệu thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu song phương của Việt Nam với số liệu thống kê tương tự của các nước, vùng lãnh thổ.

Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm trong thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

1. Không thực hiện, cản trở thực hiện, thực hiện không đúng, không đủ trong quá trình thu thập, xử lý, tổng hợp và báo cáo thông tin thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Cố ý làm sai lệch thông tin thống kê, công bố thông tin thống kê sai sự thật.

3. Tiết lộ thông tin thống kê thuộc danh mục bí mật nhà nước cho các tổ chức, cá nhân sử dụng không đúng thẩm quyền và mục đích.

4. Tiết lộ thông tin thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cụ thể gắn với tên, địa chỉ cụ thể của từng tổ chức, cá nhân khi chưa được sự đồng ý của tổ chức, cá nhân đó cho các tổ chức, cá nhân sử dụng không đúng thẩm quyền, mục đích.

5. Thực hiện các hành vi khác vi phạm pháp luật về thống kê.

Chương II
PHƯƠNG PHÁP THỐNG KÊ HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

Điều 6. Hệ thống thương mại trong thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam áp dụng theo hệ thống thương mại chung do Tổng cục Hải quan tổ chức thực hiện.

Trong một số trường hợp để phục vụ cho nghiên cứu, so sánh và phân tích, thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam có thể được thực hiện theo hệ thống thương mại đặc biệt hoặc hệ thống thương mại đặc biệt mở rộng.

Điều 7. Phạm vi thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

1. Toàn bộ hàng hóa đưa ra khỏi lãnh thổ hải quan của Việt Nam (xuất khẩu) hoặc đưa vào lãnh thổ hải quan của Việt Nam (nhập khẩu) làm giảm đi hoặc tăng thêm nguồn vật chất của Việt Nam đều thuộc phạm vi thống kê. Những hàng hóa chỉ tạm thời đưa vào hoặc đưa ra khỏi lãnh thổ hải quan của Việt Nam nhưng không làm tăng thêm hoặc giảm đi nguồn vật chất của Việt Nam thì không thuộc phạm vi thống kê.

2. Hàng hóa xuất khẩu là toàn bộ hàng hóa có xuất xứ trong nước và hàng hóa tái xuất, được đưa ra nước ngoài làm giảm đi nguồn vật chất của Việt Nam. Trong đó:

a) Hàng hóa có xuất xứ trong nước là hàng hóa được khai thác, sản xuất và chế biến trong nước theo các quy định về xuất xứ hàng hóa của Việt Nam;

b) Hàng hóa tái xuất là những hàng hóa Việt Nam đã nhập khẩu, sau đó lại xuất khẩu nguyên trạng hoặc chỉ chế biến giản đơn, bảo quản và đóng gói lại, không làm thay đổi tính chất cơ bản của hàng hóa.

3. Hàng hóa nhập khẩu là toàn bộ hàng hóa có xuất xứ nước ngoài và hàng hóa tái nhập, được đưa vào trong nước làm tăng thêm nguồn vật chất của Việt Nam. Trong đó:

a) Hàng hóa có xuất xứ nước ngoài là hàng hóa được khai thác, sản xuất, chế biến ở nước ngoài theo các quy định về xuất xứ hàng hóa của Việt Nam;

b) Hàng hóa tái nhập là những hàng hóa của Việt Nam đã xuất khẩu, sau đó lại nhập khẩu nguyên trạng hoặc chỉ chế biến giản đơn, bảo quản và đóng gói lại, không làm thay đổi tính chất cơ bản của hàng hóa.

Điều 8. Hàng hóa được tính đến trong thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam

1. Hàng hóa mua bán, trao đổi của các tổ chức, cá nhân Việt Nam với các tổ chức, cá nhân nước ngoài bao gồm các loại hình:

a) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán hàng hóa;

b) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo loại hình nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu;

c) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện các hợp đồng gia công với nước ngoài;

d) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện các dự án đầu tư;

e) Hàng hóa kinh doanh theo loại hình tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập (loại trừ những hàng hóa nêu tại Điều 9 của Thông tư này);

g) Hàng hóa từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan và hàng hóa từ kho ngoại quan đưa ra nước ngoài;

h) Hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới không có hợp đồng mua bán;

i) Hàng hóa vượt quá tiêu chuẩn hành lý cá nhân theo quy định và phải nộp thuế của người xuất cảnh hoặc nhập cảnh;

k) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc loại hình vay nợ, viện trợ của chính phủ và các tổ chức phi chính phủ Việt Nam và nước ngoài;

l) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là tài sản di chuyển của các tổ chức, cá nhân mang vào Việt Nam hoặc mang ra nước ngoài.

Đánh giá bài viết
1 63
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm