Thông tư quy định về quá cảnh hàng hóa của Trung Quốc qua lãnh thổ Việt Nam số 11/2015/TT-BCT

Quy định về quá cảnh hàng hóa của Trung Quốc qua lãnh thổ Việt Nam

Thông tư số 11/2015/TT-BCT quy định về quá cảnh hàng hóa của nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa qua lãnh thổ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thông tư này được Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành, xét theo đề nghị của Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu. Thông tư 11/2015/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 7 năm 2015.

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 11/2015/TT-BCTHà Nội, ngày 04 tháng 06 năm 2015

THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ QUÁ CẢNH HÀNG HÓA CỦA NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA QUA LÃNH THỔ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về quá cảnh hàng hóa ngày 09 tháng 4 năm 1994;

Căn cứ Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu;

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về quá cảnh hàng hóa của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa qua lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về thủ tục cấp giấy phép quá cảnh hàng hóa, vận chuyển hàng hóa quá cảnh theo quy định của Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về quá cảnh hàng hóa ngày 09 tháng 4 năm 1994 (sau đây viết tắt là Hiệp định).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia các hoạt động có liên quan đến quá cảnh hàng hóa theo quy định của Hiệp định.

Điều 3. Hàng hóa quá cảnh

1. Hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu không được phép quá cảnh lãnh thổ Việt Nam.

2. Đối với hàng hóa không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này, việc quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chỉ được thực hiện sau khi có giấy phép của Bộ Công Thương.

Chương II

THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP QUÁ CẢNH HÀNG HÓA

Điều 4. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép quá cảnh hàng hóa

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép quá cảnh đối với hàng hóa quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư này cụ thể như sau:

1. Đơn đề nghị cấp giấy phép quá cảnh hàng hóa: 01 (một) bản chính (theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này).

2. Hợp đồng vận chuyển hàng quá cảnh: 01 (một) bản sao (có ký xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của chủ hàng).

Điều 5. Cơ quan tiếp nhận, giải quyết hồ sơ

1. Đối với hàng hóa quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư này (trừ vật liệu nổ công nghiệp), chủ hàng gửi 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép quá cảnh hàng hóa theo đường bưu điện đến một trong các cơ quan tiếp nhận, giải quyết hồ sơ như sau:

a) Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương. Địa chỉ: 12 Võ Văn Kiệt, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam;

b) Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Đà Nẵng, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương. Địa chỉ: 132 Nguyễn Chí Thanh, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam;

c) Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Hà Nội, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương. Địa chỉ: 25 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Việt Nam.

2. Trường hợp hàng hóa quá cảnh là vật liệu nổ công nghiệp, chủ hàng gửi 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép quá cảnh hàng hóa theo đường bưu điện đến Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu). Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Điều 6. Trình tự, thời hạn giải quyết hồ sơ

1. Đối với thủ tục cấp giấy phép quá cảnh hàng hóa quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư này (trừ vật liệu nổ công nghiệp), trình tự, thời hạn giải quyết hồ sơ như sau:

a) Thời hạn giải quyết hồ sơ, cấp giấy phép quá cảnh trong vòng 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ;

b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ, trong vòng 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan cấp phép có văn bản gửi chủ hàng yêu cầu bổ sung, chỉnh sửa;

c) Trường hợp không cấp giấy phép quá cảnh, cơ quan cấp phép có văn bản trả lời chủ hàng và nêu rõ lý do.

2. Đối với thủ tục cấp giấy phép quá cảnh vật liệu nổ công nghiệp, trình tự, thời hạn giải quyết hồ sơ như sau:

a) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của chủ hàng, Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cấp giấy phép quá cảnh hàng hóa;

c) Trường hợp không cấp giấy phép quá cảnh, Bộ Công Thương có văn bản trả lời chủ hàng và nêu rõ lý do.

Chương III

VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA QUÁ CẢNH

Điều 7. Cửa khẩu quá cảnh hàng hóa

1. Hàng hóa quá cảnh được thực hiện qua các cặp cửa khẩu sau đây:

2. Ngoài những cửa khẩu quy định tại Khoản 1 Điều này, hàng hóa quá cảnh được thực hiện qua các cửa khẩu quốc tế được mở thêm theo thỏa thuận của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Điều 8. Tuyến đường quá cảnh

Tuyến đường vận chuyển hàng hóa quá cảnh thực hiện theo quy định tại Thông tư số 15/2014/TT-BGTVT ngày 13 tháng 5 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn về tuyến đường quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam.

Điều 9. Người chuyên chở và phương tiện vận chuyển

1. Việc vận chuyển hàng hóa quá cảnh của chủ hàng do người chuyên chở là thương nhân Việt Nam thực hiện theo quy định pháp luật.

2. Trường hợp hàng hóa quá cảnh là phương tiện vận chuyển tự hành thì phương tiện vận chuyển đó phải có biển số đăng ký tạm thời do Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có cửa khẩu nhập khẩu hàng hóa cấp và có giấy chứng nhận về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do ngành Giao thông vận tải cấp trước khi được tự hành quá cảnh lãnh thổ Việt Nam. Riêng ô tô các loại chở người từ 09 (chín) chỗ ngồi trở xuống không được phép tự hành quá cảnh lãnh thổ Việt Nam.

Điều 10. Chứng từ khi làm thủ tục hải quan cho hàng hóa quá cảnh

Chủ hàng hoặc người chuyên chở phải nộp, xuất trình cho cơ quan Hải quan Giấy phép quá cảnh được Bộ Công Thương cấp theo quy định tại Thông tư này Hợp đồng vận chuyển hàng quá cảnh và các loại chứng từ theo quy định của pháp luật về hải quan.

Điều 11. Giám sát hàng hóa quá cảnh lãnh thổ Việt Nam

1. Hàng hóa quá cảnh chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan trong toàn bộ thời gian lưu chuyển trên lãnh thổ Việt Nam; vào và ra khỏi Việt Nam theo đúng cửa khẩu, tuyến đường quy định; lượng hàng xuất ra phải đúng bằng lượng hàng nhập vào, nguyên đai, nguyên kiện.

2. Thủ tục lưu kho, lưu bãi, chia tách lô hàng quá cảnh; thủ tục sang mạn, thay đổi phương tiện vận chuyển hàng hóa quá cảnh được thực hiện theo quy định pháp luật về hải quan.

Điều 12. Thời gian quá cảnh hàng hóa

Hàng hóa quá cảnh được phép lưu lại trên lãnh thổ Việt Nam trong thời gian tối đa là 30 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập khẩu, trừ trường hợp được gia hạn thời gian quá cảnh theo quy định tại Điều 13 Thông tư này.

Điều 13. Gia hạn thời gian quá cảnh hàng hóa

1. Việc gia hạn thời gian quá cảnh hàng hóa do cơ quan cấp giấy phép quá cảnh xem xét, giải quyết. Mỗi lần gia hạn không quá 30 ngày và tối đa không quá 03 (ba) lần gia hạn.

2. Hồ sơ đề nghị gia hạn thời gian quá cảnh hàng hóa gồm:

a) Văn bản đề nghị gia hạn thời gian quá cảnh hàng hóa của chủ hàng: 01 (một) bản chính;

b) Giấy phép quá cảnh hàng hóa đã được cấp: 01 (một) bản sao (có ký xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của chủ hàng);

Điều 14. Thay đổi cửa khẩu quá cảnh hàng hóa

1. Việc thay đổi cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu trong phạm vi quy định tại Điều 7 Thông tư này do cơ quan cấp giấy phép quá cảnh xem xét, giải quyết.

2. Hồ sơ đề nghị thay đổi cửa khẩu quá cảnh hàng hóa gồm:

a) Văn bản đề nghị thay đổi cửa khẩu quá cảnh hàng hóa của chủ hàng: 01 (một) bản chính;

b) Giấy phép quá cảnh hàng hóa đã được cấp: 01 (một) bản sao (có ký xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của chủ hàng);

Điều 15. Tiêu thụ hàng hóa quá cảnh

1. Hàng hóa quá cảnh không được phép tiêu thụ trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Trường hợp đặc biệt, việc tiêu thụ hàng hóa quá cảnh trên lãnh thổ Việt Nam phải được phép của Bộ Công Thương.

3. Việc tiêu thụ hàng hóa quá cảnh trong trường hợp nêu tại Khoản 2 Điều này phải thực hiện qua các thương nhân Việt Nam và phải làm thủ tục nhập khẩu tại cơ quan Hải quan theo quy định pháp luật về quản lý xuất nhập khẩu. Các loại thuế thực hiện theo quy định pháp luật.

4. Hồ sơ đề nghị cho phép tiêu thụ hàng hóa quá cảnh:

a) Đơn đề nghị cho phép tiêu thụ hàng hóa quá cảnh của chủ hàng: 01 (một) bản chính (theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này);

b) Giấy phép quá cảnh hàng hóa đã được cấp: 01 (một) bản sao (có ký xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của chủ hàng;

c) Tài liệu chứng minh trường hợp đặc biệt đối với hàng hóa quá cảnh cần xin được tiêu thụ tại Việt Nam;

5. Trình tự, thời hạn giải quyết hồ sơ đề nghị cho phép tiêu thụ hàng hóa quá cảnh như sau:

a) Chủ hàng gửi 01 (một) bộ hồ sơ quy định tại Khoản 4 Điều này theo đường bưu điện đến Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu, địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Việt Nam) để được xem xét giải quyết việc tiêu thụ hàng hóa quá cảnh;

b) Thời hạn giải quyết hồ sơ đề nghị cho phép tiêu thụ hàng hóa quá cảnh trong vòng 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ;

Điều 16. Quyền và nghĩa vụ của chủ hàng và người chuyên chở hàng hóa quá cảnh

1. Chủ hàng, người chuyên chở thực hiện hoạt động quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Hiệp định, Thông tư này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Chủ hàng quá cảnh phải nộp lệ phí hải quan và các loại phí khác áp dụng cho hàng hóa quá cảnh theo quy định pháp luật.

Điều 17. Thanh toán và quản lý ngoại hối

Các lệ phí, chi phí phát sinh từ hoạt động quá cảnh được thanh toán bằng đồng tiền tự do chuyển đổi phù hợp với quy định của Hiệp định thanh toán và hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ký ngày 16 tháng 10 năm 2003 và các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý ngoại hối.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Tổ chức thực hiện

1. Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Đà Nẵng, Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Hà Nội (Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương) thực hiện việc cấp giấy phép quá cảnh hàng hóa quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

2. Cục Xuất nhập khẩu tiếp nhận, thẩm định hồ sơ của các thủ tục quy định tại Khoản 2 Điều 6, Khoản 5 Điều 15 Thông tư này và trình Lãnh đạo Bộ Công Thương xem xét, quyết định.

Điều 19. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 7 năm 2015,

2. Thông tư này thay thế Quyết định số 305/2001/QĐ-BTM ngày 26 tháng 3 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành Quy chế về hàng hóa của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quá cảnh lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Thông tư này bãi bỏ Quyết định số 0336/2005/QĐ-BTM ngày 08 tháng 3 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc ban hành quyết định của Bộ trưởng Bộ Thương mại ủy quyền cho các phòng quản lý xuất nhập khẩu cấp phép hàng hóa của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quá cảnh lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

4. Các giấy phép được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo thời hạn của giấy phép./.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Trần Tuấn Anh

Đánh giá bài viết
1 205
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo