Quyết định về quy trình tiếp công dân tại cơ quan thuế các cấp số 1402/QĐ-TCT

Quy trình tiếp công dân tại cơ quan thuế

Quyết định số 1402/QĐ-TCT về việc ban hành quy trình tiếp công dân tại cơ quan thuế các cấp. Quyết định này được Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế ban hành, xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kiểm tra nội bộ. Quy trình này quy định về trình tự, thủ tục tiếp công dân tại cơ quan Thuế các cấp và được áp dụng thống nhất trong phạm vi toàn ngành Thuế và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Luật khiếu nại số 02/2011/QH13

Luật Tố cáo số 03/2011/QH13

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 1402/QĐ-TCTHà Nội, ngày 28 tháng 07 năm 2015

QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TRÌNH TIẾP CÔNG DÂN TẠI CƠ QUAN THUẾ CÁC CẤP

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006; Luật số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Căn cứ Luật Tiếp công dân số 42/2013/QH13 ngày 25/11/2013;

Căn cứ Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân;

Căn cứ Thông tư số 06/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình tiếp công dân;

Căn cứ Thông tư số 03/2013/TT-TTCP ngày 10/6/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng;

Căn cứ Quyết định số 115/2009/QĐ-TTg ngày 28/09/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế trực thuộc Bộ Tài chính;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kiểm tra nội bộ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình tiếp công dân tại cơ quan thuế các cấp, thay thế Quyết định số 1716/QĐ-TCT ngày 08 tháng 10 năm 2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc ban hành Quy trình Tiếp công dân tại cơ quan thuế các cấp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Thủ trưởng các Vụ, đơn vị tương đương thuộc và trực thuộc Tổng cục Thuế; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chi cục trưởng Chi cục Thuế các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

TỔNG CỤC TRƯỞNG

Bùi Văn Nam

QUY TRÌNH
TIẾP CÔNG DÂN TẠI CƠ QUAN THUẾ CÁC CẤP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1402 /QĐ-TCT ngày 17 tháng 8 năm 2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế)

Phần I

QUY ĐỊNH CHUNG

I. MỤC ĐÍCH CỦA QUY TRÌNH

Chuẩn hóa các nội dung và các bước công việc trong hoạt động tiếp công dân tại cơ quan Thuế các cấp.

Đảm bảo công tác tiếp công dân tại cơ quan Thuế các cấp được thực hiện thống nhất trong phạm vi toàn ngành; đáp ứng yêu cầu cải cách và hiện đại hóa ngành Thuế.

Đưa công tác tiếp công dân tại cơ quan Thuế các cấp được thực hiện nhanh chóng, chính xác, khách quan, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và đúng quy định của pháp luật.

II. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH CỦA QUY TRÌNH

Quy trình này quy định về trình tự, thủ tục tiếp công dân tại cơ quan Thuế các cấp và được áp dụng thống nhất trong phạm vi toàn ngành Thuế.

III. CÁC THÀNH PHẦN THAM GIA THỰC HIỆN QUY TRÌNH

Căn cứ các quy định về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế; đối tượng tham gia thực hiện quy trình tiếp công dân tại cơ quan Thuế các cấp bao gồm:

  • Thủ trưởng cơ quan Thuế các cấp.
  • Trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Thuế các cấp.
  • Công chức, viên chức thuộc bộ phận kiểm tra nội bộ tại cơ quan Thuế các cấp.
  • Công chức, viên chức thuộc các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ khác có liên quan.

Phần II

TRÌNH TỰ TIẾP CÔNG DÂN

Người được giao nhiệm vụ tiếp công dân phải có mặt tại nơi tiếp công dân theo đúng thời gian quy định, thực hiện nghiêm nội quy, quy chế tiếp công dân và chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, điều kiện phục vụ cho việc tiếp công dân.

Bước 1: Xử lý sơ bộ khi công dân đến trụ sở cơ quan Thuế các cấp

Khi công dân đến cổng trụ sở cơ quan Thuế, bảo vệ cơ quan phải thông báo cho người được giao trực tiếp công dân biết tình hình công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và hướng dẫn công dân đến địa điểm tiếp công dân của cơ quan để người được giao trực tiếp công dân xử lý đối với từng trường hợp cụ thể như sau:

1. Trường hợp đông người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân phải báo cáo Trưởng bộ phận được giao nhiệm vụ tiếp công dân biết, đồng thời mời công dân đến nơi có đủ điều kiện (hội trường; phòng làm việc;...) để trao đổi. Qua trao đổi, nếu nhận thấy việc khiếu nại, tố cáo kiến nghị, phản ánh có cùng một nội dung thì yêu cầu công dân cử đại diện đến phòng tiếp dân để trình bày nội dung vụ việc với người tiếp công dân. Người đại diện phải là người khiếu nại, người tố cáo, người kiến nghị, người phản ánh. Việc cử người đại diện phải thể hiện bằng văn bản có chữ ký của tất cả những người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Số lượng người đại diện như sau:

  • Trường hợp có từ 05 đến 10 người thì cử 01 hoặc 02 người đại diện.
  • Trường hợp có trên 10 người thì có thể cử thêm người đại diện, nhưng không quá 05 người.

Văn bản cử người đại diện phải có những nội dung sau:

  • Ngày, tháng, năm.
  • Họ, tên, địa chỉ của người đại diện khiếu nại, người khiếu nại, tố cáo kiến nghị, phản ánh.
  • Nội dung, phạm vi được đại diện.
  • Chữ ký hoặc điểm chỉ của những người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh.
  • Các nội dung khác có liên quan (nếu có).

Người đại diện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của việc đại diện và văn bản cử đại diện.

- Trường hợp ít người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh mà tại nơi tiếp công dân có đủ điều kiện thì người tiếp công dân mời công dân đến nơi tiếp công dân để tiếp.

2. Trường hợp công dân có hành vi vi phạm quy định tại Điều 9 Luật Tiếp công dân thì người tiếp công dân từ chối tiếp và phải giải thích cho công dân lý do từ chối tiếp.

Bước 2: Thực hiện tiếp công dân tại địa điểm tiếp công dân

B2.1. Xác định nhân thân và tính hợp pháp của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

1. Trường hợp công dân đến khiếu nại.

1.1. Người tiếp công dân yêu cầu người khiếu nại nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy giới thiệu, giấy ủy quyền (nếu có) để xác định họ là người tự mình thực hiện việc khiếu nại, người đại diện khiếu nại, người được ủy quyền khiếu nại. Đối với trường hợp người đại diện khiếu nại, người được ủy quyền khiếu nại thì xác định tính hợp pháp của người đại diện khiếu nại, người được ủy quyền khiếu nại cụ thể như sau:

1.1.1. Xác định tính hợp pháp của người đại diện cho cơ quan, tổ chức khiếu nại

  • Trường hợp cơ quan, tổ chức thực hiện việc khiếu nại thông qua người đại diện là người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người tiếp công dân yêu cầu người đại diện xuất trình giấy giới thiệu, giấy tờ tùy thân của người được đại diện.
  • Trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức ủy quyền cho người đại diện theo quy định của pháp luật để thực hiện việc khiếu nại thì người tiếp công dân đề nghị người được ủy quyền xuất trình giấy ủy quyền, giấy tờ tùy thân của người được ủy quyền.

1.1.2. Xác định tính hợp pháp của người đại diện, người được ủy quyền để khiếu nại

Trường hợp người đến trình bày là người đại diện, người được ủy quyền của người khiếu nại được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Luật Khiếu nại thì người tiếp công dân yêu cầu người đến trình bày xuất trình các giấy tờ chứng minh việc đại diện, ủy quyền hợp pháp của người khiếu nại hoặc giấy tờ khác có liên quan.

2. Trường hợp công dân đến tố cáo

Khi tiếp người tố cáo, người tiếp công dân yêu cầu người tố cáo nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân.

Khi công dân xuất trình giấy tờ tùy thân thì người tiếp công dân kiểm tra tính hợp lệ của giấy tờ đó.

3. Trường hợp công dân đến kiến nghị, phản ánh

Khi tiếp công dân đến kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân yêu cầu công dân nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy giới thiệu, giấy ủy quyền (nếu có).

B2.2. Phổ biến các quy định về tiếp công dân

Phổ biến với công dân về nội quy tiếp công dân, trách nhiệm của người tiếp công dân và quyền, nghĩa vụ của công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh.

B2.3. Ghi nhận ý kiến và xử lý đối với từng trường hợp cụ thể

Người tiếp công dân có trách nhiệm yêu cầu công dân trình bày, lắng nghe, ghi chép, phân loại nội dung thuộc thẩm quyền, không thuộc thẩm quyền, xác định các điều kiện để thụ lý giải quyết đối với từng trường hợp như sau:

B2.3.1. Trường hợp khiếu nại

1. Đối với những nội dung khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan Thuế các cấp thì người tiếp công dân giải thích hướng dẫn công dân đến cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết.

2. Đối với những nội dung khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan Thuế cấp trên hoặc cấp dưới thì hướng dẫn công dân đến cơ quan Thuế cấp trên hoặc cấp dưới để được xem xét, giải quyết; Trường hợp khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Thuế cấp dưới nhưng quá thời hạn mà chưa ban hành quyết định giải quyết khiếu nại thì người tiếp công dân báo cáo thủ trưởng cơ quan Thuế yêu cầu cơ quan Thuế cấp dưới giải quyết.

B2.3.2. Trường hợp tố cáo

1. Trường hợp công dân đến tố cáo trực tiếp không có đơn thì người tiếp công dân yêu cầu công dân viết thành đơn theo quy định hoặc ghi lại lời tố cáo, yêu cầu công dân ký tên hoặc điểm chỉ sau khi kết thúc việc tiếp công dân (trường hợp cần thiết thì ghi âm kèm theo); trường hợp nội dung trình bày chưa rõ ràng, đầy đủ thì người tiếp công dân đề nghị người đến tố cáo trình bày bổ sung hoặc bổ sung tài liệu, chứng cứ.

2. Trường hợp đơn tố cáo không thuộc thẩm quyền của cơ quan Thuế thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân đến cơ quan có thẩm quyền tố cáo.

3. Trường hợp công dân đến tố cáo thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Tố cáo thì người tiếp công dân không tiếp nhận hồ sơ, đồng thời giải thích cho người tố cáo biết, trong trường hợp cần thiết có thể ra thông báo từ chối tiếp công dân (mẫu số 02/TCD kèm theo).

B2.3.3. Trường hợp phản ánh, kiến nghị

1. Trường hợp kiến nghị, phản ánh không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Thuế thì người tiếp công dân chuyển đơn hoặc chuyển bản ghi lại nội dung trình bày của người kiến nghị, phản ánh đến cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền để nghiên cứu, tiếp thu, xem xét, giải quyết (mẫu số 05/TCD kèm theo).

2. Trường hợp kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thì người tiếp công dân báo cáo người có thẩm quyền để nghiên cứu, xem xét, giải quyết hoặc phân công bộ phận nghiên cứu, xem xét, giải quyết.

B2.3.4. Các trường hợp khác

1. Trường hợp đơn vừa có nội dung khiếu nại vừa có nội dung tố cáo thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân viết thành 02 đơn (đơn khiếu nại và đơn tố cáo) theo quy định; trường hợp công dân không viết lại thì người tiếp công dân vẫn phải nhận đơn và lập giấy biên nhận (mẫu số 01/TCD kèm theo).

2. Trường hợp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không đúng lịch trực tiếp công dân của thủ trưởng cơ quan nhưng công dân vẫn đề nghị được gặp thủ trưởng cơ quan để khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị thì những trường hợp khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan được người tiếp công dân ghi lại đề nghị, báo cáo Trưởng bộ phận được giao nhiệm vụ tiếp công dân để xin ý kiến thủ trưởng cơ quan; nếu thủ trưởng cơ quan đồng ý thì lập phiếu hẹn (mẫu số 04/TCD kèm theo) và ghi vào sổ tiếp công dân; trường hợp thủ trưởng cơ quan không tiếp phải nói rõ lý do cho công dân biết.

3. Trường hợp công dân gây rối làm mất trật tự tại nơi đón tiếp và nơi tiếp công dân:

3.1. Trong quá trình tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nếu công dân có thái độ bất thường như có những lời lẽ đe dọa, xúc phạm người có trách nhiệm hoặc đưa ra những yêu sách mang tính chủ quan áp đặt gây sức ép với cơ quan thì người tiếp công dân yêu cầu công dân chấm dứt những hành vi nói trên; nếu công dân vẫn cố tình tiếp diễn thì người tiếp công dân từ chối tiếp và báo bộ phận bảo vệ cơ quan để đưa công dân ra khỏi trụ sở cơ quan, đồng thời báo cáo Trưởng bộ phận được giao nhiệm vụ tiếp công dân và thủ trưởng cơ quan Thuế được biết.

3.2. Trường hợp công dân có những hành động gây rối trật tự, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thì người tiếp công dân phải bình tĩnh, ứng xử linh hoạt và xử lý như sau: Sử dụng các phương tiện kỹ thuật để ghi âm ghi hình các hành vi gây rối; nhanh chóng báo với Trưởng bộ phận được giao nhiệm vụ tiếp công dân hoặc thủ trưởng cơ quan để xin ý kiến chỉ đạo.

4. Thủ trưởng cơ quan hoặc Trưởng bộ phận được giao nhiệm vụ tiếp công dân có trách nhiệm chỉ đạo các bộ phận chức năng phối hợp với người tiếp công dân để giải quyết, nếu xét thấy cần thiết thì phải liên lạc, đề nghị cơ quan Công an phụ trách địa bàn có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

B2.4. Lập giấy biên nhận hồ sơ, tài liệu

Trong quá trình thực hiện tiếp công dân, nếu công dân cung cấp hồ sơ tài liệu thì người tiếp công dân phải lập giấy biên nhận (mẫu số 01/TCD kèm theo) trong đó ghi rõ từng loại thông tin, tài liệu, bằng chứng, tình trạng thông tin tài liệu, bằng chứng, xác nhận của người cung cấp. Giấy biên nhận được lập thành 03 bản, 01 bản giao cho công dân, 01 bản lưu vào hồ sơ, 01 bản cán bộ tiếp công dân lưu; trường hợp công dân chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định thì người tiếp công dân lập phiếu hẹn (mẫu số 04/TCD kèm theo) đề nghị công dân cung cấp bổ sung.

B2.5. Ghi sổ tiếp công dân

Trong quá trình thực hiện tiếp công dân, người tiếp công dân phải ghi đầy đủ các nội dung đã trao đổi, những việc đã xử lý, giải quyết vào sổ tiếp công dân. Sổ tiếp công dân thực hiện theo (mẫu số 06/TCD) để ghi chép đầy đủ các nội dung theo những tiêu chí đã xác định vào các cột và có ký xác nhận của công dân.

Bước 3: Chuyển giao đơn đến bộ phận hành chính (văn thư):

Ngay trong ngày nhận được đơn khiếu nại, tố cáo kiến nghị, phản ánh, người tiếp công dân phải vào sổ và lập phiếu giao nhận đơn, hồ sơ, tài liệu, chứng cứ (mẫu số 07/TCD kèm theo) với bộ phận hành chính (có ký giao, nhận), trừ trường hợp đơn nhận vào cuối giờ làm việc trong ngày.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. HƯỚNG DẪN TRIỂN KHAI THƯC HIỆN

Vụ Kiểm tra nội bộ thuộc Tổng cục Thuế chịu trách nhiệm hướng dẫn chỉ đạo triển khai thực hiện và tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện Quy trình này trong phạm vi toàn ngành.

II. TỔ CHỨC, TRIỀN KHAI THỰC HIỆN

Thủ trưởng cơ quan Thuế các cấp có trách nhiệm tổ chức, bố trí phân công công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý, thực hiện nghiêm túc Quy trình này; định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy trình của cơ quan Thuế cấp dưới; thực hiện khen thưởng, kỷ luật kịp thời các tập thể, cá nhân thực hiện tốt hoặc có các sai phạm trong việc thực hiện quy trình.
Trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị thuộc Tổng cục Thuế, Cục Thuế các tỉnh, thành phố phản ảnh, báo cáo kịp thời về Tổng cục Thuế (qua Vụ Kiểm tra nội bộ) để nghiên cứu bổ sung, sửa đổi./.

Đánh giá bài viết
1 443
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi