Quyết định số 48/2011/QĐ-UBND về cấp Giấy phép quy hoạch tại thành phố Hồ Chí Minh

Quyết định số 48/2011/QĐ-UBND của UBND TP Hồ Chí Minh: Về cấp Giấy phép quy hoạch tại thành phố Hồ Chí Minh.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

---------------
Số: 48/2011/QĐ-UBND

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------------------------------

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 07 năm 2011

QUYẾT ĐỊNH
Về cấp Giấy phép quy hoạch tại thành phố Hồ Chí Minh
__________

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Xét đề nghị của Sở Quy hoạch - Kiến trúc tại Tờ trình số 721/TTr-SQHKT ngày 22 tháng 3 năm 2011 và ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Công văn số 6455/STP-VB ngày 31 tháng 12 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

Quyết định này quy định về cấp Giấy phép quy hoạch theo Luật Quy hoạch đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh; áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác cấp Giấy phép quy hoạch.

Điều 2. Quy định chung về Giấy phép quy hoạch

1. Giấy phép quy hoạch được cấp cho các chủ đầu tư có đủ điều kiện năng lực thực hiện các dự án đầu tư xây dựng.

2. Giấy phép quy hoạch là cơ sở pháp lý để chủ đầu tư tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc lập bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình, giải pháp về hạ tầng kỹ thuật (sau đây gọi chung là bản vẽ tổng mặt bằng) đối với dự án đầu tư xây dựng công trình không phải lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo quy định; lập dự án đầu tư xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng.

3. Giấy phép quy hoạch là căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng.

4. Giấy phép quy hoạch là quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà chủ đầu tư phải tuân thủ trong quá trình tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc lập bản vẽ tổng mặt bằng, lập dự án đầu tư xây dựng và triển khai thực hiện dự án.

Điều 3. Các khái niệm và các trường hợp cấp giấy phép quy hoạch

1. Các khái niệm:

a) Dự án đầu tư xây dựng công trình riêng lẻ là dự án đầu tư xây dựng một công trình kiến trúc.

b) Dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung là dự án đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc và hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực dự án như: khu đô thị, khu dân cư, khu nhà ở, khu công nghiệp, khu thương mại, khu thể dục - thể thao, khu du lịch.

2. Các trường hợp cấp Giấy phép quy hoạch:

a) Dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung tại khu vực trong đô thị chưa có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

b) Dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung tại khu vực trong đô thị có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 (hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000) nhưng chưa đủ các căn cứ để lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc bản vẽ tổng mặt bằng.

c) Dự án đầu tư xây dựng công trình riêng lẻ tại khu vực trong đô thị chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc thiết kế đô thị, trừ nhà ở riêng lẻ.

d) Dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung hoặc riêng lẻ trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt, nhưng cần điều chỉnh ranh giới hoặc một số chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị đối với một lô đất.

3. Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung hoặc riêng lẻ tại khu vực mà pháp lý về quy hoạch đô thị không thuộc các trường hợp được quy định tại các Điểm a, b, c, d Khoản 2 Điều 3 Quyết định này thì không cần lập thủ tục cấp Giấy phép quy hoạch.

Điều 4. Trình tự cấp Giấy phép quy hoạch

1. Căn cứ vào thông tin quy hoạch, chủ đầu tư lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép quy hoạch đầu tư xây dựng công trình gửi cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 8 Quyết định này, để thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép quy hoạch.

2. Căn cứ vào yêu cầu quản lý, kiểm soát phát triển thực tế của đô thị, quy chuẩn về quy hoạch đô thị, quy định quản lý theo quy hoạch đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, đề xuất của chủ đầu tư; các cơ quan thẩm định hồ sơ cấp Giấy phép quy hoạch có trách nhiệm xem xét hồ sơ, tổ chức lấy ý kiến các cơ quan có liên quan (đối với các trường hợp không thuộc thẩm quyền thẩm định hồ sơ cấp Giấy phép quy hoạch của Sở Quy hoạch - Kiến trúc thì cần phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Quy hoạch - Kiến trúc) và báo cáo cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép quy hoạch về nội dung Giấy phép quy hoạch.

3. Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình quy định tại các Điểm c và d Khoản 2 Điều 3 của Quyết định này, trong quá trình thẩm định hồ sơ cấp Giấy phép quy hoạch, cơ quan thẩm định hồ sơ cấp Giấy phép quy hoạch phải phối hợp Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn để tổ chức lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư có liên quan về nội dung cấp phép. Đại diện cộng đồng dân cư có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; văn bản ý kiến này cần được Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn xác nhận.

Đánh giá bài viết
1 98
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi