Quyết định 04/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Dương

Quyết định 04/2013/QĐ-UBND về Quy chế hoạt động Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước tỉnh Bình Dương trên Internet.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------------------------

Số: 04/2013/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 11 tháng 03 năm 2013

QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỔNG/TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TỈNH BÌNH DƯƠNG TRÊN INTERNET

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004 và Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2005;

Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về việc Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 05/TTr-STTTT ngày 05/02/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động Cổng/Trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước tỉnh Bình Dương trên Internet.

Điều 2. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này; định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế cho Quyết định số 32/2009/QĐ-UBND ngày 20/5/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh./.

Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Văn phòng Chính phủ (website Chính phủ);
- TTTU, TT HĐND, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- TT Công báo tỉnh, website tỉnh;
- LĐVP, Tg, TH, HCTC;
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Lê Thanh Cung

QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỔNG/TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TỈNH BÌNH DƯƠNG TRÊN INTERNET

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 04/2013/QĐ-UBND ngày 11/03/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về hoạt động Cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước tỉnh Bình Dương trên Internet, bao gồm: Quản lý vận hành, cung cấp, cập nhật, biên tập thông tin, cơ sở dữ liệu và trả lời công dân trên mạng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; các Ban quản lý Khu công nghiệp; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là các cơ quan nhà nước).

2. Các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp thông tin trên Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Trang thông tin điện tử (website) là trang thông tin hoặc một tập hợp trang thông tin trên môi trường mạng phục vụ cho việc cung cấp, trao đổi thông tin.

2. Cổng thông tin điện tử (portal) là điểm truy cập duy nhất của các cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng, liên kết, tích hợp các kênh thông tin, các dịch vụ và các ứng dụng mà qua đó người dùng có thể khai thác, sử dụng và cá nhân hóa việc hiển thị thông tin.

Cổng hoặc Trang thông tin điện tử sau đây gọi tắt là website.

3. Dịch vụ hành chính công là những dịch vụ liên quan đến hoạt động thực thi pháp luật, không nhằm mục tiêu lợi nhuận, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân dưới hình thức các loại giấy tờ có giá trị pháp lý trong các lĩnh vực mà cơ quan nhà nước đó quản lý.

Mỗi dịch vụ hành chính công gắn liền với một thủ tục hành chính để giải quyết hoàn chỉnh một công việc cụ thể liên quan đến tổ chức, cá nhân.

4. Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng.

a) Dịch vụ công trực tuyến Mức độ 1: Là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó.

b) Dịch vụ công trực tuyến Mức độ 2: Là dịch vụ công trực tuyến Mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

c) Dịch vụ công trực tuyến Mức độ 3: Là dịch vụ công trực tuyến Mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

d) Dịch vụ công trực tuyến Mức độ 4: Là dịch vụ công trực tuyến Mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

Điều 4. Tên miền website của cơ quan nhà nước.

Tên miền website tỉnh Bình Dương là tên miền cấp 3 sử dụng tên đầy đủ của tỉnh bằng tiếng Việt không dấu: www.binhduong.gov.vn

Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Quản lý Khu công nghiệp có tối thiểu tên miền cấp 4 là tên viết tắt của cơ quan bằng tiếng Việt không dấu hoặc tiếng Anh theo dạng: tencoquan.binhduong.gov.vn

Đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện: Là tên miền cấp 4 sử dụng tên đầy đủ của địa phương bằng tiếng Việt không dấu theo dạng: tenhuyen.binhduong.gov.vn

Các website có tên miền cấp 4 sau tên miền binhduong.gov.vn gọi là các website thành viên.

Điều 5. Vai trò Website của cơ quan nhà nước

1. Website tỉnh Bình Dương là cổng tích hợp thông tin các lĩnh vực quản lý nhà nước trên phạm vi địa bàn của tỉnh và được tích hợp thông tin dịch vụ công trực tuyến của tất cả cơ quan Nhà nước của tỉnh.

2. Website của sở, ban, ngành là cổng tích hợp thông tin của toàn ngành, lĩnh vực do cơ quan quản lý và được tích hợp thông tin dịch vụ công trực tuyến của tất cả các cơ quan, đơn vị trực thuộc.

3. Website của Ủy ban nhân dân cấp huyện là cổng tích hợp thông tin các lĩnh vực quản lý nhà nước trên phạm vi địa bàn của địa phương và được tích hợp thông tin dịch vụ công trực tuyến của tất cả cơ quan chuyên môn trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp xã.

4. Thông tin đăng tải trên website của cơ quan nhà nước là thông tin chính thống của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Chương 2.

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG WEBSITE

Điều 6. Website tỉnh

1. Website tỉnh hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban nhân dân tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì xây dựng, quản lý, bảo đảm hoạt động thường xuyên, mở rộng và phát triển; đồng thời chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về những vấn đề liên quan đến kỹ thuật và nội dung của website.

2. Trung tâm Thông tin điện tử tỉnh giúp Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức, quản lý, vận hành và cập nhật nội dung website.

3. Ban Biên tập website tỉnh chịu trách nhiệm về nội dung; tổ chức và hoạt động Ban Biên tập được quy định tại Điều 18, Điều 19 Chương V của Quy chế này.

Điều 7. Website thành viên

Website thành viên hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan Nhà nước.

Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn Ban Biên tập Website của cơ quan Nhà nước được quy định tại Điều 20, Điều 21 Chương V của Quy chế này.

Điều 8. Kinh phí duy trì hoạt động của website

1. Kinh phí hoạt động của Website tỉnh do ngân sách tỉnh cấp thông qua Trung tâm Thông tin điện tử và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật, được sử dụng cho các nhiệm vụ quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Kinh phí hoạt động của Website thành viên được cân đối trong dự toán kinh phí không thường xuyên hằng năm của cơ quan, đơn vị và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật, được sử dụng cho các nhiệm vụ quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Kinh phí hoạt động của Website được sử dụng cho các nhiệm vụ sau:

a) Chi cho đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị;

b) Chi cho việc lưu trữ và bảo mật an toàn Website;

c) Chi cho việc mua thông tin, biên tập và biên dịch thông tin cập nhật lên Website;

d) Lắp đặt và duy trì đường truyền kết nối Internet đảm bảo đủ băng thông cho việc cập nhật và truy xuất thông tin;

đ) Mua các phần mềm máy tính có bản quyền đảm bảo website hoạt động hợp pháp theo Luật Sở hữu trí tuệ;

e) Công tác quản lý, vận hành của Website.

4. Mức chi được thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

Chương 3.

CUNG CẤP VÀ CẬP NHẬT THÔNG TIN, DỮ LIỆU

Điều 9. Nguyên tắc cung cấp thông tin

1. Thông tin cung cấp trên website của cơ quan nhà nước phải đúng với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; phục vụ kịp thời trong công tác quản lý của cơ quan Nhà nước và nhu cầu khai thác thông tin của các tổ chức, cá nhân.

2. Thông tin cung cấp trên website phải tuân thủ các quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên website của cơ quan nhà nước; các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, báo chí, sở hữu trí tuệ và quản lý thông tin trên Internet và các quy định pháp luật khác liên quan.

3. Việc đăng tải, trích dẫn, sử dụng lại thông tin trên website của cơ quan nhà nước phải ghi rõ thông tin về tác giả, nguồn của thông tin.

Điều 10. Bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật

1. Thống nhất sử dụng Bộ mã ký tự chữ Việt Unicode theo tiêu chuẩn 6909:2011 trong việc lưu trữ và trao đổi thông tin, dữ liệu trên website.

2. Website của cơ quan nhà nước phải tuân thủ các tiêu chuẩn về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.

Đánh giá bài viết
1 168
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi