Con nuôi có được quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi hay không?

Con nuôi là người được trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục bởi cha, mẹ nuôi theo quy định của pháp luật. Con nuôi có được quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi hay không? Đây là câu hỏi nhiều người quan tâm, để giải đáp được mời các bạn tham khảo nội dung bài viết dưới đây.

1. Con nuôi có được quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi không?

Căn cứ Điều 26 Luật nuôi con nuôi 2010 có quy định về tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi bao gồm nhưng tổ chức, cá nhân như sau:

- Cha mẹ nuôi.

- Con nuôi đã thành niên.

- Cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của con nuôi.

- Cơ quan, tổ chức sau đây có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi khi có một trong các căn cứ quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 25 của Luật này:

+ Cơ quan lao động, thương binh và xã hội;

+ Hội liên hiệp phụ nữ.

Như vậy, theo quy định trên con nuôi đã thành niên có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi. Trong trường hợp của bạn do bạn đã là người thành niên, cho nên bạn có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.

2. Trình tự, thủ tục chấm dứt nuôi con nuôi hợp pháp

Để được giải quyết chấm dứt nuôi con nuôi, người có yêu cầu phải gửi đơn yêu cầu về việc chấm dứt nuôi con nuôi đến Tòa án có thẩm quyền. Theo đó, căn cứ khoản 2 Điều 362 Bộ luật Tố tụng dân sự, đơn yêu cầu phải có các nội dung sau đây:

- Ngày, tháng, năm làm đơn;

- Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự;

- Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu;

- Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc chấm dứt nuôi con nuôi;

- Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có);

- Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình;

- Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn.

Ngoài ra, nộp kèm đơn yêu cầu là các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp như giấy chứng nhận nuôi con nuôi, Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, sổ hộ khẩu…

3. Thời gian giải quyết là bao lâu?

Căn cứ các Điều 363, Điều 365, 366 Bộ luật Dân sự:

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc sau khi nộp đơn sẽ có Thẩm phán được phân công giải quyết đơn yêu cầu. Nếu đơn chưa đầy đủ nội dung thì được sửa đổi, bổ sung trong 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.

- Sau khi xét thấy đơn đủ điều kiện thụ lý thì thông báo cho người yêu cầu nộp lệ phí trong thời hạn 05 ngày làm việc. Và sau khi người này nộp biên lai thu tiền lệ phí thì Tòa án sẽ thụ lý đơn yêu cầu.

- Việc thông báo thụ lý đơn yêu cầu sẽ được thực hiện trong 03 ngày làm việc và xét đơn yêu cầu được thực hiện trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày Tòa án thụ lý.

- Tòa án phải mở phiên họp để giải quyết việc dân sự trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp.

Căn cứ các quy định trên, việc giải quyết chấm dứt nuôi con nuôi sẽ được thực hiện trong thời gian nhanh nhất là khoảng 02 tháng.

Trên đây, Hoatieu.vn đã trả lời câu hỏi Con nuôi có được quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi hay không? Mời các bạn đọc các bài viết liên quan tại mục Dân sự , mảng Hỏi đáp pháp luật.

Đánh giá bài viết
1 30
0 Bình luận
Sắp xếp theo