Chỉ thị 05/2013/CT-UBND

Chỉ thị 05/2013/CT-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 05 tháng 03 năm 2013 về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

----------------
Số: 05/2013/CT-UBND

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------------------

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 03 năm 2013

CHỈ THỊ
Về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai
và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố

-------------------

Do tình hình thời tiết, khí tượng - thủy văn diễn biến bất thường và ngày càng phức tạp, hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang tác động tiêu cực đến nước ta. Trong năm 2012, có 10 cơn bão (trong đó, cơn bão số 1 ảnh hưởng trực tiếp đến thành phố), 02 cơn áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển Đông. Tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra 08 đợt lốc xoáy, mưa giông, có 04 đợt triều cường lớn (đỉnh triều đạt mức báo động cấp III trở lên), 14 vụ sạt lở; tổng thiệt hại: làm chết 01 người, bị thương 07 người, thiệt hại 1.451 căn nhà (85 căn hư hỏng hoàn toàn, 1.366 căn hư hỏng một phần), hư hỏng 29 trường, 10 trụ sở cơ quan, bệnh viện, 85 hệ thống điện, sạt lở 1.767m2 đất, bể 04 đoạn bờ bao chiều dài 29m. Dự báo tình hình khí tượng thủy văn, thời tiết nguy hiểm, nhất là các loại thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, triều cường, lốc xoáy, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn, dư chấn của động đất… năm 2013 sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường.

Mặt khác, trong năm 2012 trên địa bàn thành phố đã xảy ra 26 vụ tai nạn trên biển, giao thông đường thủy nội địa nghiêm trọng, 21 vụ cháy - nổ và các vụ tai nạn nguy hiểm hàng ngày gây thiệt hại về người và tài sản.

Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời và có hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2013 của thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã - thị trấn triển khai thực hiện tốt các nội dung sau đây:

1. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Sở, ban, ngành, quận - huyện, phường - xã - thị trấn tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống, ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2012; phát huy những ưu điểm, những chương trình, dự án, công việc mang lại hiệu quả thiết thực; đồng thời làm rõ nguyên nhân những mặt còn hạn chế, yếu kém để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục. Chú trọng nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy, thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai ngay tại cơ sở, nhất là các địa bàn xung yếu.

2. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động và Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong năm 2013 trên địa bàn thành phố (ban hành kèm theo Quyết định số 5745/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2008 và Quyết định số 3523/QĐ-UBND ngày 13 tháng 08 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố); Kế hoạch tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 5565/QĐ-UBND ngày 07 tháng 12 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố). Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn tại địa phương, đơn vị mình về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

3. Củng cố, kiện toàn tổ chức Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các cấp (thành phố, Sở, ban, ngành, quận - huyện, phường - xã - thị trấn); trong đó cơ cấu những thành viên có điều kiện tham gia tốt nhất và phải thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở mỗi cấp, mỗi ngành, đảm bảo kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó hiệu quả trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng đơn vị.

4. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố:

a) Thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các Sở, ban, ngành, quận - huyện thực hiện tốt kế hoạch, phương án chủ động phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh các phương án phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sát với tình hình thực tế của thành phố.

b) Chủ trì triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng năm 2013 trên địa bàn thành phố. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu (tổ chức lớp tập huấn, phát hành sổ tay,cẩm nang, tờ bướm…) dưới nhiều hình thức cho cán bộ, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và nhân dân thành phố nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm hơn nữa trong việc chủ động tự phòng, tránh thiên tai được an toàn, hiệu quả. Tập trung đúng mức tại các địa bàn, đối tượng dễ bị tổn thương khi thiên tai xảy ra.

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố, các quận - huyện rà soát, phân loại và đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư các công trình phòng, chống lụt, bão mang tính cấp bách trong năm 2013 theo hướng đảm bảo tính hiệu quả sử dụng lâu dài. Trên cơ sở những phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ từ Bộ Tư lệnh Quân khu 7, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, kiểm tra, thống kê các phương tiện, trang thiết bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hiện có của thành phố và đề xuất đầu tư bổ sung số lượng, chủng loại cần thiết theo nhu cầu của thành phố trong năm 2013 theo hướng hiện đại để thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ).

d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy và các đơn vị liên quan tổ chức huấn luyện, thực tập thành thạo các phương tiện, trang thiết bị hiện có; diễn tập các phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố, trong đó chú trọng đến các địa bàn trọng điểm, vùng ven sông nước, khu vực trường học, kể cả cấp huyện, cấp xã để nâng cao năng lực tổ chức thực hiện ứng phó và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng chuyên trách và lực lượng xung kích tại cơ sở.

đ) Chủ trì triển khai Đề án đầu tư xây dựng bổ sung các trạm đo khí tượng - thủy văn trên địa bàn thành phố để công tác dự báo mưa, triều, lũ và các hiện tượng thời tiết xấu được đầy đủ, chính xác phục vụ việc thông tin cảnh báo kịp thời theo hướng chi tiết, cụ thể địa bàn khu vực ảnh hưởng thiên tai để người dân, các cơ quan doanh nghiệp chủ động phòng, tránh, ứng phó đạt hiệu quả, hoàn thành trong năm 2013. Phối hợp với các đơn vị chủ quản các hồ thủy lợi, thủy điện thượng nguồn thống nhất phương án điều tiết lưu lượng nước xả tràn hạn chế ảnh hưởng ngập lụt cho hạ du.

e) Chủ trì, phối hợp với các quận - huyện trọng yếu chọn địa bàn xung yếu để triển khai đồng bộ các biện pháp công trình và phi công trình nhằm giải quyết có hiệu quả tình trạng ngập úng mỗi khi triều cường để từng bước nhân rộng trên địa bàn thành phố theo kế hoạch hàng năm, ưu tiên địa bàn quận 12 hoặc quận Thủ Đức.

g) Chủ trì, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Khi có thiên tai, nhất là bão, áp thấp nhiệt đới, thời tiết nguy hiểm trên biển Đông, chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố, Bộ Tư lệnh thành phố và Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ và các đơn vị liên quan lập phương án, tổ chức trực ban, nắm diễn biến thời tiết để chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kịp thời ứng phó.

b) Chỉ đạo Chi Cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tổ chức tập huấn phòng, chống thiên tai cho ngư dân; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc trang bị các thiết bị thông tin liên lạc, phao cứu sinh, phương tiện, trang thiết bị đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân hoạt động trên biển. Nắm số lượng tàu cá, thuyền viên đang hoạt động đánh bắt thủy sản trên biển và ngư trường khai thác của tàu cá (đặc biệt là tàu cá đánh bắt xa bờ) để kịp thời hướng dẫn di chuyển phòng, tránh thiên tai đến nơi neo đậu an toàn.

c) Chủ trì, phối hợp với Thành Đoàn đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án trồng cây chống sạt lở đê bao, bờ bao, bờ sông, kênh, rạch tại các huyện, quận ven theo phân kỳ kế hoạch đầu tư, đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng và hiệu quả.

d) Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý, tuần tra, canh gác bảo vệ đê và hộ đê cho lực lượng quản lý đê nhân dân tại các phường - xã - thị trấn trên địa bàn các quận - huyện (nơi có đê).

đ) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính thẩm định và trình Ủy ban nhân dân thành phố triển khai thực hiện dự án củng cố, nâng cấp đê biển Cần Giờ theo Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 27 tháng 05 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang.

e) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng hoàn thành định mức kinh tế - kỹ thuật tạm thời để duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, công trình phòng, chống lụt, bão áp dụng thống nhất trên địa bàn thành phố trong khi chờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

6. Bộ Tư lệnh thành phố:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố và các Sở, ngành, quận - huyện tổ chức thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đạt hiệu quả khi xảy ra thiên tai. Huy động lực lượng, phương tiện tham gia sơ tán, di dời dân ở các khu vực xung yếu đến nơi tạm cư an toàn và phân công lực lượng bảo vệ tài sản cho nhân dân tạo tâm lý an tâm khi di dời.

b) Hỗ trợ các địa phương, đơn vị trong công tác tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ để các tình huống diễn tập sát với thực tế, đạt hiệu quả cao.

7. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố:

a) Kiểm soát chặt chẽ các tàu thuyền đánh bắt hải sản khi xuất bến; cập nhật đầy đủ các thông tin về người, tàu thuyền, ngư trường hoạt động khai thác. Kiên quyết không cho xuất bến đối với tàu thuyền hết hạn đăng kiểm, tàu thuyền không trang bị đầy đủ các thiết bị đảm bảo an toàn theo quy định và khi có lệnh cấm tàu thuyền ra khơi của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.

b) Thường xuyên kiểm tra và có kế hoạch tổ chức tập kết, quản lý sử dụng các phương tiện, trang thiết bị để tham gia kịp thời, có hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra thiên tai.

8. Công an thành phố:

a) Triển khai các lực lượng và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cùng nhân dân bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các công trình trọng điểm, tài sản của nhân dân, nhà nước và doanh nghiệp, ngăn ngừa, trấn áp các đối tượng xấu lợi dụng khi xảy ra thiên tai để trộm cắp, cướp giật.

b) Huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả và sơ tán, di dời dân khỏi những nơi nguy hiểm, làm tốt công tác vận động, tuyên truyền để người dân hiểu, chấp hành sơ tán, di dời khi có cảnh báo thiên tai xảy ra.

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố triển khai các lực lượng tham gia hướng dẫn, điều phối, giải quyết xử lý ách tắc giao thông tại các tuyến đường, cầu, phà, hầm.

9. Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy:

a) Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thiết bị tổ chức thường trực để tiếp nhận, xử lý thông tin các sự cố, tai nạn và thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, cứu sập, sơ tán dân khi xảy ra thiên tai; tham gia ứng cứu, khắc phục sự cố tràn dầu trên địa bàn thành phố theo quy định.

b) Chủ trì, phối hợp với các quận - huyện tổ chức huấn luyện các thao tác, kỹ năng cơ bản trong cứu nạn, cứu hộ, cứu đuối, di chuyển nạn nhân cho lực lượng của địa phương.

10. Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố:

Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để chủ động tham gia phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Tham gia hướng dẫn, điều phối, giải quyết xử lý ách tắc giao thông tại các tuyến đường, cầu, phà, hầm và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, tài sản của Nhà nước và nhân dân trước, trong và sau khi xảy ra thiên tai.

11. Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố:

a) Quản lý, duy tu, vận hành có hiệu quả hệ thống thoát nước, các cống kiểm soát triều, trạm bơm theo phân cấp; tổ chức ứng trực, huy động máy bơm, thiết bị để kịp thời ứng cứu các điểm ngập nặng phát sinh trong khu vực nội thị.

b) Triển khai thực hiện khẩn trương các dự án thuộc quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2008; đồng thời trong thời gian thực hiện dự án, Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố tiếp tục rà soát, lắp đặt van ngăn triều tại các cửa xả quan trọng, xây dựng tuyến kè tạm để hạn chế tình trạng ngập nước do triều cường; tăng cường nạo vét thông thoáng kênh, rạch, cửa xả để tăng khả năng thoát nước, hạn chế thấp nhất tình trạng ngập kéo dài đối với khu vực nội thị; tổ chức ứng cứu các vị trí ngập nặng khi xảy ra tổ hợp bất lợi.

c) Triển khai thực hiện Đồ án quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết phân tán để giảm ngập úng cho Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở nhiệm vụ quy hoạch được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 652/QĐ-UBND ngày 25 tháng 02 năm 2011.

d) Chủ trì triển khai có hiệu quả kế hoạch chi tiết thực hiện Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 936/QĐ-UBND ngày 25 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố và Chỉ thị số 07/2012/CT-UBND ngày 25 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện kế hoạch theo Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND ngày 14 tháng 05 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2011 - 2015.

Đánh giá bài viết
1 67
0 Bình luận
Sắp xếp theo