Những lời dạy của Bác đối với thế hệ trẻ

Tấm gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng muôn đời cho cháu con dân tộc Việt Nam. Cho dù Bác đã đi xa nhưng những lời dạy của Bác đối với thế hệ trẻ luôn là kim chỉ nam để mỗi cá nhân học tập và noi theo.

1. Những lời dạy của Bác dành cho thiếu nhi

Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng

Trong những lời dạy của Bác, thì nổi bật nhất vẫn là 'Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng'. Ngày 14-5-1961, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Ðội thiếu niên tiền phong, Bác đã gửi thư căn dặn các cháu năm điều:

Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.

Học tập tốt, lao động tốt.

Ðoàn kết tốt, kỷ luật tốt.

Giữ gìn vệ sinh.

Thật thà, dũng cảm.

Năm điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng hàm chứa những truyền thống quý báu từ bao đời nay của dân tộc ta. Ðó là truyền thống yêu nước nồng nàn, kiên cường chiến đấu chống mọi kẻ thù xâm lược; ham học hỏi, cầu tiến bộ; đoàn kết, nhân ái, thương người như thể thương thân; lao động cần cù, dũng cảm, sáng tạo và mối quan hệ tin cậy, chân thật trong cộng đồng. Ðặc biệt, theo ông Vũ Kỳ - Thư ký của Bác Hồ thì, năm 1965, để chuẩn bị phần thưởng cho giáo viên và học sinh vào cuối năm học, Bác nhận thấy 'Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng' như ta đã biết ở trên có điều gì đó chưa thật cân đối. Bởi ba câu đầu mỗi câu có sáu chữ, còn hai câu sau chỉ có bốn chữ. Bác suy nghĩ và bổ sung cho mỗi câu đủ sáu chữ. Nhất là câu thứ năm, Bác thêm chữ 'Khiêm tốn', vì từ năm 1965 trở đi đế quốc Mỹ bắt đầu mở rộng chiến tranh, ném bom bắn phá miền bắc. Ðó cũng là thời kỳ ở miền bắc xuất hiện nhiều gương thiếu nhi dũng cảm cứu người, cứu hàng; ở miền nam xuất hiện nhiều gương 'Dũng sĩ diệt Mỹ'. Bác không muốn các cháu vì thế mà sinh lòng tự kiêu. Bác muốn các cháu khiêm tốn. Vì đức khiêm tốn sẽ giúp các em tiến bộ mãi. Và đó cũng là lý do cho sự ra đời 'Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng' hoàn chỉnh như ngày nay:

Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.

Học tập tốt, lao động tốt.

Ðoàn kết tốt, kỷ luật tốt.

Giữ gìn vệ sinh thật tốt.

Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.

Trẻ em như búp trên cành

Trẻ em như búp trên cành là một câu thư trong bài thơ "Trẻ con", một trong những bài thơ hay của Hồ Chí Minh viết cho trẻ em. Suốt quãng đời của mình người đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết để viết cho trẻ em. Đó cũng chính là tình cảm mà người dành cho lứa tuổi măng non của đất nước. Và sâu xa hơn cũng chính là những trăn trở, suy tư và răn dạy của Hồ Chí Minh với lớp trẻ. Bác căn dặn:

Trẻ em như búp trên cành,

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan,

Nguyên văn bài thơ:

Trẻ con

Trẻ em như búp trên cành,

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan,

Chẳng may vận nước gian nan,

Trẻ em cũng bị bận thân cực lòng.

Học hành, giáo dục đã không,

Nhà nghèo lại phải làm công, cày bừa.

Sức còn yếu, tuổi còn thơ,

Mà đã khó nhọc cũng như người già!

Có khi lìa mẹ, lìa cha,

Đi ăn ở với người ta bên ngoài.

Vì ai mà đến thế này?

Vì giặc Nhật với giặc Tây bạo tàn!

Khiến ta nước mất, nhà tan,

Trẻ em cũng phải cơ hàn xót xa.

Vậy nên con trẻ nước ta

Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh!

Kẻ lớn cứu quốc đã đành,

Trẻ em cũng phải ra dành một vai.

Bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây,

Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng.

Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ

Bác Hồ vừa là một lãnh tụ cách mạng vĩ đại vừa là một nhà giáo dục lớn. Người rất quan tâm đến thế hệ trẻ – thế hệ kế thừa và phát huy thành quả cách mạng của ông cha. Bác đánh giá vai trò của thanh niên rất cao, gọi thanh niên là lực lượng rường cột của đất nước. Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, nhân dịp Tết 1946, Bác đã viết thư gửi thanh niên và nhi đồng, trong đó có câu:

"Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội.

Vậy qua năm mới, các cháu phải xung phong thực hành “đời sống mới”.

Đời sống mới là:

- Hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ.
- Phải siêng học, phải siêng làm, phải tiết kiệm.
- Việc nên làm ( như ủng hộ kháng chiến, tăng gia sản xuất) thì ta không chờ ai nhắc nhủ.
- Việc nên tránh ( như tự tư tự lợi) thì ta không đợi ai ngăn ngừa.

Lời Bác dạy làm tuổi trẻ chúng ta phải suy nghĩ nhiều, tuổi trẻ chúng ta phải làm gì để xứng đáng là mùa xuân của xã hội. Mùa xuân mùa khởi đầu của một năm là mùa rất đẹp. Không khí mùa xuân vui tươi đầm ấm, nắng xuân lên làm ửng hồng má em bé thơ ngây, làm ấm lại những cõi lòng lạnh giá của người già cả. Tuổi trẻ - tuổi khởi đầu của cuộc đời là tuổi tươi đẹp nhất.

Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên

Là người nhìn xa trông rộng, là người có mong muốn to lớn vào vận mệnh và lương lai của đất nước, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Bác Hồ đã chăm lo giáo dục và đặt niềm tin to lớn vào thế hệ trẻ, những người của tương lai. Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên, Bác viết:

“Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu”.

Hai vấn đề to lớn trên là mong muốn của Bác Hồ, của toàn dân tộc ta. Mong muốn đó là hoàn toàn cần thiết và chính đáng, là mục tiêu to lớn và khát vọng của dân tộc chúng ta từ bao đời vươn tới tương lai.Nguyện vọng chính đáng đó chỉ có thể thực hiện được phụ thuộc vào phần lớn công lao học tập của thế hệ trẻ.

Thư gửi các cháu thiếu nhi

Năm 1946, sau khi đi Pháp về Bác viết "Thư gửi các cháu thiếu nhi" trong đó Bác căn dặn:

Nay Bác viết mấy chữ, để cảm ơn các cháu và khuyên các cháu:

Phải siêng học,

Phải giữ sạch sẽ,

Phải giữ kỷ luật,

Phải làm theo đời sống mới,

Phải thương yêu giúp đỡ cha mẹ anh em.

"Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tuỳ theo sức của mình"

Vào Tết Trung thu năm 1952,. Bác Hồ viết:

Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh

Tính các cháu ngoan ngoãn mặt các cháu xinh xinh

Mong các cháu cố gắng thi đua học và hành

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình

Đi tham gia kháng chiến để gìn giữ hòa bình

Các cháu hãy xứng đáng cháu Bác Hồ Chí Minh.

Những câu thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Tuyên Sáng tác thành bài hát: "Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh" Làm theo lời dạy đó của Bác, các bạn nhỏ ra sức học tập, phấn đấu đạt thành tích cao, biết quan tâm, giúp đỡ mọi người để trở thành con ngoan, trò giỏi.

Tuổi các cháu còn nhỏ. Nhiều công việc nhỏ cộng lại thành công việc to

Từ nhận thức sâu sắc rằng, tương lai của đất nước phụ thuộc vào một trong những nhân tố rất quan trọng - đó là chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng, Bác từng căn dặn cha mẹ, các cấp, ngành, đoàn thể, các thầy cô giáo: “Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”, và “giáo dục trẻ em là việc chung của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc”. Và Người cũng ân cần nói với thiếu niên, nhi đồng: “Các cháu phải chăm ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng, đối với thầy phải kính trọng, lễ phép, đối với bạn phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau”, “Giữ kỷ luật, chớ tự do phóng túng vì tự do phóng túng là không tốt”, “phải thật thà, dũng cảm”, “việc gì có ích cho kháng chiến, có ích cho Tổ quốc thì các cháu nên gắng sức làm. Tuổi các cháu còn nhỏ. Nhiều công việc nhỏ cộng lại thành công việc to”, “Mong các cháu mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập, tự do”…

Người lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến

Bác luôn dành tình thương yêu đặc biệt, động viên thế hệ măng non của đất nước, nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi, bác viết thư gửi các cháu:

“Các cháu yêu quý! Ngày 1-6 là ngày của các cháu bé khắp cả các nước trên thế giới. Đáng lẽ tất cả các cháu đều được no ấm, được vui chơi, được học hành như trẻ con ở Liên Xô... Nhưng nước Việt Nam ta, vì giặc Pháp gây ra chiến tranh, chúng nó đốt nhà, giết người, cướp của. Cho nên, người lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến. Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cùng cố gắng làm cho các cháu cùng được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng.“Bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây/ Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng”.

Mong cháu ra công mà học tập /Mai đây cháu giúp nước non nhà

Giàu tình nhân ái đối với mọi kiếp người, Bác Hồ cũng luôn thường trực tình cảm yêu thương đặc biệt đối với thiếu nhi. Người gửi tặng vở và những dòng thơ giản dị nhưng chứa đựng tình cảm và sự quan tâm sâu sắc cho một thiếu nhi người dân tộc ở Cao Bằng:

“Vở này ta tặng cháu yêu ta

Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là

Mong cháu ra công mà học tập

Mai đây cháu giúp nước non nhà”.

(Tặng cháu Nông Thị Trưng - 1944).

Các cháu phải đoàn kết, thương yêu nhau

Báo Cứu Quốc số 1828, ngày 29/5/1951, trong “Thư gửi nhi đồng toàn quốc nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi”. Mở đầu lá thư Bác viết: “Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh, nhớ thương nhi đồng”. Bác cho rằng ngày 1/5 là ngày mà tất cả những người lao động thế giới tỏ tình đoàn kết, đấu tranh thì ngày 1/6 “là ngày của các cháu nhi đồng trong thế giới tỏ tình đoàn kết và sức đấu tranh của mình…”. Các cháu cần phải “Thi đua học tập, thi đua tăng gia sản xuất; thi đua giúp đỡ các gia đình thương binh, tử sĩ. Thế là các cháu đấu tranh”. Bác còn có lời khuyên: “Các cháu phải đoàn kết, thương yêu nhau” và là đoàn kết, thương yêu giữa nhi đồng trong nước với nhau, cũng như bạn bè thiếu nhi trên thế giới. Bác gọi: “Đó là tinh thần quốc tế”.

Đặc biệt, trong Di chúc của mình, Người viết: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp 2 miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”. Ở đoạn kết thúc Bác lại viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”. Nghe theo lời dạy của Người, thiếu niên, nhi đồng Việt Nam hăng hái thi đua tham gia phong trào “Hai tốt”, phong trào “Thiếu nhi làm nghìn việc tốt”. Chính những đóng góp nhỏ bé của các em đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và sự nghiệp dựng xây đất nước.

Lời dạy của bác với thế hệ trẻ

2. Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thanh niên

Ngay từ thời trẻ, Người đã ý thức được vai trò của thanh niên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc là vô cùng to lớn. Như tình cảm của một người cha đối với con, Bác Hồ hiểu rõ những ưu, nhược điểm của thanh niên nước ta. Bác luôn căn dặn thanh niên: “Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà. Phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên”. Bác luôn nhấn mạnh đến việc học tập, vấn đề cốt lõi để các thế hệ thanh niên trang bị cho mình sự hiểu biết, vốn kiến thức, một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho các thế hệ thanh niên có thể vươn mình ra biển lớn, lấy sức trẻ làm giàu cho Tổ quốc, quê hương.

Có thể khẳng định rằng, chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã dành cho thế hệ trẻ những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc.

Hoatieu xin được trích dẫn những lời dạy mà lúc sinh thời Bác đã dành cho các thế hệ thanh niên Việt Nam để thấy được những tình cảm sâu sắc, sự quan tâm bồi dưỡng những thế hệ thanh niên của Bác kính yêu.

- Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”.

(Thư gửi Thanh niên An Nam, 1925)

- “… ngày nay chúng ta phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên toàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nhà nước trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai cùng các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

(Thư gửi các em học sinh nhân Ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 9/1945).

- “Hỡi anh chị em thanh niên Nam Bộ!

Tôi thề cùng các bạn giữ vững nền độc lập tự do của nước Việt Nam. Dẫu có phải hy sinh đến nửa số dân tộc, ta cũng quyết hy sinh. Cuộc kháng chiến tự vệ chính nghĩa của dân tộc Việt Nam phải toàn thắng”.

(“Lời kêu gọi thanh niên Nam Bộ”, ngày 30/10/1945)

“... Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội.

Vậy qua năm mới, các cháu phải xung phong thực hành “đời sống mới”.

Đời sống mới là:

- Hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ.

- Phải siêng học, phải siêng làm, phải tiết kiệm.

- Việc nên làm (như ủng hộ kháng chiến, tăng gia sản xuất) thì ta không chờ ai nhắc nhủ.

- Việc nên tránh (như tự tư tự lợi) thì ta không đợi ai ngăn ngừa”

(Gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến, 1 - 1946, Sđd, tập 4, trang 167)

Lời dạy cảu Bác với thế hệ trẻ

“… Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”.

(“Thư gửi các bạn thanh niên”, ngày 12/8/1947)

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”.

(Bài thơ Bác tặng Đơn vị thanh niên xung phong 312 làm đường tại xã Cẩm Giàng, Bạch Thông, Bắc Kạn, ngày 28/3/1951)

“Ưu điểm của thanh niên ta là hăng hái, giàu tinh thần xung phong. Khuyết điểm là ham chuộng hình thức, thiếu thực tế, bệnh cá nhân, bệnh anh hùng. Rất mong toàn thể thanh niên ta ra sức phát triển những ưu điểm và tẩy sạch những khuyết điểm ấy. Huy hiệu của thanh niên ta là “tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên”. Ý nghĩa của nó là: Phải xung phong làm gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng. Thanh niên phải thành một lực lượng to lớn và vững chắc trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Đồng thời phải vui vẻ, hoạt bát. Bác mong mỗi cháu và toàn thể các cháu nam nữ thanh niên cố gắng làm tròn nhiệm vụ, để xứng đáng với cái huy hiệu tươi đẹp và vẻ vang ấy”.

(Thư gửi thanh niên, tháng 4/1951, Hồ Chí Minh toàn tập)

“Kháng chiến càng tiến tới, công việc ngày càng nhiều, chúng ta cần củng cố và phát triển Ðội TNXP để bảo đảm thêm công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này. Nhiệm vụ của Ðội TNXP là xung phong mọi việc bất kỳ việc khó, việc dễ và phục vụ đến ngày kháng chiến thành công. Ðó là nhiệm vụ rất vẻ vang của thanh niên”.

(“Ðội Thanh niên xung phong” đăng trên báo Nhân Dân số 147, 1953)

“Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”

(Bài nói chuyện với sinh viên và thanh niên trong Lễ khai mạc Trường Đại học Nhân dân Việt Nam ngày 19/11/1955)

“Tính trung bình thanh niên chiếm độ 1 phần 3 tổng số nhân dân – tức là một lực lượng to lớn. Lực lượng to lớn thì phải có nhiệm vụ to lớn”

(“Nhiệm vụ của thanh niên ta”, báo Nhân dân ngày 20/12/1955)

“Người ta thường nói: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Để thật xứng đáng là người chủ của một nước xã hội chủ nghĩa, thanh niên ta quyết tâm thực hiện mấy điều sau đây:

- Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là khiêm tốn, đoàn kết, thực hành chủ nghĩa tập thể, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, người tiên tiến thì giúp đỡ người kém, người kém phải cố gắng để tiến lên, ra sức cần kiệm xây dựng nước nhà.

- Phải nghiêm khắc chống chủ nghĩa cá nhân như tự tư tự lợi, tự kiêu, tự mãn, chỉ tham việc gì có danh tiếng, xem khinh những công việc bình thường. Phải chống tham ô, lãng phí.

- Phải cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và kỹ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.”

(Bài nói chuyện tại Đại hội Thanh niên tích cực lao động xã hội chủ nghĩa, ngày 17/3/960)

“Thanh niên ta phải cố gắng học. Do hoàn cảnh trong xã hội cũ hạn chế nên số đông thanh niên công – nông ta ít được học. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức”.

(Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam, ngày 24/3/1961)

“Bác rất yêu quý thanh niên:

- Vì thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách, dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng.

- Vì thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

- Vì thanh niên là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ, đang hăng hái giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ Tổ quốc”.

(Bài nói chuyện tại Đại hội toàn quốc lần thứ hai của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, ngày 20/12/1961)

“Phải không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện đâu cần thanh niên có, việc khó có thanh niên, gặp gian khổ phải đi lên phía trước, khi hưởng thụ phải hưởng thụ sau mọi người”.

(Bài phát biểu tại Hội nghị Cán bộ toàn miền Bắc, tháng 9/1962)

Đảng, Chính phủ và Bác rất chú ý đến thanh niên. Bác vui lòng khen ngợi những cố gắng của thanh niên… Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên phải xung phong đến làm cho tốt.

Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp.

Không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện: "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm", "gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người".

Không nên tự cho mình là tài giỏi, không khoe công, không tự phụ.”

(Bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam toàn miền Bắc, ngày 22/9/1962)

“Bác muốn dặn thêm các cháu mấy điều:

- Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng “trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Không sợ gian khổ, hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

- Phải tin tưởng sâu sắc ở lực lượng và trí tuệ của tập thể, của nhân dân. Tăng cường đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do.

- Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng, tự mãn. Chống lãng phí, xa hoa. Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh, để giúp nhau cùng tiến bộ mãi.

- Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân.

- Luôn luôn chú ý dìu dắt và giáo dục thiếu niên và nhi đồng, làm gương tốt về mọi mặt cho đàn em noi theo”.

(Thư gửi thanh niên Ngày 2/9/1965)

“Các cháu xứng đáng là những thanh niên ưu tú của nhân dân Việt Nam anh hùng. Và, giặc Mỹ đã thua to ở hai miền nước ta, chúng đang thất bại ngày càng nặng nề hơn ở miền Nam, nhưng chúng vẫn rất ngoan cố chưa chịu từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta. Vì vậy, Bác nhắc nhở các cháu: Phải nêu cao ý chí chiến đấu, tinh thần cảnh giác cách mạng, cùng quân dân ta quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược; luôn luôn đoàn kết, ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hóa để ngày càng tiến bộ, đem hết nhiệt tình tài năng của tuổi trẻ cống hiến thật nhiều cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước”.

(Thư khen ngợi đơn vị TNXP 333 có nhiều thành tích xuất sắc trên các tuyến đường Khu Bốn ác liệt, ngày 27/1/1969)

“Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”.

(Di Chúc của Người)

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
32 17.838
0 Bình luận
Sắp xếp theo