Học sinh cần được sử dụng điện thoại trong lớp ý kiến phản đối

Trong đời sống, trước một vấn đề, thường với những ý kiến khác nhau. Trong đó có thể có ý kiến chúng ta không thể đồng tình. Biết tán thành với ý kiến đúng thì cũng cần biết phản đối ý kiến sai. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ mẫu bài văn nghị luận trình bày ý kiến phản đối về việc học sinh cần được sử dụng điện thoại trong lớp có dàn ý chi tiết. Mời các bạn cùng tham khảo.

Học sinh cần được sử dụng điện thoại trong lớp dàn ý

Mở bài: Nêu được vấn đề nghị luận và bày tỏ ý kiến phản đối cách nhìn nhận về vấn đề.

- Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 32 về Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó quy định “cho phép học sinh được sử dụng điện thoại di động nếu phục vụ cho việc học tập và được sự đồng ý từ giáo viên”.

- Mặc dù smartphone kết nối chúng ta với thế giới theo cách chúng ta chưa bao giờ tưởng tượng nổi cách đây một thập kỷ, và có thể được sử dụng như một phương tiện dạy học trong nhà trường nhưng chúng làm dấy lên nhiều vấn đề mà những thế hệ đi trước chưa từng phải đối diện. Và bản thân tôi không đồng ý với việc cho phép HS sử dụng điện thoại di động ở lớp, ở trường.

Thân bài:

- Ý 1. Trình bày thực chất của ý kiến, quan niệm đã nêu ra để bàn luận.

Ai cũng biết, điện thoại bây giờ không không chỉ là nghe gọi mà còn là nơi cung cấp kho tàng kiến thức bằng việc kết nối Internet, 4G. Bởi vậy không sai khi nói rằng điện thoại di động phải được cho là một công cụ giáo dục. Bên cạnh đó, với điện thoại thông minh, học sinh ngày nay có khả năng tiếp cận rất nhiều nguồn kiến thức khác nhau bổ sung cho kiến thức mà giáo viên và sách giáo khoa cung cấp. Trong bối cảnh hiện nay, điện thoại chính là để duy trì mối liên hệ giữa phụ huynh và học sinh. Có điện thoại, phụ huynh cũng giảm mối lo về việc con cái đi đâu, làm gì sau tan học, nhất là với lượng học sinh phải đi đường xa đến trường.

Tuy nhiên, tôi có nhiều lí do để phản đối việc học sinh sử dụng ĐTDĐ trong lớp.

- Ý 2. Phản đối các khía cạnh của ý kiến, quan niệm bằng các lý lẽ, bằng chứng.

+ Cho học sinh sử dụng ĐTDĐ sẽ khiến giáo viên khó quản lí. Trong một lớp học đông học sinh, có khi lên đến 50 em thì việc một giáo viên quản lý các em xem thông tin gì trong điiện thoại thông minh với một tiết học 45 phút hầu như là bất khả kháng. Bởi vì, chỉ cần một cái gạt ngón tay, màn hình đã chuyển ngay sang nội dung khác. Câu nói, “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” luôn đúng trong các tình huống như vậy. Hơn nữa, giáo viên cũng không thể vừa giảng bài vừa quản lý mấy chục học sinh của mình đang xem gì trên điện thoại. Vì như vậy sẽ gây mất tập trung cho cả lớp và bài giảng cũng khó hoàn thành.

+ Học sinh đến lớp là để tiếp thu kiến thức từ nhà trường mà trực tiếp là giáo viên. Nếu như, mỗi học sinh ôm một cái điện thoại thông minh rồi chăm chăm vào đó thì làm sao có thể tiếp thu kiến thức và phương pháp mà giáo viên muốn truyền tải. Nếu chỉ vì để tra cứu kiến thức, nhà trường đã có các phòng học sử dụng máy chiếu, máy vi tính kết nối internet trong các phòng chuyên dụng. Hoặc có thể tra cứu khi kết thúc giờ lên lớp. Thậm chí, sẽ có học sinh tranh thủ dùng điện thoại để chát chít, chơi game, vào các trang mạng xã hội để xem những nội dung không lành mạnh, sai kiến thức, thiếu tính thẩm mỹ, nhảm nhí, thiếu tính giáo dục.

+ Bản thân những phụ huynh cũng khó kiểm soát con em sử dụng ĐTDĐ ở trường, về thời gian sử dụng và những nội dung được phép xem trong điện thoại thông minh. Chưa kể, sử dụng ĐTDĐ sẽ gây ra sự phân biệt đối xử bất bình đẳng giữa các học sinh. Điều này là tối kỵ trong môi trường giáo dục. Đó là sự đua đòi của các học sinh về những dòng máy đắt tiền có tính năng sử dụng ưu việt. Trong khi, với nhiều học sinh con nhà nghèo, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, việc sắm và sử dụng một chiếc điện thoại thông minh không phải dễ dàng.

+ Nhìn ra thế giới, nhiều nước có môi trường giáo dục và nền kinh tế phát triển hơn nước ta cũng có lí do để cấm sử dụng ĐTDĐ. Tháng 9/2018, Australia ban hành lệnh cấm sử dụng điện thoại di động trong trường học. Một trong số những quan ngại đó chính là hành vi bắt nạt trên mạng. Từ năm học 2018-2019, Pháp áp dụng lệnh cấm sử dụng điện thoại di động trong tất cả trường học trên cả nước. Theo đó, cấm sử dụng điện thoại di dộng, đồng hồ thông minh và máy tính bảng tại toàn bộ các trường tiểu học và trung học. Từ tháng 7/2020, học sinh cấp 2, 3 của Nhật Bản được phép mang điện thoại đến trường để liên lạc trong các trường hợp khẩn cấp. Sau khi tới trường, các em được yêu cầu để điện thoại vào tủ cá nhân để tránh mất tập trung trong giờ học.

- Ý 3. Nhận xét những tác động tiêu cực của ý kiến, quan niệm đối với đời sống bằng các lí lẽ, bằng chứng.

Ngoài những lí do trên, nếu cho phép học sinh sử dụng ĐTDĐ trong lớp, còn mang đến một số nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ, khả năng tiếp thu của học sinh như nguy cơ nghiện game, sa đà vào nội dung xấu trên mạng xã hội, khả năng tăng tỉ lệ cận thị và đặc biệt là giảm giao tiếp với thế giới xung quanh.

Kết bài: Nêu ý nghĩa của việc thể hiện ý kiến phản đối.

Điện thoại di động và các ứng dụng của nó ngày nay đang tiêu tốn quá nhiều thời gian của học sinh sau giờ học, do vậy việc không kiểm soát được thời gian hữu ích sử dụng điện thoại trong lớp thì càng phát sinh nhiều hệ lụy hơn. Do vậy, đây chưa phải là thời điểm phù hợp để đưa điện thoại di động vào nhà trường. Và một điều hết cần thiết là nhà trường nên tổ chức các buổi chia sẻ về cách thức sử dụng điện thoại di động đúng cách tại nhà hoặc cách thức để học tập tốt hơn thông qua ứng dụng di động tại nhà. Điện thoại di động chỉ nên được sử dụng trong các buổi cắm trại, hoạt động ngoại khóa hoặc các buổi dạy học về ứng dụng di động.

Nghị luận ý kiến phản đối về học sinh cần được sử dụng điện thoại trong lớp

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 32 về Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó cho phép học sinh được sử dụng điện thoại di động nếu phục vụ cho việc học tập và có sự đồng ý của giáo viên. Mặc dù điện thoại thông minh có thể mang lại những tiện ích trong việc kết nối và hỗ trợ học tập, nhưng tôi không đồng tình với quan điểm cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học. Bởi vì, việc sử dụng điện thoại di động trong môi trường học đường có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến quá trình học tập và sự phát triển toàn diện của học sinh.

Ngày nay, điện thoại di động đã không còn chỉ là một công cụ nghe gọi thông thường, mà còn là phương tiện kết nối internet, giúp học sinh tiếp cận kho tàng kiến thức khổng lồ từ khắp nơi trên thế giới. Với các tính năng vượt trội như kết nối internet, máy tính, và các ứng dụng hỗ trợ học tập, không thể phủ nhận rằng điện thoại di động có thể trở thành công cụ hữu ích trong việc giáo dục. Học sinh có thể sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin, học các bài giảng trực tuyến, hoặc liên hệ với phụ huynh sau giờ học. Đặc biệt, điện thoại giúp phụ huynh yên tâm hơn về sự an toàn của con cái khi đi học, nhất là đối với những học sinh phải đi học xa nhà.

Tuy nhiên, dù có những lợi ích nhất định, tôi vẫn không đồng tình với việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học.

Quản lý lớp học khó khăn: Khi học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp, việc quản lý sẽ trở nên rất khó khăn, nhất là trong các lớp học đông học sinh, có thể lên tới 50 em. Chỉ một cú gạt tay, màn hình điện thoại sẽ chuyển sang các ứng dụng khác, chẳng hạn như chơi game hoặc vào các trang mạng xã hội. Câu nói “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” phản ánh đúng thực trạng này, khi học sinh dễ dàng mất tập trung vào điện thoại thay vì lắng nghe giảng bài. Giáo viên sẽ không thể vừa giảng dạy vừa kiểm soát hàng chục học sinh đang sử dụng điện thoại.
Ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu kiến thức: Mục tiêu chính khi học sinh đến trường là tiếp thu kiến thức từ giáo viên. Nếu học sinh cứ chúi mũi vào điện thoại, họ sẽ khó có thể tiếp thu bài giảng một cách hiệu quả. Việc sử dụng điện thoại không chỉ làm gián đoạn quá trình học tập mà còn khiến học sinh dễ bị phân tâm, mất tập trung vào bài học. Trong khi đó, trường học đã trang bị các phương tiện hỗ trợ học tập như máy tính, máy chiếu, và phòng học chuyên dụng để học sinh có thể tra cứu kiến thức khi cần thiết. Do đó, việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp là không cần thiết và sẽ làm giảm hiệu quả học tập.

Khó khăn trong việc kiểm soát nội dung và thời gian sử dụng: Phụ huynh khó có thể kiểm soát thời gian và nội dung mà con em mình sử dụng trên điện thoại khi chúng ở trường. Hơn nữa, không phải học sinh nào cũng có khả năng tự kiểm soát việc sử dụng điện thoại một cách hợp lý. Điều này dễ dẫn đến tình trạng học sinh bị lôi cuốn vào các trò chơi, các trang mạng xã hội, hoặc các nội dung không phù hợp với độ tuổi, thiếu tính giáo dục. Ngoài ra, việc sở hữu điện thoại thông minh cũng có thể tạo ra sự phân biệt giữa các học sinh, nhất là giữa những em có điều kiện kinh tế tốt và những em thuộc gia đình nghèo, khi có sự khác biệt về dòng điện thoại và tính năng sử dụng.

Gương mẫu từ các nước phát triển: Nhiều quốc gia có nền giáo dục và kinh tế phát triển cũng đã cấm sử dụng điện thoại di động trong trường học để giảm thiểu tác động tiêu cực từ thiết bị này. Ví dụ, vào tháng 9/2018, Australia đã ban hành lệnh cấm sử dụng điện thoại di động trong trường học. Còn tại Pháp, từ năm học 2018-2019, tất cả các trường học trên toàn quốc đều cấm học sinh sử dụng điện thoại di động. Nhật Bản cũng có quy định rằng học sinh chỉ được mang điện thoại đến trường để liên lạc trong các tình huống khẩn cấp và phải để điện thoại vào tủ khi đến lớp để tránh gây mất tập trung.

Nếu học sinh được phép sử dụng điện thoại di động trong lớp, sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng học tập của các em. Việc sử dụng điện thoại trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ cận thị. Thêm vào đó, học sinh có thể dễ dàng bị nghiện các trò chơi điện tử, bị cuốn vào các nội dung không lành mạnh trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần và tư duy của các em. Hơn nữa, việc học sinh quá chú tâm vào điện thoại sẽ làm giảm giao tiếp với bạn bè và giáo viên, ảnh hưởng đến kỹ năng xã hội và khả năng phát triển toàn diện.

Mặc dù điện thoại di động mang lại nhiều tiện ích, nhưng việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học sẽ tạo ra không ít vấn đề tiêu cực đối với quá trình học tập và phát triển của các em. Vì vậy, đây chưa phải là thời điểm phù hợp để đưa điện thoại di động vào trường học. Thay vì vậy, nhà trường nên tổ chức các buổi chia sẻ về cách thức sử dụng điện thoại đúng cách, giúp học sinh hiểu rõ các lợi ích và tác hại của việc sử dụng thiết bị này. Điện thoại di động chỉ nên được sử dụng trong các hoạt động ngoại khóa hoặc những trường hợp cần thiết, không nên được phép sử dụng trong giờ học chính thức.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 7 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 103
Học sinh cần được sử dụng điện thoại trong lớp ý kiến phản đối
Xác thực tài khoản!

Theo Nghị định 147/2024/ND-CP, bạn cần xác thực tài khoản trước khi sử dụng tính năng này. Chúng tôi sẽ gửi mã xác thực qua SMS hoặc Zalo tới số điện thoại mà bạn nhập dưới đây:

Số điện thoại chưa đúng định dạng!
Số điện thoại này đã được xác thực!
Bạn có thể dùng Sđt này đăng nhập tại đây!
Lỗi gửi SMS, liên hệ Admin
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Đóng
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm
    Chia sẻ
    Chia sẻ FacebookChia sẻ Twitter
    Đóng