Top 6 bài Giải thích câu tục ngữ Không thầy đố mày làm nên

Giải thích câu tục ngữ không thầy đố mày làm nên - Không thầy đố mày làm nên từ xưa đến nay luôn là câu tục ngữ nhắc nhở chúng ta phải biết ơn, kính trọng thầy cô giáo. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ dàn ý giải thích câu tục ngữ Không thầy đố mày làm nên kèm theo một số bài văn mẫu giải thích câu tục ngữ không thầy đố mày làm nên ngắn gọn, nghĩa đen và nghĩa bóng của câu tục ngữ không thầy đố mày làm nên... giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về ý nghĩa sâu xa của câu tục ngữ này.

1. Dàn ý Không thầy đố mày làm nên

I. Mở bài

Giới thiệu về câu tục ngữ và nêu khái quát ý nghĩa câu tục ngữ

- Truyền thống "Tôn sư trọng đạo" được nhân dân ta luôn đề cao. Người thầy đóng vai trò quan trọng trong công tác giáo dục.

- Câu tục ngữ "Không thầy đố mày làm nên" khẳng định vai trò to lớn của người thầy đối với sự nghiệp của người học trò, đồng thời cũng là lời nhắc nhở con cháu phải biết ơn, kính trọng thầy cô giáo.

II. Thân bài

1. Giải thích

- "Thầy" là gì?: Là người đã dạy dỗ, giáo dục cho chúng ta, thầy có thể là thầy giáo/ cô giáo, hay đơn giản là người chỉ bảo cho ta

- Thế nào là "làm nên"?: Là tạo dựng được sự nghiệp, tạo nên cơ đồ, có công danh và sự nghiệp lớn, nói đơn giản, đó chính là đạt được đến thành công, thu hái được hoa thơm trái ngọt

- Ý nghĩa câu tục ngữ: Nếu như không có người thầy định hướng đúng đắn, dạy dỗ và chỉ bảo cho ta từng bước đi thì ta sẽ không bao giờ có cơ hội đạt được tới thành công. Câu tục ngữ như một lời thách thức "đố mày" đồng thời cũng là lời răn dạy mang tính khẳng định vị trí, vai trò của người thầy đối với sự thành đạt của người học trò.

2. Vai trò của người thầy trong sự nghiệp của người trò?

- Thầy là người hướng dẫn, cung cấp kiến thức, mở mang trí óc cho ta, dạy cho ta những điều hay, điều phải. Lúc còn bé thơ, thầy dạy ta từng chữ cái, từng con số... Rồi dần dần lớn lên, thầy dạy ta những điều hiểu biết cao hơn, rộng hơn... để ta có được kiến thức như hôm nay. Thầy đã bỏ nhiều công sức, tâm huyết để rèn luyện, giáo dục ta nên người có tri thức, có đạo đức. Công ơn ấy có thể sánh ngang bằng với công ơn cha mẹ.

- Không có một người học trò nào thành đạt, có công danh sự nghiệp với đời mà không do người thầy dạy dỗ cả. Điều này khẳng định vai trò vô cùng to lớn của người thầy: "Không thầy đố mày làm nên".

- Ngày nay, người thầy đóng vai trò chủ đạo, trò là người chủ động. Do vậy, thầy là người cung cấp kiến thức, hướng dẫn thực hành còn tiếp thu kiến thức để áp dụng thực hành tốt hay không là do ở người học trò. Đây chính là tự thân vận động, là yếu tố quan trọng quyết định sự thành đạt của người học trò. "Thầy dạy tốt, trò học tốt" thì sự làm nên mới có giá trị cao, công danh sự nghiệp mới rạng rỡ. Vì vậy, những kiến thức, những hiểu biết mà ta có được chính là do công lao của người thầy bồi dưỡng vun đắp, nên ta phải biết ơn thầy, kính trọng thầy. Đây cũng là đạo lí làm người, là hành vi của người có nhân cách, đạo đức.

3. Trách nhiệm của mỗi người đối với thầy cô:

- Kính trọng và biết ơn thầy cô

- Không ngừng cố gắng học tập và rèn luyện

- Liên hệ vấn đề này trong xã hội hiện nay và đối với bản thân em

III. Kết bài

- Câu tục ngữ là lời giáo dục sâu sắc về việc rèn luyện nhân cách, đạo đức cho thế hệ trẻ.

- Biết ơn thầy, yêu kính thầy là nghĩa vụ, bổn phận thiêng liêng của những ai đã trải qua cuộc đời làm người học trò. Đó là tình cảm không thể thiếu được ở mỗi chúng ta..

2. Giải thích câu tục ngữ không thầy đố mày làm nên

J.A. Comenxki đã từng khẳng định: “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Từ đó chúng ta thấy được tầm quan trọng của người giáo viên. Cũng cùng quan điểm đó, ông cha ta cũng đã gửi gắm lời khuyên răn qua câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên”.

Đầu tiên, “thầy” ý chỉ người giáo viên - họ là những người có công dạy dỗ, giáo dục mỗi người. Còn “làm nên” là đạt được thành công hoặc trở thành những người có ích cho xã hội. Từ “không” với ý phủ định, nhưng thực chất lại nhằm khẳng định tầm quan trọng của thầy, cô giáo đối với mỗi người. Như vậy, “Không thầy đố mày làm nên” khẳng định được tầm quan trọng của người giáo viên đối với con người.

Thầy cô không chỉ dạy kiến thức, mà còn có vai trò định hướng, giáo dục nhân cách. Từ khi mới bước vào lớp một, thầy cô đã cầm tay uốn nắn từng nét chữ, dạy chúng ta đọc chữ, tính toán. Đến khi lớn hơn, thầy cô lại giúp chúng ta hiểu được những kiến thức, rèn luyện đạo đức hay định hướng về nghề nghiệp. Không chỉ vậy, thầy cô cũng trở thành một người bạn khi sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và đưa ra lời khuyên cho học trò…

Trải qua bao thế hệ, dân tộc Việt Nam vẫn giữ gìn được truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Từ xa xưa, thầy đồ (cách gọi người dạy chữ cho trẻ) luôn được yêu mến, kính trọng. Ở hiện tại, chúng ta có ngày 20 tháng 11 - ngày Nhà giáo Việt Nam để tôn vinh, tri ân các thầy cô giáo. Họ giống như những người lái đò thầm lặng, cần mẫn đưa chuyến đò của mình qua sông. Vào những ngày, học sinh và phụ huynh lại gửi đến thầy cô lời cảm ơn hay những bó hoa, món quà để bày tỏ lòng biết ơn chân thành.

Qua câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên”, mỗi người nhận ra được tầm quan trọng của thầy, cô giáo. Chúng ta cần dành cho họ sự tôn trọng, yêu mến vì những điều tốt đẹp mà họ mang lại.

3. Sơ đồ tư duy giải thích câu tục ngữ Không thầy đố mày làm nên

Sơ đồ tư duy giải thích câu tục ngữ Không thầy đố mày làm nên

4. Giải thích câu: Không thầy đố mày làm nên

Dân tộc ta ngay từ xa xưa đã có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Đây là nét đẹp đạo lý của dân tộc, bởi người thầy có vai trò to lớn trong việc dạy dỗ, dìu dắt chúng ta nên người. Để khẳng định vai trò người thầy, nhân dân ta có câu: “Không thầy đố mày làm nên”, câu tục ngữ như một lời khẳng định về vị trí, tầm quan trọng của người thầy trong cuộc đời mỗi người, đồng thời nhắc nhở chúng ta phải biết ơn và báo đáp công ơn thầy cô.

Câu tục ngữ thật giản dị, ngắn gọn, mọi ý nghĩa đã được thể hiện rõ trên bề mặt câu chữ. “Làm nên” tức là tạo được sự thành công, làm nên sự nghiệp lớn. Như vậy, nếu không có thầy dìu dắt, chỉ dạy ta từ những bước đi đầu đời thì ta không thể đạt được thành công. Câu tục ngữ là lời khẳng định chắc nịnh cùng với hình thức câu như đang thách thức “đố mày” một lần nữa nhấn mạnh vai trò to lớn của người thầy với mỗi người. Vậy tại sao người thầy lại có vai trò lớn lao đến vậy?

Nếu gia đình dạy ta những bài học đầu tiền về đạo đức như kính trọng, lễ phép với người trên thì thầy là người đầu tiên trao truyền cho ta tri thức của nhân loại. Thầy dạy chúng ta biết con chữ, con số, thầy dạy chúng ta về lịch sử, địa lý,… Từ ngày đầu tiên đi học với những kiến thức đơn giản đến phức tạp đều do thầy nhọc công dạy dỗ. Thầy là người đã trao cho ta tri thức nền, tri thức cơ sở để sau khi tốt nghiệp chúng ta có thể vận dụng vào đời sống, để nuôi chính bản thân và giúp ích cho xã hội.

Không chỉ dạy kiến thức, thầy còn là người dạy ta những bài học đạo đức, bài học làm người để ta trở thành con người cử xử đúng mực, có văn hóa. Bồi đắp cho ta những tình cảm cao quý như tình thầy trò, lòng yêu quê hương đất nước, sự trung thực, lòng dũng cảm,… Nhờ có thầy mà bản thân mỗi người ngày một trưởng thành hơn, tốt hơn.

Thầy còn là người vun đắp những ước mơ, luôn bên cạnh ta cổ vũ động viên để biến ước mơ của ta thành hiện thực. Stephen Hawking nhà thiên tài vật lý và thiên văn với chỉ số IQ 160, ông có niềm yêu thích khoa học và vũ trụ, cùng với lời động viên, tiếp thêm sức mạnh của thầy, ông đã trở thành một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất về lý thuyết vũ trụ hố đen.

Ta có thể thầy rằng, trong cuộc đời này chúng ta có thể trở thành một viên ngọc tỏa rạng ánh sáng được hay không chính là nhờ một phần công ơn dạy dỗ, chỉ bảo của các thầy cô. Cũng chính bởi vậy chúng ta phải ghi nhớ công ơn người đã dạy mình nên người. Luôn kính trọng thầy cô, đền đáp công ơn thầy cô. Đền đáp lớn nhất chính là bản thân mỗi người phải có ý thức học tập, nghiềm ngẫm những điều thầy cô dạy, vận dụng chúng vào thực tiễn để trở thành một người thành đạt trong cuộc sống. Thành đạt của học sinh chính là món quà ý nghĩa nhất, quý giá nhất dâng tặng các thầy cô.

Bên cạnh những bạn đã có ý thức học tập chuyên cần, lễ phép với thầy cô giáo vẫn còn nhiều bạn chểnh mảnh học tập, thậm chí có thái độ vô lễ. Đây là những hành động đáng lên án, bởi người đã dạy chúng ta nên người, cho ta tri thức mà ta không biết tôn trọng, đền đáp công ơn thì tất yếu sẽ bị mọi người ghét bỏ và khó có thể thành công trong cuộc sống.

Câu tục ngữ ngắn gọn, súc tích nhưng có giá trị thật lâu bền. Không chỉ khẳng định vai trò của người thầy đối với mỗi thế hệ học sinh mà đó còn như một lời nhắc nhở mỗi chúng ta phải biết kính trọng, đền đáp công ơn thầy cô.

5. Giải thích câu: Không thầy đố mày làm nên ngắn gọn

Từ ngàn xưa, ông cha ta vốn có truyền thống "tôn sư trọng đạo". Theo quan niệm "Quân, sư, phụ" thì người thầy luôn giữ một vị trí rất quan trọng trong xã hội, nhất là đối với sự nghiệp của người học trò. Bởi lẽ đó tục ngữ mới có câu: "Không thầy đố mày làm nên". Câu tục ngữ nhằm khẳng định vai trò của người thầy trong công tác giáo dục và nhắc nhở con cháu phải biết ơn, biết kính trọng thầy.

Ngày nay, với một thời đại mới mà khoa học kĩ thuật và nhu cầu vật chất của con người, của xã hội đang phát triển mạnh thì ta cần hiểu lời dạy trên như thế nào cho đúng?

Câu tục ngữ giản dị nhưng ta cũng nên hiểu cho chính xác ý nghĩa của nó. "Làm nên" ở đây có nghĩa là có được sự nghiệp, thành đạt công danh. Như vậy, nếu không có người thầy thì người trò không thể nào thành đạt được. Câu tục ngữ như một lời thách thức "đố mày", đồng thời cũng là lời răn dạy mang tính khẳng định vị trí, vai trò của người thầy trong sự thành đạt, làm được việc của người trò.

Thật vậy, thầy là người cung cấp kiến thức, hướng dẫn mở mang trí óc cho ta biết để ta biết được những điều hay, điều lạ. Lúc còn bé thơ, khi lần đầu tiên đến trường, thầy là người cầm tay ta nén nót từng chữ cái, đánh vần từng con số rồi dạy cho ta đọc vần, đọc chữ... dần dần ta mới có được những kiến thức, những hiểu biết cao hơn, rộng hơn như ngày hôm nay. Công ơn ấy có thể sánh với công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ; bởi cha mẹ có công sinh ta ra và nuôi dưỡng ta khôn lớn còn người thầy có công "khai hóa" trí não ta, dẫn dắt ta đến một tương lai tươi sáng.

Trước kia, theo lối học khoa bảng, người học trò hoàn toàn phụ thuộc vào một người thầy. Thầy dạy gì, trò học nấy. Người thầy là người quyết định tài năng và sự thành đạt của người trò. Vì vậy mới có Nguyễn Dữ học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Sư Mạnh học trò của thầy Chu Văn An.... đã làm rạng danh cho người thầy. Cho nên ông cha ta dạy: "Không thầy đố mày làm nên" là không sai.

Ngày nay, để phù hợp với thời đại tiến bộ của khoa học, việc học tập có nhiều thay đổi. Người học trò học nhiều môn học và được nhiều thầy giảng dạy, hướng dẫn hơn. Giờ đây, người thầy đóng vai trò chủ đạo, nghĩa là chỉ truyền đạt kiến thức, hướng dẫn cho người học trò học tập nghiên cứu. Và kiến thức ấy có được tiếp thu, và áp dụng thực hành tốt hay không là ở vai trò của người học trò. Như vậy, người trò trở thành người chủ động. Hay nói cách khác, người học trò phải tự thân vận động và đây mới là yếu tố quan trọng quyết định sự thành đạt của người học trò. Vì lẽ đó, cho nên người học trò phải biết chắt lọc, sáng tạo những kiến thức, những hiểu biết mà ta có được chính là do công lao của người thầy bồi dưỡng vun đắp nên. Và những kiến thức ấy là những viên gạch tiếp nối, tiếp nối xây nên những nấc thang để ta vững bước đi lên trên đường đời. Hiểu được điều này, ta càng thấm thía câu tục ngữ "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" mà ông cha ta đã từng nhắc nhở bao đời nay. Vì vậy, bổn phận của người học trò là phải biết ơn thầy cô giáo. Đó là đạo lý làm người, là hành vi của người có nhân cách. Đây cũng là nền tảng để xây dựng một xã hội văn minh tốt đẹp.

Thế nhưng hiện nay, trong xã hội ta còn biết bao kẻ "ăn cháo đá bát". Họ đã quên công ơn của thầy cô giáo, những người đã từng dạy dỗ, rèn luyện họ nên người. Những hạng người ấy đáng để cho người đời chê trách và phê phán. Thậm chí còn có những kẻ đối xử tệ bạc với thầy cô như chửi mắng, hành hung làm xúc phạm đến danh dự, đến nghề nghiệp của thầy cô giáo. Phải chăng đây là hành động biết ơn của những hạng người vô liêm sỉ?

Ngày nay, người thầy cũng được hiểu theo nghĩa rộng hơn - những người "dạy nghề". Bởi lẽ đâu nhất thiết sự thành đạt "làm nên" của người học trò đều phải là "mảnh bằng" là "học vị", mà mỗi người học sinh phải tự hướng đời mình, tương lai mình bằng một nghề nghiệp thích hợp và ổn định. Và nghề nghiệp đó cũng cần phải có người hướng dẫn, chỉ dạy mới làm nên được. Như vậy, dù ở lĩnh vực nào vai trò và vị trí của người thầy vẫn còn quan trọng trong việc dìu dắt hướng dẫn người học trò đi đến kết quả tốt đẹp. Và kết quả ấy có rực rỡ vinh quang hay không là do bản thân nỗ lực của người học trò. Bên cạnh đó, gia đình, bạn bè, sách vở và xã hội cũng là những yếu tố không kém quan trọng để góp phần vào việc "làm nên" ấy.

Biết ơn thầy, yêu kính thầy là nghĩa vụ thiêng liêng của những ai đã trải qua cuộc đời làm người học trò. Đó là tình cảm không thể thiếu được ở mỗi người chúng ta. "Không thầy đố mày làm nên" mãi mãi là lời nhắc nhở, giáo dục sâu sắc về việc rèn luyện nhân cách đạo đức cho thế hệ trẻ hiện nay.

6. Giải thích câu Không thầy đố mày làm nên chi tiết

Trong cuộc sống đạo lý tôn sư trọng đạo luôn luôn được đề cao bởi lẽ như vậy là do người thầy người cô có công lao rất lớn đối với mỗi chúng ta, họ dạy chúng ta những bài học hay về kiến thức cũng như những kĩ năng làm người tốt, và có ích cho xã hội, chính vì vậy dân gian mới có câu: Không thầy đố mày làm nên.

Ở câu tục ngữ không thầy đố mày làm nên mang nghĩa đen là nói về không có người thầy thì không thể nên người được, qua đó ý nghĩa sâu rộng của câu nói này muốn nói về sự tôn sư trọng đạo và lòng biết ơn đối với người thầy của mình. Thầy đã dạy dỗ chúng ta trong những trang giấy rồi dạy chúng ta là một người có ích cho xã hội, mỗi người chúng ta luôn luôn phải ghi nhớ công ơn của người thầy. Câu tục ngữ trên đã xuất hiện từ xưa đến nay bởi lẽ hình ảnh của người thầy luôn vang vọng và mang một ý nghĩa sâu rộng tới mỗi người, mỗi chúng ta luôn luôn phải ghi nhớ công ơn đó, bởi không có người thầy dạy cho chúng ta những bài học hay thì chúng ta không thể trở thành những người có ích cho xã hội được.

Mỗi người chúng ta luôn luôn phải ý thức được trách nhiệm của mình đối với người thầy, nó mang một ý nghĩa riêng và điều đó đã tác động rất lớn đến mỗi con người, mỗi chúng ta đều có thể thấy vai trò của người thầy từ xưa đến nay, từ những bước chân lững chững tới trường chúng ta đã học được những bài học từ thầy cô, từ bài học làm quen với các con chữ đến những hình ảnh quen thuộc trong phép toán từ hình tròn hình vuông..., lên cao chúng ta được học phép cộng trừ nhân chia, thường thì để dễ hiểu cô đã lấy ví dụ rất linh hoạt về những thứ mà học trò có thể tưởng tượng, những bài học đó đã thấm vào trí óc của mỗi chúng ta, nếu không có thầy cô dạy dỗ chỉ bảo liệu rằng chúng ta có biết được những điều đó hay không.

Câu tục ngữ trên đã được trải nghiệm trong cuộc sống của chúng ta và nó hoàn toàn đúng, nó không chỉ mang lại cho chúng ta những bài học đường đời mà còn dạy dỗ chúng ta những bài học làm người sâu sắc, nhiều câu tục ngữ khác cũng nói về vị trí của người thầy trong mỗi chúng ta "muốn sang thì bắc cầu kiều muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy", hàng loạt những câu tục ngữ hay nói về vai trò của người thầy, mỗi chúng ta luôn luôn phải biết ơn và có những sự thành kính sâu sắc đối với người thầy đã từng dạy dỗ chúng ta nên người, nhờ sự dạy dỗ đó mà chúng ta mới có thể trở thành những người có ích cho xã hội này.

Nhiều bài học đã mang lại những giá trị lớn lao cho chúng ta, từ những bài học từ sách vở thầy cô còn dạy dỗ cả những kiến thức từ thực tế, và đạo lý làm người, chúng ta không chỉ học được những bài học từ sách vở mà còn được học đạo lý làm người đó là một điều mang ý nghĩa lớn lao đối với mỗi chúng ta, nên làm những điều đó để cuộc sống của chúng ta trở nên tốt hơn, người thầy luôn chèo lái con đò trở nặng tri thức cho chúng ta, muốn phát triển hơn chúng ta cần phải yêu quý và có những sự biết ơn sâu sắc. Chúng ta bắt gặp trong cuộc sống này rất nhiều những trường hợp và điều đó đã mang lại cho họ nhiều giá trị cho cuộc sống này, cuộc sống trải qua muôn vàn những khó khăn, chính vì vậy nếu chúng ta biết tôn trọng những thành quả mà thầy đã dạy dỗ chúng ta sẽ trở thành những con người thực sự có ích cho xã hội này.

Nhiều thế hệ học sinh khi ra trường họ vẫn nhớ công ơn mà người thầy người cô đã từng dạy dỗ, để tri ân điều đó những ngày lễ tri ân ngày nhà giáo Việt Nam, họ đến thăm hỏi và quan tâm tới thầy cô đã từng dạy họ những điều hay, để đến ngày hôm nay họ thực sự trở thành một con người có ích cho xã hội, điều đó không chỉ làm cho họ tự hào về chính mình mà còn thực hiện và phát huy được truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, mỗi chúng ta đều phải noi gương điều đó. Ngoài những con người biết quý trọng và thành kính với người thầy đã từng dạy dỗ thì lại xuất hiện những con người không biết quý trọng điều đó, khi dạy dỗ xong họ coi thầy cô không ra gì đó là những con người làm tụt lùi xã hội này. Để khắc phục điều đó chúng ta luôn luôn phải rèn luyện bản thân để mình có thể trở thành một con người có ích cho xã hội, chính những điều đó làm cho chúng ta ý thức được trách nhiệm của mình.

Câu tục ngữ trên có ý nghĩa sâu sắc đối với chúng ta, đó là những bài học quý báu được chúng ta phát huy và lưu truyền một cách mạnh mẽ, để có được những điều đó chúng ta cần tôn trọng và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 7 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
7 14.758
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo