Công văn 2955/CSĐT năm 2016 giải quyết các vụ về ma túy

Công văn 2955/CSĐT năm 2016 giải quyết các vụ về ma túy

Công văn 2955/CSĐT(C44) năm 2016 giải quyết các vụ về ma túy do Cơ quan Cảnh sát điều tra ban hành ngày 29/8/2016. Theo đó, Công văn nêu rõ các thủ tục về giải quyết các vụ ma túy và đồng thời xử lý nghiêm các vụ ma túy theo đúng luật nhằm nỗ lực ngăn chặn tệ nạn ma túy lây lan trên trên toàn lãnh thổ.

Quyết định 272/QĐ-TTg về ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ Luật hình sự

Nghị quyết 144/2016/QH13 lùi hiệu lực thi hành Bộ luật Hình sự, Luật tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015

Công văn 276/TANDTC-PC về áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015

BỘ CÔNG AN
CƠ QUAN CẢNH SÁT
ĐIỀU TRA
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 2955/CSĐT(C44)
V/v giải quyết các vụ án về ma túy
Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 2016

Kính gửi: Đồng chí Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Hiện nay, tình hình tội phạm về ma túy vẫn diễn biến phức tạp với mức độ nguy hiểm và tính chất ngày càng đặc biệt nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý được nhiều vụ án ma túy lớn góp phần đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các cấp đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc trưng cầu giám định trọng lượng các chất ma túy. Trong đó, một phần nguyên nhân xuất phát từ nội dung yêu cầu trong Quyết định trưng cầu giám định của Cơ quan Cảnh sát điều tra chưa cụ thể, rõ ràng để các cơ quan có thẩm quyền giám định ra kết luận giám định đúng với những nội dung cần thiết theo quy định của pháp luật làm căn cứ xử lý vụ án nên đã dẫn đến tình trạng Tòa án hủy án, trả hồ sơ điều tra bổ sung, điều tra lại hoặc Tòa án trực tiếp yêu cầu giám định để xác định trọng lượng chất ma túy.

Để giải quyết các vụ án về ma túy đạt hiệu quả, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, không để lọt tội phạm cũng như không làm oan người không có tội; sau khi thống nhất với Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Công văn số 3320/VKSTC-V4 ngày 19/8/2016 do đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC ký), Tòa án nhân dân tối cao (căn cứ điểm 4 Mục 2 Văn bản số 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2016 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề về hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, tố tụng dân sự và bút phê ý kiến trao đổi ngày 18/8/2016 của đồng chí Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TANDTC), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quán triệt, chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các cấp nghiêm túc thực hiện các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của liên ngành hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII "Các tội phạm về ma túy" của Bộ luật Hình sự năm 1999 và Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP trong giải quyết các vụ án về ma túy như sau:

1. Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP sửa đổi, bổ sung tiết 1.4 mục 1 Phần I Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP, quy định: "1.4. Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại và trọng lượng chất ma túy, tiền chất thu giữ được.".

Vì vậy, đối với những trường hợp không bắt buộc phải trưng cầu giám định để xác định hàm lượng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các cấp khi ra Quyết định trưng cầu giám định đối với các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy đã thu giữ được thì nội dung yêu cầu giám định cần ghi rõ: "Mẫu gửi giám định có phải là chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy không? Loại chất ma túy, tiền chất gì? Trọng lượng (khối lượng) của mẫu gửi giám định là bao nhiêu?".

Đối với cơ quan giám định, trong kết luận giám định phải xác định rõ về chất ma túy để phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự; Ví dụ như chất Hêrôin, chất Côcain... Không được kết luận "là chế phẩm Hêrôin" hoặc "có thành phần Hêrôin".

2. Chỉ bắt buộc phải trưng cầu giám định hàm lượng để xác định trọng lượng chất ma túy nêu tại khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP sửa đổi, bổ sung tiết 1.4 mục I Phần I Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP trong các trường hợp sau:

"a, Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch;

b, Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng;

c, Xái thuốc phiện;

d, Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần;"

Với các trường hợp trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các cấp khi ra Quyết định trưng cầu giám định thì nội dung yêu cầu giám định cần ghi rõ:

2.1. Đối với các mẫu gửi giám định ở thể rắn (là thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần...): "Mẫu gửi giám định (chất bột, viên nén...) có chứa chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy không? Loại chất ma túy, tiền chất gì? Hàm lượng chất ma túy, tiền chất? Trọng lượng (khối lượng) chất ma túy, tiền chất là bao nhiêu?".

2.2. Đối với các mẫu gửi giám định ở thể lỏng: "Mẫu gửi giám định (dung dịch, chất lỏng...) có chứa chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy không? Loại chất ma túy, tiền chất gì? Hàm lượng chất ma túy, tiền chất? Thể tích (trọng lượng, khối lượng) chất ma túy, tiền chất là bao nhiêu?".

Trong kết luận giám định của cơ quan giám định cũng phải nêu cụ thể chất ma túy, tiền chất được giám định theo đúng tên gọi để phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự.

3. Về việc trích mẫu các chất nghi là chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy để gửi đi giám định

3.1. Đối với các vụ án khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy với số lượng lớn, Cơ quan Cảnh sát điều tra mời cơ quan giám định phối hợp trích mẫu giám định theo quy trình để giám định thì cơ quan giám định chịu trách nhiệm trả lời về trọng lượng (khối lượng) của chất ma túy, tiền chất trong mẫu gửi giám định và tổng trọng lượng (khối lượng) của chất ma túy, tiền chất thu giữ được. Việc niêm phong, mở niêm phong phải thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện việc này.

3.2. Đối với các trường hợp Cơ quan Cảnh sát điều tra gửi toàn bộ chất nghi là chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thu giữ được, yêu cầu Cơ quan giám định trả lời kết luận giám định thì Cơ quan giám định chịu trách nhiệm trả lời về tổng trọng lượng (khối lượng) của chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thu giữ được.

3.3. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các cấp không tự trích mẫu để gửi giám định, rồi tự căn cứ vào kết luận giám định về phần mẫu gửi đi giám định để xác định tổng trọng lượng (khối lượng) chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy đã thu giữ được. Vì Tòa án sẽ không công nhận cách tính của Cơ quan Cảnh sát điều tra khi tổng trọng lượng (khối lượng) này không được trả lời trong kết luận giám định.

Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị báo cáo về Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (qua C47, C44) để tiếp tục hướng dẫn./.

Nơi nhận: THỦ TRƯỞNG
  • Như trên;
  • Đ/c Tô Lâm, Bộ trưởng BCA (để báo cáo);
  • Đ/c Lê Quý Vương, Thứ trưởng BCA (để báo cáo);
  • Đ/c Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC (để báo cáo);
  • Đ/c Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TANDTC (để báo cáo);
  • Các đ/c PTCT (để biết và phối hợp chỉ đạo);
  • Vụ 4 VKSNDTC, Vụ 1 TANDTC (để phối hợp);
  • V11, V19, A92 (để phối hợp);
  • C44, C45, C46, C47, C54 (để thực hiện);
  • Lưu: VT, C44-P2.
Trung tướng Phan Văn Vĩnh
Đánh giá bài viết
1 193
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi