Top 10 Tả cái trống trường em hay mẫu mới 2024
Cái trống trường không chỉ là vật rất đỗi quen thuộc mà còn gắn liền với bao kỉ niệm đáng nhớ tuổi học trò. Sau đây, HoaTieu.vn xin gửi đến các em học sinh Top 10 bài tả cái trống trường em hay và ý nghĩa để các em tự viết cho mình một bài văn miêu tả đồ vật đạt điểm cao nhé.
Đề bài: Viết một đoạn văn tả cái trống trường em.
Tập làm văn lớp 4: Tả cái trống trường em
- Dàn ý tả cái trống trường em
- 1. Tả cái trống trường em số 1
- 2. Tả cái trống trường em số 2
- 3. Tả về cái trống trường em số 3
- 4. Văn tả cái trống trường em ngắn gọn số 4
- 5. Bài văn tả cái trống trường em số 5
- 6. Tả chiếc trống trường em số 6
- 7. Tả cái trống số 7
- 8. Tả trống trường số 8
- 9. Tả cái trống trường em số 9
- 10. Tả cái trống trường em số 10
Dàn ý tả cái trống trường em
a) Mở bài
- Giới thiệu về cái trống em muốn tả.
b) Thân bài
- Tả hình dáng của cái trống: Hình tròn, to ở giữa, khum lại 2 đầu, được ghép bằng gỗ...
- Tả âm thanh của tiếng trống.
- Công dụng của cái trống: báo ngày em tựu trường, đến trường đúng giờ, âm thanh cho các em tập thể dục, báo hiệu giờ em được nghỉ.
c) Kết bài
- Tình cảm của em đối với cái trống. Trống là vật gần gũi thân quen với học sinh nói chung, với em nói riêng.
- Lên học các lớp trên, em vẫn không bao giờ quên được hình dáng đặc biệt, không bao giờ quên được những âm thanh của nó.
1. Tả cái trống trường em số 1
Tháng năm đã đến, những hàng cây phượng nở đỏ rực góc sân trường dưới cái nắng chói chang của mùa hè cũng là lúc báo hiệu năm học mới sắp kết thúc. Chúng em sắp phải tạm xa mái trường thân yêu, xa thầy cô, bạn bè để về nghỉ hè hai tháng. Em sẽ rất nhớ chiếc bảng đen, chiếc cửa sổ, viên phấn trắng và cả chỗ ngồi thân quen. Đặc biệt điều mà làm em nhớ nhất lại chính là tiếng trống trường.
Cái trống trường em được đặt ở hành lang khu hiệu bộ. Cái trống to lắm ,phải mấy người ôm mới hết được. Thân trống được làm bằng lớp gỗ chắc chắn, sơn màu đỏ tươi trông thật đẹp mắt. Thân trống phình to ở giữa nhìn béo béo ngộ nghĩnh lắm. Mỗi lần nhìn vào chiếc trống em lại tưởng tượng đến một anh to béo, lực lưỡng.
Hai bên bề mặt trống có hình tròn, nhẵn lì và được làm bằng lớp da trâu rất khỏe. Bởi vậy đã bao năm nay dù gõ mạnh thế nào cũng không thể chọc thủng được. Bên trong chiếc trống rỗng không có gì cả. Chính khoảng không gian trống rỗng bên trong đã giúp tiếng trống kêu thật to mỗi ngày, để các lớp học trên tầng hai tầng ba cũng có thể nghe được.
Trống được đặt trên giá làm bằng gỗ xà cừ chắc chắn và vững chãi.Cái trống cũng như một chiếc đồng hồ. Mỗi sáng tới trường chúng em lại được nghe tiếng trống rộn rã, vui tươi báo hiệu bắt đầu một buổi học mới. Tiếng trống cất lên cũng báo hiệu giờ ra chơi đã đến. Rồi mỗi khi tan trường trống cũng lại vang lên liên hồi đều báo hiệu cho tất cả mọi người biết đã hết giờ.
Có lúc em thầm nghĩ, không biết bác trống có mệt mỏi không nhỉ? Ngày nào bác cũng làm việc nhiều lắm mà. Rồi hè đến, tất cả thầy cô và học sinh ở nhà, bác trống có buồn không? Em yêu và thích nghe tiếng trống nhất là phút giây khai trường. Thầy hiệu trưởng lên đánh những tiếng trống đầu tiên của năm học mới hòa cùng tiếng thơ: “Các em ơi trống trường đã điểm, một năm học mới nhiều niềm vui bắt đầu…”. Những khi ấy lòng em lại rạo rực háo hức vô cùng, háo hức chào đón năm học mới với thật nhiều điều thú vị.
Vậy đấy, với mọi người có thể tiếng trống thật bình thường, thật vô tri vô giác. Nhưng đối với em lại thật thân thương đến lạ kỳ. Em yêu trống trường em. Mong sao mùa hè này qua nhanh để em lại được tới trường lắng nghe tiếng trống rộn rã.
2. Tả cái trống trường em số 2
"Tùng... tùng... tùng" âm thanh rộn rã của tiếng trống phát ra từ đâu đó đã gợi em nhớ đến hình ảnh của cái trống trường em. Cái trống được đặt trên cái giá gỗ vững chắc, bên hành lang của văn phòng nhà trường.
Đó là một chiếc trống lớn, to gần bằng chiếc lu đựng nước, sơn màu đỏ thắm. Hai mặt trống được làm bằng da trâu, dày và nhẵn bóng, căng rất phẳng phiu. Viền xung quanh mặt trống là một hàng chốt bằng đinh rất chắc chắn. Tang trống là những thanh gỗ mỏng cong, ghép khít và dính chặt với nhau bằng một lớp keo rắn chắc. Ngang lưng trống có thắt hai cái đai bằng mây bện, có quang dầu cẩn thận, trông rất oai vệ. Cây dùi dài cỡ bốn tấc, hình tròn, bằng gỗ được đặt ở bên cạnh trống.
Tiếng trống thật oai nghiêm. Nó có sức mạnh thúc giục chúng em nhanh chân đến lớp. Giờ ra chơi, tiếng trống như rộn rã reo vui, nó mời gọi chúng em ra sân nô đùa thỏa thích, nó như nhắc nhở chúng em tham gia tập thể dục nhịp nhàng. Đến giờ tan học, tiếng trống ngân vang một điệu khác, giòn hơn, hấp dẫn hơn. Mỗi khi nghe tiếng trống, ai nấy đểu trở nên nghiêm trang.
Tiếng trống ấy có lúc như âm vang tiếng trống trận oai hùng của cha ông thuở nào, có lúc lại tưng bừng, rộn rã như tiếng trống hội mùa, giỗ tổ nơi làng quê. Tiếng trống như nhắc nhở thầy trò dạy tốt, học tốt. Theo tiếng trống ấy, chúng em bước vào năm học mới. Theo tiếng trống ấy, chúng em bước vào mùa hè vui chơi thoải mái. Suốt những năm học, bác trống luôn là người bạn thân thiết của chúng em.
Hè đã đến, xin tạm chia tay với bác trống thân yêu. Mấy tháng hè, chắc bác rất buồn bã vì phải nằm im trên giá, ngắm nhìn sân trường vắng lặng với những xác phượng đỏ rơi trên thảm cỏ xanh. Khi còn đang học thì chỉ mong hè đến, nhưng hè tới, mới nghỉ vài ba bữa, chúng em lại mong chóng đến ngày được gặp bác trống, nghe cái giọng trầm ấm quen thuộc của bác và gặp lại đông đủ thầy cô, bạn bè vui biết bao nhiêu.
3. Tả về cái trống trường em số 3
Từ năm học lớp một đến nay, không ai trong chúng tôi lại không biết rõ về cái trống trường.
Anh chàng trống này thân tròn như cái chum, lúc nào cũng trên một cái giá giỗ kê ở trước phòng bảo vệ. Mình anh ta được ghép bằng những mảnh gỗ đều chằn chặn, nở ở giữa, khum nhỏ lại ở hai đầu. Quanh lưng quấn hai vành đai to bằng con rắn cạp nong, nom rất hùng dũng. Hai đầu trống buộc kín bằng da trâu thuộc kĩ, căng rất phẳng.
Sáng sáng đi học tới gần trường, nghe thấy tiếng trống ồm ồm giục giã "Tùng! Tùng! Tùng!" là chúng tôi rảo bước cho kịp giờ học. Vào những lúc tập thể dục, anh trống lại "cầm càng" cho chúng tôi theo nhịp "Cắc, tùng! Cắc, tùng! " đều đặn. Khi anh ta "xả hơi " một hồi dài là lúc chúng tôi cũng được "xả hơi" sau buổi học.
Có thể sau này tôi sẽ rời xa mái trường này để lên học ở một ngôi trường to lớn hơn với tiếng chuông báo giờ hiện đại hơn. Nhưng dù vậy, tôi sẽ không bao giờ quên hình dáng cục mịch và âm thanh rộn rã của cái trống trường cùng bao kỉ niệm ấu thơ.
4. Văn tả cái trống trường em ngắn gọn số 4
Trường là nơi cho học sinh học tập kiến thức và học cách làm người có ích cho xã hội, mỗi ngày đến trường là một niềm vui. Sau những giờ học tập vất vả, chúng em lại được giải lao, cứ đến giờ là tiếng trống trường em cất lên báo hiệu giờ giải lao đã đến. Vì vậy em rất quý cái trống trường em.
Cái trống trường được đặt ở trước cửa lớp em vì lớp em là lớp đầu tiên. Mỗi khi đi vào lớp là em phải đi qua cái trống nên em có rất nhiều ấn tượng, nó đã tạo ra cho em biết bao nhiêu kỉ niệm vui buồn cũng như gắn liền với thời tuổi học trò của em. Mặt của trống là hình tròn. Trống với vỏ hình trụ được mở ở một đầu. Trống được dùng da phủ trên một mặt kín. Trống có hai đầu bao gồm cả hai đầu của một vỏ hình trụ, với một lỗ nhỏ nằm giữa hai đầu.
Chiều cao của trống bằng cậu học sinh lớp em, thân hình của nó thon thon, tròn tròn. Chân của trống được thiết kế chắc chắn để đặt trống lên. Mỗi khi vào lớp là bác bảo vệ lại gõ: "tùng, tùng, tùng", rồi đến những giờ giải lao chúng em lại nghe thấy tiếng trống. Khi gõ vào mặt trống nó vang lên và độ đàn hồi của trống rất tốt nó có thể vang vọng đến toàn trường.
Bề mặt của trống được làm bằng da trâu chắc chắn, quanh miệng trống được quấn một băng dính màu đỏ. Cái gõ trống thì được thiết kế một đầu nhọn hơn để gõ vào mặt trống, hình dạng của trống như một hình khối cầu, tròn tròn và màu sắc thì rất lung linh. Trống được sơn màu đỏ thắm. Hai mặt trống được làm bằng da trâu, dày và nhẵn bóng, căng rất phẳng phiu. Viền xung quanh mặt trống là một hàng chốt đinh rất chắc chắn.
Tang trống là những thanh gỗ mỏng cong, ghép khít và dính chặt với nhau bằng một lớp keo rắn chắc. Ngang lưng trống có thắt hai cái đai bằng mây bện, có quang dầu cẩn thận, trông rất oai vệ. Cây dùi dài cỡ bốn tấc, hình tròn, bằng gỗ được đặt ở bên cạnh trống, chỉ khi nào sắp tới giờ là bác bảo vệ lại đi lên và cầm chiếc dùi đó gõ trống để báo hiệu cho học sinh và giáo viên .
Em rất yêu quý chiếc Trống trường em nó là người bạn gắn liền với em trong quãng đời tuổi thơ và cắp sách tới trường.
5. Bài văn tả cái trống trường em số 5
Đến nay, trường Tiểu học Ngô Thế Vinh của chúng em đã bước vào tuổi 30. Trường sở ngày càng được xây dựng khang trang hơn. Riêng cái trống trường đã được thay đổi nhiều lần. Đầu năm học mới, trống trường đã được “tân trang”. Cô giáo Thu Hiền nói vui với chúng em: “Trống trường sau khi đi thẩm mỹ viện về, bảnh bao hơn, tiếng nó giòn giã hơn cụ Trống năm ngoái…”
Cái trống trường em khá to. Mặt trống hai đầu bưng bằng da bò thuộc màu vàng nhạt. Đường kính mặt trống em đo được ba gang tay mình. Giữa mặt trống có ba vòng tròn đỏ thẫm bằng cái đĩa. Có đánh vào cái vòng tâm ấy, trống mới kêu vang xa. Thân trông phình to, có lẽ hai chú học trò lớp 4 nối tay nhau ôm vừa xuể. Tang trông được liên kết bằng những thanh gỗ hai đầu hơi bé, ở giữa hơi to; được gắn bằng sơn ta vừa bền vừa chắc. Giữa bụng trống được thắt bằng ba vòng đai bằng song, bằng mây trông rất khỏe và ngộ nghĩnh. Cái thân trông năm ngoái bạc phếch thì năm nay thân trống được sơn màu ngà, trang nhã lắm. Có lần em hỏi thầy Bình dạy thể dục tại sao người ta không dùng đinh sắt mà lại dùng đinh tre để bưng trống. Thầy Bình giảng giải: “Đinh tre dãn nở hợp lí, lúc nào cũng giữ cho mặt trống phẳng và căng đều. Đinh sắt làm mòn da trống. Đinh tre bám chặt vào các lỗ khoan. Đó là kinh nghiệm lâu đời của những người thợ làm trông thủ công”.
6. Tả chiếc trống trường em số 6
Cái trống có mặt ở ngôi trường em học không biết đã bao năm rồi; bác bảo vệ của trường ít nhất cũng đã mười hai năm, thế mà trống vẫn còn tốt.
Trống cao gần bằng cậu học trò lớp bốn. Trống khum khum hình bầu dục hai đầu thon lại, thân to, ba học sinh nối tay nhau mới ôm đủ vòng quanh trống.
Hai bề mặt trống là hai lớp da trâu hoặc bò dày, nhẵn thín màu vàng ngà hơi cũ. Mặt trống nhìn tựa như bề mặt nồi tráng bánh cuốn của bà Hai cạnh nhà em. Bao quanh mặt trống là thanh gỗ dẹp mỏng, sơn viền đỏ vàng, được đóng đinh tre gắn liền với thân trống.
Thân trống được ghép bằng những mảnh gỗ chắc chắn, sơn màu đỏ thẳm, phình to ở giữa. Chỗ ấy được gọi là bụng trống. Bao quanh bụng là một vành đai do hai cây mây bện xoắn vào nhau lớn bằng ngón tay cái. Nhìn từ xa trống như được mang chiếc thắt lưng giản dị, dân dã.
Thường lệ, trước giờ vào học, bác bảo vệ cầm chiếc dùi trống bằng gỗ dài bằng cả cánh tay em để nện lên mặt trống. Lúc đầu bác đánh chậm, nhỏ, càng về sau nhịp tay bác càng nhanh, càng mạnh và dồn dập. Ấy là lúc trống run lên và tỏa vào không trung những âm thanh kì lạ: Tùng! Tùng! Tùng!
Trống trường chỉ vang lên vào những giờ phút đáng ghi nhớ: bước vào năm học, bắt đầu mỗi tiết học, giờ nghỉ học, giờ ra chơi, giờ ra về và lúc bế giảng. Những lúc đi học trễ, nghe trống trường dồn dập, em rảo bước nhanh hơn. Có khi đang bí bài, nghe trống báo hết tiết học, em mừng vui hể hả. Ngược lại, đôi khi đang chạy nhảy hả hê, trống lại báo hết giờ chơi, ai nấy đều tiếc rẻ. Một lần hè đến, nghe trống trường báo hiệu bế giảng năm học, lòng chúng em xao xuyến bâng khuâng, buồn vui lẫn lộn.
Trống trường thực sự là bạn đồng hành của đời học sinh chúng em. Mai đây, chúng em lớn lên, có thể đi bất cứ nơi nào trên Tổ quốc song mãi mãi tiếng trống trường vẫn bập bùng trong kỉ niệm.
7. Tả cái trống số 7
Sau những giờ học tập vất vả chúng em lại được giải lao, cứ đến giờ là tiếng trống trường em cất lên báo hiệu giờ giải lao đã đến. Vì vậy em quý cái trống trường em giống như một người bạn hiền.
Đó là chiếc trống to khoảng bằng cái lu lớn. Mặt của trống hình tròn. Trống được sơn màu đỏ thắm. Hai mặt trống được làm bằng da trâu, dày và nhẵn bóng, rất căng và phẳng. Viền xung quanh mặt trống là một hàng chốt đinh rất chắc chắn. Thân trống hình trụ, hai đầu trống được làm từ những thanh gỗ mỏng cong, ghép khít và dính chặt với nhau. Ngang lưng trống có thắt hai cái đai bằng mây bện, có quang dầu cẩn thận, trông rất oai vệ. Chân của trống được thiết kế chắc chắn để đặt trống lên. Cây dùi dài cỡ hai gang tay người lớn, hình tròn, bằng gỗ được đặt ở bên cạnh trống, chỉ khi nào sắp tới giờ là bác bảo vệ lại đi lên và cầm chiếc dùi đó gõ trống để báo hiệu cho học sinh và giáo viên nghỉ.
Vào đầu giờ học tiếng trống vang lên “tùng tùng tùng” như một âm thanh giục giã mọi người hãy nhanh chóng vào lớp để chuẩn bị cho một ngày học mới hiệu quả.
Vào cuối giờ trống vang lên một hồi dài “tùng tùng tùng … tùng” làm mọi người cảm thấy nhẹ nhõm sau một ngày học tập căng thẳng. Vào những ngày thi âm thanh tiếng trống nghe thật nghiêm trang và hồi hộp. Nhìn bác trống ít nói là thế nhưng luôn làm việc nghiêm túc và đúng giờ. Những khi rảnh rỗi, bác nằm nghỉ hoặc ngắm dòng thời gian trôi.
Cứ thế, bác trống gắn bó với nhà trường, thầy cô và các bạn học sinh. Bác chứng kiến bao kỉ niệm của tuổi học trò và những thành tích được trao dưới sân trường. Dù mai này rời xa mái trường, nhưng hình ảnh của bác trống trường vẫn in đậm trong tâm trí em.
8. Tả trống trường số 8
Suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường cấp 1, khi sắp phải rời xa nơi đây để bước sang một chặng đường mới. Em chợt thấy có nhiều cảm xúc với bác trống trường em nằm im lìm quanh năm ở một góc sân.
Có lẽ chiếc trống trường là hình ảnh quá quen thuộc đối với mỗi ngôi trường, với từng bạn học sinh. Chiếc trống trường là người bạn thân thiết, là “chiếc đồng hồ báo thức” đến giờ vào học, đến giờ ra chơi và đến giờ ra về. Tiếng trống trường không nói, nhưng em biết rằng nó luôn yêu quý từng thế hệ học sinh.
Trống trường được làm bằng gỗ, đóng đinh từng tấm ván mỏng lại với nhau nhưng bên trong thì rỗng tuếch. Vì bên trong rỗng thì tiếng kêu của nó mới kêu vang và xa hơn. Thường thì gỗ sẽ có màu nâu nhạt, trống trường thường đi liền với dùi trống. Đây là hai thứ bất di bất dịch, luôn gắn liền với nhau vì có dùi trống thì mới có thể cất lên thành tiếng được. Mặt trống được làm bằng da trâu rất mịn và chắc chắn. Khi sờ vào đó em thấy nó mềm và mịn, lúc dùi trống gõ vào thì mặt trống lõm xuống một chút và bật ra âm thanh lớn.
Chiếc trống trường rất to, phải hai bạn học sinh ôm mới xuể, vì nó phình ở bụng, còn hai đầu lại thu nhỏ lại. Tiếng kêu của mặt trống em nhẹ hơn khi gõ vào xung quanh trống. Chiếc trống trường nằm trên một cái kệ và được bác bảo vệ đặt ở một góc sân. Quanh năm suốt tháng nó chỉ nằm đó, im lìm, khi nào đến giờ ra chơi, ra về thì nó mới kêu lên một hồi dài. Mặc dù quanh năm bình lặng nhưng hầu như bạn học sinh nào cũng yêu quý chiếc trống trường, vì nó gắn liền với những tiết học.
Hơn hết tiếng trống trường chính là mở màn cho một năm học mới nhiều thành công hơn nữa. Vào lúc khai giảng, bác trống trường được trang trí hoa văn rất đẹp để đồng hành với chúng em trong năm học mới. Khi mùa hè đến, bác nằm im lìm bên những cây phượng già, hoa rụng lả tả. Chúng em chia tay bác về với gia đình thân yêu. Có lẽ lúc đó bác trống cũng được nghỉ hè. Em cứ có cảm giác bác buồn khi phải chia xa từng thế hệ học trò.
Em rất yêu quý bác trống trường và dù sau này có rời xa mái trường em vẫn luôn nhớ về bác như một người bạn cũ.
9. Tả cái trống trường em số 9
Một trong những hình ảnh huyền thoại của bất cứ ngôi trường nào là chiếc trống trường. Chiếc trống trường trang nghiêm nằm yên trên sảnh lớn nhà trường luôn là vẻ đẹp của ngôi trường – ngôi nhà thứ hai của hàng ngàn học sinh.
Chiếc trống trường là vật dụng, là đồ dùng và là người bạn của học trò chúng tôi. Chiêc trống trường đã cùng với ngôi trường bắt đầu từ những ngày đầu tiên đi vào hoạt động đến nay. Mặc dù đã nhiều năm, chiếc trống đã nhiều tuổi nhưng tiếng trống vang lên vẫn giòn giã như lúc đầu. Mỗi lần tiếng trống trường vang lên: "Tùng… tùng.." học trò chúng tôi lại xôn xao, xao xuyến đến lạ.
Chiếc trống có hình trụ, hai đáy hình tròn phẳng nhẵn thín. Dù đã lâu nhưng mặt trống vẫn nhẵn thín như vậy. Mặt trống được làm bằng da trâu hoặc da bò. Mỗi lần dùi trống đánh vào mặt trống, mặt trống rung lên căng và phát ra tiếng. Do sử dụng đã lâu nên mặt trống có màu ngà ngà phai dần từ tâm trống đi ra. Hai mặt trống được thiết kế hoàn toàn giống nhau. Thân trống được ghép từ những mảnh gỗ mỏng xếp khít lại với nhau. Giữa thân trống có hai đai lồi lên bao vòng quanh thân. Hai đai này giúp cho những mảnh ghép này được cố định.
Thân trống được sơn màu, thường sẽ được sơn màu đỏ gạch sẫm hoặc nâu. Người bạn đời của trống chính là chiếc dùi trống. Chiếc trống có vai trò rất quan trọng trong nhà trường. Nó được ví như chiếc đồng hồ báo thức của ngôi trường. Với hàng trăm, hàng ngàn học sinh, việc lấy tiếng trống trường làm hiệu lệnh để giúp cho học sinh có kỉ cương nề nếp hơn, các giờ học cũng đảm bảo được đúng tiến trình.
Tiếng trống trường khai giảng năm học mới, tiếng trống trường bắt đầu giờ giải lao, tiếng trống trường cũng là hiệu lệnh giờ tan trường. Nhờ có tiếng trống, hoạt động nhà trường mới được diễn ra một cách khoa học.
Bao nhiêu năm tháng qua đi,cái trống trường em vẫn chung thủy nằm trang nghiêm trên giá chờ đợi những đợt hè qua đi để năm học mới bắt đầu.
10. Tả cái trống trường em số 10
Chú trống trường em rất oai. Hiệu lệnh của chú ban ra, cả trường ai cũng phải răm rắp làm theo. 6h30 chú cất ba hồi dài vang động xóm thôn. Học sinh thôn Hạ, thôn Thượng, thôn Trung náo nức, hối hả đến trường. Một hồi chín tiếng, học sinh các lớp xếp hàng vào lớp. Một hồi sáu tiếng báo hiệu ra chơi. Một hồi ba tiếng, học sinh lại vào học. Một hồi trống dài tan học, hàng nghìn học sinh túa ra về.
Tiếng trống trường em kêu to lắm. Từ thôn Thượng, sáng nào em cũng nghe rõ tiếng trông trường em. Cái âm thanh “Tùng! Tùng! Tùng!” lúc khoan, lúc nhặt, lúc dồn dập cứ dội vào lòng em, giục em rảo bước. Chẳng hề cần ăn uống mà chú ta cần mẫn, siêng năng, rất đúng giờ. Ba tháng hè chú nằm nghỉ. Suốt năm học trừ ngày lễ, ngày Chủ nhật là chú được nằm chơi, còn từ thứ 2 đến thứ 7 ngày hai buổi, chú dõng dạc truyền lệnh. Khi nào chú cũng nhắc thầy trò: “Đúng giờ! Đúng giờ! Nhanh lên! Nhanh lên!”
Tiếng trống ngày khai trường, tiếng trống tan học… cái âm thanh bình dị, thân thuộc ấy đã để lại trong tâm hồn em bao kỉ niệm đẹp về mái trường thân yêu, về tình thầy, tình bạn một thời thơ bé.
Mới ngày nào vào học lớp Một, nghe tiếng trống trường ngày khai giảng mà hồi hộp. Thế mà nay em đã là cậu học sinh lớp Bốn rồi. Càng thấy yêu càng thấy nhớ cái âm thanh rộn ràng ấy mỗi buổi mai khi hừng đông rực đỏ.
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.
- Chia sẻ:Tran Thao
- Ngày:
Gợi ý cho bạn
-
Lời bài hát Đố Anh Quên Được Em - LONA ft Đỗ Hiếu
-
Đáp án tự luận An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai giáo viên THCS 2024
-
Giải pháp triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW
-
Lịch chiếu phim Ba Đường Luân Hồi 2 (Dưới Lòng Tam Giang)| Nội dung, review phim
-
Tuổi Mão khai trương ngày nào tốt?
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Hướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 22, Thông tư 27