Hoạt động trải nghiệm môn Toán lớp 5

Hoạt động trải nghiệm bộ môn Toán sẽ giúp trẻ có những giờ học thú vị, vừa tăng cường bổ sung kiến thức mà còn được học Toán qua những trò chơi thú vị. Dưới đây là một số trò chơi Toán học lớp 5, các thầy cô có thể sử dụng để bổ sung kiến thức cho học sinh và tăng tương tác giữa thầy và trò nhiều hơn.

Hoạt động trải nghiệm môn Toán: Trò chơi đếm số

Luật chơi:Các em đứng thành vòng tròn. Người đầu tiên mang số 1, bên cạnh là số 2-3-4.. tăng dần theo vòng cùng chiều kim đồng hồ.

Nếu như đếm đến các số chia hết cho 4 (4, 8, 12, 16) hoặc các số có chứa chữ số 4 (14, 24, 34,..) thì người chơi phải im lặng và chỉ vào bạn kế tiếp. Bạn kế tiếp phải lập tức nói ngay số tiếp theo (VD: 1 – 2 – 3 – im lặng – 5 – 6 – 7 – im lặng – 9 …). Bất cứ ai nhắc đến chữ số 4 hoặc các số chia hết cho 4 thì sẽ bị loại khỏi vòng tròn.

Trò chơi tiếp tục cho đến khi chỉ còn 5 người chơi thì 5 bạn đó thắng cuộc.

(HS hoàn toàn có thể thay đổi luật chơi thành: bỏ qua các số chia hết cho 3, 5, 7, 8,….)

Lợi ích: Trò chơi này giúp học sinh ôn lại kiến thức về dấu hiệu chia hết cho một số của các số tự nhiên mà các em đã được học ở tiểu học. Bên cạnh đó, HS còn được rèn luyện phản xạ nhanh nhạy, tính tập trung và được hoạt động tập thể.

Hoạt động trải nghiệm môn Toán: Trò chơi ghép hình Tangram

Luật chơi: Lớp được chia thành 2 nhóm. Mỗi nhóm được phát một bộ mô hình Tangram.

Trò chơi yêu cầu phải sử dụng đúng 7 mảnh ghép đó để tạo thành những hình ảnh mô phỏng động vật, đồ vật,.. sao cho các cạnh của mỗi mảnh ghép không được chồng lên nhau.

Sau đó GV chiếu lên màn hình một số hình vẽ con vật để 2 nhóm xếp thi với nhau. Nhóm nào xếp được nhanh và đúng hơn sẽ giành chiến thắng.

Lợi ích:

+ Vừa giúp học sinh phát triển tư duy hình học phẳng (liên hệ đến bài toán về diện tích: những đa giác có hình dạng phức tạp có thể cắt nhỏ ra để tính diện tích từng phần rồi cộng lại, các hình đa giác có hình dạng khác nhau có thể có diện tích bằng nhau,…)

+ Bên cạnh đó, học sinh được thoải mái sáng tạo với việc sắp xếp, lắp ghép các hình để tạo ra các mô hình đồ vật, con người, con vật theo ý thích, mô hình này cũng có những ứng dụng thực tế trong kiến trúc. Các HS cũng hoàn toàn có thể tự làm một bộ Tangram để chơi ở nhà hoặc chơi cùng với bạn bè.

Hoạt động trải nghiệm môn Toán: Một số trò ảo thuật với những con số

Trò ảo thuật số 1: Đoán ngày

Đưa 1 tờ lịch tháng cho HS, để các em dùng bút chì vạch liền ba con số bất kỳ theo chiều dọc tờ lịch. Tiếp đó người diễn trò hỏi khác giả : “Hãy cho tôi biết tổng số của ba con số đó là bao nhiêu?”

Người diễn trò thì chẳng cần nhìn vào tờ lịch cũng đoán biết đó là con số (ngày) nào.

Giải mã: GV chỉ cần đem chia tổng số đó cho 3, đáp án chính là con số ở giữa. Lấy con số giữa trừ đi 7 thì dc một con số ở trên. Cuối cùng lấy con số giữa cộng với 7 thì được con số cuối cùng.

VD: ba số HS gạch là 4, 11, 18. Tổng là 33.

33 : 3 = 11 chính là số ở giữa, 11 – 7 = 4: số ở dòng trên, 11 + 7 = 18: số ở dòng dưới cùng

Trò ảo thuật đơn giản này áp dụng kiến thức về số trung bình cộng của ba số cách đều. HS chỉ cần để ý về sự cách đều của 3 ngày được khoanh là có thể dần dần đoán ra.

Ảo thuật số 2: Cốc giấy bí ẩn

Trên bàn cô có 6 chiếc cốc giấy, bên trong mỗi cốc có những hạt nhựa màu. Bây giờ mỗi bạn chọn cho cô một số bất kì từ 1 đến 63. Cô có thể ngay lập tức lấy ra chính xác số hạt màu bạn vừa nói mà không cần phải đếm các hạt.

Giải mã: Trong 6 chiếc cốc giấy lần lượt chứa: 1, 2, 4, 8, 16, 32 hạt màu. Điều thú vị là mọi số nguyên dương đều có thể viết được dưới dạng tổng của các lũy thừa với cơ số 2 (và bằng cách đó, có thể chuyển nó sang hệ nhị phân).

VD: 25 = 16 + 8 + 1; 37 = 32 + 4 + 1 ; 59 = 32 + 16 + 8 + 2 + 1,….

Kiến thức sử dụng ở đây có liên quan đến hệ đếm cơ số hai sẽ được giới thiệu ở lớp 6. Tuy nhiên việc biểu diễn cho các em thông qua trò ảo thuật sẽ gây hứng thú với học sinh.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Dành cho giáo viên của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
4 2.589
0 Bình luận
Sắp xếp theo