Xử lý các trường hợp Bộ luật hình sự 2015 không coi là tội phạm

Xử lý các trường hợp Bộ luật hình sự 2015 không coi là tội phạm

Viện Kiểm Sát nhân dân tối cao vừa ban hành công văn để hướng dẫn một số nội dung của Nghị quyết 41/2017/QH14 về việc xử lý các trường hợp Bộ luật hình sự 2015 không coi là tội phạm. Nội dung chi tiết mời các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây.

Công văn 3010/VKSTC-V14 được Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành ngày 09/8/2017 nhằm hướng dẫn một số nội dung của Nghị quyết 41/2017/QH14 về việc thi hành Bộ luật hình sự 2015.

Theo đó, đáng chú ý là nội dung hướng dẫn các Viện Kiểm Sát địa phương về việc xử lý các trường hợp Bộ luật hình sự 1999 coi là tội phạm nhưng Bộ luật hình sự 2015 thì không quy định là tội phạm mà đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Cụ thể các trường hợp được hướng dẫn xử lý như sau:

- Nếu vụ án đang điều tra thì Viện Kiểm Sát yêu cầu cơ quan điều tra áp dụng một trong các điểm d, đ, e và Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14, Khoản 1 Điều 25 Bộ luật hình sự 1999 và Điểm a Khoản 2 Điều 164 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 ra quyết định đình chỉ vụ án.

- Nếu vụ án có nhiều bị can mà căn cứ đình chỉ không liên quan đến tất cả các bị can thì đình chỉ vụ án với từng bị can.

- Nếu đã khởi tố bị can mà Viện Kiểm Sát chưa phê chuẩn thì Viện Kiểm Sát yêu cầu cơ quan điều tra hoặc tự mình áp dụng quy định tại các điểm d, đ, e Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14, Điều 126, Điều 112 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 để ra quyết định hủy bỏ khởi tố bị can.

- Nếu vụ án đang trong giai đoạn truy tố thì Viện Kiểm Sát áp dụng một trong các Điểm d, đ, e và Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 và Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14, Khoản 1 Điều 25 Bộ luật hình sự 1999 và Điểm a Khoản 2 Điều 164 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 ra quyết định đình chỉ vụ án. Nếu vụ án có nhiều bị can mà căn cứ đình chỉ không liên quan đến tất cả các bị can thì đình chỉ vụ án với từng bị can.

- Nếu vụ án đang trong giai đoạn xét xử thì Viện Kiểm Sát áp dụng một trong các điểm Điểm d, đ, e và Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14, Khoản 1 Điều 25 Bộ luật hình sự 1999 và Điều 181 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 để rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa và đề nghị Tòa án định chỉ vụ án.

- Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên áp dụng một trong các điểm d, đ, e và Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14, Khoản 1 Điều 25 Bộ luật hình sự 1999 và Điều 195 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 để rút toàn bộ quyết định truy tố; trong trường hợp vụ án có nhiều bị cáo, bị cáo phạm nhiều tội thì sau khi đọc cáo trạng, Kiểm sát viên trình bày việc rút toàn bộ quyết định truy tố đối với bị cáo hoặc rút quyết định truy tố đối với một số hành vi của bị cáo thuộc trường hợp không còn được xem là tội phạm theo quy định tại các điểm d, đ, e Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14.

- Tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng một trong các điểm d, đ, e Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 và Điều 251 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 đình chỉ vụ án, đình chỉ vụ án đối với bị cáo.

Đối với các đối tượng thuộc quy định tại các điểm d, đ, e Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 mà đang bị truy nã thì xử lý như sau:

  • Viện Kiểm Sát yêu cầu cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can ra quyết định đình nã;
  • Trường hợp Viện Kiểm Sát ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can thì yêu cầu cơ quan đã ra quyết định truy nã ra quyết định đình nã.
  • Trường hợp trong giai đoạn xét xử thì Viện Kiểm Sát thông báo cho Tòa án yêu cầu cơ quan điều tra ra quyết định đình nã.
  • Trường hợp trong giai đoạn thi hành án thì Viện Kiểm Sát yêu cầu giám thị trại giam, trại giam thuộc Bộ công an, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự CA cấp tỉnh ra quyết định đình nã.

Quy định này không áp dụng đối với đối tượng bị truy nã với các tội khác.

- Trường hợp hủy bỏ quyết định khởi tố bị can hoặc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án thì các vấn đề như: xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người được hủy bỏ quyết định khởi tố, được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án; xử lý vật chứng, trả lại tài sản…; hoặc việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm khác, bị can, bị cáo khác (nếu có) trong vụ án vẫn phải giải quyết theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp Viện Kiểm Sát ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can hoặc ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ vụ án đối với bị can thì Viện Kiểm Sát phải giải thích cho những người được hủy bỏ quyết định khởi tố bị can, người được đình chỉ vụ án biết việc đình chỉ là do thay đổi chính sách hình sự của nhà nước và họ không thuộc trường hợp được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước.

Công văn 3010/VKSTC-V14 thay thế cho Công văn 172/VKSTC-V14.

Đánh giá bài viết
1 316
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo