Tự doanh chứng khoán là gì? Giao dịch tự doanh là gì?

Thị trường chứng khoán rất nóng và thu hút nhiều nhà đầu tư trong những năm gần đây. Thuật ngữ tự doanh chứng khoán cũng là thuật ngữ quen thuộc đối với các nhà đầu tư lâu năm. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người chưa biết tự doanh chứng khoán là gì? Giao dịch tự doanh là gì? Cùng tìm hiểu câu trả lời qua bài viết sau đây của Hoatieu.vn nhé.

1. Tự doanh chứng khoán là gì?

Theo Khoản 30, Điều 4, Luật Chứng khoán năm 2019: “Tự doanh chứng khoán (TDCK) là việc công ty chứng khoán mua, bán chứng khoán cho chính mình”.

Có thể hiểu đơn giản, TDCK là hoạt động một công ty chứng khoán (CTCK) tự mua bán giao dịch chứng khoán cho mình nhằm hưởng lợi nhuận từ lợi tức hay chênh lệch giá trên thị trường. Hay cũng có thể nói, tự doanh là việc mua đi bán lại chứng khoán để thu lời từ việc tăng giảm giá (mua thấp, bán cao), hoặc hưởng lợi nhuận định kỳ của một CTCK.

Do các CTCK có tính đặc thù về việc chủ động trên thị trường và khả năng tiếp cận thông tin. Từ đó có đem lại những lợi thế nhất định trong việc tự doanh chứng khoán như: nắm được xu thế giao dịch, có thể dự đoán các diễn biến tiếp theo của thị trường, có thể nắm được thông tin về quan hệ cung cầu trên thị trường. Đặc biệt, khi CTCK thực hiện tự doanh vì tự giao dịch cho chính công ty nên sẽ không phải lo nghĩ đến phí giao dịch.

Với khả năng chuyên môn cao và nguồn vốn lớn, hoạt động tự doanh của mỗi CTCK được xem là một giao dịch của nhà đầu tư chuyên nghiệp. Việc TDCK với quy mô lớn của CTCK có thể đem lại cho thị trường những tác động nhất định về giá cả. Từ hoạt động này, các CTCK có thể góp một phần lớn trong việc bình ổn lại giá cả chứng khoán và điều tiết lượng cung cầu trên thị trường. Tuy nhiên, mục đích quan trọng nhất mà CTCK hướng tới trong hoạt động tự doanh chứng khoán là để thu được lợi nhuận cho chính mình.

Tự doanh chứng khoán của CTCK có thể thực hiện ở Sở giao dịch chứng khoán (SGD) và Sàn giao dịch phi tập trung (OTC). Tại SGD việc mua bán này được diễn ra như hoạt động của các nhà đầu tư thông thường. Tại thị trường OTC, hoạt động TDCK có thể diễn ra trực tiếp giữa CTCK với các đối tác hoặc thông qua giao dịch song phương trong đó các bên sẽ đàm phán và đạt sự thỏa thuận về giá cả và số lượng, cũng như hình thức thanh toán.

Tự doanh chứng khoán là gì? Giao dịch tự doanh là gì?

2. Phương thức thực hiện tự doanh chứng khoán

Tự doanh có thể thực hiện theo hai phương thức giao dịch là trực tiếp hay gián tiếp.

Giao dịch trực tiếp

Là cách giao dịch “trao tay” giữa công ty chứng khoán và đối tác theo giá được thỏa thuận trực tiếp. Có thể nói giao dịch tự doanh trực tiếp là giao dịch song phương, mà ở đó công ty chứng khoán và đối tác đóng vai trò là người mua và người bán. Trong giao dịch, cả hai thỏa thuận trực tiếp với nhau về giá cả, số lượng và hình thức trao đổi cổ phiếu. Các loại chứng khoán giao dịch rất đa dạng, chủ yếu là chứng khoán không niêm yết và chứng khoán mới phát hành, hoặc có thể là giao dịch thỏa thuận cổ phiếu niêm yết giữa công ty chứng khoán và bên thứ hai. Các ví dụ về giao dịch tự doanh trực tiếp như: mua cổ phiếu OTC, mua cổ phiếu IPO, mua đấu giá cổ phiếu, giao dịch thỏa thuận cổ phiếu niêm yết.

Giao dịch gián tiếp

Là giao dịch được thực hiện thông qua hệ thống giao dịch của Sở giao dịch Chứng khoán để đặt lệnh. Thông thường, khi giao dịch tự doanh gián tiếp, các CTCK sẽ thanh toán đa phương. Trong đó, người mua và người bán không biết được đối tượng giao dịch là ai mà thông qua hệ thống đặt lệnh của Sở.

3. Yêu cầu công bố số liệu tự doanh của các công ty chứng khoán

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản đề nghị Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thực hiện công bố thông tin cuối ngày giao dịch về tổng khối lượng và tổng giá trị giao dịch mua, bán tự doanh đối với từng mã chứng khoán.

Song song đó, hai sở giao dịch chứng khoán cũng yêu cầu tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch trong thời hạn hai mươi bốn (24) giờ kể từ khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn từ 5 phiên liên tiếp trở lên phải báo cáo, công bố các thông tin liên quan đến công ty có ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu; HOSE và HNX đồng thời công bố nội dung báo cáo giải trình của tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch trên trang thông tin điện tử của sở. Ủy ban chứng khoán Nhà nước đề nghị HOSE và HNX tổ chức triển khai các giải pháp trên trước ngày 23.5.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã sụt giảm liên tục và kéo dài với mức độ hàng đầu thế giới. Trong đó có nhiều phiên giao dịch với nhiều dấu hiệu bất thường khiến nhà đầu tư đặt vấn đề tự doanh của các công ty chứng khoán góp phần gây tiêu cực cho nhiều cổ phiếu. Điều đó khiến tâm lý nhà đầu tư hoang mang và giảm sút niềm tin vào thị trường chứng khoán. Vì vậy nhiều chuyên gia đều cho rằng cần phải công bố thông tin tự doanh rộng rãi và giám sát chặt chẽ hoạt động này để tránh xung đột lợi ích với nhà đầu tư.

Ngày 16.5, Bộ Tài chính cũng cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ thanh tra các tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty kiểm toán, tập trung vào các báo cáo tài chính (kiểm toán) có nhiều sai sót.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 75
0 Bình luận
Sắp xếp theo