Tổng hợp điểm mới các Luật có hiệu lực từ 01/07/2015

Điểm mới của các Luật bắt đầu có hiệu lực từ 01/07/2015

HoaTieu.vn xin điểm lại một số điểm mới của các Luật bắt đầu có hiệu lực từ 01/07/2015, mời các bạn cùng tham khảo.

Những thông tư có hiệu lực từ ngày 01/07/2015

10 chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2015

Những chính sách có hiệu lực từ giữa tháng 6/2015

Những chính sách có hiệu lực từ cuối tháng 06/2015

1. Đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp

Theo Luật Doanh nghiệp 2014, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN) được đơn giản hóa như sau:

  • Hồ sơ không cần phải có văn bản xác nhận vốn pháp định và chứng chỉ hành nghề;
  • Giảm thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCNĐKDN) xuống 03 ngày làm việc (hiện nay là 05 ngày);
  • Nội dung GCNĐKDN chỉ còn 4 mục chính, bỏ mục ngành nghề kinh doanh, số cổ phần và giá trị vốn cổ phần đã góp của công ty cổ phần...

- Ngoài ra, các trường hợp sau sẽ bị thu hồi GCNĐKDN:

  • Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký DN là giả mạo;
  • DN do người bị cấm thành lập DN đăng ký thành lập;
  • DN ngừng hoạt động 01 năm mà không thông báo Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế;
  • DN không gửi báo cáo đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng, từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản;
  • Do tòa án quyết định.

2. Quy định rõ về thời hạn thăng quân hàm cấp Tướng

Ngày 27/11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi 2014.

Theo đó, thời hạn xét thăng quân hàm cấp Tướng đối với sĩ quan tại ngũ tối thiểu là 4 năm trong những trường hợp sau:

  • Đại tá lên Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân
  • Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân lên Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân
  • Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân lên Thượng tướng, Đô đốc Hải quân
  • Thượng tướng, Đô đốc Hải quân lên Đại tướng.

Ngoài ra, sĩ quan tại ngũ xét thăng quân hàm từ cấp bậc Đại tá lên Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân không quá 57 tuổi, trừ trường hợp có yêu cầu của Chủ tịch nước.

Ngoài ra, việc phong, thăng, giáng, tước quân hàm đối với sĩ quan được thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:

- Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, Chuẩn Đô đốc, Phó Đô đốc, Đô đốc Hải quân.

Việc thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng của sĩ quan Quân đội nhân dân biệt phái theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi được cử đến biệt phái và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

- Đối với sĩ quan cấp tá, cấp úy và nâng lương sĩ quan: trình tự, thủ tục phong, thăng, giáng, tước do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

3. Một số quy định mới của Luật công an nhân dân 2014

Ngày 09/12/2014, Chủ tịch nước ký lệnh 33/2014/L-CTN công bố Luật công an nhân dân 2014. Theo đó, có những điểm nổi bật sau:

- Học sinh, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được phong cấp bậc hàm cao hơn một bậc.

- Hạn định số lượng cấp Tướng, cụ thể:

  • Đại tướng: Bộ trưởng Bộ Công an;
  • Thượng tướng: Thứ trưởng Bộ Công an (số lượng thứ trưởng có hàm Thượng tướng không quá 6);
  • Trung tướng, Thiếu tướng: Theo quy định tại Điểm c, d Khoản 1 Điều 24 Luật này.

- Thời hạn thăng cấp bậc hàm trong mỗi cấp tướng tối thiểu là 4 năm; sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng không quá 57 tuổi; trừ trường hợp có yêu cầu của Chủ tịch nước.

- Quy định cụ thể cấp bậc hàm của sĩ quan Công an nhân dân biệt phái.

Luật này có hiệu lực từ 01/07/2015.

Các quy định về phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng có hiệu lực từ ngày Luật được công bố.

4. Các trường hợp được tuyển thẳng vào cao đẳng nghề

Người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT được tuyển thẳng vào đào tạo ở trình độ cao đẳng nghề trong các trường hợp sau:

  • Có bằng tốt nghiệp trung cấp loại giỏi trở lên và đăng ký học cùng chuyên ngành hoặc nghề đào tạo;
  • Có bằng tốt nghiệp trung cấp loại khá và có ít nhất 02 năm làm việc theo chuyên ngành hoặc nghề đã được đào tạo và đăng ký học cùng chuyên ngành hoặc nghề đào tạo;
  • Đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề quốc gia thì được tuyển thẳng vào trường cao đẳng để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đạt giải.

Nội dung nêu trên được quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014.

Cũng theo Luật này thì người học các trình độ trung cấp, cao đẳng sẽ được miễn học phí trong các trường hợp sau:

  • Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo quy định;
  • Người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn;
  • Người mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa;
  • Người học các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu theo danh mục do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định;
  • Người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

5. Điều kiện đầu tư thành lập tổ chức kinh tế

Từ 01/07/2015, Luật đầu tư 2014 chính thức đi vào cuộc sống với nhiều điểm mới đáng chú ý, như là:

Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam và điều kiện khác theo điều ước mà Việt Nam là thành viên.

Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế, trừ các trường hợp sau:

  • Tỷ lệ sở hữu tại công ty niêm yết, đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán.
  • Tỷ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác.
  • Tỷ lệ sở hữu không thuộc quy định tại hai điểm nêu trên thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước mà Việt Nam là thành viên.

6. Cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Đây là một trong những thay đổi quan trọng được quy định tại Luật nhà ở 2014.

Tuy nhiên, quyền sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài có phần hạn hẹp hơn so với công dân Việt Nam:

Chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong 01 tòa nhà chung cư hoặc không quá 250 căn nhà đối với nhà ở riêng lẻ trong 01 khu dân cư tương đương 01 đơn vị hành chính cấp phường.

Trường hợp vượt quá quy định trên hoặc được tặng cho, được thừa kế nhà ở thương mại (bao gồm nhà chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở) trong khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh thì chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó.

Nếu cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì được sở hữu nhà ở lâu dài và có quyền như công dân Việt Nam.

7. Quản lý vốn đầu tư của Nhà nước vào thành lập doanh nghiệp

Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 chính thức có hiệu lực từ 01/07/2015.

Theo đó, đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp thuộc phạm vi sau đây:

  • Doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội;
  • Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh;
  • Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên;
  • Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.
  • Chính phủ quy định chi tiết việc đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp và cơ chế đặt hàng của Nhà nước đối với doanh nghiệp có chức năng hỗ trợ điều tiết kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.

8. Tăng vốn pháp định của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản

Cuối tháng 11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Kinh doanh bất động sản 2014, trong đó có nhiều điểm mới như:

  • Tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định không thấp hơn 20 tỷ đồng, trước đây mức vốn này là 6 tỷ đồng.
  • Không bắt buộc thành lập doanh nghiệp nếu mua bán, cho thuê, thuê mua bất động sản có qui mô nhỏ, không thường xuyên; tuy nhiên phải kê khai nộp thuế theo qui định pháp luật.
  • Chủ đầu tư phải được tổ chức tín dụng có đủ năng lực (theo danh sách công bố của NHNN) bảo lãnh trước khi bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai.
  • Yêu cầu rõ về việc dự án kinh doanh bất động sản phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, nông thôn đã được phê duyệt.

9. Một số điểm mới của Luật thi hành án dân sự sửa đổi 2014

Luật thi hành án dân sự sửa đổi 2014 quy định chi tiết quyền, nghĩa vụ của người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Theo đó, người phải thi hành án có các quyền sau đây:

  • Tự nguyện thi hành án; thỏa thuận với người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án; tự nguyện giao tài sản để thi hành án;
  • Tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật này;

Được thông báo về thi hành án;

  • Yêu cầu Tòa án xác định, phân chia quyền sở hữu, sử dụng tài sản; yêu cầu Tòa án giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót; khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp có tranh chấp về tài sản liên quan đến thi hành án;
  • Chuyển giao nghĩa vụ thi hành án cho người khác theo quy định của Luật này;
  • Yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ;
  • Được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án; được xét miễn, giảm một phần hoặc toàn bộ chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật này;
  • Khiếu nại, tố cáo về thi hành án.

10. Bổ sung phí, lệ phí và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không

Luật Hàng không dân dụng Việt Nam sửa đổi 2014 quy định rõ ràng phí, lệ phí và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không như sau:

- Dịch vụ chuyên ngành hàng không bao gồm:

  • Dịch vụ hàng không là dịch vụ liên quan trực tiếp đến khai thác tàu bay, khai thác vận chuyển hàng không và hoạt động bay;
  • Dịch vụ phi hàng không là dịch vụ cung ứng tại cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay nhưng không thuộc dịch vụ hàng không.

- Phí, lệ phí chuyên ngành hàng không bao gồm:

  • Phí bay qua vùng trời Việt Nam, phí nhượng quyền khai thác và phí khác theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí;
  • Lệ phí cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng.

- Giá dịch vụ hàng không bao gồm:

  • Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh; giá dịch vụ điều hành bay đi, đến; giá dịch vụ hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay; giá phục vụ hành khách; giá bảo đảm an ninh hàng không và giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý;
  • Giá dịch vụ hàng không khác.

- Giá dịch vụ phi hàng không bao gồm:

  • Giá thuê mặt bằng, giá dịch vụ thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay;
  • Giá dịch vụ phi hàng không khác tại cảng hàng không, sân bay.
Đánh giá bài viết
1 296
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo