Tổng hợp các loại phụ cấp của giáo viên

Chính sách tiền lương đối với giáo viên thì ngoài tiền lương các thầy cô có thể nhận thêm các khoản phụ cấp khác như phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên hay phụ cấp thu hút… Trong bài viết này HoaTieu.vn sẽ tổng hợp tất cả các loại phụ cấp mà giáo viên được hưởng theo quy định của nhà nước, mời các bạn cùng tham khảo.

1. Phụ cấp ưu đãi theo nghề

Điều kiện hưởng: Nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP vào các ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo (các ngạch có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15) sẽ được hưởng phụ cấp ưu đãi.

Mức hưởng: (Mức phụ cấp ưu đãi được hưởng = Mức lương tối thiểu chung x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi.)

Hệ số phụ cấp

Gồm 10 mức là: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30%, 35%, 40%, 45% và 50%.

Mức lương hiện hưởng của viên chức

Hiện lương công chức, viên chức đang được tính theo công thức:

Lương = Hệ số x mức lương cơ sở.

- Hiện nay, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng (Nghị định 38 năm 2019 của Chính phủ).

+ Nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, các học viện, trường bồi dưỡng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các trường chính trị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ nhà giáo giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm và nhà giáo dạy môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh): 25%

+ Nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở đồng bằng, thành phố, thị xã; trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề; các trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh: 30%

+ Nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học ở đồng bằng, thành phố, thị xã; các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa: 35%

+ Nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm (đại học, cao đẳng, trung học), trường cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo và nhà giáo dạy môn chính trị trong các trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề: 40%

+ Nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học, cao đẳng: 45%

+ Nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa: 50%

2. Phụ cấp đặc thù đối với nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân, người có trình độ kỹ năng cao dạy thực hành

Nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân ưu tú trở lên hoặc người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được hưởng phụ cấp đặc thù được quy định tại Nghị định 113.

Trong đó, đối tượng này được hưởng phụ cấp đặc thù mức 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Phụ cấp này được tính theo số giờ dạy tích hợp, dạy thực hành thực tế và được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Mức phụ cấp đặc thù = 10% [mức lương hiện hưởng + Phụ cấp chức vụ lãnh đạo + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)]

Trong đó, phụ cấp đặc thù được tính theo số giờ dạy tích hợp, dạy thực hành thực tế, được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

3. Phụ cấp ưu đãi và phụ cấp trách nhiệm công việc đối với nhà giáo dạy người khuyết tật

Điều kiện hưởng:

+ Nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập dành riêng cho người khuyết tật hoặc lớp học dành riêng cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

+ Nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các lớp học dành riêng cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

+ Nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các lớp hòa nhập cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

+ Nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các lớp hòa nhập cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

Mức hưởng:

+ Đối với nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập dành riêng cho người khuyết tật hoặc lớp học dành riêng cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập: Phụ cấp trách nhiệm công việc bằng mức 0.3 so với mức lương cơ sở; phụ cấp ưu đãi là 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

+ Đối với nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các lớp học dành riêng cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập: 0.3 mức lương cơ sở + 40% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

+ Đối với nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các lớp hòa nhập cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,2 so với mức lương cơ sở và phụ cấp ưu đãi trên mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) như sau:

Lớp hòa nhập có từ 5% đến dưới 10% học viên là người khuyết tật: 35%

Lớp hòa nhập có từ 10% đến dưới 20% học viên là người khuyết tật: 40%

Lớp hòa nhập có từ 20% đến dưới 30% học viên là người khuyết tật: 45%

Lớp hòa nhập có từ 30% đến dưới 40% học viên là người khuyết tật: 50%

Lớp hòa nhập có từ 40% đến dưới 50% học viên là người khuyết tật: 55%

Lớp hòa nhập có từ 50% đến dưới 60% học viên là người khuyết tật: 60%

Lớp hòa nhập có từ 60% đến dưới 70% học viên là người khuyết tật: 65%

+ Đối với nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các lớp hòa nhập cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,2 so với mức lương cơ sở và phụ cấp ưu đãi trên mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) như sau:

Lớp hòa nhập có từ 5% đến 10% học viên là người khuyết tật: 5%

Lớp hòa nhập có từ 10% đến 20% học viên là người khuyết tật: 10%

Lớp hòa nhập có từ 20% đến 30% học viên là người khuyết tật: 15%

Lớp hòa nhập có từ 30% đến 40% học viên là người khuyết tật: 20%

Lớp hòa nhập có từ 40% đến 50% học viên là người khuyết tật: 25%

Lớp hòa nhập có từ 50% đến 60% học viên là người khuyết tật: 30%

Lớp hòa nhập có từ 60% đến 70% học viên là người khuyết tật: 35%

Cách tính, cách hưởng: Phụ cấp đối với nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật được tính theo số giờ giảng dạy người khuyết tật thực tế. Phụ cấp đối với nhà giáo quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 8 Nghị định này được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính, đóng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

4. Phụ cấp đối với nhà giáo dạy thực hành

Điều kiện hưởng:

Nhà giáo dạy thực hành, dạy tích hợp (sau đây gọi chung là nhà giáo dạy thực hành) tại phòng thực hành, xưởng thực hành của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ với những ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có một trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sau:

+ Tiếp xúc trực tiếp với chất độc, khí độc, bụi độc; dạy thực hành ở môi trường dễ bị lây nhiễm, mắc các bệnh truyền nhiễm theo quy định

+ Dạy thực hành trong môi trường chịu áp suất cao hoặc thiếu dưỡng khí, nơi quá nóng hoặc quá lạnh vượt quá tiêu chuẩn cho phép

+ Dạy thực hành những ngành, nghề học phát sinh tiếng ồn lớn hoặc ở nơi có độ rung liên tục với tần số cao vượt quá tiêu chuẩn an toàn lao động và vệ sinh lao động cho phép

+ Dạy thực hành ở môi trường có phóng xạ, tia bức xạ hoặc điện từ trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

Mức hưởng:

Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được tính theo mức Iương cơ sở, gồm các mức sau đây:

+ 1 yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: mức 0,1

+ 2 yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: mức 0,2

+ 3 yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: mức 0,3

+ 4 yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: mức 0,4

Cách tính, cách hưởng: Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được tính theo số giờ dạy thực hành thực tế của ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

5. Phụ cấp công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn

Khi giáo viên giảng dạy, công tác ở huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1, các xã đặc biệt khó khăn như: ở vùng đồng bào dân tộc, niềm núi, ven biển, hải đảo, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp… thì sẽ được hưởng thêm phụ cấp công tác.

Theo đó, Nghị định 116 quy định, các đối tượng này sẽ được hưởng một số phụ cấp như: Phụ cấp thu hút, công tác lâu năm, trợ cấp chuyển vùng, một lần, thanh toán tiền tàu xe…

Phụ cấp thu hút

Nhằm thu hút giáo viên đến các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để giảng dạy, Nhà nước đã thêm chính sách phụ cấp thu hút. Theo đó, giáo viên sẽ được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% tiền lương tháng hiện hưởng theo công thức:

Phụ cấp thu hút = 1,49 triệu đồng x (Hệ số lương theo chức vụ, ngạch… + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo + hệ số phụ cấp thâm niên vượt khung) x 70%

Trong đó, thời gian để hưởng phụ cấp này là thời gian thực tế làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và không quá 05 năm.

Phụ cấp công tác lâu năm

Theo quy định tại Thông tư liên tịch 08, thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giáo viên được hưởng phụ cấp công tác lâu năm theo công thức sau:

Mức phụ cấp công tác lâu năm = 1,49 triệu đồng x Mức phụ cấp được hưởng

Trong đó, mức phụ cấp được hưởng được tính theo thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn:

- Thời gian làm việc từ đủ 05 năm – dưới 10 năm: Mức phụ cấp là 0,5

- Nếu thời gian làm việc từ đủ 10 năm – dưới 15 năm: Mức phụ cấp là 0,7

- Nếu thời gian làm việc từ đủ 15 năm trở lên: Mức phụ cấp là 1,0

Trợ cấp lần đầu và trợ cấp chuyển vùng

Với các giáo viên nữ đã có thời gian công tác tại nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 03 năm trở lên, giáo viên nam từ 05 năm trở lên thì được hưởng mức trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở.

Nếu gia đình chuyển đi theo thì được thêm trợ cấp tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình cùng đi. Lúc này, mức trợ cấp chuyển vùng bằng 12 tháng lương cơ sở cho hộ gia đình.

Phụ cấp lưu động

Nếu nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục đang làm chuyên trách về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục buộc phải đi lại thường xuyên giữa các thôn thì còn được hưởng phụ cấp lưu động là 0,2 so với mức lương cơ sở.

Tính từ 01/7/2019 khi mức lương cơ sở tăng lên 1,49 triệu đồng thì mức hưởng phụ cấp lưu động là 298.000 đồng.

Phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số

Bên cạnh phụ cấp lưu động nếu nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục dạy tiếng dân tộc thiểu số sẽ được hưởng phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số với mức hưởng là 50% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

6. Cắt phụ cấp thâm niên từ 1/7/2022

Mặc dù theo Luật Giáo dục năm 2019, từ thời điểm 01/7/2020 giáo viên sẽ không còn được hưởng phụ cấp thâm niên. Đây cũng là một trong những cải cách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết 27 năm 2017.

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, việc cải cách tiền lương đã bị lùi đến ngày 01/7/2022. Đồng thời, tại phiên họp thứ 50 ngày 09/11/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến về việc tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Sau khi tham khảo ý kiến của các Bộ liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 460/BGDDT-NGCBQLGD đề nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép tiếp tục áp dụng phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Như vậy, chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo hiện vẫn đang giữ nguyên như quy định tại Nghị định số 54/2011/NĐ-CP của Chính phủ.

Cách tính phụ cấp thâm niên:

Theo quy định tại Nghị định 54, các giáo viên đang giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan Nhà nước… thì sẽ được hưởng phụ cấp thâm niên nếu có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng).

Trong đó, thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên gồm:

- Thời gian tập sự, thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu;

- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;

- Thời gian ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn;

- Thời gian bị tạm đình chỉ công tác, bị tạm giam, tạm giữ để điều tra, truy tố, xét xử.

Theo đó, mức phụ cấp thâm niên được tính theo công thức:

Mức phụ cấp thâm niên = 5% x [mức lương hiện hưởng + phụ cấp chức vụ lãnh đạo + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)].

Từ các năm sau, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%. Phụ cấp này được trả cùng lương hàng tháng và được dùng để đóng, hưởng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Đáng lưu ý: Sắp tới, phụ cấp thâm niên của giáo viên sẽ không còn nữa. Bởi theo tinh thần của Nghị quyết 27, từ năm 2021, sẽ bãi bỏ một số phụ cấp của các đối tượng viên chức trong đó có phụ cấp thâm niên nghề. Ngoài ra, Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ 01/7/2020 cũng không quy định phụ cấp thâm niên của giáo viên.

Căn cứ pháp lý:

Văn bản hợp nhất 05/VBHN-BGDĐT 2019

Văn bản hợp nhất 06/VBHN-BGDĐT 2019

Nghị định 113/2015/NĐ-CP phụ cấp đặc thù trách nhiệm công việc nguy hiểm nhà giáo cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Nghị định số 116/2010/NĐ-CP

Đánh giá bài viết
1 8.807
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo