Toàn văn bản tóm tắt nội dung Hiệp định TPP

Toàn văn bản tóm tắt nội dung Hiệp định TPP

Toàn văn bản tóm tắt nội dung Hiệp định TPP là bản tóm tắt tiếng Việt của Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã được kí kết và thông qua ngày 05/10/2015. Mời các bạn tham khảo và nghiên cứu.

Những nội dung chính của Hiệp định TPP

Toàn văn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP

Trước tiên giới thiệu qua về hiệp định TPP - viết tắt của từ Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương), là một hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. 12 thành viên của TPP bao gồm: Australia, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Vietnam, Mỹ và Nhật Bản. Với Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên.

Tóm tắt nội dung Hiệp định TPP

Vào ngày 4/10/2015, Bộ trưởng của 12 nước tham gia TPP gồm Úc, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ, và Việt Nam đã tuyên bố kết thúc đàm phán với kết quả là một Hiệp định có những tiêu chuẩn cao, tham vọng, toàn diện và cân bằng với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ tạo ra và duy trì việc làm; tăng cường đổi mới, năng suất, và sức cạnh tranh; nâng cao mức sống; giảm đói nghèo ở các nước ký kết; đồng thời thúc đẩy quản lý hiệu quả, minh bạch, bảo vệ người lao động, và bảo vệ môi trường. Chúng tôi kỳ vọng rằng việc ký kết TPP với các tiêu chuẩn cao mới cho thương mại và đầu tư tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ là một bước gần hơn đến mục tiêu cuối cùng là mở cửa thương mại và hội nhập cho toàn khu vực.

TÓM TẮT NỘI DUNG 30 CHƯƠNG TRONG HIỆP ĐỊNH TPP

Dưới đây là tóm tắt của 30 chương trong TPP. Các bảng biểu và phụ lục được đính kèm các chương của Hiệp định liên quan đến thương mạihàng hóa và dịch vụ, đầu tư, mua sắm công, và tạm nhập cảnh cho doanh nhân. Ngoài ra, chương về doanh nghiệp nhà nước cũng bao gồm phụ lục về các quốc gia ngoại lệ cụ thể.

1. Quy định chung và các định nghĩa

Nhiều Bên ký kết TPP (sau đây gọi là Bên) hiện đã có các thỏa thuận với nhau. Các quy định ban đầu và định nghĩa chung trong chương này thừa nhận rằng TPP có thể tồn tại song song với các thỏa thuận thương mại quốc tế giữa các Bên, bao gồm Hiệp định WTO, các hiệp định song phương và khu vực. Chương này cũng cung cấp định nghĩa của các thuật ngữ được sử dụng trong nhiều chương khác của Hiệp định.

2. Thương mại hàng hóa

Các Bên đồng ý xoá bỏ và cắt giảm thuế quan và các rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp, xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế quan và các chính sách hạn chế khác về hàng hoá nông nghiệp. Các tiếp cận ưu đãi được cung cấp thông qua TPP sẽ tăng cường thương mại giữa các quốc gia TPP trong một thị trường gồm 800 triệu người và sẽ hỗ trợ việc làm chất lượng cao trong tất cả 12 nước thành viên. Hầu hết việc loại bỏ thuế quan đối hàng công nghiệp sẽ được thực hiện ngay lập tức, mặc dù thuế đối với một số sản phẩm sẽ được loại bỏ theo một khung thời gian dài hơn như các Bên đã thỏa thuận. Việc cắt giảm thuế cụ thể theo thỏa thuận của các Bên có trong lịch trình bao gồm tất cả các mặt hàng. Các Bên sẽ công bố tất cả các sắc thuế và thông tin khác liên quan đến thương mại hàng hóa để đảm bảo rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các công ty lớn có thể tận dụng lợi thế của TPP. Các Bên cũng đồng ý không áp đặt các yêu cầu bao gồm những điều kiện như tỷ lệ sản xuất của địa phương do một số nước áp đặt mà các công ty cần tuân thủ để có lợi ích thuế quan. Ngoài ra, các Bên cũng đồng ý không áp đặt các hạn chế và thuế không đồng nhất của WTO đối với nhập khẩu và xuất khẩu , bao gồm cả hàng hóa tái sản xuất – vốn sẽ thúc đẩy việc tái chế các bộ phận thành các sản phẩm mới. Các Bên giữ nguyên các yêu cầu về nhập khẩu hoặc giấy phép xuất khẩu sẽ thông báo cho nhau về các thủ tục để tăng tính minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy thương mại.

Các Bên sẽ loại bỏ hoặc cắt giảm thuế quan và chính sách hạn chế khác đối với các sản phẩm nông nghiệp nhằm mục đích tăng cường thương mại nông nghiệp trong khu vực và tăng cường an ninh lương thực. Ngoài loại trừ hoặc cắt giảm thuế quan, các Bên đồng ý thúc đẩy cải cách chính sách, kể cả việc loại bỏ trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp, làm việc cùng nhau trong WTO để xây dựng quy định về doanh nghiệp xuất khẩu thương mại nhà nước , tín dụng xuất khẩu, và giảm thời gian hạn chế xuất khẩu lương thực để cải thiện an ninh lương thực trong khu vực. Các Bên cũng đã đồng ý tăng tính minh bạch và hợp tác trên một số hoạt động liên quan đến công nghệ sinh học nông nghiệp.

3. Dệt may

Các Bên đồng ý xoá bỏ thuế quan đối với hàng dệt và may mặc, các ngành công nghiệp có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế tại thị trường của một số Bên. Hầu hết các sắc thuế sẽ được xóa bỏ ngay lập tức, mặc dù thuế đối với một số sản phẩm nhạy cảm sẽ được xóa bỏ trong khung thời gian dài hơn theo thỏa thuận của các Bên. Chương này cũng bao gồm các quy định cụ thể xuất xứ, trong đó có yêu cầu về việc sử dụng của các loại sợi và vải trong khu vực TPP nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng và đầu tư vào lĩnh vực này trong khu vực nhờ cơ chế áp dụng "danh sách ngắn các nhà cung cấp" cho phép việc sử dụng các loại sợi và vải nhất định vốn không có sẵn trong khu vực. Ngoài ra, chương này cũng bao gồm các cam kết về hợp tác hải quan và thực thi để ngăn chặn tình trạng trốn thuế, buôn lậu và gian lận, cũng như các biện pháp tự vệ đặc biệt đối với ngành dệt để ứng phó với thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp trong nước trong trường hợp nhập khẩu ồ ạt.

4. Quy tắc xuất xứ

Để cung cấp các quy tắc xuất xứ đơn giản, thúc đẩy chuỗi cung ứng khu vực, và giúp đảm bảo rằng các nước tham gia TPP là những Bên hưởng lợi chính của Hiệp định chứ không phải các nước khác, 12 Bên đã nhất trí về một bộ quy tắc xuất xứ để xác định liệu một hàng hóa cụ thể có xuất xứ từ TPP và do đó đủ điều kiện để nhận được ưu đãi thuế quan TPP. Các quy tắc xuất xứ cụ thể được đính kèm với toàn văn Hiệp định. TPP có quy định về "tích lũy", cho nên nói chung, nguyên liệu đầu vào từ một trong các các nước ký kết được xem như nguyên vật liệu từ một nước ký kết khác nếu nguyên liệu đó được sử dụng để sản xuất ra một sản phẩm tại bất kỳ nước ký kết nào. Các Bên cũng đã đặt ra các quy tắc nhằm đảm bảo doanh nghiệp có thể dễ dàng hoạt động trên toàn khu vực TPP bằng cách tạo ra một hệ thống chung trong TPP cho phép hiển thị và xác minh hàng hoá sản xuất trong khu vực TPP đáp ứng các quy tắc xuất xứ. Nhà nhập khẩu sẽ có thể yêu cầu áp dụng ưu đãi thuế quan, miễn là họ có tài liệu chứng minh đủ điều kiện áp dụng. Ngoài ra, chương này cũng cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền các thủ tục để xác minh các yêu cầu này một cách thích hợp.

5. Hải quan và thuận lợi hóa thương mại

Nhằm bổ sung cho các nỗ lực tạo thuận lợi cho thương mại khi gia nhập WTO , các Bên đã nhất trí về quy định tăng cường thuận lợi hóa thương mại, nâng cao tính minh bạch trong thủ tục hải quan, và đảm bảo sự chính trực của cơ quan hải quan. Những quy định này sẽ giúp các doanh nghiệp thuộc TPP, bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bằng cách khuyến khích việc đơn giản hóa thủ tục hải quan và thủ tục tại biên giới, và thúc đẩy chuỗi cung ứng khu vực. Các Bên đã nhất trí về các nguyên tắc minh bạch, bao gồm xuất bản quy định pháp luật về hải quan của mình, ban hành quy định về giải phóng hàng mà không có những trì hoãn không cần thiết, và quy định về khế ước hoặc 'thanh toán bắt buộc' nếu cơ quan nơi hải quan vẫn chưa có quyết định về số tiền thuế hoặc phí còn nợ. Các Bên đồng ý về quy tắc xác định trước trị giá hải quan và các vấn đề khác có thể giúp doanh nghiệp lớn nhỏ có thể dự đoán trước trong thương mại. Các Bên cũng đồng ý với các quy định về xử phạt trong lĩnh vực hải quan nhằn đảm bảo các chế tài được thực hiện một cách công bằng và minh bạch. Do tầm quan trọng của vận chuyển nhanh đối với các ngành kinh doanh bao gồm cả các công ty nhỏ và vừa, các nước TPP đã đồng ý thực hiện thủ tục hải quan rút gọn cho các lô hàng nhanh. Để giúp phòng chống buôn lậu và trốn thuế, các Bên đồng ý cung cấp thông tin khi được yêu cầu để giúp đỡ nhau thực thi pháp luật hải quan tương ứng của mình.

6. Biện pháp vệ sinh dịch tễ (VSDT)

Khi xây dựng các quy định về VSDT, các Bên đã nêu mối quan tâm chung trong việc bảo đảm sự minh bạch, quy tắc không phân biệt đối xử dựa trên khoa học, và tái khẳng định quyền của các nước đối với việc bảo vệ con người và động thực vật ở nước mình. TPP được xây dựng dựa trên các quy tắc VSDT của WTO để xác định và quản lý rủi ro sao cho không có hạn chế thương mại quá mức cần thiết. Các Bên đồng ý cho phép công chúng đóng góp ý kiến về các biện pháp VSDT được đề xuất trong quá trình ra quyết định của mình, và để đảm bảo thương nhân hiểu các quy tắc mà họ cần tuân thủ. Các Bên đồng ý rằng các chương trình nhập khẩu được xây dựng dựa trên các rủi ro liên quan đến nhập khẩu, và việc kiểm tra ở khâu nhập khẩu được thực hiện mà không có những trì hoãn không cần thiết. Các Bên cũng nhất trí rằng các biện pháp khẩn cấp cần thiết để bảo vệ con người, động vật có thể được áp dụng với điều kiện nước thực hiện phải thông báo cho tất cả các Bên còn lại. Một nước khi áp dụng một biện pháp khẩn cấp sẽ rà soát cơ sở khoa học của biện pháp đó trong vòng sáu tháng và công bố kết quả cho các Bên khác theo yêu cầu. Ngoài ra, các Bên cam kết cải thiện việc trao đổi thông tin liên quan đến các yêu cầu về tương đương hoặc khu vực hóa các yêu cầu và thúc đẩy kiểm toán dựa trên các hệ thống để đánh giá tính hiệu quả về kiểm soát quy định của nước xuất khẩu. Trong nỗ lực nhanh chóng giải quyết các vấn đề VSDT phát sinh, các nước đã nhất trí thiết lập một cơ chế tham vấn giữa các chính phủ.

7. Rào cản kỹ thuật đối với thương mại (RCKTTM)

Trong quá trình xây dựng các quy định về RCKTTM, các Bên đã nhất trí về nguyên tắc minh bạch và không phân biệt đối xử trong việc phát triển các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, và quy trình đánh giá sự phù hợp, đồng thời vẫn cho phép các Bên theo đuổi những mục tiêu chính đáng của mình. Các Bên đồng ý hợp tác để đảm bảo rằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật này không tạo ra các rào cản không cần thiết đối với thương mại. Nhằm giảm chi phí cho các doanh nghiệp TPP, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, các Bên đồng ý với các quy định tạo thuận lợi cho việc chấp nhận các kết quả của quy trình đánh giá sự phù hợp từ các tổ chức đánh giá sự phù hợp của các nước TPP khác, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty tiếp cận các thị trường TPP. Theo TPP, các Bên phải cho phép công chúng đóng góp ý kiến về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, và các thủ tục đánh giá sự phù hợp được đề xuất để thông báo cho các quy trình quản lý của mình và đảm bảo thương nhân hiểu các quy định mà họ sẽ cần phải tuân thủ. Các Bên cũng sẽ đảm bảo một khoảng thời gian hợp lý giữa thời điểm công bố các quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp và thời điểm có hiệu lực của các quy chuẩn, quy trình này để doanh nghiệp có đủ thời gian để đáp ứng những yêu cầu mới. Ngoài ra, TPP có đính kèm các phụ lục liên quan đến quy định về những ngành cụ thể để thúc đẩy cách tiếp cận pháp lý chung trên toàn khu vực TPP. Các ngành này gồm mỹ phẩm, thiết bị y tế, dược phẩm, các sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông, rượu và thức uống chưng cất, công thức độc quyền cho các loại thực phẩm đóng gói sẵn và phụ gia thực phẩm, và các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

8. Biện pháp phòng vệ thương mại

Chương về biện pháp phòng vệ thúc đẩy tính minh bạch và quy trình chuẩn trong thủ tục tố tụng về phòng vệ thương mại thông qua việc công nhận các quy trình tốt nhất mà không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ các Bên trong khuôn khổ WTO. Chương này quy định một cơ chế tự vệ chuyển tiếp cho phép một Bên áp dụng một biện pháp tự vệ chuyển tiếp trong một khoảng thời gian nhất định khi nhập khẩu tăng do cắt giảm thuế quan theo TPP gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp trong nước. Những biện pháp này có thể được duy trì đến hai năm và có thể gia hạn một lần thêm một năm, nhưng phải dần dần tự do hóa nếu kéo dài hơn một năm. Các Bên áp dụng các biện pháp phòng vệ phải tuân thủ yêu cầu về thông báo và tham vấn. Chương này cũng đưa ra các quy định yêu cầu một Bên áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp bồi thường theo thỏa thuận. Các Bên chỉ được phép áp dụng một trong những biện pháp bảo vệ được TPP cho phép đối với cùng một sản phẩm tại một thời điểm. Các Bên không được áp dụng một biện pháp tự vệ chuyển tiếp đối với bất kỳ sản phẩm nào nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan TPP, và có thể loại trừ các sản phẩm TPP ra khỏi một biện pháp phòng vệ trong khuôn khổ WTO nếu các sản phẩm nhập khẩu đó không phải là nguyên nhân gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng.

9. Đầu tư

Đối với việc thiết lập các quy tắc trong lĩnh vực đầu tư, các nước tham gia hiệp định TPP phải ban hành các chính sách đầu tư và các biện pháp bảo hộ trên cơ sở không phân biệt đối xử, đảm bảo nguyên tắc cơ bản trong việc bảo vệ pháp luật. Bên cạnh đó, các nước thành viên cũng phải bảo đảm các chính phủ thành viên sẽ đạt được các mục tiêu chính sách công theo đúng qui định. Hiệp định TPP quy định các nguyên tắc bảo hộ đầu tư cơ bản tương tự như các nguyên tắc trong các hiệp định liên quan đến đầu tư khác, bao gồm nguyên tắc đối xử quốc gia; đối xử tối huệ quốc; chuẩn mực ứng xử tối thiểu trong đầu tư phù hợp với các nguyên tắc luật pháp quốc tế; nghiêm cấm các hành vi thu hồi tài sản không phục vụ cho mục đích công, không đảm bảo đúng trình tự, thủ tục quy định hoặc không thực hiện bồi thường; nghiêm cấm những yêu cầu về thực hiện như yêu cầu về hàm lượng nội địa hay nội địa hóa công nghệ; tự do chuyển giao nguồn vốn thực hiện đầu tư phù hợp với những điều khoản ngoại lệ quy định trong Hiệp định TPP nhằm đảm bảo các chính phủ thành viên được phép quản lý các dòng vốn vãng lai một cách linh hoạt thông qua các biện pháp bảo hộ tạm thời (như các biện pháp kiểm soát vốn) nhằm hạn chế hành vi chuyển vốn đầu tư trong trường hợp xảy ra khủng hoảng cán cân thanh toán hoặc những mối đe dọa, suy thoái kinh tế khác, cũng như nhằm bảo vệ tính thống nhất và ổn định của hệ thống tài chính; bảo đảm quyền tự chủ của các quốc gia thành viên trong việc bổ nhiệm các vị trí quản lý cao cấp.

Các nước thành viên của TPP phải ban hành các quy định về danh mục cấm để bảo đảm thị trường của các quốc gia luôn công khai đối với các nhà đầu tư ngoại, trừ trường hợp nhà đầu tư chấp nhận một điều khoản ngoại lệ (biện pháp không tương thích) nào đó được quy định tại một trong hai phụ lục cụ thể của từng quốc gia thành viên như sau: (1) các biện pháp hiện hành quy định nước thành viên có nghĩa vụ không áp đặt thêm bất kỳ biện pháp chế tài nào khác trong tương lai cũng như tuân thủ thỏa thuận tự do hóa trong các hoạt động đầu tư sau này, và (2) các biện pháp và chính sách quy định nước thành viên có đầy đủ quyền tự quyết trong các hoạt động trong tương lai.

Chuơng này cũng đưa ra những quy định mang tính trung lập và minh bạch về vấn đề trọng tài quốc tế để giải quyết các tranh chấp liên quan đến đầu tư cùng với các biện pháp bảo hộ nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn các tuyên bố vi phạm và không phù hợp với quy định cũng như nhằm bảo đảm quyền của mỗi chính phủ thành viên trong việc ban hành các quy định phục vụ cho những lợi ích công cộng, bao gồm quy định về y tế, an toàn và bảo vệ môi trường. Các biện pháp bảo hộ về quy trình, thủ tục bao gồm quy định về sự minh bạch trong thủ tục khởi kiện, tham gia tòa án với tư cách bạn của tòa án (amicus curiae), tham gia toà án với tư cách không phải là Bên liên quan tranh chấp; xúc tiến quá trình xem xét các tuyên bố sai trái và thanh toán phí luật sư; minh bạch trong quy định về thủ tục xem xét một quyết định tạm thời; quy định ràng buộc để các nước TPP đạt được sự thông hiểu lẫn nhau; quy định thời hạn nộp đơn lên toà; và các nguyên tắc không cho phép Bên nguyên đơn tham gia một vụ kiện tương tự và diễn ra song song với vụ kiện mà Bên đó đang tham gia.

10. Thương mại dịch vụ xuyên biên giới

Xét thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của các dịch vụ trong quan hệ thương mại giữa các nước TPP, 12 quốc gia thành viên sẽ cùng nhau cam kết thực hiện thương mại tự do trong lĩnh vực này. Hiệp định TPP bao gồm những nghĩa vụ cốt lõi đã được thỏa thuận trong Hiệp định WTO and các hiệp định thương mại khác như nghĩa vụ đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc; gia nhập thị trường, trong đó quy định các quốc gia không phải thành viên của TPP có thể áp đặt những biện pháp chế tài việc cung cấp dịch vụ (chẳng hạn như giới hạn số lượng nhà cung cấp hoặc số lượng giao dịch) hoặc có thể yêu cầu quy định một hình thái tư cách pháp nhân đặc trưng hoặc liên doanh; và sự hiện diện của các yêu tố quốc nội, trong đó quy định không một quốc gia nào có thể yêu cầu nhà cung cấp từ quốc gia khác thành lập văn phòng hay chi nhánh, hoặc phải là đối tượng cư trú trong lãnh thổ của mỗi quốc gia để cung cấp dịch vụ. Các nước thành viên của TPP có nghĩa vụ ban hành các danh mục cấm để bảo đảm thị trường của các quốc gia luôn công khai đối với các nhà đầu tư ngoại, trừ trường hợp nhà đầu tư chấp nhận một điều khoản ngoại lệ (biện pháp không tương thích) nào đó được quy định tại một trong hai phụ lục cụ thể của từng quốc gia như sau: (1) các biện pháp hiện hành quy định các nước tham gia phải có nghĩa vụ không áp đặt thêm bất kỳ biện pháp chế tài nào khác trong tương lai cũng như tuân thủ thỏa thuận tự do hóa trong các hoạt động sau này, và (2) các lĩnh vực và chính sách quy định quốc gia thành viên có đầy đủ quyền tự quyết trong các hoạt động trong tương lai.

Chính thức ký kết Hiệp định TPP

- Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đại diện Việt Nam đặt bút ký Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào 5h sáng, 4/2/2016 (giờ Việt Nam) tại Auckland, New Zealand.

Theo múi giờ tại Auckland, New Zealand, thời điểm diễn ra lễ ký kết để xác thực lời văn Hiệp định TPP là 11h sáng ngày 4/2.

Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng New Zealand John Key, Bộ trưởng các nước đã lần lượt ký kết hiệp định. Như vậy, sau 10 năm kể từ khi có ý tưởng hình thành, Hiệp định TPP đã trở thành hiện thực.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đại diện Việt Nam tham gia lễ ký kết. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, sau lễ ký, văn bản hoàn chỉnh sẽ được đệ trình lên Quốc hội Việt Nam để phê chuẩn. Sau khi ký kết, 12 quốc gia có thể bắt đầu quá trình phê chuẩn trong nước và có hai năm để hoàn thành trước khi hiệp định có hiệu lực.

Phát biểu tại lễ ký kết Thủ tướng New Zealand cho rằng, TPP thúc đẩy tự do hóa thương mại, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương trên khắp khu vực và về tổng thể sẽ mang lại những lợi ích tốt nhất cho tất cả 12 nước thành viên cũng như công dân các nước này.

Còn ông Michael Froman, Đại diện Thương mại Mỹ cho rằng, thỏa thuận có thể giúp nước này có thêm 100 tỷ USD mỗi năm. "Sau 5 năm đàm phán, việc ký kết TPP là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực của chúng tôi nhằm thiết lập các quy tắc mang tính quy chuẩn cao tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời tạo một thỏa thuận có lợi nhất cho công nhân, nông dân và các doanh nghiệp Mỹ", ông nói.

Từ tiền thân ban đầu là Hiệp định Hợp tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định P4) với 4 thành viên tháng 6/2005, đến thời điểm ký kết này, TPP có 12 nước tham gia là: Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Đối với riêng Việt Nam và Mỹ, ngày ký kết TPP này còn có ý nghĩa đặc biệt hơn khi trùng với chính ngày Tổng thống Bill Clinton đã tuyên bố dỡ bỏ cấm vận hoàn toàn đối với Việt Nam (4/2/1994, tức 24 tháng Chạp, giáp Tết Quý Dậu). Thành phố Auckland, New Zealand- nơi ký TPP- cũng chính là nơi đầu tiên mà hai nước từng dự kiến ký Hiệp định Thương mại Việt- Mỹ (BTA) tháng 9/1999 nhưng sau đó đã hoãn lại cho đến tháng 7/2000.

Theo thống nhất của các nhà lãnh đạo các nước thành viên TPP, sau khi ký kết để xác thực lời văn Hiệp định TPP, Hiệp định sẽ được Chính phủ các nước trình Quốc hội phê chuẩn theo đúng quy định của pháp luật.

Mục tiêu đề ra của TPP vào năm 2011 là thiết lập một Hiệp định khu vực toàn diện và cân bằng, một Hiệp định trải dài khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm ba lục địa và tạo ra một thị trường rộng lớn với 800 triệu dân.

Bộ Công Thương cho biết, thông qua việc xây dựng các quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao để hỗ trợ các hoạt động giao thương trong thế kỷ 21, Hiệp định TPP sẽ củng cố và mở rộng các mối liên kết cùng có lợi giữa 12 nền kinh tế thành viên, tăng cường năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu cho các thành viên. TPP được kỳ vọng là một hiệp địn toàn diện, bên cạnh ý nghĩa kinh tế đơn thuần, hiệp định sẽ hỗ trợ tạo công ăn việc làm và cơ hội mới cho giới trẻ, thúc đẩy cải cách và xóa đói giảm nghèo, đảm bảo những lợi ích tốt nhất cho người dân.

Bộ Công Thương khẳng định, Việt Nam là một trong những nước được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn từ TPP, nhất là các lĩnh vực dệt may, da giày, đồ gỗ... Việc tham gia TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam khi tham gia vào sân chơi chung của khu vực có tổng giá trị chiếm tới 40% kinh tế toàn cầu và đóng góp cho GDP thế giới gần 300 tỷ USD mỗi năm.

Tuy nhiên, TPP cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong những vấn đề như quy mô, chất lượng nền kinh tế còn thấp so với các nước thành viên TPP khác, đặc biệt là những nước có trình độ phát triển cao hơn. Năng lực cạnh tranh cả về sản phẩm, doanh nghiệp, quốc gia của Việt Nam đều hạn chế và dễ bị tổn thương, chất lượng nhân lực về quản lý Nhà nước, quản trị doanh nghiệp đều còn hạn chế...

Bộ Công Thương cho biết, nhằm chuẩn bị cho giai đoạn thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có TPP, Chính phủ đã tập trung ưu tiên thực hiện một số biện pháp như hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý đặc biệt liên quan đến các FTA, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, cải cách thủ tục hành chính để tăng tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh...

Đánh giá bài viết
1 967
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo