Thủ tục cấp lại, đổi bằng lái xe máy, xe ô tô tại TPHCM 2024

Hiện nay, việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính giúp việc cấp đổi bằng lái xe máy, ô tô trở nên dễ dàng hơn. Bài viết này sẽ hướng dẫn cách làm thủ tục cấp lại, đổi bằng lái xe máy, xe ô tô tại TPHCM 2020.

1. Thủ tục cấp lại, đổi bằng lái xe tại TPHCM

Bằng lái xe hiện nay vẫn còn tồn tại bằng cũ (được làm bằng chất liệu giấy có ép nhựa), và bằng mới (được làm bằng chất liệu nhựa PET).

Hướng dẫn thủ tục cấp lại, đổi bằng lái xe máy, xe ô tô tại TPHCM 2020

Đối với bằng lái xe sử dụng vật liệu cũ (giấy)

Nếu bạn đang sử dụng bằng lái xe cũ khi muốn cấp, đổi lại bằng lái xe mới thì bằng lái xe sẽ được chuyển sang làm bằng chất liệu nhựa PET, với thủ tục như cần thiết như sau:

Hồ sơ, gồm có:

  • Đơn đề nghị đổi, cấp lại giấy phép lái xe theo mẫu.
  • Giấy chứng nhận sức khỏe trong vòng 6 tháng trở lại.
  • Bản sao giấy phép lái xe cũ, giấy CMND hoặc hộ chiếu còn thời hạn.

Thời gian đổi GPLX:

  • Không quá 05 ngày làm việc (thứ 7, CN không tính) theo quy định tại Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

Ảnh:

  • Người lái xe sẽ được chụp ảnh ngay tại chỗ, hoặc một số điểm có thể chấp nhận hình chụp sẵn với phông nền trắng.
Giấy phép lái xe cũ sẽ được cơ quan cắt góc (trừ giấy phép lái xe do nước ngoài cấp) và giao lại cho người lái xe.

Lệ phí:

  • Cấp đổi Giấy phép lái xe theo mẫu mới là 135.000 đồng, theo Thông tư 188/2016/TT-BTC ngày 08/11/2016.
  • Khám sức khỏe đối với người lái xe (bao gồm xét nghiệm ma túy): 360.000 đồng/người, theo Thông tư 02/2017/TT-BYT.

Đối với bằng lái xe sử dụng vật liệu mới (PET)

Nếu bạn đang dùng bằng lái xe mới, vì lí do bị mất, hư hỏng hay bị hết hạn, thì hãy tiến hành làm thủ tục cấp, đổi lại bằng lái xe với thủ tục sau:

Hồ sơ, gồm có:

  • Đơn đề nghị đổi, cấp lại Giấy phép lái xe.
  • Giấy chứng nhận sức khỏe của người lái xe có thời gian từ 6 tháng trở lại.
  • Hồ sơ lái xe gốc phù hợp với giấy phép lái xe (Nếu còn giữ).
  • Cần bản photo và bản chính để đối chiếu của CMND (đối với người Việt Nam) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam đã định cư ở nước ngoài).
Lưu ý:
  • Nếu GPLX bị mất, quá hạn từ 3 tháng trở lên, phải thi lại sát hạch lái xe và có thêm mẫu đơn Đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe.

Ảnh:

  • Ảnh dán trong Giấy khám sức khỏe là ảnh 4x6, có nền trắng.
  • Ảnh trên bằng lái xe sẽ được cơ quan cấp giấy phép lái xe chụp ảnh, nên không cần mang theo ảnh đã chụp sẵn.

Thời gian cấp lại GPLX:

Tùy thuộc vào thời hạn sử dụng GPLX mà Sở Giao thông vận tải xem xét và thẩm định cấp lại giấy phép lái xe như sau:

  • Giấy phép lái xe bị mất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 03 tháng, thì được xét cấp lại mà không cần phải thi lại sát hạch. Vì thế, thời hạn cấp lại bằng lái xe sau thời gian 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ.
  • Giấy phép lái xe bị mất và quá thời hạn sử dụng từ 03 tháng trở lên, theo Quy định tại Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, thì sau 2 tháng cần phải thi sát hạch lại với nội dung:

a) Nếu GPLX quá hạn sử dụng từ 03 tháng đến dưới 01 năm, thi lại lý thuyết.

b) Nếu GPLX quá hạn sử dụng từ 01 năm trở lên, phải thi lại cả lý thuyết và thực hành.

Thời gian xem lại cấp bằng lái xe sau khi sát hạch không quá 10 ngày làm việc (trừ thứ 7 và CN).

Lệ phí:

  • Cấp lại Giấy phép lái xe: 135.000 đồng.
  • Thi lại sát hạch (lý thuyết và thực hành): Theo Thông tư 188/2016/TT-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ hoạt động trên phương tiện và lệ phí, thì:

a) Thi sát hạch lái xe mô tô (hạng xe A1, A2, A3, A4):

- Sát hạch lý thuyết: 40.000 đồng/lần;

- Sát hạch thực hành: 50.000 đồng/lần.

b) Thi sát hạch lái xe ô tô (hạng xe B1, B2, C, D, E, F):

- Sát hạch lý thuyết: 90.000 đồng/lần;

- Sát hạch thực hành trong hình: 300.000 đồng/lần;

- Sát hạch thực hành trên đường giao thông công cộng: 60.000 đồng/lần.

  • Khám sức khỏe lái xe (không kể xét nghiệm, X-quang): Không quá 120.000 đồng/người.

2. Địa điểm tiếp nhận hồ sơ cấp lại, đổi bằng lái xe tại TPHCM

Điện máy XANH tổng hợp các địa điểm tiếp nhận hồ sơ cấp lại, đổi bằng lái xe tại TPHCM như sau:

Nếu người dân có nhu cầu cấp, đổi lại Giấy phép lái xe do Sở Giao thông vận tải TP.HCM cấp, hoặc do Sở Giao thông vận tải của các tỉnh, thành phố khác cấp, hoặc do Công an, Giấy phép lái xe do ngành Quân đội cấp, thì hãy đến địa chỉ:

  • 51/2 đường Thành Thái, P. 14, Q.10.
  • 08 đường Nguyễn Ảnh Thủ, P. Trung Mỹ Tây, Q.12.
  • 111 đường Tân Sơn Nhì, P. Tân Sơn Nhì, Q. Tân Phú.
  • 937 đường Tạ Quang Bửu, P. 5, Q.8.

Nếu người dân có nhu cầu cấp Giấy phép lái xe Quốc tế thì hãy liên hệ các điểm tiếp nhận tại TP.HCM như sau:

  • 252 đường Lý Chính Thắng, P.9, Q.3. (Phòng Quản lý sát hạch cấp giấy phép lái xe).
  • 937 đường Tạ Quang Bửu, P.5, Q.8.

Nếu người dân có nhu cầu cấp đổi Giấy phép lái xe do nước ngoài cấp, hoặc do đăng ký dịch vụ công cấp độ 3, hoặc do đăng ký qua tổng đài (028).1081 thì đến địa chỉ:

  • 252 đường Lý Chính Thắng, P.9, Q.3.(Phòng Quản lý sát hạch cấp giấy phép lái xe)

Nếu người dân có nhu cầu cấp, đổi Giấy phép lái xe do Sở Giao thông vận tải TP.HCM cấp và trả kết quả theo địa chỉ thì có thể liên hệ các bưu cục của Bưu điện Thành phố tại địa điểm như sau:

  • E9/37 đường Nguyễn Hữu Trí, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TPHCM.
  • 3 đường Phan Đăng Lưu, P.3, Q,Bình Thạnh, TPHCM.
  • 1441 đường Huỳnh Tấn Phát, P.Phú Mỹ, Q.7, TPHCM.
Lưu ý: Phí dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo địa chỉ tùy theo sự thỏa thuận giữa Bưu điện Thành phố với người dân, dưới sự giám sát của Sở Giao thông vận tải.

3. Thời gian làm việc của các điểm tiếp nhận cấp, đổi GPLX

Hầu như giờ làm việc của các cơ quan nhà nước, các điểm tiếp nhận cấp, đổi GPLX từ Thứ 2 đến Thứ 6, cụ thể:

  • Sáng: từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ 10 phút.
  • Chiều: từ 13 giờ đến 16 giờ 30 phút.

4. Các lưu ý khi đến điểm tiếp nhận cấp, đổi GPLX

Khi đến cơ quan nhà nước để thực hiện việc cấp, đổi GPLX, người dân cần lưu một số vấn đề sau:

Trang phục, tác phong

  • Với nam giới: mặc áo có tay, quần qua đầu gối, tốt nhất nên mặc quần dài.
  • Với nữ giới: mặc áo có tay, váy hoặc quần dài đều được, tối thiểu có chiều dài (quần, váy) ngang đầu gối.

Nên có thái độ cư xử đúng mực, tôn trọng và tuân thủ theo sự hướng dẫn của cán bộ tiếp công dân và nhân viên bảo vệ.

Chú ý đến việc giữ trật tự, giữ gìn vệ sinh chung để đảm bảo mỹ quan trong khuôn viên tiếp công dân.

Lấy số thứ tự (nếu có)

Để đáp ứng số lượng người dân có nhu cầu cấp, đổi GPLX nhiều mỗi ngày và nâng cao chất lượng phục vụ tốt nhất có thể, hầu hết các cơ quan nhà nước đều cung cấp số thứ tự cho người dân.

Ai đến trước lấy số trước, ai đến sau lấy số sau. Cần xếp hàng, ngồi ghế chờ đến số thứ tự của mình, hạn chế tình trạng chen lấn ngay trước cửa quầy giao dịch.

Mời các bạn tham khảo các bài viết khác trong mục Tài liệu.

Đánh giá bài viết
1 2.257
0 Bình luận
Sắp xếp theo