Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Quản lý chất thải nguy hại

Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Quy định về Quản lý chất thải nguy hại.

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
---------------------------

Số: 12/2011/TT-BTNMT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------------------------------

Hà Nội, ngày 14 tháng 04 năm 2011

THÔNG TƯ
Quy định về Quản lý chất thải nguy hại
__________________

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 08 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn;

Căn cứ Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Nghị định số 81/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 132/2008/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUY ĐỊNH:

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Thông tư này quy định về quản lý chất thải nguy hại, bao gồm:

1. Phân định, phân loại chất thải nguy hại (sau đây viết tắt là CTNH).

2. Điều kiện hành nghề quản lý CTNH (sau đây viết tắt là QLCTNH); thủ tục lập hồ sơ, đăng ký chủ nguồn thải CTNH, cấp phép hành nghề, mã số QLCTNH; vận chuyển xuyên biên giới CTNH.

3. Kiểm tra, xác nhận việc thực hiện nội dung báo cáo Đánh giá tác động môi trường (sau đây viết tắt là ĐTM) và các yêu cầu của Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM đối với dự án đầu tư cơ sở xử lý CTNH do Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan nhà nước; tổ chức, cá nhân trong nước hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân) có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ liên quan đến việc phát sinh CTNH, quản lý CTNH trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Thông tư này không áp dụng đối với chất thải phóng xạ; chất thải ở thể hơi và khí; nước thải phát sinh nội bộ trong khuôn viên của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung được xử lý tại công trình xử lý nước thải của cơ sở hoặc khu đó.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Quản lý chất thải nguy hại là các hoạt động liên quan đến việc phòng ngừa, giảm thiểu, phân định, phân loại, tái sử dụng trực tiếp, lưu giữ tạm thời, vận chuyển và xử lý CTNH.

2. Vận chuyển CTNH là quá trình chuyên chở CTNH từ nơi phát sinh đến nơi xử lý, có thể kèm theo việc thu gom, đóng gói, bảo quản, lưu giữ tạm thời, trung chuyển, sơ chế CTNH.

3. Xử lý CTNH là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật nhằm biến đổi, loại bỏ, cách ly, tiêu huỷ hoặc phá huỷ tính chất, thành phần nguy hại của CTNH (kể cả việc tái chế, tận thu, thiêu đốt, đồng xử lý, cô lập, chôn lấp) với mục đích cuối cùng là không gây tác động xấu đến môi trường và sức khoẻ con người.

4. Sơ chế CTNH là việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật cơ-lý đơn thuần nhằm thay đổi tính chất vật lý như kích thước, độ ẩm, nhiệt độ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, xử lý hoặc nhằm phối trộn hoặc tách riêng các thành phần của CTNH cho phù hợp với các phương pháp xử lý khác nhau.

5. Đồng xử lý CTNH là việc kết hợp một quá trình sản xuất sẵn có để xử lý CTNH, trong đó CTNH được sử dụng làm nhiên liệu, nguyên vật liệu bổ sung cho quá trình sản xuất này.

6. Tái sử dụng trực tiếp CTNH là việc trực tiếp sử dụng lại các CTNH có nguồn gốc là các phương tiện, thiết bị, sản phẩm hoặc vật liệu, hoá chất đã qua sử dụng thuộc danh mục quy định tại Phụ lục 8 kèm theo Thông tư này theo đúng mục đích sử dụng ban đầu của phương tiện, thiết bị, sản phẩm hoặc vật liệu, hoá chất đó mà không qua bất kỳ khâu xử lý hay sơ chế nào.

7. Giấy phép QLCTNH là tên gọi chung cho các loại giấy phép sau:

a) Giấy phép hành nghề QLCTNH là Giấy phép được cấp cho dịch vụ vận chuyển và xử lý CTNH theo quy định tại Thông tư này;

b) Giấy phép hành nghề vận chuyển CTNH là Giấy phép được cấp cho dịch vụ vận chuyển CTNH theo quy định tại Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn điều kiện hành nghề và thủ tục lập hồ sơ, đăng ký, cấp phép hành nghề, mã số quản lý chất thải nguy hại (sau đây viết tắt là Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT);

c) Giấy phép hành nghề xử lý, tiêu huỷ CTNH là Giấy phép được cấp cho dịch vụ xử lý CTNH theo quy định tại Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT.

8. Chủ nguồn thải CTNH là tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc điều hành cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh CTNH (sau đây gọi tắt là cơ sở phát sinh CTNH).

9. Chủ hành nghề QLCTNH là tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép hành nghề QLCTNH để thực hiện dịch vụ vận chuyển và xử lý CTNH theo quy định tại Thông tư này.

10. Chủ vận chuyển CTNH là tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép hành nghề vận chuyển CTNH còn giá trị sử dụng theo quy định tại Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT.

11. Chủ xử lý CTNH là tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép hành nghề xử lý, tiêu huỷ CTNH còn giá trị sử dụng theo quy định tại Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT.

12. Chủ tái sử dụng CTNH là tổ chức, cá nhân tiếp nhận CTNH để tái sử dụng trực tiếp.

13. Đại lý vận chuyển CTNH là tổ chức, cá nhân được chủ hành nghề QLCTNH uỷ quyền hoặc hợp đồng để thực hiện hoạt động vận chuyển CTNH.

14. Cơ quan quản lý chủ nguồn thải chất thải nguy hại (sau đây viết tắt là CQQLCNT) là cơ quan có thẩm quyền quản lý các chủ nguồn thải CTNH theo quy định.

15. Cơ quan cấp phép (sau đây viết tắt là CQCP) là tên gọi chung của các cơ quan có thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy phép QLCTNH.

16. Mã số QLCTNH là mã số được cấp kèm theo Sổ đăng ký chủ nguồn thải hoặc Giấy phép QLCTNH.

17. Địa bàn hoạt động là phạm vi địa lý cho phép thực hiện dịch vụ vận chuyển và xử lý CTNH được ghi trong Giấy phép QLCTNH.

Đánh giá bài viết
12 5.137
0 Bình luận
Sắp xếp theo