Thông tư 47/2020/TT-BGDĐT lựa chọn đồ chơi, học liệu trong trường mầm non

Thông tư số 47/2020/TT-BGDĐT

Thông tư 47/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định việc lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Ngày 31/12/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 47/2020/TT-BGDĐT về việc quy định việc lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Theo đó, học liệu xuất bản phẩm điện tử phải có giải pháp quản lý thời gian sử dụng cho trẻ em dưới 06 tuổi. Mặt khác, học liệu cũng cần bảo đảm tính an toàn khác như: Nếu học liệu được sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non thì phải có tem, nhãn mác, ghi rõ các thông tin trên sản phẩm; Học liệu được dịch, xuất bản ở nước ngoài phải có Giấy chứng nhận thẩm định; Học liệu tự làm phải bảo đảm vệ sinh, an toàn, không gây độc hại, thân thiện với môi trường…

Nội dung Thông tư 47 2020 BGDĐT

B GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

_________

Số: 47/2020/TT-BGDĐT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_______________________

Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2020

THÔNG TƯ
Quy định việc lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các sở giáo dục mầm non

________________

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 06 năm 2019;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định việc lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về việc lựa chọn đồ chơi, học liệu và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non.

2. Thông tư này áp dụng đối với trường mầm non, lớp mầm non độc lập, trường mẫu giáo, lớp mẫu giáo độc lập, nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập (sau đây gọi là cơ sở giáo dục mầm non); các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đồ chơi sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non là đồ chơi phục vụ cho hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non trong cơ sở giáo dục mầm non (sau đây gọi là đồ chơi).

2. Đồ chơi tự làm là đồ chơi do các tổ chức, cá nhân tự làm, phục vụ cho các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại cơ sở giáo dục mầm non.

3. Học liệu sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non là các phương tiện vật chất lưu giữ, mang hoặc phản ánh nội dung giáo dục mầm non nhằm phục vụ cho hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non trong cơ sở giáo dục mầm non (sau đây gọi là học liệu).

4. Học liệu dạng xuất bản phẩm là học liệu được xuất bản thông qua nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản, gồm: tài liệu in, tài liệu chữ nổi, tranh, ảnh, ảnh dạng thẻ và học liệu điện tử (là tài liệu được số hóa theo một cấu trúc định dạng và kịch bản nhất định, được lưu trữ trên các thiết bị điện tử).

5. Học liệu tự làm là học liệu do các tổ chức, cá nhân tự làm, phục vụ cho hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại cơ sở giáo dục mầm non.

Điều 3. Nguyên tắc lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non

1. Đồ chơi có trong danh mục thiết bị dạy học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thực hiện theo các quy định hiện hành.

2. Đồ chơi không có trong danh mục thiết bị dạy học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và học liệu được lựa chọn theo các nguyên tắc sau:

a) Đồ chơi, học liệu bảo đảm các yêu cầu được quy định tại Mục 1 và Mục 2 Chương 2 Thông tư này;

b) Lựa chọn đồ chơi, học liệu căn cứ vào nhu cầu thực tế thực hiện Chương trình giáo dục mầm non; phát triển Chương trình giáo dục mầm non; kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học; kế hoạch thực hiện chuyên đề hàng năm;

c) Lựa chọn đồ chơi, học liệu căn cứ vào điều kiện thực tế: về vật chất (địa điểm, không gian xếp đặt); về nguồn lực (khả năng khai thác, sử dụng, ứng dụng đồ chơi của cán bộ quản lý và giáo viên).

3. Bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

Chương II. YÊU CẦU ĐỐI VỚI ĐỒ CHƠI, HỌC LIỆU ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON

Mục 1. YÊU CẦU ĐỐI VỚI ĐỒ CHƠI ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON

Điều 4. Tính an toàn của đồ chơi

1. Đồ chơi bảo đảm an toàn theo các quy định hiện hành của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ về an toàn đồ chơi trẻ em.

2. Đồ chơi bảo đảm các quy định hiện hành về tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Đồ chơi ghi rõ các thông tin về bản quyền (tem, nhãn mác, nơi nhập khẩu, nơi sản xuất, hạn sử dụng, cách lắp đặt, bảo quản); có giấy chứng nhận hợp quy còn thời hạn hiệu lực; gắn dấu hợp quy theo quy định.

4. Đối với đồ chơi tự làm: các nguyên liệu, vật liệu bảo đảm vệ sinh, an toàn, không gây độc hại cho người sử dụng; hạn chế sử dụng đồ chơi làm từ nhựa tái chế và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Điều 5. Tính thẩm mỹ của đồ chơi

1. Bảo đảm tính thẩm mỹ, màu sắc hài hòa, sinh động.

2. Bố cục hợp lý, hình dạng bề ngoài sinh động, hấp dẫn, kích thích hứng thú trẻ.

3. Bảo đảm kích cỡ, trọng lượng phù hợp với thể chất và khả năng sử dụng của trẻ (dễ chơi, dễ di chuyển).

4. Dễ dàng kết nối, lắp ghép, lồng, xếp các chi tiết,

Điều 6. Tính giáo dục của đồ chơi

1. Phù hợp với nội dung Chương trình giáo dục mầm non và các hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non; giúp trẻ em phát triển các lĩnh vực thể chất, ngôn ngữ, trí tuệ, thẩm mỹ, tình cảm và kỹ năng xã hội.

2. Đáp ứng yêu cầu phát triển Chương trình giáo dục mầm non, phù hợp với xu thế hội nhập và yêu cầu đổi mới phương pháp.

3. Đồ chơi không chứa đựng nội dung bạo lực, thông tin xuyên tạc, kì thị về chính trị, tôn giáo, sắc tộc, giới tính.

4. Đồ chơi được thiết kế có tính năng kích thích phát triển thể chất, tư duy, sáng tạo; phù hợp với nhu cầu và phát triển của từng độ tuổi.

5. Hỗ trợ trẻ em có nhu cầu đặc biệt bao gồm các nhu cầu về thể chất, giác quan và học tập.

Mục 2. YÊU CẦU ĐỐI VỚI HỌC LIỆU ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON

Điều 7. Tính an toàn của học liệu

1. Học liệu xuất bản phẩm dược sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non cần có tem, nhãn mác, ghi rõ các thông tin trên xuất bản phẩm theo quy định của Luật Xuất bản; không vi phạm các quy định của pháp luật.

2. Học liệu xuất bản phẩm theo hình thức dịch, xuất bản ở nước ngoài phải có giấy chứng nhận thẩm định theo Luật Xuất bản.

3. Đối với học liệu xuất bản phẩm điện tử: có giải pháp quản lý thời gian sử dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi.

4. Đối với học liệu tự làm: bảo đảm vệ sinh, an toàn, không gây độc hại; thân thiện với môi trường; hạn chế sử dụng học liệu từ nhựa tái chế và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Điều 8. Tính thẩm mỹ của học liệu

1. Hình thức học liệu (kích cỡ, số lượng chữ trong từng trang, số trang, cỡ chữ, thời gian sử dụng) phù hợp với từng độ tuổi.

2. Màu sắc tươi sáng, âm thanh và lời thoại rõ ràng, không sử dụng âm thanh có cường độ mạnh.

3. Ngôn ngữ sử dụng quen thuộc, gần gũi, phù hợp với văn hóa địa phương.

Điều 9. Tính giáo dục của học liệu

1. Học liệu phù hợp với sự phát triển của từng độ tuổi; kích thích sự phát triển của trẻ em.

2. Học liệu có nội dung phù hợp với các lĩnh vực phát triển giáo dục trong Chương trình giáo dục mầm non; đảm bảo tính tích hợp, hỗ trợ phát triển toàn diện trẻ em.

3. Học liệu bảo đảm tính thân thiện, phản ánh các sự vật, hiện tượng gần gũi với cuộc sống của trẻ em.

4. Học liệu không trái với văn hóa, lịch sử, địa lý và thuần phong mĩ tục của Việt Nam; không chứa đựng nội dung bạo lực, chiến tranh, thông tin xuyên tạc, kì thị về chính trị, tôn giáo, sắc tộc, giới tính.

5. Học liệu có các yêu cầu cụ thể, để tổ chức các hoạt động giáo dục, quan sát, đánh giá, hỗ trợ trẻ em; phù hợp với phát triển Chương trình giáo dục mầm non.

6. Học liệu đáp ứng yêu cầu phát triển Chương trình giáo dục mầm non, phù hợp với xu thế hội nhập và yêu cầu đổi mới phương pháp.

7. Đối với học liệu tự làm: khuyến khích tận dụng nguyên liệu, vật liệu thiên nhiên; mang tính mở, kích thích nhu cầu, hứng thú và tham gia hoạt động của trẻ em; phù hợp với văn hóa vùng miền.

Chương III. TỔ CHỨC LỰA CHỌN ĐỒ CHƠI, HỌC LIỆU ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON

Điều 10. Hội đồng lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non

1. Hội đồng lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non (sau đây gọi là Hội đồng) do người đứng đầu cơ sở giáo dục mầm non thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục mầm non tổ chức lựa chọn đồ chơi, học liệu trẻ em.

2. Hội đồng bao gồm: người đứng đầu hoặc cấp phó người đứng đầu cơ sở giáo dục, tổ/nhóm trưởng chuyên môn, đại diện giáo viên các nhóm/lớp, đại diện Ban đại diện cha mẹ trẻ em. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 9 (chín) người. Đối với cơ sở giáo dục mầm non dưới 5 (năm) nhóm/lớp số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 5 (năm) người.

3. Hội đồng có nhiệm vụ lựa chọn, đề xuất danh mục đồ chơi, học liệu được sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non theo quy định tại Thông tư.

4. Các thành viên trong Hội đồng chịu trách nhiệm về ý kiến nhận xét, đánh giá lựa chọn đồ chơi, học liệu.

5. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, minh bạch. Kết quả mỗi cuộc họp của Hội đồng được lập thành biên bản. Biên bản phải có chữ ký của các thành viên trong Hội đồng.

Điều 11. Quy trình lựa chọn đồ chơi, học liệu

1. Các cơ sở giáo dục mầm non căn cứ vào yêu cầu, nguyên tắc lựa chọn đồ chơi, học liệu; kế hoạch thực hiện năm học; kế hoạch thực hiện chuyên đề hàng năm; thực tiễn các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, tiến hành rà soát, phân loại đồ chơi, học liệu hiện có. Trên cơ sở danh mục đồ chơi, học liệu do giáo viên và cán bộ quản lý đề xuất, người đứng đầu cơ sở giáo dục mầm non tổ chức Hội đồng lựa chọn đồ chơi, học liệu. Danh mục đồ chơi, học liệu được đề xuất lựa chọn có chữ ký của tổ/nhóm trưởng chuyên môn và đại diện giáo viên các nhóm/lớp.

2. Hội đồng tổ chức họp, thảo luận, đánh giá đồ chơi, học liệu trên cơ sở danh mục đồ chơi, học liệu được đề xuất. Danh mục đồ chơi, học liệu được lựa chọn phải đạt trên 1/2 (một phần hai) số thành viên Hội đồng tán thành lựa chọn. Hội đồng tổng hợp kết quả lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non thành biên bản, có chữ ký của các thành viên trong Hội đồng.

3. Hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục mầm non danh mục đồ chơi, học liệu đã được Hội đồng lựa chọn để sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non.

4. Trên cơ sở đề xuất của Hội đồng, người đứng đầu cơ sở giáo dục mầm non phê duyệt danh mục đồ chơi, học liệu được sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non; lập kế hoạch mua sắm, đề xuất với cơ quan quản lý cấp trên; tự làm đồ chơi, học liệu.

Chương IV. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG VIỆC LỰA CHỌN ĐỒ CHƠI HỌC LIỆU ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON

Điều 12. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo

Hướng dẫn, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nội dung theo quy định tại Thông tư này đối với các cơ sơ giáo dục mầm non, tồ chức, cá nhân theo thẩm quyền.

Điều 13. Trách nhiệm của phòng giáo dục và đào tạo

1. Hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các nội dung theo quy định tại Thông tư này đối với các cơ sơ giáo dục mầm non, các tổ chức và cá nhân theo thẩm quyền.

2. Đình chỉ việc sử dụng những đồ chơi, học liệu có nội dung không phù hợp với các quy định hoặc có biểu hiện vi phạm pháp luật tại cơ sở giáo dục mầm non; báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử lý kịp thời.

3. Xử lý theo thẩm quyền đối với những cơ sở giáo dục mầm non, tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Thông tư này. Tổng hợp và báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo kết quả lựa chọn, sử dụng đồ chơi, học liệu trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Điều 14. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục mầm non

1. Tổ chức lựa chọn, khai thác, sử dụng đồ chơi, học liệu theo quy định tại Thông tư này; báo cáo phòng giáo dục và đào tạo kết quả lựa chọn đồ chơi, học liệu; chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý giáo dục, cha mẹ/người chăm sóc trẻ em về quyết định lựa chọn, khai thác, sử dụng đồ chơi, học liệu.

2. Cán bộ quản lý và giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non khai thác, sử dụng hiệu quả đồ chơi, học liệu đã được lựa chọn trong tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin về đồ chơi, học liệu đã được lựa chọn với cha mẹ/người chăm sóc trẻ em.

3. Trách nhiệm của Hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non

a) Chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý giáo dục, cha mẹ/người chăm sóc trẻ em về quyết định lựa chọn đồ chơi, học liệu dược sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non theo quy định tại Thông tư;

b) Báo cáo cơ quan quản lý cấp trên về quyết định lựa chọn đồ chơi, học liệu, kế hoạch mua sắm, trang bị đồ chơi, học liệu hằng năm và tình hình khai thác, sử dụng đồ chơi, học liệu của cơ sở giáo dục mầm non;

c) Định kỳ, Hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non có trách nhiệm tổ chức rà soát, kiểm tra chất lượng đồ chơi, học liệu đang sử dụng; có biện pháp khắc phục, thay thế (nếu cần thiết);

d) Thông báo cho cán bộ quản lý, giáo viên trong cơ sơ giáo dục mầm non, cha mẹ/ người chăm sóc trẻ em về danh mục và số lượng đồ chơi, học liệu. Tổ chức tư vấn cho cha mẹ/ người chăm sóc trẻ em lựa chọn, mua đồ chơi, học liệu nếu có nhu cầu riêng;

Chương V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 2 năm 2021.

Điều 16. Trách nhiệm thi hành

Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu; Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo; Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục mầm non; tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:

- Văn phòng Chính phủ;

- Văn phòng Quốc hội;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính Phủ;

- Bộ trưởng (để b/c);

- Như Điều 16;

- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư Pháp);

- Công báo;

- Cổng TTĐT Chính phủ;

- Cổng TTĐT Bộ GDĐT;

- Lưu: VT, Vụ PC, Vụ GDMN (05 bản).

KT. B TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

Ngô Thị Minh

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Giáo dục đào tạo được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Người ký:
Số hiệu:Lĩnh vực:Đang cập nhật
Ngày ban hành:Ngày hiệu lực:Đang cập nhật
Loại văn bản:Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:
Đánh giá bài viết
1 540
0 Bình luận
Sắp xếp theo