Thông tư 29/2019/TT-BCA

Thông tư số 29/2019/TT-BCA

Ngày 30/8/2019 Bộ công an ban hành Thông tư 29/2019/TT-BCA về Quy định việc thực hiện kết luận thanh tra trong Công an nhân dân.

Thông tư này quy định trách nhiệm của Thủ trưởng, đối tượng thanh tra, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong Công an nhân dân trong việc thực hiện kết luận thanh tra và hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra do Thủ trưởng Công an có thẩm quyền, Thủ trưởng cơ quan thanh tra trong Công an nhân dân ban hành.

BỘ CÔNG AN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 29/2019/TT-BCA

Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 2019

THÔNG TƯ

Quy định việc thực hiện kết luận thanh tra trong Công an nhân dân

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định việc thực hiện kết luận thanh tra;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ Công an;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định việc thực hiện kết luận thanh tra trong Công an nhân dân.

Chương I

QỤY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định trách nhiệm của Thủ trưởng, đối tượng thanh tra, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong Công an nhân dân trong việc thực hiện kết luận thanh tra và hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra do Thủ trưởng Công an có thẩm quyền, Thủ trưởng cơ quan thanh tra trong Công an nhân dân ban hành.

Điều 2. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, phân công cơ quan, đơn vị, cá nhân tổ chức thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã được xác định trong kết luận thanh tra, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

2. Không thực hiện các biện pháp theo thẩm quyền để cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ, kịp thời kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

3. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đã được xác định rõ tại kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

4. Báo cáo không trung thực kết quả thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; chống đối, cản trở hoặc thực hiện các hành vi nhằm đối phó với hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

5. Không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra để làm trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra.

7. Không chỉ đạo, quyết định xử lý hoặc không kiến nghị xử lý sau khi phát hiện hành vi vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra đến mức cần phải xử lý.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Cơ quan ban hành kết luận thanh tra là cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong Công an nhân dân theo quy định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân.

2. Đối tượng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra là đối tượng thanh tra; cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra; cơ quan, đơn vị và cá nhân có trách nhiệm hoặc có liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra trong Công an nhân dân.

Chương II

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, ĐƠN VỊ,

CÁ NHÂN TRONG VIỆC THỰC HIỆN KẾT LUẬN THANH TRA

Điều 4. Trách nhiệm của Thủ trưởng Công an cùng cấp với cơ quan ban hành kết luận thanh tra

1. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận thanh tra, Thủ trưởng Công an cùng cấp với cơ quan ban hành kết luận thanh tra có trách nhiệm ban hành văn bản chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra, xử lý sai phạm về hành chính, kinh tế, khắc phục sơ hở, yếu kém trong quản lý, hoàn thiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại các Điều 4, 5 và 7 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định việc thực hiện kết luận thanh tra (sau đây viết gọn là Nghị định số 33/2015/NĐ-CP).

2. Căn cứ quy định của Bộ trưởng Bộ Công an về phân công, phân cấp trong công tác quản lý cán bộ, Thủ trưởng Công an cùng cấp với cơ quan ban hành kết luận thanh tra có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo việc tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm;

b) Xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ Công an có hành vi vi phạm thuộc quyền quản lý trực tiếp;

c) Yêu cầu cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ Công an có hành vi vi phạm thuộc quyền quản lý của cơ quan, đơn vị, cá nhân đó;

d) Kiến nghị cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật thuộc quyền quản lý của cơ quan, đơn vị đó.

3. Chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và xử lý kịp thời kết quả theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.

Điều 5. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan ban hành kết luận thanh tra

1. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ban hành kết luận thanh tra hoặc kể từ ngày nhận được văn bản chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan ban hành kết luận thanh tra có trách nhiệm:

a) Xem xét xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ Công an có hành vi vi phạm thuộc quyền quản lý trực tiếp; áp dụng các biện pháp theo quy định tại các điểm a và c khoản 1 Điều 8 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP;

b) Yêu cầu, kiến nghị đối tượng thanh tra, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện các biện pháp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP;

c) Tổ chức việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra đối tượng thanh tra, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong Công an nhân dân trong việc thực hiện kết luận thanh tra và xử lý kịp thời kết quả theo dõi, đôn đốc, kiểm tra theo quy định tại Chương III Thông tư này.

2. Thanh tra Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công an quyết định, yêu cầu, kiến nghị và tổ chức theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 6. Trách nhiệm của đối tượng thanh tra và cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong Công an nhân dân

1. Sau khi nhận được kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan trong Công an nhân dân có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP.

2. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan trong Công an nhân dân có trách nhiệm thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý sai phạm về hành chính, kinh tế; xử lý kỷ luật hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ Công an có hành vi vi phạm; khắc phục sơ hở, yếu kém trong quản lý, hoàn thiện chính sách, pháp luật theo quy định tại các Điều 11, 12 và 13 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP.

3. Đối tượng thanh tra, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong Công an nhân dân có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP.

4. Đối tượng thanh tra, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong Công an nhân dân có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành về Thanh tra Bộ Công an để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng.

Điều 7. Trách nhiệm của Thủ trưởng Công an quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra

1. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thủ trưởng Công an quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra có trách nhiệm thực hiện và chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, xử lý hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra theo quy định tại các Điều 15 và 16 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP.

2. Thanh tra Bộ Công an có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Công an thực hiện và chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, xử lý hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra.

Chương III

THEO DÕI, ĐÔN ĐỐC, KIỂM TRA VIỆC THỰC HIỆN
KẾT LUẬN THANH TRA

Điều 8. Trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong Công an nhân dân

1. Cơ quan thanh tra các cấp trong Công an nhân dân có trách nhiệm giúp Thủ trưởng Công an cùng cấp áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý trong việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của cơ quan thanh tra, của Thủ trưởng Công an cấp trên.

2. Cơ quan thanh tra các cấp trong Công an nhân dân có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của mình, của Thủ trưởng Công an cùng cấp.

3. Thanh tra Bộ Công an có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và xử lý kịp thời kết quả theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Trình tự, thủ tục theo dõi

1. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày công bố hoặc kể từ ngày gửi kết luận thanh tra, cán bộ được giao nhiệm vụ theo dõi có trách nhiệm tập hợp thông tin có liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP.

2. Hoạt động theo dõi được tiến hành bằng hình thức gửi văn bản yêu cầu báo cáo hoặc làm việc trực tiếp với đối tượng theo dõi để xác định thông tin về tình hình thực hiện kết luận thanh tra, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

a) Chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày được giao nhiệm vụ theo dõi, cán bộ được giao nhiệm vụ theo dõi có trách nhiệm đề xuất văn bản trình Thủ trưởng cơ quan thanh tra để yêu cầu đối tượng theo dõi báo cáo và cung cấp tài liệu chứng minh về tình hình thực hiện kết luận thanh tra, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

b) Căn cứ vào từng vụ việc cụ thể, cán bộ được giao nhiệm vụ theo dõi có trách nhiệm đề xuất Thủ trưởng cơ quan thanh tra phân công người làm việc trực tiếp với đối tượng theo dõi để xác định thông tin về việc thực hiện kết luận thanh tra, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Nội dung làm việc với đối tượng theo dõi được lập thành biên bản theo mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

3. Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày công bố hoặc kể từ ngày gửi kết luận thanh tra, cán bộ được giao nhiệm vụ theo dõi có trách nhiệm báo cáo kết quả theo dõi với Thủ trưởng cơ quan thanh tra theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP. Trường hợp trong kết luận thanh tra, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra có ghi thời hạn thực hiện sớm hơn, thì việc báo cáo kết quả theo dõi được thực hiện theo thời hạn đó.

4. Thủ trưởng cơ quan thanh tra có trách nhiệm xử lý kết quả theo dõi theo quy định tại khoản 4 Điều 22 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP.

Điều 10. Trình tự, thủ tục đôn đốc

1. Hình thức đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP. Nội dung làm việc với đối tượng đôn đốc được lập thành biên bản theo mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

2. Trong thời hạn 25 ngày, kể từ ngày quyết định tiến hành việc đôn đốc, cán bộ được giao nhiệm vụ đôn đốc có trách nhiệm báo cáo kết quả đôn đốc với Thủ trưởng cơ quan thanh tra theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP.

3. Thủ trưởng cơ quan thanh tra có trách nhiệm xử lý kết quả đôn đốc theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP.

Điều 11. Trình tự, thủ tục kiểm tra

1. Hoạt động kiểm tra chỉ thực hiện khi có quyết định kiểm tra của Thủ trưởng cơ quan thanh tra có thẩm quyền. Quyết định kiểm tra thực hiện theo mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Công an. Căn cứ ra quyết định kiểm tra thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP.

2. Thủ trưởng cơ quan thanh tra giao cán bộ thuộc quyền quản lý tiến hành kiểm tra. Khi cần thiết, Thủ trưởng cơ quan thanh tra thành lập Đoàn kiểm tra hoặc Tổ kiểm tra. Việc cử cán bộ kiểm tra, thành lập Đoàn kiểm tra hoặc Tổ kiểm tra phải được ghi rõ trong quyết định kiểm tra.

Việc gửi quyết định kiểm tra thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP. Cán bộ được giao nhiệm vụ kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra, Tổ trưởng Tổ kiểm tra (sau đây gọi chung là cán bộ được giao nhiệm vụ kiểm tra) có trách nhiệm lập kế hoạch kiểm tra trình Thủ trưởng cơ quan thanh tra phê duyệt và tổ chức thực hiện.

3. Thời hạn kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP.

4. Trong quá trình kiểm tra, cán bộ được giao nhiệm vụ kiểm tra có trách nhiệm thu thập thông tin, tài liệu liên quan nhằm xác minh rõ các nội dung kiểm tra. Nội dung kiểm tra được lập thành biên bản theo mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Công an. Sau khi kết thúc việc kiểm tra, cán bộ được giao nhiệm vụ kiểm tra có trách nhiệm báo cáo kết quả kiểm tra với Thủ trưởng cơ quan thanh tra theo quy định tại khoản 4 Điều 24 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP.

5. Căn cứ kết quả kiểm tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra có trách nhiệm áp dụng theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, Thủ trưởng Công an có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định tại khoản 5 Điều 24 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP, xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ Công an có hành vi vi phạm, hoàn thiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 12. Thông báo kết quả theo dõi, đôn đốc, kiểm tra

Thủ trưởng cơ quan thanh tra phải thông báo bằng văn bản kết quả và việc xử lý kết quả theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra cho đối tượng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra.

Điều 13. Công khai kết quả theo dõi, đôn đốc, kiểm tra

1. Công khai kết quả theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra bằng một trong các hình thức sau:

a) Công bố tại cuộc họp cơ quan, đơn vị là đối tượng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra;

b) Niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan thanh tra đã tiến hành theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; thời gian niêm yết ít nhất là 05 ngày;

c) Thông báo trên một trong các phương tiện thông tin đại chúng;

d) Trường hợp cơ quan thanh tra có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, phải công khai thông báo trên cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của mình.

2. Không áp dụng hình thức công khai theo quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này đối với kết luận thanh tra, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra có nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước hoặc những quy định khác của Bộ trưởng Bộ Công an.

Điều 14. Lập, quản lý hồ sơ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra

1. Cán bộ được giao nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra chịu trách nhiệm lập hồ sơ theo trình tự sau:

a) Lập hồ sơ trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết luận thanh tra được công bố hoặc gửi cho đối tượng thanh tra;

b) Thu thập những thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra;

c) Kết thúc hồ sơ sau khi Thủ trưởng cơ quan thanh tra có văn bản thông báo kết thúc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra.

2. Các thông tin, tài liệu thu thập được trong quá trình theo dõi, đôn đốc, kiểm tra phải được quản lý chặt chẽ theo quy định, chỉ cung cấp hoặc công bố khi được Thủ trưởng cơ quan thanh tra cho phép.

3. Sau khi kết thúc việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tài liệu có liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra phải được tập hợp, bổ sung vào hồ sơ thanh tra và lưu trữ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an về công tác hồ sơ nghiệp vụ thanh tra Công an nhân dân.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Xử lý vi phạm

Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân có hành vi vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra được quy định tại Thông tư này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý theo quy định của pháp luật, của Bộ trưởng Bộ Công an.

Điều 16. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2019.

2. Các quy định dẫn chiếu trong Thông tư này khi được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì nội dung dẫn chiếu cũng được điều chỉnh và thực hiện theo quy định đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Điều 17. Trách nhiệm thi hành

1. Chánh Thanh tra Bộ Công an có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Các Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Thanh tra Bộ Công an) để có hướng dẫn kịp thời./.


BỘ TRƯỞNG

Đại tướng Tô Lâm

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Trách nhiệm hình sự được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Đánh giá bài viết
1 181
0 Bình luận
Sắp xếp theo