Thông tư 28/2015/TT-NHNN quy định dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng nhà nước

Thông tư 28/2015/TT-NHNN - Quy định dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng nhà nước

Thông tư 28/2015/TT-NHNN quy định dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng nhà nước quy định việc quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong giao dịch điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ngân hàng Nhà nước).

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 28/2015/TT-NHNNHà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2015

THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CHỮ KÝ SỐ, CHỨNG THƯ SỐ VÀ DỊCH VỤ CHỨNG THỰC CHỮ KÝ SỐ CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số;

Căn cứ Nghị định số 106/2011/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 26/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15 tháng 02 năm 2007 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số;

Căn cứ Nghị định số 170/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số và Nghị định số 106/2011/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 156/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Công nghệ tin học;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về việc quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng Nhà nước.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong giao dịch điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ngân hàng Nhà nước).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước; các tổ chức tín dụng; chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Kho bạc Nhà nước.

2. Tổ chức khác sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng Nhà nước trong các hoạt động giao dịch điện tử do Ngân hàng Nhà nước tổ chức.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. "Chứng thư số" là một dạng chứng thư điện tử do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng Nhà nước cấp.

2. "Dịch vụ chứng thực chữ ký số" là một loại hình dịch vụ do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng Nhà nước cấp. Dịch vụ chứng thực chữ ký số bao gồm:

a) Tạo cặp khóa bao gồm khóa công khai và khóa bí mật cho thuê bao;

b) Cấp, gia hạn, tạm dừng, khôi phục và thu hồi chứng thư số của thuê bao;

c) Duy trì trực tuyến cơ sở dữ liệu về chứng thư số;

d) Những dịch vụ khác có liên quan theo quy định.

3. "Tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số" là tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của Ngân hàng Nhà nước (CA-NHNN) do Cục Công nghệ tin học quản trị, vận hành.

4. "Thuê bao" là tổ chức, cá nhân thuộc đơn vị, tổ chức theo quy định tại Điều 2 Thông tư này được tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số cấp chứng thư số; chấp nhận chứng thư số và giữ khóa bí mật tương ứng với khóa công khai ghi trên chứng thư số được cấp đó.

5. "Tổ chức quản lý thuê bao" là các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước hoặc các tổ chức khác đề nghị cấp chứng thư số cho cá nhân thuộc đơn vị, tổ chức của mình.

6. "Giao dịch điện tử của Ngân hàng Nhà nước" là các hoạt động, nghiệp vụ được tiến hành bằng phương thức điện tử của Ngân hàng Nhà nước.

7. "Khóa bí mật" là một khóa trong cặp khóa thuộc hệ thống mật mã không đối xứng, được dùng để tạo chữ ký số.

8. "Khóa công khai" là một khóa trong cặp khóa thuộc hệ thống mật mã không đối xứng, được sử dụng để kiểm tra chữ ký số được tạo bởi khóa bí mật tương ứng trong cặp khóa.

9. "Người ký" là thuê bao dùng đúng khóa bí mật của mình để ký số vào một thông điệp dữ liệu dưới tên của mình.

10. "Người nhận" là tổ chức, cá nhân nhận được thông điệp dữ liệu được ký số bởi người ký, sử dụng chứng thư số của người ký đó để kiểm tra chữ ký số trong thông điệp dữ liệu nhận được và tiến hành các hoạt động, giao dịch có liên quan.

Điều 4. Nội dung chứng thư số

1. Tên tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số.

2. Tên của thuê bao.

3. Tên tổ chức quản lý thuê bao.

4. Số hiệu (Serial Number) của chứng thư số.

5. Thời hạn có hiệu lực của chứng thư số.

6. Khóa công khai của thuê bao.

7. Chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số.

8. Các hạn chế về mục đích, phạm vi sử dụng của chứng thư số.

9. Các hạn chế về trách nhiệm pháp lý của tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số.

10. Các nội dung cần thiết khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Chương II

DỊCH VỤ CHỨNG THỰC CHỮ KÝ SỐ

Điều 5. Cấp chứng thư số

1. Chứng thư số cho cá nhân thuộc tổ chức quản lý thuê bao

Khi có nhu cầu cấp chứng thư số cho cá nhân thuộc tổ chức quản lý thuê bao, tổ chức quản lý thuê bao nộp 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị cấp chứng thư số qua mạng, nộp trực tiếp hoặc theo đường bưu điện đến trụ sở tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp chứng thư số của tổ chức quản lý thuê bao theo Mẫu biểu 01 đính kèm Thông tư này;

b) Giấy đề nghị cấp chứng thư số của cá nhân thuộc tổ chức quản lý thuê bao theo Mẫu biểu 02 đính kèm Thông tư này.

2. Chứng thư số cho người có thẩm quyền (người đại diện hợp pháp)

Khi có nhu cầu cấp chứng thư số cho người có thẩm quyền (người đại diện hợp pháp) của tổ chức quản lý thuê bao, tổ chức quản lý thuê bao nộp 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị cấp chứng thư số trực tiếp hoặc theo đường bưu điện đến trụ sở tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số. Hồ sơ bao gồm:

a) Các văn bản theo quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Bản sao giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu của cơ quan, tổ chức đã được cấp theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu;

c) Bản sao văn bản xác nhận chức danh của người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức;

d) Đối với bản sao theo quy định tại điểm b, c Khoản này, tổ chức có quyền lựa chọn bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp chứng thư số hợp lệ, tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số thực hiện cấp chứng thư số cho thuê bao và thông báo kết quả qua mạng hoặc qua đường bưu điện. Trường hợp từ chối thì nêu rõ lý do.

4. Thời hạn hiệu lực chứng thư số của thuê bao do tổ chức quản lý thuê bao đề nghị nhưng không quá 05 năm kể từ ngày chứng thư số có hiệu lực.

Điều 6. Gia hạn chứng thư số

1. Chứng thư số đề nghị gia hạn phải đảm bảo còn hiệu lực.

2. Tổ chức quản lý thuê bao gửi Giấy đề nghị gia hạn chứng thư số theo Mẫu biểu 03 đính kèm Thông tư này qua mạng, nộp trực tiếp hoặc theo đường bưu điện đến tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số.

3. Giấy đề nghị gia hạn chứng thư số phải được gửi tới tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số trước thời điểm hết hiệu lực của chứng thư số ít nhất 10 ngày.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Giấy đề nghị gia hạn chứng thư số hợp lệ, tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số thực hiện gia hạn chứng thư số cho thuê bao và thông báo kết quả qua mạng hoặc qua đường bưu điện. Trường hợp từ chối thì nêu rõ lý do.

Điều 7. Tạm dừng chứng thư số

1. Chứng thư số của thuê bao bị tạm dừng khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

a) Khóa bí mật bị lộ hoặc nghi bị lộ; thiết bị lưu giữ khóa bí mật bị thất lạc, bị sao chép trái phép hoặc các trường hợp mất an toàn khác, thuê bao gửi Giấy đề nghị tạm dừng chứng thư số theo Mẫu biểu 04 đính kèm Thông tư này qua mạng, nộp trực tiếp hoặc theo đường bưu điện đến tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số;

b) Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan an ninh hoặc Bộ Thông tin và Truyền thông;

c) Theo yêu cầu bằng văn bản của tổ chức quản lý thuê bao;

d) Tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số phát hiện ra bất cứ sai sót, sự cố nào có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của thuê bao hoặc an ninh, an toàn của hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số;

đ) Thời gian tạm dừng chứng thư số theo quy định tại điểm a, c Khoản này theo yêu cầu của thuê bao hoặc tổ chức quản lý thuê bao. Thời gian tạm dừng chứng thư số theo quy định tại điểm b Khoản này theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan an ninh hoặc Bộ Thông tin và Truyền thông.

2. Khi có các thông tin, yêu cầu như Khoản 1 Điều này, tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số lập tức tiến hành tạm dừng chứng thư số, thông báo kết quả qua mạng hoặc qua đường bưu điện trong thời hạn 05 ngày làm việc và cập nhật thông tin trên trang thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước.

Đánh giá bài viết
1 1.012
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo