Thông tư 15/2021/TT-BXD hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung

Thông tư 15/2021/TT-BXD vừa được Bộ Xây dựng ban hành ngày 15/12 năm 2021 hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung.

Theo đó, việc xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình thu gom, thoát nước thải phải đồng bộ, bảo đảm kết nối với các công trình trên mạng lưới thoát nước và xử lý nước thải...

Sau đây là nội dung chi tiết của Thông tư số 15 2021 BXD, mời các bạn cùng tham khảo.

Thông tư 15/2021/TT-BXD

BỘ XÂY DỰNG

________

Số: 15/2021/TT-BXD

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_________________________

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2021

THÔNG TƯ

Hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung

______________

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 81/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải; Nghị định số 98/2019/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật;

Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn một số nội dung về công trình thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung bao gồm các yêu cầu phải đáp ứng trong hoạt động xây dựng, quản lý, vận hành công trình.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có liên quan đến hoạt động xây dựng, quản lý, vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị và khu dân cư tập trung.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung (viết tắt là công trình thu gom, thoát nước thải) bao gồm hộp đấu nối, cống cấp 3, cống cấp 2, cống cấp 1, trạm bơm thoát nước, giếng tách nước thải, giếng thăm, cửa xả,…và các công trình phụ trợ khác nhằm mục đích thu gom, chuyển tải và xử lý nước thải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường để xả vào nguồn tiếp nhận.

2. Hộp đấu nối là thiết bị hoặc là giếng kiểm tra, giếng thăm được xây dựng tại điểm đấu nối để kết nối ống nước thải, nước mưa của hộ thoát nước vào hệ thống thoát nước, được bố trí để thực hiện việc đấu nối và phục vụ bảo trì, sửa chữa, thổi rửa, nạo vét.

3. Đấu nối hệ thống thoát nước là kết nối cống thoát nước từ hộ thoát nước vào hệ thống thoát nước.

4. Cống thoát nước của hộ thoát nước là hệ thống đường ống, cống, rãnh hoặc kênh mương thoát nước được xây dựng trong phạm vi đất của hộ thoát nước nhằm thu gom nước thải, nước mưa và chuyển tải đến điểm đấu nối.

5. Cống cấp 1 là tuyến cống chính thu gom dẫn nước thải từ các lưu vực thoát nước đến nhà máy xử lý nước thải.

6. Cống cấp 2 là cống vận chuyển nước thải cho khu vực, tiểu lưu vực thoát nước đến cống cấp 1.

7. Cống cấp 3 là cống thu gom nước thải từ các hộ thoát nước đến cống cấp 2 hoặc cống cấp 1.

8. Cống gom là tuyến cống cấp 1, cấp 2 của hệ thống thoát nước chung để thu gom toàn bộ nước thải khi không có mưa và một phần cố định nước mưa hòa trộn với nước thải khi có mưa và chuyển tải đến trạm bơm về nhà máy xử lý nước thải.

9. Giếng tràn nước mưa (hoặc giếng tách nước thải) là công trình bố trí trên hệ thống thoát nước chung để tách nước thải về nhà máy xử lý nước thải tập trung, đồng thời tràn hỗn hợp nước mưa và nước thải ra nguồn tiếp nhận khi mưa với cường độ lớn.

10. Cơ quan chuyên môn về thoát nước là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân các cấp tại địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân cấp, ủy quyền của cơ quan nhà nước cấp trên.

11. Khu dân cư tập trung nêu tại Thông tư này là điểm dân cư nông thôn theo quy định tại Luật Xây dựng và khu dân cư khác ngoài khu vực phát triển đô thị hình thành theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý, xây dựng công trình thu gom, thoát nước thải

1. Đầu tư xây dựng các công trình thu gom, thoát nước thải đô thị và khu dân cư tập trung phải tuân thủ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch thoát nước thải đô thị (nếu có) theo từng lưu vực thoát nước.

2. Việc xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình thu gom, thoát nước thải phải đồng bộ, bảo đảm kết nối với các công trình trên mạng lưới thoát nước và xử lý nước thải; bảo đảm công suất để vận chuyển, xử lý lượng nước thải của khu vực, có dự phòng với khối lượng nước thải phát sinh và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo quy định trước khi xả vào nguồn tiếp nhận. Khuyến khích sử dụng giải pháp thi công không đào hở cống thoát nước, đặc biệt tuyến cống cấp 1 trong đô thị cũ có mật độ giao thông cao.

3. Đô thị, khu dân cư tập trung hiện hữu đã có mạng lưới thoát nước chung, Ủy ban nhân dân các cấp theo phân cấp quản lý có trách nhiệm lập, phê duyệt kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, mở rộng thành hệ thống thoát nước riêng hoặc nửa riêng (xây dựng các giếng tràn nước mưa, các tuyến cống bao, cống gom để thu gom, vận chuyển nước thải về nhà máy xử lý nước thải tập trung).

4. Đô thị, khu dân cư tập trung mới phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa để tổ chức đấu nối, thu gom và vận chuyển nước thải, đáp ứng nhu cầu thoát nước trong khu vực, trừ trường hợp đặc thù do Chính phủ quy định.

Điều 5. Công trình thu gom, thoát nước thải

1. Giếng tràn nước mưa trên hệ thống thoát nước chung:

a) Căn cứ hiện trạng thoát nước, đặc điểm địa hình, địa chất, thủy văn để xác định vị trí xây dựng giếng tràn nước mưa. Vị trí xây dựng giếng tràn nước mưa phải đáp ứng khả năng tiếp cận trong quá trình quản lý, vận hành và giám sát công trình, thuận lợi cho việc xả nước mưa vào nguồn tiếp nhận và không ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng kỹ thuật khác;

b) Việc quản lý, vận hành giếng tràn nước mưa phải tuân thủ các quy trình quản lý, vận hành theo thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

c) Giếng tràn nước mưa phải được nạo vét, duy tu, bảo dưỡng định kỳ, bảo đảm công trình được duy trì hoạt động bình thường.

2. Cống bao, cống gom để vận chuyển nước thải đến nhà máy xử lý:

a) Vị trí, độ sâu đặt cống bao, cống gom nước thải phải bảo đảm thuận tiện trong quản lý vận hành và tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật công trình thoát nước;

b) Đường kính, vận tốc, độ dốc của cống bao, cống gom nước thải được tính toán và kiểm tra bảo đảm lưu lượng thu gom và vận chuyển nước thải đến nhà máy xử lý nước thải tập trung, không để nước thải rò rỉ ra ngoài môi trường;

c) Cống bao, cống gom phải bảm đảo độ bền, kín và ổn định dưới tác động của tải trọng, điều kiện tự nhiên và tác động ăn mòn của môi trường trong thời hạn sử dụng công trình.

3. Cửa xả nước thải sau xử lý vào nguồn tiếp nhận phải được xây dựng ở vị trí phù hợp để nước thải hòa trộn với nước nguồn tiếp nhận và không gây xói lở bờ, không ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan, các công trình xung quanh và hoạt động giao thông trên thủy vực.

4. Giếng thăm của công trình cửa xả nước thải được xây dựng tại vị trí thuận lợi cho việc tiếp cận kiểm tra, kiểm soát nguồn thải và lấy mẫu trước khi xả vào nguồn tiếp nhận.

5. Hệ thống thoát nước chung có điều tiết bằng hồ điều hòa, nước mưa khi xả vào hồ điều hòa phải qua giếng tràn nước mưa. Việc trữ nước và điều tiết mực nước của hồ điều hòa phải bảo đảm nhiệm vụ điều tiết nước mưa.

Điều 6. Đấu nối hệ thống thoát nước

1. Thực hiện đấu nối hệ thống thoát nước:

a) Trước khi thực hiện thỏa thuận đấu nối, đơn vị thoát nước có trách nhiệm kiểm tra khả năng thoát nước của hệ thống thoát nước hiện hữu, việc xây dựng công trình thu gom, thoát nước thải không được làm ảnh hưởng tới khả năng thoát nước của khu vực hiện hữu;

b) Đối với các hộ thoát nước thuộc lưu vực của hệ thống thoát nước chung, đơn vị thoát nước phải cung cấp ít nhất một điểm đấu nối chung cho cả nước thải và nước mưa. Đối với các hộ thoát nước thuộc lưu vực của hệ thống thoát nước riêng, đơn vị thoát nước phải cung cấp ít nhất một điểm đấu nối vào cống thoát nước thải và ít nhất một điểm đấu nối vào cống thoát nước mưa;

c) Cao độ của điểm đấu nối tại hộp đấu nối phải thấp hơn cao độ các công trình của hộ thoát nước. Trường hợp thời điểm xây dựng công trình đã có điểm đấu nối lắp đặt cố định, chủ đầu tư xây dựng công trình phải tuân thủ cao độ nền của hộp đấu nối đã được cung cấp, bảo đảm độ dốc, bảo đảm nước thải từ cống thu gom không chảy ngược vào công trình của hộ thoát nước;

d) Trường hợp do hiện trạng công trình hoặc địa hình có cao độ điểm xả nước thải bên trong công trình của hộ thoát nước thấp hơn hộp đấu nối thì đơn vị thoát nước hướng dẫn hộ thoát nước thực hiện các giải pháp khắc phục để nước thải của hộ thoát nước được đấu nối vào hệ thống thoát nước bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật đấu nối;

e) Hộp đấu nối phải được xây dựng cố định tại điểm đấu nối, bảo đảm ổn định, an toàn, thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát, bảo dưỡng, tránh bị rò rỉ nước thải.

2. Yêu cầu đấu nối hệ thống thoát nước:

a) Đô thị, khu dân cư tập trung có hệ thống thoát nước riêng và nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung, nước thải sinh hoạt của các hộ thoát nước được nối trực tiếp vào hộp đấu nối. Trường hợp nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước chung thành hệ thống thoát nước riêng, chủ sở hữu công trình thoát nước căn cứ vào hiện trạng và điều kiện thoát nước tại khu vực nâng cấp, cải tạo để quyết định việc duy trì bể tự hoại;

b) Cống thoát nước thải của hộ thoát nước phải nối với hộp đấu nối hoặc công trình thoát nước thải khác tại khu vực chưa có hộp đấu nối. Cống thoát nước mưa của hộ thoát nước phải nối cố định vào hộp đấu nối thoát nước mưa, kênh, mương hoặc cống thoát nước mưa khu vực;

c) Nước thải chưa được xử lý phải đấu nối vào cống thu gom của hệ thống thoát nước, không được để thấm xuống dưới lòng đất hoặc chảy vào các nguồn nước khác;

d) Nước thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong đô thị, khu dân cư tập trung phải được thu gom, xử lý sơ bộ đáp ứng quy định của đô thị hoặc quy định của chính quyền địa phương trước khi đấu nối vào công trình thu gom, thoát nước thải;

e) Nước thải sau xử lý tại chỗ của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong đô thị, khu dân cư tập trung phải đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường hoặc yêu cầu về bảo vệ môi trường theo từng loại nước thải trước khi đấu nối vào công trình thu gom, thoát nước thải.

Điều 7. Trách nhiệm quản lý về công trình thu gom, thoát nước và đấu nối hệ thống thoát nước

1. Trách nhiệm của đơn vị thoát nước:

a) Xây dựng quy trình quản lý kỹ thuật, vận hành, kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trong quá trình vận hành của hệ thống thoát nước và đề xuất giải pháp phát triển mạng lưới theo lưu vực quản lý với cơ quan chuyên môn về thoát nước;

b) Định kỳ bảo trì công trình thu gom, thoát nước thải, nước mưa và các công trình khác của hệ thống thoát nước, bảo đảm công trình luôn được duy trì hoạt động bình thường;

c) Theo dõi, giám sát và điều tiết cao độ mực nước các hồ điều hòa, kênh, mương, cống thoát nước, bảo đảm tối đa khả năng tiêu thoát, điều hòa thoát nước mưa, chống ngập úng;

d) Quản lý cao độ các tuyến cống chính và cống thu gom nước thải, nước mưa; cung cấp cao độ của điểm đấu nối hệ thống thoát nước cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu thuộc địa bàn quản lý.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp:

a) Ủy ban nhân dân các cấp theo phân cấp quản lý có trách nhiệm lập, phê duyệt kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo, mở rộng hệ thống công trình thu gom riêng nước mưa và công trình thu gom, xử lý nước thải;

b) Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo cơ quan chuyên môn về thoát nước có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này tại địa phương.

Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 02 năm 2022.

2. Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có phát sinh vướng mắc, cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Xây dựng để nghiên cứu, hướng dẫn, giải quyết./.

Nơi nhận:

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

- Sở QH-KT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

- Công báo; Website Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng;

- Các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng;
- Lưu: VT, HTKT.

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

Lê Quang Hùng

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Xây dựng được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Bộ Xây dựngNgười ký:Lê Quang Hùng
Số hiệu:15/2021/TT-BXDLĩnh vực:Xây dựng
Ngày ban hành:15/12/2021Ngày hiệu lực:10/02/2022
Loại văn bản:Thông tưNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:Còn hiệu lực
Đánh giá bài viết
1 197
0 Bình luận
Sắp xếp theo