Thông tư 02/2021/TT-BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình

Thông tư 02/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng về việc ban hành QCVN 06:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình.

Ngày 19/5/2021, Bộ Xây dựng ra Thông tư 02/2021/TT-BXD về việc ban hành QCVN 06:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình.

Cụ thể, quy chuẩn này quy định các yêu cầu chung về an toàn cháy cho gian phòng, nhà và các công trình xây dựng và bắt buộc áp dụng trong tất cả các giai đoạn xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa hay thay đổi công năng, đồng thời quy định phân loại kỹ thuật về cháy cho các nhà, phần và bộ phận của nhà, cho các gian phòng, cẩu kiện xây dựng và vật liệu xây dựng.

Theo đó, khi thiết kế các nhà phải có các giải pháp kết cấu, bố trí mặt bằng-không gian và kỹ thuật công trình như sau: Nhà duy trì được tính ổn định tổng thể và tính bất biến hình trong một khoảng thời gian nhất định, được quy định bằng bậc chịu lửa của nhà; Mọi người trong nhà có thể sơ tán ra bên ngoài tới khu vực an toàn trước khi xuất hiện nguy cơ đe dọa tính mạng và sức khỏe do tác động của các yếu tố nguy hiểm của đám cháy;…

Ngoài ra, phân loại kỹ thuật về cháy đối với nhà, các phần và các bộ phận của nhà, gian phòng, vật liệu xây dựng, cấu kiện xây dựng dựa trên các tính chất sau đây: Tính nguy hiểm cháy ; Tính chịu lửa. Việc phân loại kỹ thuật về cháy dùng để thiết lập các yêu cầu cần thiết về bảo vệ chống cháy cho các kết cấu, gian phòng, nhà, các phần và các bộ phận của nhà phụ thuộc vào tính chịu lửa và/hoặc tính nguy hiểm cháy của chúng.

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 05/7/2021.

Thông tư 02 2021 BXD

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2021/TT-BXD

Hà Nội, ngày 19 tháng 5 năm 2021

THÔNG TƯ
BAN HÀNH QCVN 06:2021/BXD QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ AN TOÀN CHÁY CHO NHÀ VÀ CÔNG TRÌNH

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ngày 29/6/2006;

Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính ph quy định chi tiết thi hành mt số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và Nghị định số 78/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 81/2017/NĐ-CP ngày 17/07/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Theo đề nghị của Vụ trưng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường,

Bộ trưng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này QCVN 06:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 05/7/2021 và thay thế Thông tư số 01/2020/TT-BXD ngày 06/4/2020 ban hành QCVN 06:2020/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình.

Điều 3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bộ Khoa học công nghệ để đăng ký;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Công báo; Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng;
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;
- Lưu: VT, KHCN&MT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Quang Hùng

QCVN 06:2021/BXD

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ AN TOÀN CHÁY CHO NHÀ VÀ CÔNG TRÌNH

National Technical Regulation on Fire Safety of Buildings and Constructions

MỤC LỤC

  1. QUY ĐỊNH CHUNG
  2. PHÂN LOẠI KỸ THUẬT VỀ CHÁY
  3. BẢO ĐẢM AN TOÀN CHO NGƯỜI
  4. NGĂN CHẶN CHÁY LAN
  5. CẤP NƯỚC CHỮA CHÁY
  6. CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN
  7. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ
  8. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
  9. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Phụ lục A Quy định bổ sung về an toàn cháy đối với một số nhóm nhà cụ thể

Phụ lục B Phân loại vật liệu xây dựng theo các đặc trưng cháy

Phụ lục C Phân hạng nhà và các gian phòng theo tính nguy hiểm cháy và cháy nổ

Phụ lục D Các quy định bảo vệ chống khói cho nhà và công trình

Phụ lục E Yêu cầu về khoảng cách phòng cháy chống cháy giữa các nhà và công trình

Phụ lục F Giới hạn chịu lửa danh định của một số cấu kiện kết cấu

Phụ lục G Quy định về khoảng cách đến các lối ra thoát nạn và chiều rộng của lối ra thoát nạn

Phụ lục H Một số quy định về số tầng giới hạn (chiều cao PCCC cho phép) và diện tích khoang cháy của nhà

Phụ lục I (tham khảo) Một số hình vẽ minh họa nội dung các quy định

Lời nói đầu

QCVN 06:2021/BXD do Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng chủ trì biên soạn, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Thông tư số 02/2021/TT-BXD ngày 19/05/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

QCVN 06:2021/BXD thay thế QCVN 06:2020/BXD ban hành kèm theo Thông tư số 01/2020/TT-BXD, ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
VỀ AN TOÀN CHÁY CHO NHÀ VÀ CÔNG TRÌNH

National Technical Regulation on Fire Safety of Buildings and Constructions

1. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1 Phạm vi điều chỉnh

1.1.1. Quy chuẩn này quy định các yêu cầu chung về an toàn cháy cho gian phòng, nhà và các công trình xây dựng (sau đây gọi chung là nhà) và bắt buộc áp dụng trong tất cả các giai đoạn xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa hay thay đổi công năng, đồng thời quy định phân loại kỹ thuật về cháy cho các nhà, phần và bộ phận của nhà, cho các gian phòng, cấu kiện xây dựng và vật liệu xây dựng.

1.1.2. Các phần 3, 4, 5 và 6 của Quy chuẩn này không áp dụng cho các nhà có công năng đặc biệt (nhà sản xuất hay bảo quản các chất và vật liệu nổ; các kho chứa dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, các loại khí dễ cháy, cũng như các chất tự cháy; nhà sản xuất hoặc kho hóa chất độc hại; công trình quốc phòng; phần ngầm của công trình tàu điện ngầm; công trình hầm mỏ; và các nhà có đặc điểm tương tự).

1.1.3. Phần 5 của quy chuẩn này cũng không áp dụng cho các đối tượng sau: cơ sở, nhà và công trình bảo quản và chế biến ngũ cốc; trạm xăng; cơ sở năng lượng (nhà và công trình nhiệt điện, thủy điện, cơ sở lò hơi cung cấp nhiệt, nhà máy điện tuabin khí, diesel và hơi-khí, các cơ sở điện lưới).

1.1.4. Phần 5 của quy chuẩn này cũng không áp dụng đối với các hệ thống chữa cháy cho các đám cháy do các kim loại cũng như các chất và vật liệu hoạt động hóa học mạnh, khi phản ứng với nước sẽ gây nổ, tạo ra khí cháy, gây tỏa nhiệt mạnh, ví dụ như: các hợp chất nhôm - chất hữu cơ, các kim loại kiềm, các hợp chất lithium-chất hữu cơ, chì azua, các hydride nhôm, kẽm, magiê, axít sunfuric, titan clorua, nhiệt nhôm.

1.1.5. Các tiêu chuẩn và các yêu cầu về phòng cháy, chống cháy của các tài liệu chuẩn trong xây dựng phải dựa trên yêu cầu của Quy chuẩn này.

Cùng với việc áp dụng Quy chuẩn này, còn phải tuân theo các yêu cầu phòng cháy chữa cháy quy định cụ thể hơn trong các tài liệu chuẩn khác được quy định áp dụng cho từng đối tượng nhà và công trình. Khi chưa có các tài liệu chuẩn quy định cụ thể theo các yêu cầu của quy chuẩn này thì vẫn cho phép sử dụng các quy định cụ thể trong các tiêu chuẩn hiện hành cho đến khi các tiêu chuẩn đó được soát xét lại, cũng như cho phép sử dụng các tiêu chuẩn hiện hành của nước ngoài trên nguyên tắc đảm bảo yêu cầu của quy chuẩn này và các quy định pháp luật của Việt Nam về phòng cháy, chữa cháy cùng các quy định về áp dụng tiêu chuẩn của nước ngoài trong hoạt động xây dựng ở Việt Nam.

Trong các tài liệu chuẩn hiện hành có liên quan về phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình, khi có các quy định yêu cầu kỹ thuật cụ thể khác với yêu cầu của quy chuẩn này, thì áp dụng quy định của quy chuẩn này.

1.1.6. Các tài liệu thiết kế và tài liệu kỹ thuật của nhà, kết cấu, cấu kiện và vật liệu xây dựng phải nêu rõ các đặc tính kỹ thuật về cháy của chúng theo quy định của quy chuẩn này.

1.1.7. Khi thiết kế và xây dựng nhà và công trình, ngoài việc tuân thủ quy chuẩn này, còn phải tuân thủ các quy chuẩn và đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc khác theo quy định của pháp luật hiện hành, như: quy hoạch, kiến trúc, kết cấu, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện, thiết bị điện, chống sét, hệ thống cấp nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng, hệ thống thông gió, điều hoà không khí, cơ khí, an toàn sử dụng kính, tránh rơi ngã, va đập.

1.1.8. Nhà hoặc công trình xây dựng dùng cho việc sản xuất sản phẩm, hàng hóa thuộc nhóm F5.1 và F5.2 như quy định tại 2.6.5 (không bao gồm các bãi đỗ xe ô tô, xe máy xe đạp không có dịch vụ kỹ thuật và sửa chữa) có không quá 1 tầng hầm (còn gọi là Nhà công nghiệp), bên cạnh việc bảo đảm các quy định đã nêu trong quy chuẩn này còn phải tuân thủ các quy định bổ sung về an toàn cháy nêu tại A.1 của Phụ lục A.

1.1.9. Các nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F1.2, F4.3 và nhà hỗn hợp có chiều cao PCCC từ trên 50 m đến 150 m (có không quá 3 tầng hầm), các nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F1.3 có chiều cao PCCC từ trên 75 m đến 150 m (có không quá 3 tầng hầm) bên cạnh việc bảo đảm những quy định tại các Phần 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9, còn phải tuân thủ các quy định bổ sung về an toàn cháy tương ứng nêu tại A.2 và A.3 của Phụ lục A.

CHÚ THÍCH: Bệnh viện và trường phổ thông chỉ cho phép bố trí các công năng chính từ tầng bán hầm hoặc tầng hầm 1 (trong trường hợp không có tầng bán hầm) trở lên. Tầng hầm 1 là tầng hầm trên cùng hoặc ngay sát tầng bán hầm.

1.1.10. Đối với các nhà chưa có các tiêu chuẩn về phòng cháy, chống cháy cũng như các nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F1.2, F1.3, F4.3 và nhà hỗn hợp có chiều cao PCCC lớn hơn 150 m hoặc có từ 4 tầng hầm trở lên, các nhà đặc biệt phức tạp và khác thường; thì ngoài việc tuân thủ quy chuẩn này còn phải bổ sung các yêu cầu kỹ thuật và các giải pháp về tổ chức, về kỹ thuật công trình phù hợp với các đặc điểm riêng về phòng chống cháy của các nhà đó, trên cơ sở tài liệu chuẩn hiện hành được phép áp dụng. Các yêu cầu và giải pháp này phải được cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) có thẩm quyền thẩm duyệt.

1.1.11. Trong một số trường hợp riêng biệt, Bộ Xây dựng chỉ cho phép thay thế một số yêu cầu của quy chuẩn này đối với công trình cụ thể khi có luận chứng gửi Bộ Xây dựng nêu rõ các giải pháp bổ sung, thay thế hoặc phải trình bày đủ các cơ sở tính toán để đảm bảo an toàn cháy cho công trình cụ thể này. Luận chứng này phải được thẩm duyệt bởi Cục Cảnh sát PCCC và CNCH trước khi gửi Bộ Xây dựng.

1.1.12. Khi thay đổi công năng hoặc thay đổi các giải pháp bố trí mặt bằng - không gian và kết cấu của các nhà hiện hữu hoặc các gian phòng riêng của các nhà đó thì phải áp dụng quy chuẩn này và tài liệu chuẩn trong phạm vi những thay đổi đó.

1.1.13. Đối với nhà ở riêng lẻ cho hộ gia đình có chiều cao từ 6 tầng trở xuống hoặc có không quá 1 tầng hầm, không bắt buộc áp dụng quy chuẩn này mà thực hiện theo hướng dẫn riêng, phù hợp cho từng đối tượng nhà và khu dân cư.

Trường hợp chuyển đổi công năng sang các mục đích khác phải tuân thủ theo quy định của quy chuẩn này và phải được cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ có thẩm quyền thẩm duyệt như đối với các công trình thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy.

1.2. Đối tượng áp dụng

Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng nhà dân dụng và nhà công nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam.

1.3. Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau là cần thiết cho việc áp dụng quy chuẩn này. Trường hợp các tài liệu viện dẫn được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng phiên bản mới nhất.

TCVN 3890:2009, Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình. Trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng.

TCVN 9310-4:2012, Phòng cháy chữa cháy - Từ vựng - Phần 4: Phương tiện chữa cháy.

TCVN 9310-8:2012, Phòng cháy chữa cháy - Từ vựng - Phần 8: Thuật ngữ chuyên dùng cho chữa cháy, cứu nạn và xử lý vật liệu nguy hiểm.

TCVN 9311-1:2012, Thử nghiệm chịu lửa - Các bộ phận kết cấu của tòa nhà - Phần 1: Yêu cầu chung.

TCVN 9311-3:2012, Thử nghiệm chịu lửa các bộ phận kết cấu tòa nhà - Phần 3: Chỉ dẫn về phương pháp thử và áp dụng số liệu thử nghiệm.

TCVN 9311-4:2012, Thử nghiệm chịu lửa các bộ phận kết cấu tòa nhà - Phần 4: Các yêu cầu riêng đối với bộ phận ngăn cách đứng chịu tải.

TCVN 9311-5:2012, Thử nghiệm chịu lửa các bộ phận kết cấu tòa nhà - Phần 5: Các yêu cầu riêng đối với bộ phận ngăn cách nằm ngang chịu tải.

TCVN 9311-6:2012, Thử nghiệm chịu lửa các bộ phận kết cấu tòa nhà - Phần 6: Các yêu cầu riêng đối với dầm.

TCVN 9311-7:2012, Thử nghiệm chịu lửa các bộ phận kết cấu tòa nhà - Phần 7: Các yêu cầu riêng đối với cột.

TCVN 9311-8:2012, Thử nghiệm chịu lửa các bộ phận kết cấu tòa nhà - Phần 8: Các yêu cầu riêng đối với bộ phận ngăn cách đứng không chịu tải.

TCVN 9383:2012, Thử nghiệm khả năng chịu lửa - Cửa đi và cửa chắn ngăn cháy.

1.4. Giải thích từ ngữ

Trong quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.4.1

An toàn cháy cho nhà, công trình (hạng mục công trình)

Bảo đảm các yêu cầu về tính chất vật liệu và cấu tạo kết cấu xây dựng, về các giải pháp kiến trúc, quy hoạch, các giải pháp kỹ thuật và công nghệ phù hợp với đặc điểm sử dụng của công trình, nhằm ngăn ngừa cháy (phòng cháy), hạn chế lan truyền, đảm bảo dập tắt đám cháy (chống cháy), ngăn chặn các yếu tố nguy hiểm có hại đối với con người, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản khi có cháy xảy ra.

1.4.2

Bãi đỗ xe chữa cháy

Đoạn đường có mặt hoàn thiện chịu được tải trọng lớn bố trí dọc theo chu vi hoặc một phần chu vi của nhà, cho phép phương tiện chữa cháy triển khai các hoạt động chữa cháy.

CHÚ THÍCH: So với đường cho xe chữa cháy thì bãi đỗ cho xe chữa cháy được thiết kế để chịu tải trọng lớn hơn và có chiều rộng lớn hơn để triển khai các phương tiện chữa cháy trong quá trình hoạt động.

1.4.3

Bảo vệ chống cháy

Tổng hợp các biện pháp tổ chức và các giải pháp kỹ thuật, nhằm ngăn ngừa tác động của các yếu tố nguy hiểm cháy lên con người và hạn chế thiệt hại vật chất do cháy gây ra.

1.4.4. Bậc chịu lửa

Đặc trưng chịu lửa của nhà chia thành các bậc từ I đến V được xác định bằng giới hạn chịu lửa của các kết cấu xây dựng chính (điều 2.6.2).

1.4.5

Bộ phận ngăn khói

Bộ phận được dùng để định luồng, chứa và/hoặc ngăn cản sự lan truyền của khói (sản phẩm khí của đám cháy).

CHÚ THÍCH: Các bộ phận ngăn khói còn có thể được gọi là: màn ngăn khói, màn kín khói, màn chặn khói (Smoke Curtains, Smoke Blinds, Smoke Screens).

1.4.6

Cấp nguy hiểm cháy của cấu kiện xây dựng

Đặc trưng phân nhóm của cấu kiện xây dựng, dựa trên các mức khác nhau của thông số kết quả thử nghiệm gây cháy cho vật liệu cấu thành của cấu kiện xây dựng theo các tiêu chuẩn quy định.

CHÚ THÍCH: xem 2.3 và Phụ lục B.

1.4.7

Cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà

Cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà được xác định theo cấp nguy hiểm cháy của các cấu kiện xây dựng chủ yếu của nhà.

1.4.8

Chiều cao phòng cháy chữa cháy (chiều cao PCCC)

Chiều cao phòng cháy chữa cháy (chiều cao PCCC) của nhà được xác định bằng khoảng cách từ mặt đường thấp nhất cho xe chữa cháy tiếp cận tới mép dưới của lỗ cửa (cửa sổ) mở trên tường ngoài của tầng trên cùng, không kể tầng kỹ thuật trên cùng. Khi không có lỗ cửa (cửa sổ), thì chiều cao PCCC được xác định bằng một nửa tổng khoảng cách tính từ mặt đường cho xe chữa cháy tiếp cận đến mặt sàn và đến trần của tầng trên cùng. Trong trường hợp mái nhà được khai thác sử dụng thì chiều cao PCCC của nhà được xác định bằng khoảng cách lớn nhất từ mặt đường cho xe chữa cháy tiếp cận đến mép trên của tường chắn mái.

1.4.9

Chiều cao tia nước đặc

Lấy bằng 0,8 lần chiều cao tia nước phun theo phương thẳng đứng.

1.4.10

Diện tích sàn cho phép tiếp cận

Diện tích mặt sàn của tất cả các khu vực được bao che trong một nhà hoặc phần nhà, bao gồm cả diện tích các kênh dẫn, sàn giếng thang máy, nhà vệ sinh, buồng thang bộ, diện tích chiếm chỗ bởi đồ dùng, máy móc, thiết bị cố định hoặc di động và cả các diện tích sinh hoạt hở ngoài trời ở phía trên hoặc phía dưới tầng 1 của nhà.

1.4.11

Đường cho xe chữa cháy

Đường được thiết kế cho các phương tiện chữa cháy đi đến và di chuyển trong phạm vi của một cơ sở để thực hiện các hoạt động chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

1.4.12

Giới hạn chịu lửa

Thời gian (tính bằng giờ hoặc bằng phút) từ khi bắt đầu thử chịu lửa theo chế độ nhiệt tiêu chuẩn các mẫu cho tới khi xuất hiện một trong các trạng thái giới hạn của kết cấu và cấu kiện.

1.4.13

Gian lánh nạn

Khu vực bố trí trong tầng lánh nạn dùng để sơ tán tạm thời khi xảy ra sự cố cháy.

1.4.14

Gian kỹ thuật

Gian phòng bố trí các thiết bị kỹ thuật của tòa nhà hoặc tầng nhà. Các gian kỹ thuật có thể bố trí trên toàn bộ hoặc một phần của tầng kỹ thuật.

1.4.15

Hành lang bên

Hành lang mà ở một phía có thông gió với bên ngoài, không bị chắn, liên tục theo chiều dài, với chiều cao thông thủy tính từ đỉnh của tường chắn ở mép hành lang lên phía trên không nhỏ hơn 1,2 m.

1.4.16

Hệ thống bảo vệ chống cháy

Hệ thống bảo vệ chống cháy bao gồm: Hệ thống bảo vệ chống nhiễm khói, hệ thống họng nước chữa cháy bên trong, hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà, các hệ thống chữa cháy tự động, hệ thống báo cháy và âm thanh công cộng, hệ thống đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn, thang máy chữa cháy, phương tiện cứu nạn cứu hộ, giải pháp kết cấu, giải pháp thoát nạn, giải pháp ngăn khói, ngăn cháy lan.

1.4.17

Họng nước chữa cháy

Tổng hợp các thiết bị chuyên dùng gồm van khóa, vòi, lăng phun được lắp đặt sẵn để triển khai đưa nước đến đám cháy.

1.4.18

Khoang cháy

Một phần của nhà được ngăn cách với các phần khác của nhà bằng các tường ngăn cháy loại 1.

1.4.19

Khoang đệm

Không gian chuyển tiếp giữa hai cửa đi, dùng để bảo vệ tránh sự xâm nhập của khói và của các khí khác khi đi vào nhà, vào buồng thang bộ, hoặc vào các gian phòng khác của nhà.

1.4.20

Khoang đệm ngăn cháy

Khoang đệm có các bộ phận cấu thành có giới hạn chịu lửa đảm bảo yêu cầu quy định (xem 2.4.3).

1.4.21

Khói

Bụi khí hình thành bởi sản phẩm cháy không hoàn toàn của vật liệu dưới dạng lỏng và (hoặc) rắn.

1.4.22

Lớp bê tông bảo vệ, chiều dày lớp bê tông bảo vệ

- Lớp bê tông tính từ biên (mép) cấu kiện đến bề mặt gần nhất của cốt thép.

- Chiều dày lớp bê tông bảo vệ là chiều dày tính từ biên (mép) cấu kiện đến bề mặt gần nhất của cốt thép.

1.4.23

Ngọn lửa

Vùng cháy ở pha khí với bức xạ nhìn thấy được.

1.4.24

Nhà

Công trình xây dựng có chức năng chính là bảo vệ, che chắn cho người hoặc vật chứa bên trong; thông thường được bao che một phần hoặc toàn bộ và được xây dựng ở một vị trí cố định. Nhà bao gồm nhà dân dụng (nhà ở, nhà chung cư, nhà công cộng, nhà hỗn hợp) và nhà công nghiệp.

1.4.25

Nhà chung cư

Nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh (còn gọi là nhà chung cư hỗn hợp).

1.4.26

Nhà hỗn hợp

Nhà có nhiều công năng sử dụng khác nhau (ví dụ: một nhà được thiết kế sử dụng làm văn phòng, dịch vụ thương mại, hoạt động công cộng và có thể có các phòng ở).

CHÚ THÍCH: Nhà hỗn hợp phải áp dụng các quy định về an toàn cháy đối với nhà hỗn hợp khi diện tích sàn xây dựng dùng cho một công năng bất kỳ không vượt quá 70% tổng diện tích sàn xây dựng của nhà (không bao gồm các diện tích sàn dùng cho hệ thống kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy, gian lánh nạn và đỗ xe).

1.4.27

Nhóm nguy hiểm cháy theo công năng

Đặc trưng phân nhóm của nhà (hoặc các phần của nhà) dựa trên đặc điểm sử dụng của chúng và theo các yếu tố có thể đe dọa tới sự an toàn của người trong trường hợp xảy ra cháy, có tính đến các yếu tố tuổi tác, trạng thái thể chất, khả năng có người đang ngủ và tương tự của nhóm người sử dụng theo công năng chính.

1.4.28

Nhóm nguy hiểm cháy của vật liệu xây dựng

Đặc trưng phân nhóm của vật liệu xây dựng, dựa trên các mức khác nhau của thông số kết quả thử nghiệm gây cháy cho vật liệu theo các tiêu chuẩn quy định.

1.4.29

Phòng cháy

Tổ hợp các giải pháp tổ chức và kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn cho con người, ngăn ngừa sự cố cháy, hạn chế lan truyền cháy cũng như tạo ra các điều kiện để dập cháy hiệu quả.

1.4.30

Quy mô khối tích

Khối tích của một không gian trong phạm vi một nhà hoặc khoang cháy. Khối tích này không bao gồm các tường của thang máy được bảo vệ, buồng thang bộ thoát nạn và các không gian khác (ví dụ khu vệ sinh và các buồng để đồ) được bao bọc bằng các tường có giới hạn chịu lửa không thấp hơn 1 giờ, đồng thời các lối đi qua tường được bảo vệ bằng cửa ngăn cháy loại 2 có lắp cơ cấu tự đóng. Quy mô khối tích được tính dựa vào các kích thước sau:

  1. a) Kích thước mặt bằng lấy theo khoảng cách giữa các bề mặt hoàn thiện phía trong của tường bao, hoặc ở tất cả các mặt không có tường bao thì tính đến một mặt phẳng thẳng đứng kéo đến cạnh ngoài trên cùng của sàn.
  2. b) Chiều cao lấy theo khoảng cách từ bề mặt trên của sàn phía dưới đến mặt bề mặt dưới của sàn phía trên của không gian; và
  3. c) Đối với một nhà hoặc khoang cháy kéo lên đến mái thì lấy theo khoảng cách đến bề mặt dưới của mái hoặc bề mặt dưới của trần của tầng cao nhất trong khoang cháy, bao gồm cả không gian bị chiếm chỗ bởi tất cả các tường, hoặc giếng đứng, kênh dẫn không được bảo vệ, hoặc kết cấu cấu nằm trong không gian đang xét.

1.4.31

Sảnh ngăn khói

Sảnh được bố trí ở phía ngoài lối vào một buồng thang bộ thoát nạn. Thiết kế của sảnh này phải đảm bảo ngăn chặn hoặc giảm thiểu sự xâm nhập của khói vào các buồng thang bộ.

1.4.32

Sảnh thang máy

Không gian trống trước cửa ra vào của thang máy.

1.4.33

Số tầng nhà

Số tầng của tòa nhà bao gồm toàn bộ các tầng trên mặt đất (kể cả tầng kỹ thuật, tầng tum) và tầng bán/nửa hầm, không bao gồm tầng áp mái.

CHÚ THÍCH: Tầng tum không tính vào số tầng nhà của công trình khi chỉ có chức năng sử dụng để bao che lồng cầu thang bộ/giếng thang máy và che chắn các thiết bị kỹ thuật của công trình (nếu có), có diện tích mái tum không vượt quá 30 % diện tích sàn mái.

1.4.34

Sự cố cháy (đám cháy)

Sự cháy không được kiểm soát dẫn đến các thiệt hại về người và (hoặc) tài sản.

1.4.35

Sự cháy

Phản ứng ôxy hóa tỏa nhiệt của một chất có kèm theo ít nhất một trong ba yếu tố: ngọn lửa, phát sáng, sinh khói.

1.4.36

Tài liệu chuẩn

Tài liệu đề ra các quy tắc, hướng dẫn hoặc đặc tính đối với những hoạt động hoặc những kết quả của chúng.

CHÚ THÍCH 1: Thuật ngữ “tài liệu chuẩn” là một thuật ngữ chung bao gồm các tài liệu như các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật, quy phạm thực hành và quy chuẩn kỹ thuật.

CHÚ THÍCH 2: “tài liệu” phải được hiểu là phương tiện mang thông tin.

CHÚ THÍCH 3: Những thuật ngữ để chỉ các dạng tài liệu chuẩn khác nhau được xác định căn cứ vào việc xem xét tài liệu và nội dung của nó như là một thực thể nguyên vẹn.

1.4.37

Tải trọng cháy

Tổng năng lượng nhiệt được giải phóng bởi sự cháy của tất cả các vật liệu có thể cháy trong một không gian công trình.

1.4.38

Tầng áp mái

Tầng nằm bên trong không gian của mái dốc mà toàn bộ hoặc một phần mặt đứng của nó được tạo bởi bề mặt mái nghiêng hoặc mái gấp, trong đó tường bao (nếu có) không cao quá mặt sàn 1,5 m.

1.4.39

Tầng hầm

Tầng mà quá một nửa chiều cao của nó nằm dưới cao độ mặt đất đặt công trình theo quy hoạch được duyệt.

CHÚ THÍCH: Khi xem xét các yêu cầu về an toàn cháy đối với nhà có cao độ mặt đất xung quanh khác nhau, không xác định tầng nằm dưới cao độ mặt đất theo quy hoạch được duyệt là tầng hầm nếu đường thoát nạn từ tầng đó không di chuyển theo hướng từ dưới lên trên.

1.4.40

Tầng lánh nạn

Tầng dùng để sơ tán tạm thời, được bố trí trong tòa nhà có chiều cao PCCC lớn hơn 100 m. Tầng lánh nạn có bố trí một hoặc nhiều gian lánh nạn.

1.4.41

Tầng nửa/bán hầm

Tầng mà một nửa chiều cao của nó nằm trên hoặc ngang cao độ mặt đất đặt công trình theo quy hoạch được duyệt.

1.4.42

Tầng kỹ thuật

Tầng hoặc một phần tầng bố trí các gian kỹ thuật hoặc các thiết bị kỹ thuật của tòa nhà. Tầng kỹ thuật có thể là tầng hầm, tầng nửa hầm, tầng áp mái, tầng trên cùng hoặc tầng thuộc phần giữa của tòa nhà.

1.4.43

Tầng trên mặt đất

Tầng mà cao độ sàn của nó cao hơn hoặc bằng cao độ mặt đất đặt công trình theo quy hoạch được duyệt.

1.4.44

Thang máy chữa cháy

Thang máy được lắp đặt chủ yếu để vận chuyển người nhưng được trang bị thêm các hệ thống điều khiển bảo vệ, thông tin liên lạc và các dấu hiệu để cho phép những thang máy đó được sử dụng dưới sự điều khiển trực tiếp của lực lượng chữa cháy đến được các tầng của nhà khi có cháy xảy ra.

1.4.45

Vùng khói

Vùng bên trong một công trình được giới hạn hoặc bao bọc xung quanh bằng các bộ phận ngăn khói hoặc cấu kiện kết cấu để ngăn cản sự lan truyền của lớp khói bốc lên do nhiệt trong các đám cháy.

CHÚ THÍCH: Xem thêm D.7, Phụ lục D.

1.4.46

Xử lý chống cháy cho kết cấu

Dùng biện pháp ngâm tẩm hoặc bọc, phủ các lớp bảo vệ lên kết cấu nhằm làm tăng khả năng chịu lửa và (hoặc) làm giảm tính nguy hiểm cháy của kết cấu đó.

1.5. Các quy định chung

1.5.1. Trong các nhà, khi thiết kế phải có các giải pháp kết cấu, bố trí mặt bằng - không gian và kỹ thuật công trình để đảm bảo khi xảy ra cháy thì:

- Nhà duy trì được tính ổn định tổng thể và tính bất biến hình trong một khoảng thời gian nhất định, được quy định bằng bậc chịu lửa của nhà.

- Mọi người trong nhà (không phụ thuộc vào tuổi tác và tình trạng sức khỏe) có thể sơ tán ra bên ngoài tới khu vực an toàn (sau đây gọi là bên ngoài) trước khi xuất hiện nguy cơ đe dọa tính mạng và sức khoẻ do tác động của các yếu tố nguy hiểm của đám cháy.

- Có khả năng cứu người.

- Lực lượng và phương tiện chữa cháy có thể tiếp cận đám cháy và thực hiện các biện pháp chữa cháy, cứu người và tài sản.

- Không để cháy lan sang các nhà bên cạnh, kể cả trong trường hợp nhà đang cháy bị sập đổ.

- Hạn chế các thiệt hại trực tiếp và gián tiếp về vật chất, bao gồm bản thân ngôi nhà và các tài sản bên trong nhà, có xét tới tương quan kinh tế giữa giá trị thiệt hại và chi phí cho các giải pháp cùng trang thiết bị kỹ thuật phòng cháy chữa cháy.

1.5.2. Trong quá trình xây dựng phải bảo đảm:

- Thực hiện các giải pháp phòng chống cháy theo thiết kế phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành và đã được thẩm duyệt theo quy định.

- Thực hiện các yêu cầu phòng cháy chữa cháy cho các công trình đang xây dựng, các công trình phụ trợ và các quy định phòng cháy chữa cháy trong thi công xây lắp theo pháp luật về phòng cháy chữa cháy hiện hành.

- Trang bị các phương tiện chữa cháy theo quy định và trong trạng thái sẵn sàng hoạt động.

- Khả năng thoát nạn an toàn và cứu người, cũng như bảo vệ tài sản khi xảy ra cháy trong công trình đang xây dựng và trên công trường.

1.5.3. Trong quá trình khai thác sử dụng phải:

- Giữ nguyên cấu trúc, nội thất của nhà và khả năng làm việc của các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy đúng với yêu cầu của thiết kế và các tài liệu kỹ thuật lập cho chúng.

- Thực hiện các quy định về phòng cháy chữa cháy theo pháp luật hiện hành.

- Không được phép thay đổi kết cấu hay các giải pháp bố trí mặt bằng - không gian và kỹ thuật công trình mà không có thiết kế được phê duyệt theo quy định.

- Khi tiến hành sửa chữa, không cho phép sử dụng các cấu kiện và vật liệu không đáp ứng các yêu cầu của các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.

Khi nhà được cấp phép ở điều kiện phải hạn chế về tải trọng cháy, về số người trong nhà hoặc trong bất kỳ phần nào của nhà, thì bên trong nhà phải đặt thông báo về những hạn chế này ở những nơi dễ thấy, còn bộ phận quản lý nhà phải thiết lập các biện pháp tổ chức riêng về phòng cháy chữa cháy và sơ tán người khi xảy ra cháy.

1.5.4. Khi phân tích tính nguy hiểm cháy của nhà, có thể sử dụng các tình huống tính toán dựa trên tương quan giữa các thông số: sự phát triển và lan truyền các yếu tố nguy hiểm của đám cháy, việc sơ tán người và tổ chức chữa cháy.

  1. PHÂN LOẠI KỸ THUẬT VỀ CHÁY

2.1. Quy định chung

2.1.1. Nhà, các phần và các bộ phận của nhà, gian phòng, vật liệu xây dựng, cấu kiện xây dựng, được phân loại kỹ thuật về cháy dựa trên các tính chất sau:

- Tính nguy hiểm cháy: tính chất làm phát sinh và phát triển các yếu tố nguy hiểm cháy.

- Tính chịu lửa: tính chất chống lại các tác động của đám cháy và chống sự lan truyền các yếu tố nguy hiểm của đám cháy.

2.1.2. Việc phân loại kỹ thuật về cháy dùng để thiết lập các yêu cầu cần thiết về bảo vệ chống cháy cho các kết cấu, gian phòng, nhà, các phần và các bộ phận của nhà phụ thuộc vào tính chịu lửa và / hoặc tính nguy hiểm cháy của chúng.

2.2. Vật liệu xây dựng

2.2.1. Về mặt an toàn cháy, vật liệu xây dựng chỉ được đặc trưng bằng tính nguy hiểm cháy.

Tính nguy hiểm cháy của vật liệu xây dựng được xác định theo các đặc tính kỹ thuật về cháy sau: tính cháy, tính bắt cháy, tính lan truyền lửa trên bề mặt, khả năng tạo khói và chất độc.

2.2.2. Theo tính cháy, vật liệu xây dựng được phân thành vật liệu không cháy và vật liệu cháy. Vật liệu xây dựng cháy được phân thành 4 nhóm:

- Ch1 (cháy yếu).

- Ch2 (cháy vừa phải).

- Ch3 (cháy mạnh vừa).

- Ch4 (cháy mạnh).

Tính cháy và các nhóm của vật liệu xây dựng theo tính cháy được xác định theo B.2, Phụ lục B.

Đối với vật liệu xây dựng không cháy thì không quy định về tính nguy hiểm cháy và không xác định các chỉ tiêu khác.

2.2.3. Theo tính bắt cháy, vật liệu xây dựng cháy được phân thành 3 nhóm:

- BC1 (khó bắt cháy).

- BC2 (bắt cháy vừa phải).

- BC3 (dễ bắt cháy).

Nhóm vật liệu xây dựng theo tính bắt cháy được xác định theo B.3, Phụ lục B.

2.2.4. Theo tính lan truyền lửa trên bề mặt, vật liệu xây dựng cháy được phân thành 4 nhóm:

- LT1 (không lan truyền).

- LT2 (lan truyền yếu).

- LT3 (lan truyền vừa phải).

- LT4 (lan truyền mạnh).

Nhóm vật liệu xây dựng theo tính lan truyền lửa trên bề mặt được quy định cho lớp vật liệu bề mặt của mái và sàn, kể cả lớp thảm trải sàn, theo B.4, Phụ lục B.

Đối với các vật liệu xây dựng khác, không xác định và không quy định việc phân nhóm về lan truyền lửa trên bề mặt.

2.2.5 Theo khả năng sinh khói, vật liệu xây dựng cháy được phân thành 3 nhóm:

- SK1 (khả năng sinh khói thấp).

- SK2 (khả năng sinh khói vừa phải).

- SK3 (khả năng sinh khói cao).

Nhóm vật liệu xây dựng theo khả năng sinh khói được xác định theo B.5, Phụ lục B.

2.2.6 Theo độc tính của các sản phẩm cháy, vật liệu xây dựng cháy được phân thành 4 nhóm:

- ĐT1 (độc tính thấp).

- ĐT2 (độc tính vừa phải).

- ĐT3 (độc tính cao).

- ĐT4 (độc tính đặc biệt cao).

Nhóm vật liệu xây dựng theo độc tính của các sản phẩm cháy được xác định theo B.6, Phụ lục B.

2.3 Cấu kiện xây dựng

2.3.1. Cấu kiện xây dựng được đặc trưng bằng tính chịu lửa và tính nguy hiểm cháy.

Tính chịu lửa của một cấu kiện được thể hiện bằng giới hạn chịu lửa của cấu kiện đó. Tính nguy hiểm cháy của một cấu kiện được đặc trưng bằng cấp nguy hiểm cháy của nó.

2.3.2. Giới hạn chịu lửa của cấu kiện xây dựng được xác định bằng khoảng thời gian (tính bằng phút) kể từ khi bắt đầu thử chịu lửa theo chế độ nhiệt tiêu chuẩn cho đến khi xuất hiện một hoặc một số dấu hiệu nối tiếp nhau của các trạng thái giới hạn được quy định đối với cấu kiện đã cho như sau:

- Mất khả năng chịu lực (khả năng chịu lực được ký hiệu bằng chữ R);

- Mất tính toàn vẹn (tính toàn vẹn được ký hiệu bằng chữ E);

- Mất khả năng cách nhiệt (khả năng cách nhiệt được ký hiệu bằng chữ I).

CHÚ THÍCH 1: Giới hạn chịu lửa của cấu kiện xây dựng được xác định bằng thử nghiệm chịu lửa theo các tiêu chuẩn TCVN 9311-1:2012 đến TCVN 9311-8:2012 hoặc các tiêu chuẩn tương đương. Giới hạn chịu lửa của cấu kiện xây dựng có thể xác định bằng tính toán theo tiêu chuẩn thiết kế chịu lửa được áp dụng.

Giới hạn chịu lửa của các ống dẫn khói, không khí xác định theo tiêu chuẩn ISO 6944 hoặc các tiêu chuẩn tương đương.

Giới hạn chịu lửa của các van ngăn cháy của hệ thống thông phân phối không khí xác định theo ISO 10294 hoặc các tiêu chuẩn tương đương.

Giới hạn chịu lửa của cửa đi, cửa sổ và cửa chắn xác định theo TCVN 9383:2012 hoặc các tiêu chuẩn tương đương.

CHÚ THÍCH 2: Giới hạn chịu lửa yêu cầu của các cấu kiện xây dựng cụ thể được quy định trong quy chuẩn này và trong các quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại công trình. Giới hạn chịu lửa yêu cầu của cấu kiện xây dựng được ký hiệu bằng REI, EI, RE hoặc R kèm theo các chỉ số tương ứng về thời gian chịu tác động của lửa tính bằng phút. Ví dụ: Cấu kiện có giới hạn chịu lửa yêu cầu là REI 120 nghĩa là cấu kiện phải duy trì được đồng thời cả ba khả năng: chịu lực, toàn vẹn và cách nhiệt trong khoảng thời gian chịu tác động của lửa là 120 phút; Cấu kiện có giới hạn chịu lửa yêu cầu là R 60, thì cấu kiện chỉ phải duy trì khả năng chịu lực trong thời gian 60 phút, không yêu cầu về khả năng cách nhiệt và tính toàn vẹn.

CHÚ THÍCH 3: Một cấu kiện xây dựng được cho là bảo đảm yêu cầu về khả năng chịu lửa (giới hạn chịu lửa) nếu thỏa mãn một trong các điều kiện sau:

  1. a) Cấu kiện có cấu tạo với đặc điểm kỹ thuật giống như mẫu thửnghiệm chịu lửa và mẫu này khi thửnghiệm có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn giới hạn chịu lửa yêu cầu của cấu kiện đó.
  2. b) Giới hạn chịu lửa của cấu kiện được xác định bằng tính toán theo tiêu chuẩn thiết kế chịu lửa áp dụng không nhỏ hơn giới hạn chịu lửa yêu cầu của cấu kiện đó.
  3. c) Cấu kiện có cấu tạo với đặc điểm kỹ thuật phù hợp với cấu kiện nêu trong Phụ lục F mà giới hạn chịu lửa danh định tương ứng cho trong phụ lục này không nhỏ hơn giới hạn chịu lửa yêu cầu của cấu kiện đó.

2.3.3 Theo tính nguy hiểm cháy, cấu kiện xây dựng được phân thành 4 cấp:

- K0 (không nguy hiểm cháy).

- K1 (ít nguy hiểm cháy).

- K2 (nguy hiểm cháy vừa phải).

- K3 (nguy hiểm cháy).

CHÚ THÍCH 1: Cấp nguy hiểm cháy của cấu kiện xây dựng được xác định bằng thử nghiệm theo tiêu chuẩn Quốc gia hiện hành hoặc tương đương.

CHÚ THÍCH 2: Cho phép xác định cấp nguy hiểm cháy của cấu kiện mà không cần thử nghiệm như sau:

  1. a)Xếp vào cấp K0, nếu cấu kiện được chế tạo chỉ từ vật liệu không cháy.
  2. b)Xếp vào cấp K1, nếu bề mặt ngoài của cấu kiện được cấu tạo từ vật liệu có đồng thời các chỉ tiêu kỹ thuật về cháy không nguy hiểm hơn Ch1, BC1, SK1.
  3. c)Xếp vào cấp K2, nếu bề mặt ngoài của cấu kiện được cấu tạo từ vật liệu có đồng thời các chỉ tiêu kỹ thuật về cháy không nguy hiểm hơn Ch2, BC2, SK2.
  4. d)Xếp vào cấp K3, nếu bề mặt ngoài của cấu kiện được cấu tạo chỉ từ các vật liệu có một trong các chỉ tiêu kỹ thuật về cháy là Ch3, BC3, SK3.

2.4 Bộ phận ngăn cháy

2.4.1 Bộ phận ngăn cháy được dùng để ngăn cản đám cháy và các sản phẩm cháy lan truyền từ một khoang cháy hoặc từ một gian phòng có đám cháy tới các gian phòng khác.

Bộ phận ngăn cháy bao gồm tường ngăn cháy, vách ngăn cháy và sàn ngăn cháy.

2.4.2. Bộ phận ngăn cháy được đặc trưng bằng tính chịu lửa và tính nguy hiểm cháy.

Tính chịu lửa của một bộ phận ngăn cháy được xác định bằng tính chịu lửa của các bộ phận cấu thành ra nó, bao gồm:

- Phần ngăn cách (tấm vách, tấm tường, tấm sàn và các bộ phận tương tự);

- Cấu kiện giữ ổn định cho phần ngăn cách (khung, giằng và các cấu kiện tương tự);

- Cấu kiện đỡ phần ngăn cách (dầm đỡ, sườn đỡ, tường đỡ và các bộ phận tương tự);

- Các nút liên kết giữa chúng.

Giới hạn chịu lửa theo trạng thái mất khả năng chịu lực (R) của cấu kiện giữ ổn định cho phần ngăn cách, của cấu kiện đỡ phần ngăn cách và của các nút liên kết giữa chúng phải không được thấp hơn giới hạn chịu lửa yêu cầu đối với phần ngăn cách.

Tính nguy hiểm cháy của bộ phận ngăn cháy được xác định bằng tính nguy hiểm cháy của phần ngăn cách cùng với các chi tiết liên kết và của các cấu kiện giữ ổn định cho phần ngăn cách.

................................................

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Đất đai được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Đánh giá bài viết
1 992
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo