Thông tư 01/2017/TT-TANDTC quy định về phòng xử án

Thông tư 01/2017/TT-TANDTC - Quy định về phòng xử án

Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư 01/2017/TT-TANDTC quy định về phòng xử án. Theo đó, người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng tại phiên tòa được ngồi cạnh người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2017/TT-TANDTC

Hà Nội, ngày 28 tháng 7 năm 2017

THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG XỬ ÁN

Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao;

Chánh án Tòa án nhân dân ti cao ban hành Thông tư quy định về phòng xử án,

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về việc sắp xếp vị trí của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp trong quá trình Tòa án xét xử vụ án hình sự, hành chính; xét xử và giải quyết vụ việc dân sự, phá sản; xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính và một số quy định khác về phòng xử án.

Điều 2. Phòng xử án

1. Phòng xử án là không gian tổ chức xét xử vụ án hình sự, hành chính; xét xử, giải quyết vụ việc dân sự, phá sản và xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án.

2. Phòng xử án bao gồm phòng xử án giám đốc thẩm, tái thẩm; phòng xử án sơ thẩm, phúc thẩm.

3. Phòng xử án sơ thẩm, phúc thẩm bao gồm:

a) Phòng xử án hình sự;

b) Phòng xử án hành chính, dân sự, giải quyết việc dân sự, phá sản và xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

c) Phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.

Điều 3. Nguyên tắc bố trí phòng xử án

1. Phòng xử án phải được bố trí trang nghiêm, bảo đảm an ninh, trật tự phiên tòa.

2. Việc bố trí phòng xử án phải thể hiện vị trí, vai trò trung tâm của Hội đồng xét xử; bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án; bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

3. Việc bố trí phòng xử án phải phù hợp với yêu cầu xét xử từng loại vụ án, vụ việc nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả xét xử của Tòa án.

4. Đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên, phòng xử án phải được bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi.

Điều 4. Hình thức phòng xử án

1. Phòng xử án phải được bố trí Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên nền ốp gỗ ở chính giữa, phía sau và ở trên vị trí của Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự, phá sản, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, chủ trì phiên họp.

2. Phòng xử án được bố trí hai bục, trừ phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên. Vị trí của Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự, phá sản, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, chủ trì phiên họp ở trên bục cao nhất; bục thứ hai là vị trí của những người tiến hành tố tụng khác, người tham gia tố tụng và người tham dự phiên tòa, phiên họp.

3. Phòng xử án phải bảo đảm không gian để tiến hành phiên tòa, phiên họp và hàng rào ngăn cách giữa khu vực của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng với khu vực của người tham dự phiên tòa, phiên họp; phải bố trí lối đi riêng của Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự, phá sản, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, chủ trì phiên họp; lối đi của những người tiến hành tố tụng khác, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp; tường trong phòng xử án có nền màu vàng.

4. Sơ đồ vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp trong phòng xử án được thực hiện theo Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Trường hợp xét xử lưu động thì phòng xử án phải bố trí Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên phông nền màu xanh ở chính giữa, phía sau và ở trên vị trí của Hội đồng xét xử. Bàn của những người tiến hành tố tụng được phủ khăn có màu giống với màu phông nền.

Điều 5. Trang thiết bị trong phòng xử án

1. Phòng xử án phải có Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bục vị trí của Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự, phá sản, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, chủ trì phiên họp; bàn, ghế, bục khai báo, hàng rào ngăn cách, bảng nội quy phòng xử án, biển ghi chức danh của những người tiến hành tố tụng, biển ghi tư cách của người tham gia tố tụng, hệ thống chiếu sáng, quạt điện và hệ thống âm thanh.

Căn cứ vào điều kiện cụ thể của mỗi Tòa án mà phòng xử án có thể được trang bị thêm thiết bị ghi âm, ghi hình, màn hình ti vi, máy tính, mạng internet, mạng truyền hình trực tuyến và các trang thiết bị khác phục vụ cho công tác xét xử.

2. Bàn, ghế, nền ốp gỗ để bố trí Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bục khai báo, hàng rào ngăn cách trong phòng xử án bảo đảm các tiêu chuẩn sau:

a) Màu sắc: màu nâu;

b) Chất liệu: bằng gỗ tự nhiên hoặc gỗ công nghiệp.

3. Bảng nội quy phòng xử án có nền màu xanh, chữ màu trắng được treo bên ngoài cửa chính của phòng xử án; biển ghi chức danh những người tiến hành tố tụng có nền màu đỏ, chữ màu vàng; biển ghi tư cách tham gia tố tụng của những người khác có nền màu xanh, chữ màu trắng.

4. Kích thước của Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nền ốp gỗ để bố trí Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bục vị trí của Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự, phá sản, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, chủ trì phiên họp; bàn, ghế, bục khai báo, hàng rào ngăn cách, bảng nội quy phòng xử án, biển ghi chức danh của những người tiến hành tố tụng, biển ghi tư cách của người tham gia tố tụng thực hiện theo Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 6. Phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên

1. Vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp trong phòng xử án được bố trí trên cùng một mặt phẳng, sắp xếp theo hình thức bàn tròn; tường trong phòng xử án có màu xanh.

Người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng tại phiên tòa được ngồi cạnh người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

2. Bàn, ghế trong phòng xửán được thiết kế theo kiểu dáng bàn, ghế văn phòng.

3. Ngoài các quy định tại điều này, phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên phải bảo đảm quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư này.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Chánh án Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Kinh phí để bố trí các phòng xử án được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.

3. Cục Kế hoạch - Tài chính Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm:

a) Giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong việc bảo đảm kinh phí, hướng dẫn sử dụng kinh phí trong việc thực hiện tổ chức phòng xử án;

b) Thống nhất các quy chuẩn hình thức và trang thiết bị phòng xử án của các Tòa án, lập Đềán trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định phê duyệt quy chuẩn hình thức và trang thiết bị phòng xử án của các Tòa án.

4. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc đề xuất, kiến nghị thì phản ánh cho Tòaán nhân dân tối cao (qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để có hướng dẫn kịp thời.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

Thuộc tính văn bản: Thông tư 01/2017/TT-TANDTC

Số hiệu: 01/2017/TT-TANDTC

Loại văn bản: Thông tư

Lĩnh vực, ngành: Thủ tục Tố tụng

Nơi ban hành: Tòa án nhân dân tối cao

Người ký: Nguyễn Hòa Bình

Ngày ban hành: 28/07/2017

Ngày hiệu lực: 01/01/2018

Đánh giá bài viết
1 262
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo